Ngày đăng : 27/01/2015

Tính tiểu thuyết của internet


Patrick Modiano, nhà văn Pháp đoạt giải Nobel 2014 ở tuổi 69 luôn được xem là người kiệm lời và hiếm khi phát biểu trước công chúng. Sau bài diễn văn nhận giải tại Stockholm (Thụy Điển) tháng 12.2014, nhà văn của nghệ thuật ký ức, tác giả của Quảng trường ngôi sao (1968), Những đại lộ ngoại vi (1972), Phố những cửa hiệu u tối (1978), Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (2007) đã giãi bày với độc giả.

- Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, ông đã thể hiện một tinh thần lạc quan về tương lai của văn học như thể niềm tin mãnh liệt của ông vào tuổi trẻ không hề đổi thay.

- Đúng vậy. Tôi thuộc thế hệ ở giữa. Thời thơ ấu của chúng tôi không khác nhiều so với thế hệ những năm 1930. Hồi tám tuổi, chúng tôi không có tivi và trên đài chỉ phát chương trình duy nhất cho thiếu nhi vào thứ năm. Khi đó chúng tôi bị mê hoặc bởi những cabin điện thoại trên phố, mùi của các gara xe hơi, mùi của xe hơi khi ngồi trong đó… Nhưng với tụi trẻ bây giờ, mọi vật không còn hấp dẫn và dễ giúp chúng mơ tưởng như trước nữa. Hồi chúng tôi còn nhỏ, đồ đạc ít hơn nên chúng quan trọng hơn bây giờ. Nhưng tôi tin một người giàu trí tưởng tượng vẫn có thể phát triển khả năng ấy với điện thoại di động, với các công nghệ mới, dù người ta thường có xu hướng tin rằng những thứ này giết chết trí tưởng tượng. Quan trọng là lúc nào con người cũng phải tập trung. Các bạn trẻ ngày nay thường ngồi hàng giờ trước tivi và chuyển hết kênh này đến kênh khác. Nhưng chắc chắn vẫn có những người bị mê hoặc và chăm chú vào những vật dụng của xã hội ngày nay. Ngay cả từ góc nhìn tiểu thuyết thì internet cũng có thể tạo ra một thế giới lạ lùng.

Viết văn cho đến lúc này vẫn là một công việc khá cô đơn, nó đòi hỏi phải tập trung liên tục, và điều này không dễ trong thời đại ngày nay. Nhưng song song với nó cũng có nhiều câu chuyện thú vị. Ví dụ khi đi trên phố, đôi lúc tôi vẫn có được cảm giác thời niên thiếu, và ở một số khu phố mới hơn của Paris, như khu vực gần thư viện Francois Mitterand hay phía bên kia sông Seine, ở Bercy tôi lại có cảm giác hoàn toàn mới. Tôi tự nhủ rằng có chất liệu lãng mạn dường như mạnh mẽ y hệt điều đã gây ấn tượng cho tôi khi tôi còn niên thiếu, và tôi tin rằng những người trẻ hăm lăm tuổi có thể tìm thấy ở đó một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Bởi thế nên tôi lạc quan.

- Trong bài phát biểu ông cũng đã chia sẻ những khó khăn khi viết. Tại sao các trang đầu tiên của một cuốn sách lại đặc biệt khó khăn đến vậy?

-  Những kiểu ý nghĩ mơ màng lúc đầu bao giờ với tôi cũng dễ làm nhất và dễ chịu nhất. Nhưng khi phải cụ thể hóa những ý nghĩ ấy mới thực sự là vấn đề. Đến khi bắt tay vào viết, ta không chắc mình có đi đúng hướng hay không. Ta cứ cặm cụi viết trong vòng ít nhất một tháng, đương nhiên có những lúc nản lòng. Nhưng rồi ta hiểu được chỉ cần một chút thay đổi, xóa bớt vài dòng là mọi chuyện lại đâu vào đấy. Mọi thứ có vẻ không rõ ràng, nhưng chỉ cần lược bỏ vài ba từ là xong. Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất. Một khi viết xong, ta lại cho rằng mình chưa phát triển một cách đầy đủ, có cảm giác viết dàn trải nhiều phân đoạn riêng lẻ trong khi đáng ra ta chỉ nên tập trung phát triển một ý mà thôi. Không hài lòng là cảm giác thường trực.

- Sau khi hoàn thành một tác phẩm, ông thường ngừng viết một thời gian hay ông vẫn đến bên bàn làm việc, cho dù có chuyện gì xảy ra hay không?

- Giữa hai cuốn sách tôi ngừng viết. Phải nghỉ một thời gian để điều gì đó lại xuất hiện, điều mà ta đã viết trong những trang sách trước đó nhưng ta lại quên mất, và ta lại cầm bút cố gắng phát triển nó thêm.

