Ngày đăng : 18/11/2015

Nghề văn và thị trường văn chương


Tới giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, băn khoăn về việc sáng tạo văn chương và giá trị văn chương. Văn chương có cần thiết phải là một nghề? Giáo sư Trần Đình Sử từng cho rằng: “Nghề văn có gì sang trọng đâu. Nếu có được tâm hồn trong sáng, có tài năng thật sự, sáng tác được ít nhiều tác phẩm có giá trị, không cơ hội, vụ lợi, họ có thể được coi là nhà văn cao quý.” Vậy thì sự “cao quý” mà nhà nghiên cứu đầu ngành đặt ra có trùng khít với khái niệm sang trọng, có xung đột, mâu thuẫn với khái niệm nghề văn, nghề viết giữa thời kinh tế thị trường hay không lại là một vấn đề cần phải bàn.

Giá trị của nghề văn

Cách gọi nhà văn trong văn học trung đại có lẽ hơi khiên cưỡng, áp đặt, rập khuôn khi đời sống văn học, phê bình, xuất bản vẫn còn phải bàn cãi khá nhiều. Công bằng mà nói, sáng tác trung đại với những chuẩn mực điển phạm, với tài năng, tâm huyết của người sáng tạo đã thu hút được bộ phận người đọc hôm nay. Sức mạnh ấy còn ở hiệu ứng sáng tạo những bài ngâm vịnh, thơ Đường Luật, thú vui ngâm thơ, thả thơ… còn tiếp tục phát triển đến hôm nay. Tuy nhiên, hai chữ “văn chương” của Võ Liêm Sơn và những thế hệ làm báo, sáng tạo văn chương quốc ngữ mới thực sự đưa nó lên thành một nghề. Cái nghề ấy từ khởi thủy (và có thể cho đến cả hôm nay) cứ lam lũ, cơ cực thậm chí là nhếch nhác, nghèo túng. Nhưng lạ thay, trong nghiệt ngã đó, văn chương chữ nghĩa lại như suối nguồn trong trẻo, sang trọng.

Nghề văn ấy có lúc đã được bậc tiền bối Tản Đà gọi là thứ văn chơi. Nhưng chính ông và các hậu bối lại tồn tại được trong sự bấp bênh, chênh chao đó. Giới thị dân, tiểu tư sản thành thị hình thành một lớp công chúng. Dẫu có nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ, đi xe kéo… hay chỉ ăn nhờ ở đậu trên căn gác trọ thì họ đều có một nhu cầu: thưởng thức món ăn tinh thần. Món ăn đó chẳng phải là một thứ hàng hóa đó sao. Nhà in có thể ứng tiền trước cho những Nam Cao, Tô Hoài, báo chí mượn sức sống của văn chương mà tồn tại khi độc giả ngóng từng tiểu thuyết, truyện ngắn trên các số báo dài kì. Văn chương đã thành nghề hẳn sẽ nảy sinh ra nhiều cách ứng xử với người đọc. Thứ văn chương rẻ tiền chạy theo thị hiếu tầm thường chăng? Thơ Mới ảo não, văn chương Tự lực văn đoàn chỉ quanh quẩn với những xung đột hôn nhân trong quan niệm lớp người mới cũ? Không hẳn là thế. Những Ngô Tất Tố với “Việc làng”, Nam Cao với những truyện viết về người nông dân, Nguyễn Tuân với những giá trị văn hóa cổ truyền cùng với Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Nguyễn Bính… khiến người ta nhận ra yêu đất nước này hơn. Người ta yêu vì văn chương đã giúp họ hiểu về chính mảnh đất họ đang đứng chân sau khi được người Pháp dạy cho khoa học. Chính văn chương ấy là thứ phổ văn hóa tinh túy nhất để kéo họ về với dân tộc, ấp ủ khát vọng giành lại đất nước chứ không thành tay sai của ngoại bang. Cái giá mà họ phải bỏ ra để mua một tờ báo, một cuốn sách dẫu nhiều hay ít nhưng đều là thứ giá trị của món ăn tinh thần, của nhu cầu tâm hồn để từ đó người ta “biết giá người”, biết trân trọng người viết và sự đọc của chính bản thân mình.

