Ngày đăng : 04/09/2014

Hai nhà văn từ một cuộc chiến


Cách nay đúng 100 năm (1914 - 2014), cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí con người. Cùng kinh qua cuộc chiến ấy, mang những vết thương sâu trên thể xác và trong tâm hồn, hai nhà văn Đức đã dùng tác phẩm của mình lột tả bộ mặt thật của chiến tranh, mỗi cây bút viết theo một văn phong khác…

Người ta đồn rằng đó là hai nhà văn Đức vốn không thể chịu nhau. Nhà văn Ernst Jünger xuất thân từ một gia đình khá giả nhìn nhà văn Erich Maria Remarque con đẻ của một ông thợ đóng sách bằng… nửa con mắt và gọi ông này là “kẻ rỗng tuếch, bất tài, chỉ quen hưởng thụ và hợm hĩnh”. Bản thân Remarque thì chẳng hề phiền muộn vì xuất xứ khiêm tốn của mình, chỉ coi Junger là một kẻ ghen tị tầm thường và còn khinh ông này vì “văn phong lính tẩy khô khốc”.

Chuyển giao thế kỷ


Minh họa sách Phía Tây không có gì lạ

Ấy vậy mà tầm quan trọng và ý nghĩa của những tác phẩm văn học chống chiến tranh tuôn ra từ ngòi bút của nhà văn này và nhà văn kia thật khó đánh giá hết. Tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ (Im Westen nichts Neues, còn có một nhan đề khác All Quiet on the Western Front - Mặt trận phía Tây hoàn toàn yên tĩnh) của Remarque cho đến bây giờ vẫn được coi là tác phẩm văn chương hư cấu hay nhất về chiến tranh thế giới thứ nhất, đã được dịch ra trên 50 thứ ngữ và bán hết trên 20 triệu bản.

Jünger thì nổi tiếng về Bão thép (In Stahlgewittern) - cuốn hồi ức kể về những trận đánh đẫm máu trong chiến tranh thế giới thứ nhất, được xây dựng từ những trang nhật ký tác giả viết tại mặt trận. Quang cảnh thời chiến tranh được mô tả chi tiết trong sách và những diễn biến nội tâm của một người lính bình thường cho đến bây giờ vẫn còn khiến người đọc sửng sốt, mặc dầu tác phẩm này được tiếp nhận không giống nhau, một phái phê phán nhà văn là “lý tưởng hóa bạo lực”, phái khác lại tâng những câu chuyện ông kể về sự thật tàn nhẫn của chiến tranh lên tận mây xanh.

Dẫu rằng Ernst Jünger và Erich Maria Remarque là hai nhà văn hết sức khác nhau, nhưng họ vẫn có nhiều cái chung. Cả hai đều ra đời vào cuối thế kỷ XIX, thời của những chấn động, những biến đổi lớn lao, khi động lực cho cuộc sống ở châu Âu chính là những tiến bộ kỹ thuật, khi kinh tế phát triển với mức độ bão táp, khi xã hội có những cuộc cải cách, những kiến thức về tâm sinh lý con người được phổ biến rộng rãi và nữ giới đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho những quyền lợi của mình. Song, tình trạng mất phương hướng chính trị - xã hội trong lòng người cũng là một trong những dấu hiệu rõ ràng của thời kỳ quá độ đó.

Tin vào sức tẩy sạch của chiến tranh

Mới lạ làm sao - trong bối cảnh đó, có nhiều người lại khao khát một cuộc chiến tranh có chức năng tẩy rửa, cho phép thay đổi cán cân lực lượng và “cân bằng” cuộc sống ở châu Âu. Một trong số những người theo quan điểm ấy là Ernst Jünger. Năm 1913, nhà văn tương lai đã gia nhập đoàn quân lê dương của Pháp, sang đồn trú tại Morocco, khiến người cha phải dùng kênh ngoại giao của mình để kéo con về. Và khi chiến tranh thế giới bùng nổ trên thực tế, ông tình nguyện đầu quân vào trung đoàn Hannoversches Nr. 73 và từ tháng 12.1914 đã chiến đấu ngoài mặt trận với tư cách một lính chiến thực thụ.

Nhưng “giấc mộng chiến chinh” của Jünger - một cuộc chiến đấu vĩ đại nhưng không kéo dài đủ để tạo cơ hội cho mình thể hiện những điều kỳ diệu của khí phách anh hùng - đã nhanh chóng tiêu tan như bong bóng xà phòng. Cuộc chiến kéo dài không như chàng ta tưởng và đã làm cho khuôn mặt chàng trở nên dị dạng khó coi. Những ngày ở mặt trận đã hoàn toàn mất sạch cảm hứng vì đều thấm đẫm bùn đất, máu me và những đớn đau, mỗi bước chân đi đều như tiến vào chỗ chết.