- Có khi nào ông từng bỏ đi những bản thảo hay đoạn mở đầu?

- Không. Có thể bản thân tôi là một người có chút lười biếng nên tôi không muốn dừng lại bao giờ. Ngay cả khi có gì đó không ổn tôi vẫn muốn tiếp tục, bởi nếu dừng viết là hỏng luôn. Có nhiều người đủ mạnh mẽ để từ bỏ tất cả và viết lại một cái mới hoàn toàn. Cũng có nhà văn khai thác lại đề tài từng viết trước đó. Với tôi là một nỗ lực phi thường khi bắt tay làm lại đầu lại từ đầu thay vì ngồi sửa lại những gì đã viết, khi tiến hành tiểu phẫu thay vì tiến hành từng bước một. Có những nhà văn viết lại đề tài khác, họ luôn khiến tôi ấn tượng bởi nếu là tôi, tôi sẽ có cảm giác bị mất phương hướng. Tôi thích tiếp tục đề tài dang dở hơn, cho dù việc này nghe có vẻ phi lý.

- Ông làm gì với những bản thảo viết tay?

- Tôi cất chúng trong va li. Đây là một việc kỳ quặc. Phần lớn nhà văn ở tuổi tôi làm việc trên máy tính. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn những đoạn đã sửa để biết đâu là điểm yếu của mình. Tôi luôn có nhu cầu dùng bút chỉnh sửa. Và vì nó tốn khá nhiều thời gian nên nguy cơ nản lòng là có thật: khi bạn có một ý tưởng cần vài ngày để viết và thế là bạn bị mất đà. Thỉnh thoảng dùng máy móc giúp việc sửa bản thảo trở nên dễ dàng hơn. Tôi biết điều đó, nhưng tôi lại cần sự chậm rãi này. Nếu nhanh quá, tôi không còn chất liệu.

- Có khi nào ông xé bỏ những trang viết đã kín?

- Không, như tôi đã nói. Có thể là tôi không đủ can đảm, nhưng xé bỏ một trang vừa viết có nghĩa là tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi muốn tìm ra một cách thức xử lý khác, dù chỉ giữ lại một câu duy nhất, để có cảm giác luôn tiếp tục và không bỏ cuộc. Phải quyết tâm lắm đấy. Phẩm chất này xuất phát từ một điểm yếu của tôi. Có thể một số người vứt bỏ đi đến mười lăm trang giấy để viết lại từ đầu. Nhưng với tôi viết là một công việc hoàn thành, giống như giữ lại sợi chỉ xuyên suốt ngay cả khi phải bỏ đi đến 3/4 trang. Giữ lại ít ra cho mình một điểm tựa.

- Hồi còn trẻ ông đã nghĩ cuộc sống của mình sẽ vất vả thế này chứ?

- Không hề. Tôi viết cuốn sách đầu tiên khoảng 100 trang và khi đọc lại sau một thời gian không sờ đến nó, tôi khá lạnh lùng. Như tôi đã nói, thay vì bỏ đi, tôi cố tìm cách cứu nó, tôi thấy việc này hoàn toàn có thể nếu tôi lược bớt. Khi bắt tay viết, chúng ta không biết mình sẽ đi đâu. Cho đến khi đọc được một đoạn của nhà văn Hemingway khiến tôi ngạc nhiên, ông nói rằng khi viết một cuốn sách ông thường bỏ hẳn đi đoạn đầu. Thế là tôi tự nhủ rằng nếu áp dụng nguyên tắc này thì về mặt cơ bản đó chính là việc lược bớt đi. Tôi buộc phải đọc lại những cuốn sách đầu tiên khi nó được nhà xuất bản Folio phát hành. Tôi hết sức ngạc nhiên, vì không biết phải lấy hơi ở đâu nữa, chữ nghĩa dày đặc chả có khoảng trống gì. Thật may đó là những cuốn ngắn thôi. Khi còn trẻ thì đây là một việc làm mâu thuẫn. Chỉ có một số nhà thơ có tài năng thiên bẩm trước tuổi. Còn trong văn vần hay tiểu thuyết, việc này phức tạp hơn.

Khi còn rất trẻ, chúng ta phải tập trung thật nhiều, buộc phải cứng rắn, gồng mình lên. Tôi viết câu nọ sát câu kia. Một hôm, khi gặp nhân viên chuyển nhà, tôi không tài nào hiểu nổi tại sao những con người này lại mang được những món đồ nặng ngoài sức con người, anh ta giải thích rằng con người hoàn toàn có thể mang được những đồ rất nặng ở một tư thế nhất định và khi có một điểm cân bằng. Việc các bạn cầm bút viết khi còn trẻ giống như việc bạn phải gồng mình lên cố gắng, trong khi việc này có thể linh hoạt hơn. Nó cho ra đời những cuốn sách khiến ngạt thở, giống như xếp đồ vật chất chồng lên nhau.

