Ngày đăng : 02/02/2015

Nhà văn Sơn Nam: Tiên báo về thảm họa biến đổi khí hậu ở miền Tây


Nhà nghiên cứu Pascal Bourdeaux (đại diện Viện Viễn Đông bác cổ tại TP.HCM) vừa có buổi hội thảo “Sơn Nam hay tính đối ngẫu của một tác phẩm” tại TP. HCM. Tuy ở quy mô nhỏ, nhưng hội thảo đã hé lộ nhiều ý hướng nghiên cứu táo bạo, mới mẻ, mà rõ nhất là mối quan hệ giữa tác phẩm của Sơn Nam với vấn đề biến đổi khí hậu tại ĐBSCL ngày nay.

Qua tác phẩm, tính đối ngẫu của Sơn Nam có thể ở các cặp phạm trù song hành như: sáng tác/biên khảo, thực tế/hư cấu, bác học/bình dân, tính thi ca/tính dân tộc học... “Dù ở bất kì khía cạnh nào thì Sơn Nam vẫn chỉ có một niềm đau đáu, đó quê hương Nam bộ của ông, nơi mà ông gọi là nền văn minh sông nước. Tôi không có chút thẩm quyền nào để nói về tác phẩm Sơn Nam từ góc độ văn chương, nhưng từ góc độ lịch sử, văn hóa và các hệ lụy từ biến đổi khí hậu thì tác phẩm Sơn Nam là một gợi ý để thông hiểu” - Pascal Bourdeaux nói.

Từng ngạc nhiên vì vốn tiếng Pháp của Sơn Nam

Pascal Bourdeaux (sinh năm 1972), sau khi lấy bằng cử nhân về ngôn ngữ và văn minh Việt Nam tại Pháp, đã lăn lộn ở Nam bộ nhiều năm để làm luận án tiến sĩ (ngành lịch sử). Đây cũng là giai đoạn mà anh nhiều lần cà phê thuốc lá với Sơn Nam để đặt rất nhiều câu hỏi, từ chuyện văn bản, sách vở cho tới văn hóa, tập tính, tâm lý của dân Nam bộ.


Nhà văn Sơn Nam

“Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, Sơn Nam nói thứ tiếng Pháp của thập niên 1930-1940, tuy cũ về cách thức, nhưng hoàn toàn chính xác. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Sơn Nam kể bao năm rồi chỉ đọc sách tiếng Pháp chứ ít khi nói, nên việc giữ được ngữ âm chuẩn như vậy là rất khó”, Pascal kể.

Sau vài năm giảng dạy lịch sử và văn minh Đông Nam Á tại Paris, Pascal trở lại TP.HCM làm đại diện Viện Viễn Đông bác cổ, với một dự án dài hơi, dành tâm sức để nghiên cứu về biến đổi khí hậu và những tác động của nó lên văn hóa, xã hội, lịch sử tại ĐBSCL.

“Chính lúc này tôi đã nhớ lại những gì mình đã đọc của Sơn Nam thời tuổi trẻ ở Pháp, rồi những cuộc trao đổi với ông tại Gò Vấp, với nhiều gợi ý sâu sát và tuyệt vời. Về tiểu sử, Sơn Nam cũng có tính đối ngẫu, trong tác phẩm và trong lời nói khác nhau, tác phẩm thì dung dị, nhưng lời nói thì quyết liệt, sâu sắc, không ngại va chạm”, Pascal kể.


Pascal Bourdeaux diễn thuyết về Sơn Nam

Và hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu

Không chỉ tìm hiểu về sức tác động mang tính nền tảng từ tác phẩm của Sơn Nam đến việc nghiên cứu biến đổi khí hậu, Pascal Bourdeaux còn muốn biết Sơn Nam đã trở thành chứng nhân của văn minh sông nước, thành nhà Nam bộ học, thành “ông già Nam bộ” như thế nào? Trả lời được điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể tìm được sự kế thừa, bởi vấn đề của ĐBSCL không thể dừng lại ở một cá nhân hay tổ chức nào đó. Đây là vấn đề của cả vùng đất, quốc gia và khu vực.

Tại buổi hội thảo, Pascal kể rằng cũng từ Sơn Nam mà ông tìm đọc Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển cùng nhiều người khác, rồi Nguyễn Ngọc Tư và đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh về sau này. Chính Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã làm phim Mùa len trâu từ truyện của Sơn Nam và Nước 2030 từ truyện Nguyễn Ngọc Tư. Nhìn cảnh mênh mông trong Nước 2030 có thể nói là một tiên liệu đầy xót xa và lo lắng về ĐBSCL trong tương lai gần.

“Nhìn một cách tách bạch thì họ không liên quan gì đến việc biến đổi khí hậu, nhưng bằng tác phẩm gián tiếp của mình, họ đã trực tiếp gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người”, Pascal kết luận.

Văn Bảy
Nguồn: Thể thao & Văn hóa