Bước sang thời đổi mới, cùng với kinh tế thị trường là một thị trường văn học. Có loại tiểu thuyết chắt lọc tinh chất tâm hồn, tích tụ vốn sống như Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Thời xa vắng (Lê Lựu); Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp… có loại truyện “mì ăn liền” chữ to với nội dung na ná nhau. Nhưng, bên cạnh những cây bút non tay, vụ lợi “chạy theo thị hiếu thấp kém”, thực dụng ấy vẫn là những cây bút “mở đường tinh anh và tài hoa”như Nguyễn Minh Châu, là những người dám dấn thân vào “trò chơi vô tăm tích” của sáng tạo văn chương như Nguyễn Huy Thiệp. Có những nhà văn xông xênh cơm áo mà vẫn tận cảm với con người, nghiêm túc cầm bút như Nguyễn Việt Hà. Chuyện nhà văn có cuộc sống ổn định dựa trên những sáng tác thuộc vào hàng best seller của tháng, của năm. Nhưng những nhà văn ấy liệu có giúp văn học trường tồn, có điều kiện và động lực sáng tạo, giúp nghệ thuật không đi chệch hướng hay sự sung túc sẽ khiến họ xa rời hiện thực, vô cảm với lầm than, cơ cực rồi bẻ lái văn chương đi chệch hướng?

Những tác động đầy thách thức

Nhà văn Phan Việt nhận định: "Việt Nam có sự nổi lên dần dần của dòng văn học thị trường. Nó là kiểu sách mà phương Tây đã phát triển từ lâu. Nó dành cho một phân khúc độc giả lớn trong xã hội, là những người đi làm vất vả cả ngày; họ chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, giải trí mà người ta có thể đọc trên tàu điện ngầm, khi nằm phơi nắng ngoài biển, hoặc đọc cho dễ ngủ". Nhận định này quả đáng chú ý ở nhiều khía cạnh.

Trước hết là sự xuất hiện lẻ tẻ không đồng đều của một nền văn học quốc ngữ đã ngót trăm năm tuổi. Chính sự lẻ tẻ đó đã làm mất đi trạng thái cân bằng của văn hóa đọc. Người đọc tìm ra các siêu thị, cửa hàng sách nhưng không hẳn ai cũng tìm được kiểu loại/dòng văn chương hợp với mình.

Thứ hai, phải chăng việc lên ngôi của dòng văn học thị trường ấy là hệ quả rất yếu của sự biến đổi sinh tồn cho phù hợp với bối cảnh văn chương đang “lép vế” trong thời đại văn hóa thị giác. Văn chương giờ lại có những nét gần với sách tư vấn tâm lí, các phóng sự, nhật báo về các tình tiết, câu chuyện li kì. Trong khi đọc Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng của Nồng Nàn Phố người ta thấy gần với các status của facebook, đọc Phong Việt người đọc thấy vui với cái nhẹ nhàng, lành lành khác hẳn với sự sắc lạnh thường thấy ở dân cầm bút chuyên nghiệp.

Vậy giữa văn chương và thị trường, giữa mưu sinh để sáng tạo và mưu sinh bằng sáng tạo có sự xâm nhập, xóa nhòa khoảng cách không? Câu trả lời thật không đơn giản. Nhưng có điều, chỉ khi nào chúng ta có một thị trường văn học đúng nghĩa, người viết dám sống bằng ngòi bút thực sự chứ không phải thứ triết lí ám thị, lạc thời hay ngược lại là răm ba trò PR rẻ tiền đánh bóng bìa sách thì văn chương sẽ được trả lời bằng chính giá trị thù lao của nó. Người ta sẽ biết giá trị của sách, giá trị của tri thức tâm hồn và thấy trân trọng sự đọc của mình hơn.

Phương Mai
Nguồn: Văn Học Quê Nhà