- Phả hệ (2005) là cuốn tự truyện duy nhất với nhiều mốc ngày tháng. Ông bắt đầu viết nhật ký từ năm bao nhiêu tuổi?

- Tôi không có nhật ký. Tôi chỉ cố gắng tạo dựng lại thôi. Vì có một tuổi thơ khá bí ẩn nên tôi luôn quan tâm đến ngày tháng, đó là cách duy nhất để nhớ. Dễ nhớ nhất là nghĩ đến lớp học vì nó cho mình dấu thời gian. Từ 18 - 20 tuổi, ta thường có sổ tay ghi lại các cuộc hẹn hò. Hồi hai mươi tuổi tôi được người ta tặng một cuốn sổ lịch. Tôi ghi lại trong đó những việc ấn tượng xảy ra với mình. Ví dụ việc cha tôi mang tôi đến sở cảnh sát tôi cũng ghi lại ngày. Tôi ghi lại vì nghĩ rằng sau này tôi có thể sử dụng. Giai đoạn sở cảnh sát, những việc xảy ra với tôi lạ lùng lắm, tôi như bị nhị hóa nhân cách. Có lúc ông cảnh sát còn nhận xét và dọa nhốt lại nếu tôi tiếp tục làm những điều ngu xuẩn. Tôi gần như muốn chuyện này xảy ra, vì tò mò xem nó thế nào, muốn được là khán giả duy nhất của ông ta. Tôi bắt đầu viết như thế đấy. Rơi vào những tình huống vừa liên quan vừa chẳng dính dáng gì đến mình. Vừa sợ vừa muốn. Tôi từng có cảm giác này những khi đi dạo lúc còn nhỏ.

- Ông nổi tiếng là một người hay đùa, đúng không?

- Không đâu. Hồi trẻ nếu cảm thấy không thoải mái với người lớn chúng ta thường muốn trêu đùa họ. Tôi cũng vài lần đùa như thế. Thỉnh thoảng tôi viết bịa những lời đề tặng lên sách và đem bán chúng cho các hiệu sách cũ. Nhưng đó không phải đùa, mà là một kiểu ăn gian. Tôi từng đọc lại được những lời đề tặng giả mạo tôi đã viết trước đây ở một hiệu sách gần đây thôi và không dám thú nhận với ông chủ. Thông thường đó là những cuốn sách kinh điển thời Anatole France hay Henry deMontherlant. Thỉnh thoảng tôi có thói quen viết tặng những lời không có thực, kiểu như Simone de Bauvoir viết cho Luis Mariano. Tôi ít khi đùa, nếu có đùa là vì tôi thích những sự pha trộn kỳ lạ để tạo cơ hội cho chính mình được gặp gỡ những người nổi tiếng trong thế giới xa lạ.

- Việc được trao giải Nobel văn học có giúp ông tìm lại những người quen biết xưa kia, như ông từng mong muốn trong cuốn tiểu thuyết mới nhất Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (2014, Để em không lạc lối trong khu phố)?

- Một số người tôi hoàn toàn mất liên lạc đã liên hệ với tôi. Thực ra có những người có thể mang lại cho tôi thông tin về những việc tôi không nhớ, nhưng khi đã lớn tuổi, việc này khó lắm. Có người hơn tôi đến 15 - 20 tuổi. Tôi mong gặp lại họ, mong rằng ai đó có thể giúp tôi nhớ lại một vài chi tiết nào đó, nhưng việc này hiếm khi xảy ra.

Chúng ta nhận thấy chúng ta già đi vì thời gian trôi quá nhanh. Trong hoàn cảnh này, người ta hướng sự quan tâm đến bạn, nhưng những người biết bạn khi bạn còn trẻ, với khoảng cách thời gian quá lớn, đến 40 - 50 năm, thì mối liên hệ cũng không còn. Hồi trẻ hơn, trong sách của mình tôi đưa ra các ký hiệu moócxơ để những người từng cưu mang tôi hoặc một số bạn bè của bố mẹ có thể nhận ra. Bằng cách tìm kiếm trên internet tôi nhận ra rằng ngay cả những công nghệ hoàn hảo vẫn có vấn đề hoặc bị chặn. Ít ra, đó là điều mà tôi tưởng tượng ra thế. Tôi nhận ra rằng tôi muốn được biết nhưng không phải lúc nào cũng biết hết được. Tuy nhiên, nếu khéo léo sắp xếp hai cái tên cùng nhau, tôi tin có cách giúp ta biết được. Có thể đó chính là yếu tố mang tính tiểu thuyết mà internet mang lại.

Khánh Vân - Theo Libération
Nguồn: NĐB