Ngày đăng : 29/07/2014

Dương Hướng: Số hưởng lộc văn


“Bến không chồng” của Dương Hướng đã được dựng thành phim, giành giải Bông sen bạc của LHP Việt Nam lần thứ 13 (2001). Nghe nói, bộ phim mới, được gộp từ hai tiểu thuyết của Dương Hướng đã đến kỳ bấm máy. Dương Hướng cầm bút muộn và viết cũng không nhiều nhưng ông tự nhận: Số tôi được hưởng lộc văn chương.

Nhiều người viết kiếm bút danh khá cầu kỳ, còn Dương Hướng bê nguyên tên cha mẹ đặt: Dương Văn Hướng, chỉ xoá tên đệm đã thành ra bút danh hay.

Cái tên Dương Hướng khiến người ta liên tưởng đến đoá hướng dương rực rỡ khoe sắc. Chẳng biết có phải thế không mà đường văn của Dương Hướng khá êm đềm, vinh hoa. 


Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Riêng đất Quảng Ninh nơi ông sống đã tôn vinh tác phẩm của Dương Hướng rất nhiều lần, đến mức sau này nhà văn ngại ngần chẳng muốn tham gia tranh giải: “Mình không ham vài chục triệu”. Nhưng có lần đứa con tinh thần của ông bị “soi”, ì xèo đủ chuyện, thậm chí có người kiện, người ta đọc tác phẩm của ông rồi truy tìm nguyên mẫu, khiến Dương Hướng phải đem “Dưới chín tầng trời” ra thi thố và đoạt giải: “Có giải thưởng “Dưới chín tầng trời” mới được yên”. Cũng nhân chuyện bị “soi” văn ông từng có những phát ngôn châm biếm sắc sảo, khác hẳn với tính cách ngày thường của ông: “Nếu cứ soi như thế thì Nam Cao sống dậy, sẽ điên đầu vì không biết nước Nam có bao nhiêu Chí Phèo”. 

Nếu đọc những bài phỏng vấn Dương Hướng trên mặt báo sẽ thấy ông có không ít tuyên ngôn văn chương hùng hồn: “Là nhà văn chân chính thì không được phép né tránh hiện thực. Nếu sợ sự “săm soi” thì không thể viết được tác phẩm có giá trị. Có sợ chăng là sợ sự hèn kém của mình và sự coi thường của độc giả”. Hoặc: “Đã cầm bút thì phải chấp nhận rủi ro. Giống như người đi biển, phải chịu được cả giông bão” v.v.

Tôi ngờ rằng, những câu hay ho và hùng hồn như thế được hỏi- đáp qua email, bởi Dương Hướng viết thì hay nhưng trò chuyện trực tiếp thì… chân chất, không hề có tuyên ngôn, giọng quê đặc sệt, có sao nói vậy, không màu mè diêm dúa, không đánh bóng bản thân. 

Với riêng tôi, ông là một trong những nhà văn có lối trò chuyện mang lại cho người tiếp xúc cảm giác chân thật, hiền lành nhất. Trước những câu hỏi mang hơi hướng phản biện, ông không nổi cáu, mà cười xoà, thậm chí còn “vạch áo cho người xem lưng”: “Hạn chế của văn tôi là cũ, rất nhiều người nói vậy. Họ chê văn tôi nhà quê nhưng tôi không băn khoăn, tạng mình có thế thôi, mình chỉ làm đúng theo cái tạng của mình”. 

Thậm chí nếu ai đó chê Dương Hướng không phải nhà văn chuyên nghiệp, ông cũng mặc. Dương Hướng hay lặp lại điệp khúc “cái tạng tôi nó thế” để lí giải cho mọi vấn đề liên quan đến văn chương: “Nghĩ thế nào là quyền của người ta, tôi không giận, không trách, tạng tôi chỉ thế”. 

Dương Hướng sinh năm 1949, ở Thái Thuỵ, Thái Bình. Ông cầm bút khá muộn: “Năm 1985 tôi mới trọ trẹ viết thôi. Ngày còn quân ngũ, chiến tranh liên miên đã viết lách gì đâu. Ngày thống nhất đất nước trở về làng, tôi giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con làng xóm, tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. 

Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi hậu quả của cuộc chiến tranh đã qua. Rồi biết bao nhiêu câu chuyện tôi được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí mình”. 

Tác phẩm của Dương Hướng xoay quanh đề tài làng quê, chiến tranh, người lính. Nếu trong “Bến không chồng” ông đưa độc giả đến làng Đông thì ở “Dưới chín tầng trời” ông lại đưa người đọc tới làng Đoài.

