Ngày đăng : 12/02/2015

Sách điện tử chưa thay được sách in


Giữa sách số và sách giấy bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt, tưởng chừng không đội trời chung…

Juergen Boos, giám đốc Hội chợ sách quốc tế lâu đời và lớn nhất thế giới tổ chức hằng năm tại Frankfurt (Đức) đã có một nhận xét thú vị: “Cái khó của thị trường sách ở mỗi nước có một mức độ khác nhau, nhưng đường lối khắc phục những khó khăn đó thường là giống nhau”.

Ngày cáo chung của sách giấy còn xa

Mối quan tâm lớn nhất của các xuất bản gia hiện nay được giới truyền thông đề cập nhiều là cuộc tiến công của sách số (điện tử) và “sự cáo chung của sách giấy (truyền thống) trong vài thập niên tới” - theo dự đoán từ phía Anh Mỹ. Ở Mỹ, sách số bán được nhiều hơn cả là thể loại văn chương, sau đó đến sách cho thiếu nhi, sách dạy nấu ăn, từ điển, cẩm nang… Ở Anh, tình hình cũng khá: lượng sách số bán được chiếm 15% tổng doanh số của ngành xuất bản. Những người kiên quyết bảo vệ sách truyền thống cũng phải công nhận “kể cũng tiện khi mang được theo mình cả một thư viện”…

Song, tại hội chợ quốc tế Sách trí tuệ phi hư cấu (“non/fiction”) ở Moskva (Nga), các chuyên gia đã thống nhất nhận định và kết luận rằng tiếng đồn về cái chết của sách truyền thống đã bị tăng âm quá mức. Quan điểm này còn được củng cố bằng những con số thuyết phục. René Strien - một vị lãnh đạo của nhà xuất bản Aufbau đặt tại Berlin (Đức) thông báo: năm 2011, sách điện tử chỉ mang lại hơn 6% tổng doanh thu của cả ngành xuất bản Đức, và cũng như ở các nước khác, trong mặt hàng sách điện tử thì chủ yếu là sách khoa học, sách chuyên ngành, chỉ có 15% là sách văn chương.

Ở Nga, ông Boris Kuznetsov, tổng giám đốc nhà xuất bản Rosmen đánh giá: năm 2012, tổng sản lượng của thị trường sách nước mình nếu tính theo giá xuất xưởng đạt hơn 2 tỷ USD, còn sách điện tử bán được chỉ mang lại từ 2 đến 15 triệu USD. Con số này dao động rất lớn là vì phần lớn người bán sách có thói quen “giữ bí mật nghề nghiệp”. Gần đây nhất, năm 2013 cũng chỉ đạt khoảng 500 triệu rub (gần 15 triệu USD). Tính bình quân trong ba năm trước đó, sức bán sách điện tử mỗi năm chỉ đạt mức tăng trưởng 102,7%.

Người đọc ở Pháp, Tây Ban Nha, Italy còn “lạc hậu” hơn. Một cuốn sách ăn khách ở Pháp cũng được ra mắt ở cả hai loại giấy và số đấy, nhưng mức tiêu thụ lại khác hẳn nhau. Cuốn  Không gì cưỡng lại được màn đêm (Rien ne s’oppose à la nuit) của nữ văn sĩ Delphine de Vigan phát hành tháng 1.2013 bán hết sạch 400.000 bản in, trong khi đó chỉ được 1.000 bản số.

Giới chuyên gia cho rằng người đọc có thái độ hoài nghi đối với sách số là vì nhiều lẽ, nhưng trước hết - họ tin tưởng ở nhà văn. Nhiều nhà văn nổi tiếng đã công khai tỏ ý xem thường sách số. Nhà văn Italy lừng danh thế giới Umberto Eco nói thẳng: “Những thiết bị kỹ thuật lạnh lùng tước mất cá tính và vẻ đẹp ngoại hình, chúng còn thua cả nét cong của mép trang sách giấy”, thế là giới trẻ nghe theo…

Dẫu sao thì cũng hé lộ một thực tế: tỷ lệ sách điện tử trên thị trường đang còn rất nhỏ nên “nguy cơ”, hay “triển vọng” của nó không việc gì phải thổi phồng. Ngày cáo chung của sách truyền thống hãy còn xa lắm.

