Ngày đăng : 18/08/2014

Na-bô-kốp và sự thuần khiết của ngôn ngữ


Có một giai thoại kể rằng: Mùa hè ấy, Na-bô-kốp (Vladimir Vladimirovich Nabokov, 23-4-1899 - 2-7-1977) tới sống với gia đình nhà thơ Lo-gơ-lin (James Laughlin) tại U-ta (Utah), nơi ông dành nhiều thời gian để săn bướm. Một hôm, vào lúc chạng vạng, Na-bô-kốp trở về nhà và kể rằng trong lúc mải mê chạy theo con bướm ở Khe Gấu, ông nghe thấy có tiếng người rên rỉ đau đớn ở phía bờ suối. "Anh có dừng lại kiểm tra không?"-Lo-gơ-lin hỏi. "Không!", Na-bô-kốp đáp, "Tôi phải bắt con bướm kia đã".

"Gã hề" vĩ đại

Có người cho rằng giai thoại đó chỉ là sản phẩm hư cấu của những người "bài Na-bô-kốp". Có người lại nghĩ, với Na-bô-kốp, câu chuyện rất có thể là thật.

V.Na-bô-kốp sinh ra trong một gia đình quý tộc có thế lực chính trị lớn tại Nga. Ông nội và cha đều từng là Bộ trưởng Tư pháp. Mẹ là con gái nhà dòng dõi. Dù vậy, từ nhỏ tới lớn, Nabô-kốp không quan tâm nhiều tới chính trị. Ông dành hết tâm huyết cuộc đời cho việc săn lùng cái đẹp, gìn giữ và thậm chí tách chúng ra khỏi hiện thực. Bản thân ông cũng là người sống xa cách. Ông không tham gia vào nhóm hội nào. Với ông, "độc giả là một căn phòng chật kín những người mang mặt nạ của chính tác giả".

Khi được hỏi về tính hiện thực trong các sáng tác của mình, ông trả lời: "Nghệ thuật là dối trá, và tự nhiên cũng vậy. Tất cả đều là những trò lừa đảo tinh vi, từ con côn trùng giả làm chiếc lá cho tới những sự cám dỗ thường thấy trong việc sinh nở".

Hầu hết các nhân vật của ông đều không có thật, thậm chí không liên quan gì tới tư tưởng, tình cảm của chính ông. Nhiều nhân vật có lối sống bệnh hoạn, qua ngòi bút của Na-bô-kốp, bỗng trở nên thuyết phục, đáng thương. Tất cả được xây dựng nên bởi một lý do duy nhất: Nghệ thuật. I-van Bu-nin (Ivan Bunin), nhà văn người Nga đầu tiên đoạt giải Nô-ben (Nobel), đã phải thốt lên rằng Na-bô-kốp là "một con quái vật", là "thằng hề trong rạp xiếc". Nhưng chính Bu-nin cũng phải thừa nhận sự mến mộ, nể phục của mình với "thằng hề" đó.

Không riêng gì Bu-nin, những người đọc Na-bô-kốp luôn tồn tại hai thái cực. Sáng tác của ông đi ngược lại những quy chuẩn thường thấy ở những tác phẩm lớn. Nhưng đồng thời, tự nó tạo ra một tượng đài lừng lững bằng ngôn ngữ mà không ai có thể phủ nhận.

Năm 2007, tạp chí Thời đại (Time) đã khảo sát ý kiến 125 nhà văn nổi tiếng đương thời về "Mười cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại". Kết quả: Lô-li-ta (Lolita)của Na-bô-kốp đứng thứ tư; chỉ sau An-na Ka-rê-ni-na (Anna Karennina)của Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoy), Bà Bô-va-ry (Madame Bovary)của G.Flô-be (Gustave Flaubert), Chiến tranh và hòa bình (cũng của Lép Tôn-xtôi). Các tác phẩm của Na-bô-kốp cũng chinh phục những bảng xếp hạng được bình chọn bởi nhà xuất bản và độc giả, bất chấp sự ngược đời của chúng.

Kẻ căm ghét Phroi Phroi

(Sigmund Freud, 6-5-1856 -23-9-1939), cha đẻ của thuyết Phân tâm học, là đối tượng mà Na-bô-kốp thường châm chọc. Nguyên nhân cũng từ sự cực đoan trong nghệ thuật của nhà văn. Trong khi Phroi đi tìm nguồn gốc cho mọi hành vi thì Na-bô-kốp từ chối những suy diễn đó. Ông thậm chí đã vô cùng tức giận khi nhiều người suy diễn rằng Hăm-bớt (Humbert) trong Lolitalấy nguyên mẫu từ chính ông. Với Na-bô-kốp, đó thuần túy là nghệ thuật, không dính dáng gì tới cuộc sống.