Ngay cả làng Nguyệt Hạ trong “Trần gian đời người” cũng được tác giả thú nhận chính là bóng dáng của xóm Đông, xóm Đoài của thôn An Lệch, xã Thuỵ Liên, quê ông. Năm 1976, ở chiến trường ra, Dương Hướng đã về Quảng Ninh sinh sống. Hiện nay ông cùng gia đình sống ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). 

Liệu sống giữa thành phố sôi động đề tài làng quê trong Dương Hướng đã đến hồi hao mòn? Ông đã vắt kiệt sức mình trong ba cuốn tiểu thuyết: “Bến không chồng”, “Dưới chín tầng trời”, “Trần gian đời người”?

Dương Hướng đánh tan nghi ngờ ấy: “Tôi cho rằng sống xa quê hương viết về quê hương càng hay, càng xa nhà mọi hình ảnh ở quê càng rõ nét hơn. Nếu cứ ở miết không đi đến đâu thì có khi cái hình ảnh đó lại không đậm bằng”. Ông khẳng định, dù có viết gì đi nữa cũng không “bay” ra khỏi xóm Đông, xóm Đoài. 

Nhiều năm nay Dương Hướng loay hoay với tiểu thuyết “Góc khuất”. Cứ đà này khéo “Góc khuất” sẽ vượt mặt “Dưới chín tầng trời” về thời gian thai nghén tác phẩm (Dưới chín tầng trời được ông viết trong 15 năm). 

Có nhiều lí do khiến “Góc khuất” cứ “khuất” mãi, một phần, như nhiều nhà văn có tác phẩm gây tiếng vang, Dương Hướng bị ám ảnh bởi “Bến không chồng”, ông có nỗi lo tác phẩm “đẻ” sau không bằng tác phẩm trước. Đó là nỗi ám ảnh, nỗi lo chính đáng của những nhà văn chân chính: “Viết một tác phẩm dở thà không viết còn hơn”, ông bảo thế.

Nhưng vấn đề chính khiến cuốn tiểu thuyết thứ tư của Dương Hướng trục trặc, chính là lí do sức khoẻ: “Bây giờ tôi không cố. Tôi không còn sức. Không phải tôi bi quan đâu nhưng hiện nay sức khoẻ của tôi hạn chế, tôi đã đặt một cái stend rồi (Dương Hướng bị bệnh tim-pv). Tôi cứ nghĩ những điều vui vẻ, thoải mái thì không sao. Nhưng cứ ngồi năm ngày nghĩ sâu một vấn đề là hỏng”. 

Lâu lâu không có tác phẩm trình làng, nhà văn cũng không lấy đó làm điều phiền muộn: “Viết được đến đâu thì viết, tôi không ép mình phải viết cho bằng được”. 

Dương Hướng đến với nghề văn hồn nhiên, ông đặc biệt coi trọng cảm hứng trong sáng tạo, không ép mình phải trở thành chuyên nghiệp, bằng cách ngày nào cũng gò lưng ngồi viết: “Tôi sáng tác vô tội vạ, chẳng có giờ giấc nào. Tôi thấy sướng là cày, cả ngày lẫn đêm. Lúc hứng chả ai lôi được tôi đi đâu cả. Ngày xưa tôi ngồi viết “Bến không chồng” ở cái giường trong xó nhà, bọn trẻ con nhảy lên đầu lên cổ, tôi kệ. Đã viết thì không để ý gì, mọi sự xung quanh không là gì, không sợ mất trật tự. Có hứng thì đến cơ quan trực tôi cũng ngồi viết. Còn không hứng thì thanh vắng cũng không nặn ra chữ nào”. 

Được biết đến nhờ văn chương nhưng văn chương thực ra lại là “nghề tay trái” của ông. Ít ai tưởng tượng một người hiền lành, thật thà như Dương Hướng lại từng là cán bộ hải quan: “Nghề đó trái ngoe với tất cả mọi thứ. Ở chỗ đó mà nói đến văn chương thì vô duyên lắm”. Chính ở môi trường hải quan, lại giúp cho nhà văn tránh được áp lực của cái nghiệp văn chương đeo bám: Thích thì viết, không hứng thì… đi chơi.

Nhưng Dương Hướng thú nhận: “Công việc của cán bộ hải quan chỉ là phù hoa, để “oai” với thiên hạ thôi. Tất cả những thứ bây giờ tôi có đều nhờ văn chương”. Ngay ngôi nhà bốn tầng khang trang ở thành phố Hạ Long, Dương Hướng cũng nhờ “Bến không chồng” mà có: “Ngày ấy, tôi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1991), tỉnh Quảng Ninh phân cho tôi một lô đất ở ngay trung tâm bưu điện Hạ Long.

