Ngày đăng : 09/12/2014

Xã hội hóa sách giáo khoa: Chưa thể nói trước được điều gì!


Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 vào ngày 28-11-2014, gói lại những lùm xùm tranh luận khá gay gắt về chất lượng SGK trong thời gian vừa qua.

Nghị quyết trên có hai điểm thay đổi đáng quan tâm: xã hội hóa việc biên soạn SGK và nhà trường có thể chọn SGK để đưa vào chương trình giảng dạy theo nguyện vọng của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Cụ thể, nghị quyết nêu rõ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thoạt nghe, nhiều người lấy làm vui, vì có vẻ như học sinh Việt Nam sẽ được giải phóng khỏi những chương trình học “nặng giáo khoa”, từ chương và vô bổ bấy lâu, giáo viên sẽ được sáng tạo hơn trong cách truyền đạt, các nhà trường sẽ tự chủ, linh động hơn trong việc triển khai những chương trình giáo dục có tính khai phóng.

Nhưng đi vào cụ thể câu từ của nghị quyết, sẽ thấy câu chuyện không hề đơn giản là vậy.

Việc hô hào xã hội hóa có thể vẫn chỉ mang tính chất hình thức, khi mà những bộ sách cá nhân, tổ chức tư nhân biên soạn vẫn phải được đặt dưới sự thẩm định của một hội đồng thẩm định sách giáo khoa và hội đồng này do Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ra. Sẽ rất dễ hiểu nếu những bộ sách phù hợp với “khung tiêu chí” của bộ thì được chọn cho phép ấn hành và có cơ chế tài chính đảm bảo cho việc biên soạn. Thậm chí, sẽ có tình trạng “lobby” dự án để bộ dễ dàng phê duyệt cho đơn vị A, đơn vị B được cấp quyền soạn SGK và đảm bảo quy trình “tiêu thụ” dễ dàng hơn những đơn vị độc lập làm việc này.

Cách tổ chức biên soạn thay đổi nhưng nếu khung tiêu chí chọn lựa không thay đổi sẽ phát sinh tình trạng tốn kém ngân sách hơn cho nhiều bộ SGK khác nhau về tên gọi, thành phần ban biên soạn, thiết kế hình thức nhưng bản chất lại là sự nhân bản vô tính chất lượng, nội dung.

Nhìn ở góc độ xuất bản, bấy lâu nay, Nhà xuất bản Giáo dục (một nhà xuất bản trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) vẫn được bao cấp để ấn hành sách giáo khoa và nhà xuất bản này vẫn đang là đơn vị thực thi trách nhiệm rà soát, kiểm duyệt nội dung SGK trực tiếp nhất, theo những nguyên tắc và tiêu chí gần như cố định. Nếu chỉ hô hào xã hội hóa biên soạn mà ngay trong cơ chế xuất bản SGK vẫn còn mang tính độc quyền thì khó có thể đảm bảo đầu ra của những bộ SGK một cách khách quan, bình đẳng và công bằng.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá và phê duyệt nội dung, tiếp theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát khâu ấn hành và xa hơn, là hướng dẫn giảng dạy luôn, thì khác gì khẩu hiệu xã hội hóa biên soạn chỉ là một hình thức chuyển dịch cái trách nhiệm khó nhất về cho xã hội, để tránh điều tiếng về chất lượng chương trình giảng dạy, nhưng vẫn đảm bảo những cơ chế lợi ích hay sự đặc quyền đặc lợi mà cỗ máy quản lý giáo dục không thể san sẻ cho bất kỳ ai.

Theo kế hoạch thì năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình SGK xã hội hóa. Có thay đổi dù nhỏ trong chính sách giáo dục là mừng, nhưng cũng chưa thể nói trước điều gì.

Nguyễn Vinh
Nguồn: TBKTSG