Xin đừng suy đoán. Không có tiền thân, bài học đạo đức hay tư tưởng chính trị nào trong Lolita. Tất cả, theo ông, là "những ân phước thẩm mỹ". Ai đi tìm những triết lý cuộc sống sẽ không nhận được gì từ Na-bô-kốp. Việc dịch các tác phẩm của Na-bô-kốp, do đó, là thách thức với bất kỳ dịch giả nào. Ông là bậc thầy về sự thuần khiết của ngôn ngữ, nên chỉ cần dịch sai một từ thì coi như đã thất bại. Vì muốn bảo toàn nghệ thuật của mình, Na-bô-kốp đã tự tay chuyển ngữ nhiều tác phẩm. Vợ và con trai ông cũng tham gia vào công cuộc này.

Tính "nghệ thuật vị nghệ thuật" còn dẫn tới việc ông áp đặt lối đọc lên độc giả. Thông thường, khi một tác phẩm ra mắt công chúng, nó sẽ chịu sự phán xét, nhào nặn lại theo thế giới quan của người đọc. Họ gắn lên chúng những màu sắc, tư tưởng khác với suy nghĩ gốc của tác giả. Na-bô-kốp không chấp nhận điều đó. Với ông, một người đọc lý tưởng là một người đọc lại (rereader). Bằng những chi tiết nhỏ nhất, ông mê hoặc, dẫn dụ độc giả đi lại theo đúng theo con đường mà ông đã vẽ ra. Chính sự mê hoặc này làm nên tượng đài vĩ đại của Na-bô-kốp, bất chấp những sự lệch chuẩn.

Người vợ, Nàng Thơ và Người đại diện

Người ấy là Vê-ra Na-bô-kốp (Véra Nabokov, 5-1-1902 - 7-4-1991). Tấm bia mộ của bà được khắc dòng chữ: "Người vợ, Nàng Thơ và Người đại diện". Có thể nói, số phận đã trao cho Na-bô-kốp quyền được theo đuổi cái đẹp bằng cách đưa Vê-ra đến với ông.

Xuất thân từ danh gia vọng tộc, suốt mười tám năm đầu đời tại Nga, Na-bô-kốp có mọi điều kiện để phát triển bản thân. Lối sống của ông cũng "tài tử" như chính các tác phẩm của ông. Na-bô-kốp say mê bướm, tài giỏi trong cờ vua và quần vợt; yêu những cái đẹp bất hủ của Tôn-xtôi và Pu-skin (Pushkin). Sau những "dâu bể", gia đình ông bị tước bỏ điền sản và mọi của cải. Ông phải sống lưu vong, phải chịu nhiều mất mát. Nhưng, nhờ có Vê-ra, ông vẫn có thể yên tâm sáng tạo nghệ thuật.

Trong suốt 52 năm hôn nhân, bà đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp của chồng. Bà chăm nom gia đình, thanh toán những hóa đơn, thương thảo hợp đồng, giúp Na-bô-kốp vượt qua khủng hoảng. Bà là người khuyên ông tới Niu Oóc (New York) để phát triển sự nghiệp. Tại đây, bà lái xe chở ông đi dạy học (và đi săn bướm). Cũng chính bà là người đánh máy, người biên tập, và là người đọc rất tinh tế của ông. Độc giả biết ơn Vê-ra, bởi chính bà đã cứu bản thảo Lolita khỏi lò lửa trong một phút mệt mỏi chán chường của Na-bô-kốp.

Nhưng hơn cả, bà là Nàng Thơ, là nguồn sáng tạo của ông. "Không có cô ấy, hẳn tôi đã chẳng viết được bất cứ cuốn tiểu thuyết nào!" - "người văn" cả đời đeo đuổi thứ "nghệ thuật vị nghệ thuật" đã phải thốt lên như vậy về Vê-ra...

"Các giảng viên văn chương hay có khuynh hướng sáng chế những vấn đề kiểu "Mục đích của tác giả là gì?", hoặc thậm chí trầm trọng hơn: "Anh chàng này muốn nói điều gì đây?". Mà tôi, tình cờ, lại là dạng tác giả mà ngay lúc bắt tay vào một cuốn sách nào đó đã chẳng có mục đích nào khác ngoài chuyện thoát khỏi cuốn sách ấy. Và là người, khi được thỉnh cầu giải thích nguyên khởi và sự phát triển của nó, sẽ cậy nhờ vào những những thuật ngữ cổ giả dụ như Tương Tác giữa Cảm Hứng và Phối Hợp - những thứ mà, tôi xin thú nhận: nghe như một ảo thuật gia giảng giải về mánh lới này bằng cách biểu diễn mánh lới khác." - Trích Về cuốn sách mang tên Lolita của Na-bô-kốp.

Thư Vĩ
Nguồn: Nhân Dân