Ngày đó tôi không có một đồng nào, phải bán lô đất đi. Tôi tuyên bố với anh lãnh đạo tỉnh lúc ấy: Tôi chả có đồng nào nộp tiền đất cả, ông có cho tôi bán không? Nếu không cho bán, tôi cũng chả lấy đất”. Nhà văn mang vinh hạnh về cho tỉnh nhà mà nói thế, thì vị lãnh đạo nào nỡ từ chối? 

Từ vốn liếng ban đầu là lô đất được cấp mà bây giờ vợ chồng Dương Hướng có ngôi nhà mơ ước. Chẳng ai thật thà như tác giả “Bến không chồng”: “Tôi đi xem tuổi rồi: Tuổi của tôi văn chương học hành trôi chảy. Các con tôi, tôi dẫn đi thi là đỗ, từ đứa đầu đến đứa cuối. Rồi tôi xin việc cho chúng. Tất cả đều thành công. Kiểu như số may vậy”. 

Cũng có thể Dương Hướng có số hưởng lộc văn. Nhưng nếu không có niềm đam mê sống chết với nghề thì lộc cũng không tự đến. Có lẽ, nhiều nhà văn trẻ không tin nổi khi Dương Hướng kể rằng: Ông đã nghỉ nửa năm không lương chỉ để ngồi viết “Bến không chồng” theo đơn đặt hàng của một nhà xuất bản của tỉnh, mà ông cũng không tin tưởng chắc chắn họ sẽ in. 

Đến khi tác phẩm hoàn thành, nhà xuất bản đòi sửa lên sửa xuống nhiều chi tiết, ông tức khí mang sách tới NXB Hội Nhà văn, may mắn sách được in, không sửa chút nào, ngay cả một dấu câu cũng tôn trọng tác giả. 

Thế là Dương Hướng giữ nguyên được kết cục bi thảm với cái chết của nhân vật chính: Nguyễn Vạn. Mối tình của Nguyễn Vạn ở cuối sách vẫn bị ì xèo không ít: Loạn luân. Nhưng Dương Hướng nhất quyết không sửa: “Tôi thấy nhất định nó phải thế”. Khi cần ngang ngạnh, con người hiền lành ấy xem ra cũng chẳng chịu thua ai.

Không quan tâm thứ hạng

Gia tài văn chương của ông hiện nay gồm ba tập truyện và ba cuốn tiểu thuyết, ông có hài lòng không?

Nói thật tôi chả thấy gì. Với tôi nghiệp viết nhẹ nhàng, không cay cú. Tôi đón nhận giải thưởng cũng nhẹ nhàng. Giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho “Bến không chồng” đến khi được mời đi tôi mới biết. Hồi đó ông Lý Biên Cương nhận được điện từ Hà Nội về, mới qua nhà thông báo cho tôi. Tôi quan niệm: Cái gì đến là đến. Mong chả được. Chả trầy trật làm gì cho khổ.

Sức viết của các nhà văn Việt Nam nhìn chung phần nhiều không bền. Ông có bao giờ băn khoăn tại sao chúng ta không có nổi một nhà tiểu thuyết tầm vóc? 

Không phải chỉ các tác giả Việt Nam mà tác giả các nước cũng thế. Nếu mình cứ sản xuất hàng loạt thì tôi cũng làm được nhưng có cái gì đó mình vẫn tự hạn chế mình. 

Có thể đó là tự trọng với nghề chăng? Nhưng ông có nghĩ do nhà văn chúng ta thiếu nền tảng triết học cần thiết?

Có thể. Chúng ta hơi bị manh mún.

Có lúc nào ông mơ màng nghĩ tới vị trí của mình trên văn đàn Việt Nam?

Tôi đi đâu, bạn bè giới thiệu tôi là tác giả “Bến không chồng” nhiều người ngỡ ngàng không tin. Tôi không ra vẻ nhà văn. Về vị trí của tôi trên văn đàn tôi không quan tâm. Đến đâu thì đến. Một số người hay nghĩ tới thứ, hạng. 

Tôi nghĩ: Thứ hạng của anh ở đâu là do tác phẩm của anh vào quần chúng, vào nhân dân, vào người đọc đến đâu. Cố tình quảng cáo mình chỉ làm mình thấp đi. 


Nông Hồng Diệu
Nguồn: Tiền Phong