Trong bão thép

Nhưng Jünger vẫn phải chiến đấu ngoài mặt trận mãi cho đến khi kết thúc chiến tranh và ông đã mười bốn lần trúng thương, trong đó có những vết thương ở đầu ở ngực, và do lòng dũng cảm, ông đã được thưởng nhiều huân huy chương, trong đó có huân chương Công trạng - phần thưởng cao nhất của Đế chế Phổ dành cho binh sĩ trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong thời gian ở mặt trận, Jünger thường xuyên ghi nhật ký, từ đó viết thành cuốn sách đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của mình - Bão thép, xuất bản lần đầu tiên năm 1920. “Tại sao mà lúc nào cũng cứ phải giết và giết? Đến bao giờ thì cái cuộc chiến đáng nguyền rủa này mới chịu kết thúc?” - trong sách, nhà văn thường tự vấn bằng câu hỏi ấy. Và đó chính là sự minh chứng: ở chiến hào, quan niệm của Jünger về sự sống, cái chết và chiến tranh đã thay đổi được bao nhiêu.

Trong những lần tái bản sau đó, những lời bình luận chính thức và tương tự đã được thay thế bằng những cụm từ mang tính ẩn dụ như: “Cái ý chí kỳ quặc hướng tới sự giết chóc cứ nằm chềnh ềnh trên bối cảnh những lời nguyền rủa, cứ đậm đặc trong não bộ và nhấn chìm anh vào một đám sương mù đỏ khé”...

Vết thương sâu

Một mặt, Jünger đã mô tả được những nỗi khủng khiếp của chiến tranh; mặt khác, ông đã đặt cho chiến tranh vai trò như là “cách nếm trải sâu sắc nhất về sự sống”, “trải nghiệm nội tại”. Những đại biểu ra đời trong thập niên 1920 ở Đức đã nhanh chóng giành được ảnh hưởng trong đất nước của chủ nghĩa Quốc xã, họ coi đó như là một cách “ca tụng chiến tranh” và thậm chí còn định áp đặt quyền lực của mình vào vị cựu chiến binh lúc đó đã rất nổi tiếng với tư cách nhà văn. Nhưng Junger, tuy đã có một thời gian ngắn ham thích lý tưởng Quốc xã, vẫn kiên quyết chống lại việc đó.

Hoạt động văn học đã khiến một nhà văn đang năng nổ tránh xa được những quan điểm của chủ nghĩa toàn trị triệt để. Tiếp tục suy ngẫm trên kinh nghiệm chiến tranh trở thành yếu tố định hướng cho toàn bộ sáng tạo của ông. Ông bỏ ra nhiều công để hiệu chỉnh, bổ sung và tái bản cuốn Bão thép. Nó đâu có khác gì ma thuật của ông. Sự đối chiếu những chỗ khác nhau của các lần tái bản cuốn sách này sẽ giúp ta hiểu được: chiến tranh đã gây nên vết thương sâu đến không bao giờ lành cho Ernst Jünger.

Remarque và thế hệ đã mất của ông

Bằng một ngôn ngữ còn cụ thể, chi tiết hơn nhiều, Erich Maria Remarque viết về cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ trở thành một dạng chân dung của cả một thế hệ có những đại biểu của mình đã đi thẳng từ ghế nhà trường ra chiến trường.

“Chúng tôi được hun đúc rằng nút khuy cúc sạch sẽ còn quan trọng hơn nhiều so với bốn tập sách của triết gia Schopenhauer. Chúng tôi giác ngộ - thoạt đầu còn hào hứng, nhưng đến cuối thì bình thản - rằng ở đây quyết định tất thảy, nhờ không phải đầu óc mà là chiếc bàn chải đánh giày, không phải tư tưởng mà là những cắt đặt có tự hồi nảo hồi nào, không phải tự do mà là lối huấn luyện khắc nghiệt” - nhà văn đã viết.