Nạn đạo chích

Một trong những vấn đề các xuất bản gia gặp phải ở Nga, Đức cũng như nhiều nước khác với những quy mô khác nhau là nạn đạo chích. Tuy vậy, ông B. Kuznetsov nhấn mạnh: nạn đạo chích vẫn chưa phải vấn đề lớn nhất đối với các nhà xuất bản ở Nga, mà nghiêm trọng hơn cả là vấn đề với hệ thống trả tiền hiện nay. Trong những người mua sách qua mạng, chẳng phải ai cũng có sẵn thẻ tín dụng và ví điện tử, rồi còn phải đăng ký và thực hiện bao thủ tục rắc rối nữa, khiến ngay cả những người sẵn có điều kiện chi trả cũng đâm ra chán nản.

Trong khi đó, người ta có thể moi được một phiên bản sách của đạo chích trong chừng hai phút, mà lại không phải trả tiền…

Về nạn đạo chích sách, theo cách tính của những người lạc quan thì tỷ lệ là 1:4, có nghĩa cứ mỗi cuốn sách điện tử bán được sẽ kéo theo bốn bản sách copy lậu, còn những người bi quan thì coi tỷ lệ ấy phải là 1:10, thậm chí tới 1:15. Trong trường hợp này nảy sinh mâu thuẫn lớn giữa xuất bản gia và người đọc - đối tượng để cho xuất bản gia phục vụ. Vậy thì, phải đấu tranh với nạn đạo chích như thế nào? Ông René Strien khẳng định: dùng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với những người lấy sách sao chép lậu là việc làm vô nghĩa và có hại nữa. Ở Đức đã định áp dụng cách phạt tiền, nhưng con “ngoáo ộp” này chẳng mang lại điều gì tốt đẹp. Các xuất bản gia cũng thừa nhận: có tạo nên những kiểu khóa, những mật mã phức tạp đến mấy để bảo vệ bản sách chính hãng thì rồi đám chuyên gia vẫn cứ dễ dàng bẻ được khóa. Ông Strien nhấn mạnh rằng đây có ý bàn đến không phải những hacker phi vụ lợi, mà là các hệ thống mafia kiếm tiền bằng cách quảng cáo những sản phẩm khiêu dâm, những trò chơi trực tuyến và những sắc thái khác không hoàn toàn lịch sự cho lắm, chúng đang hộ tống các sách sao chép trộm trên mạng. Bọn này đang làm việc với trình độ chuyên môn rất cao, mà chụp (scan) và đưa một cuốn sách giấy lên mạng thì đâu có gặp khó khăn gì. Hiệp hội Bảo vệ tác quyền trên mạng của Nga tính sơ sơ trong năm 2013, lợi nhuận của ngành xuất bản mất tới 7,5 tỷ rub, nếu tình hình không thay đổi thì tổn thất của ngành kinh doanh sách đến năm 2015 sẽ là 30 tỷ rub, đến năm 2018 con số đó sẽ lên đến 75 tỷ rub.

Có nên đưa ra tòa?

“Cần phải liên kết với nhau để kiện ra tòa những trang mạng sử dụng những bản sao chép trộm!” - đó là lời kêu gọi các đồng nghiệp trong ngành xuất bản - phát hành sách. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, phải chọn lối đi, giải pháp và hình thức đấu tranh với bọn đạo chích sách điện tử.

Sách điện tử có thể sẽ nhiều hơn sách truyền thống, ta cần phải lợi dụng tình huống đó, có như vậy thì mâu thuẫn giữa hai loại sách mới dịu đi và việc mua sách điện tử mới trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ, để thuận tiện cho việc tìm kiếm trên mạng, cách giới thiệu một cuốn sách điện tử cần đưa ra những phần trích lục có dẫn nguồn, cần đậm tính chất truyền thông đa phương tiện, cần dành cơ hội cho người sử dụng có thể mua không phải toàn bộ cuốn sách, mà chỉ những chương họ cần đến. Điều này sẽ đặc biệt thú vị với giới sinh viên và giới nghiên cứu khoa học muốn theo dõi một chuyên đề này hay chuyên đề khác. Bạn thử nghĩ xem - tội gì mà mua một cuốn chuyên khảo về một đề tài khoa học với giá 200 euro, nếu như có thể nhanh chóng mua được phiên bản điện tử của chương sách mình cần với giá chỉ 20 euro?

Tuy nhiên, chỉ phải trả tiền cho thứ mà mình sử dụng được trong thực tế là điều khá thú vị, song le nó lại thu hẹp thị trường, cho nên vẫn chưa tìm ra ngay giải pháp đơn nghĩa, mà trước mắt và lâu dài vẫn phải làm một việc - làm cho sách trở nên hấp dẫn hơn.

Đăng Bẩy - Theo dw.de
Nguồn: Người Đại Biểu