Ngày đăng : 13/02/2015

In lại phiên bản 'Đôi lứa xứng đôi' 1941: 'Chí Phèo' có 'câu khách' hơn?


Nối tiếp bộ Việt Nam danh tác, công ty Nhã Nam in lại tập truyện ngắn đầu tiên của nhà văn Nam Cao năm 1941, trong đó tên truyện ngắn kiệt tác Chí Phèo vẫn được giữ là Đôi lứa xứng đôi theo cách đặt của nhà văn Lê Văn Trương.

Tập truyện Đôi lứa xứng đôi được Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 1/2015, dựa trên tập truyện ngắn có tên là Đôi lứa xứng đôi, do NXB Đời mới (Hà Nội) in năm 1941.

Ngoài Đôi lứa xứng đôi, sách còn các truyện khác gồm Nguyện vọng, Hai khối óc, Ma đưa…

In lại bản in cổ quý hiếm từ năm 1941

Lâu nay, độc giả biết đến truyện ngắn kiệt tác của Nam Cao với tên gọi Chí Phèo. Hàng loạt bản in gần đây của NXB Kim Đồng, NXB Văn học, NXB Văn hóa Thông tin… đều dùng tên Chí Phèo. Nhà văn Nam Cao qua đời năm 1951, đến nay là 64 năm, đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng có quyền nhân thân vĩnh viễn với tác phẩm.


Tập truyện “Đôi lứa xứng đôi” (Nhã Nam, 2015) có bìa là bức tranh Chí Phèo – Thị Nở của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Mi Ly.

Trong bản in 2015, Nhã Nam in kèm ảnh chụp bản in 1941 ở phần cuối sách, trong đó có “Đề tựa” do nhà văn Lê Văn Trương viết vào ngày 22/10/1941. Lê Văn Trương là người đổi tên tác phẩm từ Cái lò gạch cũ (tên gốc do Nam Cao đặt) sang Đôi lứa xứng đôi, “có lẽ là nhằm gây chú ý cho công chúng đương thời” (theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân).

Còn theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, năm 1941 có thể coi là lần duy nhất truyện ngắn kiệt tác này được in với tên Đôi lứa xứng đôi, cho đến khi Nhã Nam in lại vào năm nay. Bản in năm 1941 được coi là đầu sách hiếm và quý đối với giới sưu tầm sách cổ.

“Đôi lứa xứng đôi” có hợp lý?

Hôm 6/2, một độc giả nêu ý kiến về bản in mới nhất của Nhã Nam: “Tại sao NXB và công ty sách lại sử dụng tiêu đề Đôi lứa xứng đôi vốn bị cho là “câu khách” như vậy? Cách làm này có hợp lý hay không?”. Trò chuyện qua mạng, một số độc giả khác cũng có chung thắc mắc này.

Câu trả lời từ Nhã Nam là gì? “Chúng tôi không đặt vấn đề tiêu đề nào phù hợp hơn, bởi điều đó phụ thuộc vào sở thích cá nhân và thời điểm cụ thể” – ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc công ty Nhã Nam, nói với Thể thao & Văn hóa. “Nhã Nam đặt tiêu chí rất rõ ràng và có căn cứ với bộ sách và riêng cuốn sách này. Chúng tôi in lại bản in cũ chứ không can thiệp vào bản thảo”.

Ảnh chụp từ bản in Đôi lứa xứng đôi 1941 được in trong sách mới. Ảnh: Mi Ly.

Về vấn đề này, chị Nguyễn Thúy Loan, biên tập viên NXB Kim Đồng (nơi in Chí Phèo vào tháng 8/2014) nói: “Từ góc độ người biên tập, tôi thấy tên Chí Phèo nhấn mạnh về số phận nhân vật chính và phản ánh nội tâm xã hội thời kì đó. Còn tiêu đề Đôi lứa xứng đôi dường như không trực tiếp đề cập nhiều tới nhân vật Chí Phèo mà nghiêng về mối tình éo le giữa Chí Phèo và Thị Nở, hai nhân vật bất hạnh gặp nhau, mang hạnh phúc cho nhau”.

“Tôi cho rằng Chí Phèo là tiêu đề nổi bật và thích hợp nhất với tác phẩm. Chính nhà văn Nam Cao đã chọn đặt tên này khi truyện ngắn được in trong tập Luống cày, xuất bản năm 1946”.

Nhưng với việc Nhã Nam in Đôi lứa xứng đôi, biên tập viên Thúy Loan cho là cách làm không sai. “Tôi nghĩ, có lẽ NXB muốn giúp bạn đọc hôm nay không lãng quên một tên gọi khác cũng đã từng gắn với tác phẩm ở thời kỳ đầu. Đây là ý tưởng hay, đặc biệt khi nhiều bạn đọc hiện nay đều đã quá quen thậm chí chỉ biết tới tên truyện là Chí Phèo”.

Biên tập viên này nhận định bản in Đôi lứa xứng đôi 2015 không vi phạm quyền nhân thân vì tác phẩm đã được giới thiệu như vậy trong lần in đầu tiên năm 1941, khi tác giả còn sống.

Anh Hoàng Minh, một nhà sưu tầm sách cổ, nhận xét: “Tiêu chí bộ Việt Nam danh tác là tái bản nguyên gốc bản in đầu tiên. Bản in 1941 xuất bản lúc Nam Cao còn sống, tức là hoàn toàn hợp lệ”.

“Giả sử nhà văn chọn bản in nào đó là bản duy nhất đúng ý ông, thì các NXB vẫn có quyền in lại các phiên bản khác nhau để tham khảo, nghiên cứu” – nhà sưu tầm nhận định. “Việc tồn tại các phiên bản khác nhau là điều cần thiết với học thuật, nhất là văn bản đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng với giới nghiên cứu”.

Mi Ly
Nguồn: Thể thao & Văn hóa