Những chuyện thường ngày của lính tráng trong chiến hào, tiếng lựu đạn nổ chát chúa trong bóng đêm dày đặc, cái chết của những đồng đội, những giờ giải lao không mang lại sự nghỉ ngơi giữa các trận đánh… Remarque từng là lính trơn trong chiến tranh thế giới thứ nhất nên biết rất rõ ràng và trực tiếp những ác mộng của nó. Ông kể lại những chuyện đó trong cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh của mình. Các câu chuyện trong tác phẩm này đều được kể bởi nhân vật xưng tôi. Nhân vật đó là một người lính trẻ, do chiến tranh gây nên những chấn thương trong tâm hồn mà không thể nào tìm lại được chính mình trong cuộc sống dân sự bình thường.

“Chàng hạ sĩ quan bò qua hai cây số bằng hai khuỷu tay để kéo theo đôi chân gãy nát của mình; một người lính khác đến được trạm cứu thương vẫn phải dùng bàn tay rịt chặt chỗ bụng cho dạ dày khỏi lòi ra… Tất cả những điều khủng khiếp đó đều có thể trải qua chừng nào anh còn chưa chịu khuất phục số phận của mình, nhưng nếu chớm nghĩ đến những điều khủng khiếp ấy, chúng sẽ giết chết anh ngay tức khắc” - Erich Maria Remarque đã viết thế trong Phía Tây không có gì lạ.

Chiến binh vì hòa bình

Cuốn tiểu thuyết đó được xuất bản lần đầu năm 1929 và lập thành công lớn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nó được Hollywood chuyển thể thành bộ phim cùng tên, công chiếu năm 1930 và gây một scandal lớn ở Đức. Bọn phát xít lên cầm quyền ở Đức năm 1933 đã ban lệnh cấm tác phẩm của Erich Maria Remarque và coi tác giả là “nhân vật đã phản bội cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất”. Tất cả sách của ông bị đem đi đốt, còn bản thân tác giả phải sang Thụy Sỹ sống lưu vong.

Toàn bộ cuộc đời Erich Maria Remarque được hưởng danh thơm “chiến binh vì hòa bình”. Nhưng ở tuổi xế chiều, nhà văn có thú nhận rằng trên thực tế mình là con người tuyệt đối phi chính trị, cũng như các nhân vật trong tác phẩm của ông vậy.

ERICH MARIA REMARQUE (1898 - 1970): vào quân ngũ ở tuổi mười tám trong thời Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, phục vụ ở bộ binh rồi công binh, mặt trận phía Tây. Ngày 31.7.1917, trúng mảnh đạn trái phá, bị thương ở chân trái, ở cánh tay phải và ở cổ, bèn được đưa về điều trị trong một quân y viện Đức cho đến hết cuộc chiến. Xuất ngũ, học ngành sư phạm rồi làm giáo viên tiểu học đến năm 1920 xin nghỉ dạy học, đi làm nhiều việc khác nhau như nhân viên thư viện, buôn bán, nhà báo, biên tập viên... Phía Tây không có gì lạ được viết trong vài tháng năm 1927, nhưng không tìm được nhà xuất bản, phải tới năm 1929 mới được khai sinh. Các tác phẩm đáng kể khác: Đường trở về, Ba người bạn, Khải Hoàn Môn, Thời để sống và thời để chết, Đêm Lisbon, Bản du ca cuối cùng… Ông được coi là nhà văn bậc nhất viết về chiến tranh, về thời hậu chiến và cuộc sống lưu vong.

Phía Tây không có gì lạ bị chính phủ Đức Quốc xã cấm và công khai đốt, tác giả phải rời Đức sang sống tại Thụy Sỹ rồi nhập quốc tịch Mỹ năm 1947. 

Ernst Jünger (1895 - 1998): Sinh trưởng trong một gia đình tiến sỹ dược học có nhà thuốc tư, năm mười tám tuổi bỏ nhà gia nhập đoàn quân lê dương của Pháp sang châu Phi, được cha kéo về, sau đó tham gia cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), bị thương mười bốn lần, có lần bị đạn xuyên thẳng trán qua gáy... Giải ngũ năm 1923 về nghiên cứu sinh học và triết học, đồng thời viết sách, viết báo, bỏ tiền túi ra in Bão thép rồi tái bản, sửa chữa nhiều lần. Những tác phẩm đáng kể khác: tập ký sự Lá và đá, tiểu thuyết Trò chơi châu Phi, Trái tim kẻ tìm kiếm phiêu lưu, Trên vách đá hoa cương, Những khu vườn những đường phố, Hòa bình. Lệnh cấm những tác phẩm đó do lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai ban hành đã được gỡ bỏ từ năm 1949, trả lại cho Ernst Junger danh nghĩa nhà văn - triết gia không thể bỏ qua của nước Đức. 

Đăng Bẩy - Theo dw.de
Nguồn: Người Đại Biểu