Ngày đăng : 06/07/2015

Văn học trị liệu


Khi chiến tranh qua đi, văn học, từ thơ ca đến hồi ký, đã góp phần rất lớn, giúp chúng ta thấu hiểu bản chất của các cuộc chiến tranh, nhất là với những người không trực tiếp chứng kiến, không sống ở thời gian nó diễn ra.

Năm 2014 là tròn 100 năm Thế chiến I, các nhà thơ, nhà văn lớn như Wilfred Owen, Siegfried Sassoon, Rupert Brooke… đều đã đưa chủ đề về đại chiến này vào tác phẩm của mình, góp phần định hình những kiến thức, ký ức của chúng ta về Thế chiến I nói riêng và chiến tranh nói chung. Có thể thấy rõ trong trong các tác phẩm của nhà thơ Nam Phi Nadine Gordimer (mất năm 2014) và nhà thơ Ireland Seamus Heaney (mất năm 2013), cả hai người đều giành giải Nobel, đều quan tâm đi tìm bản chất của cuộc xung đột chính trị tại quê hương (Bắc Ireland, Nam Phi), cũng như những khó khăn trong việc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột đó.

Bản chất của các cuộc xung đột rất khác nhau, vì nhiều lý do. Các cuộc xung đột hiện tại khác những cuộc xung đột xảy ra đầu thế kỷ XX. Theo Mary Kaldor (trường Kinh tế London, Anh), những cuộc chiến hiện nay là một dạng chiến tranh mới với bạo lực chính trị kéo dài. Cuộc chiến ở Syria là ví dụ điển hình, hay gần đây nhất là xung đột ở Bắc Ireland, Bosnia, Ai Cập. Nói đến văn học chiến tranh không thể không nhắc đến dòng văn học hậu xung đột, nó là một phần của văn học mới nổi trong nghiên cứu văn học, (tự) ý thức sâu sắc về văn học, về quy luật nghiên cứu văn học cũng như những khám phá về ảnh hưởng, hậu quả của các cuộc xung đột chính trị đến đời sống, văn hóa thế giới. Cơ sở của dòng văn học mới này chính là niềm tin rằng văn học giúp chúng ta hiểu được thế giới. Các tác phẩm văn học hậu chiến còn có thể đem đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về nhiều mặt, chứ không chỉ những mâu thuẫn hay cách sử dụng, khác biệt ngôn ngữ trong văn học.

Hai mươi năm qua, chúng ta đã chứng kiến tác động sâu sắc của công trình nghiên cứu khoa học Peace and conflict studies (những nghiên cứu về hòa bình và xung đột) về các mặt xã hội, khoa học chính trị và pháp luật, nhưng mọi người hầu như không chú ý đến vai trò quan trọng của văn học. Những gì nghiên cứu làm được là giới thiệu từ vựng (lý thuyết) mới, bao gồm các khái niệm như: sự thật và hòa giải, trí nhớ sau chấn thương... Hậu chiến tranh với biết bao vết thương (tinh thần và thể chất) cần được hàn gắn nhưng hàn gắn như thế nào lại vô cùng gian nan. Trên con đường đi tìm giải pháp để hàn gắn, chúng ta có thể dựa vào văn học, bởi đây là công cụ có thể giúp ta nghĩ thấu đáo những phức tạp về mặt xã hội sau các cuộc xung đột. Ví dụ, tiểu thuyết Disgrace (Ruồng bỏ, 1999) của J. M. Coetzee (giành giải Booker) là nghiên cứu cẩn thận về Nam Phi hậu Apartheid (phân biệt chủng tộc), cảm giác tội lỗi và sự trừng phạt sau xung đột đã tiếp tục ở đó như thế nào cũng như những ảnh hưởng tâm lý xã hội tại đất nước cầu vồng. Tương tự, trong Extremely Loud and Incredibly Close (2005), Jonathan Safran Foer đề cập sự kiện 11.9 kinh hoàng qua lăng kính của một cậu bé mắc chứng tự kỷ. Em đi tìm nguyên nhân cái chết của cha, và cuộc kiếm tìm này là một câu chuyện đau thương nhưng hấp dẫn.

Dòng văn học hậu chiến không chỉ gồm tiểu thuyết, thơ. Hồi ký và những tác phẩm viết về cuộc sống chiếm phần đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong các tác phẩm thuộc chủ đề này, được dùng như một trong những phương pháp điều trị thương tật (tinh thần, thể chất) do chiến tranh gây nên, còn được gọi là phương pháp trị liệu kể chuyện. Các tác phẩm hồi ký đã đưa ra bản chất của xung đột và những thương tích mà nó gây ra. Một số tác phẩm khoa học viễn tưởng, tội phạm cũng khai thác những truyện được viết giai đoạn này. Các tác giả như Deon Meyer, Lauren Beukes (Nam Phi); Stuart Neville, Adrian McKinty (Bắc Ireland) thì lại quan tâm đến câu hỏi về sự công bằng, luật pháp, trật tự trong các tiểu thuyết tội phạm của mình; và hướng tới phục hồi các trật tự thuộc về pháp luật đó, những đóng góp của họ rất lớn, quan trọng và tích cực.

Chiến tranh đã thay đổi từ đầu thế kỷ XX, và văn học về chiến tranh cũng vậy. Nghiên cứu về văn học hậu xung đột đã phản ánh rất rõ, sâu sắc những thay đổi này, giúp chúng ta hiểu rằng văn học đã định hình hiểu biết của con người về thế giới trước và sau xung đột ra sao.

Minh Hà - Theo Artshub
Nguồn: NĐB