Ngày đăng : 10/04/2014

“Nhà phê bình không có trách nhiệm làm vui lòng độc giả”


Vẫn biết, sách bán chạy chưa chắc là sách hay và ngược lại. Nhưng sự xuất hiện “hiện tượng xuất bản” của một số người cầm bút trẻ không khỏi đặt ra nhiều dấu hỏi cho đời sống văn chương. Thử giải đáp một vài câu hỏi xung quanh hiện tượng này, PV đã trao đổi với nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan.

PV: Thời gian vừa qua, thậm chí vừa mới qua Hội sách được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi có danh sách các cuốn sách bán chạy nhất được công bố cho thấy văn học trẻ đã xuất hiện một vài tác giả được coi là “hiện tượng xuất bản” như Phong Việt, Anh Khang với ba, bốn vạn sách in… Là người làm lý luận phê bình văn học, và theo dõi đời sống văn chương, ông có quan tâm đến những trường hợp này không?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Tôi đã đề cập “hiện tượng thơ Phong Việt” trong một bài viết của tôi hồi cuối năm 2013 vừa qua. Như tôi thấy thì đó nên được gọi là một hiện tượng trong xuất bản sách văn học Việt Nam gần đây, đặc biệt là sách sáng tác, và đặc biệt lại là sách thơ. Nói vậy thì trường hợp cuốn “Buồn làm sao buông” của Anh Khang là một trong số những đầu sách văn học bán chạy nhất tại Hội sách Tp.Hồ Chí Minh 2014 vừa rồi cũng phải là đặc biệt. Hai “case” đặc biệt cùng xuất hiện trong một khoảng thời gian, từ năm 2012 đến năm 2014, và có một số điểm đặc trưng giống nhau, tạo thành một dấu chỉ, báo hiệu một hiện tượng không “đặc biệt”, mà phổ biến. Hai tác giả trẻ này, Phong Việt và Anh Khang, có nói cùng một điều trong trả lời phỏng vấn báo chí: họ chưa tự coi mình là nhà văn nhà thơ “chuyên nghiệp.” Có lẽ họ trẻ và khiêm nhường vì còn trẻ. Cũng có lẽ họ thấy chưa sẵn sàng trở thành những Nguyễn Nhật Ánh mới. Dù thế nào thì điều này cũng phản chiếu một nguyên do căn bản hơn: văn chương của họ chưa đủ cá tính và sự tự tin để tồn tại độc lập với một xu thế nhất định của tiêu dùng văn hóa.

PV: Ông có thể thử cắt nghĩa những trường hợp này theo cách nhìn của người làm lý luận phê bình?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Cứ theo một mô hình nhị nguyên trước kia quen dùng, nói rằng “Văn học là nhân học”, thì với hiện tượng này, cụ thể là các trường hợp này, vấn đề chủ yếu nằm ở “nhân học” chứ không phải “văn học.” Tại sao những bài tản văn và những bài thơ tự do thuần chỉ thi vị hóa các tâm tư của một người yêu, một kẻ tình nhân đau khổ bằng một kiểu ngôn ngữ từ chương thiếu cá tính, êm tai, phổ thông về phẩm chất văn học và tri thức, lại cuốn hút đông đảo người đọc đến như vậy? Phần nào thì hỏi tức là đã trả lời. Tác giả Anh Khang trong một cuộc phỏng vấn đã giải thích khá hồn nhiên, cho rằng bạn đọc thích văn của anh vì anh diễn đạt được những tâm trạng mà họ cũng muốn diễn đạt cho riêng họ. Dường như tác giả này đã gợi ra vấn đề căn bản trong hiện tượng này.      

PV: Hiệu ứng từ “hiện tượng xuất bản” đã cho thấy, một số đơn vị làm sách đã và đang có xu hướng săn tìm những tác phẩm tương tự để phát hành. Tất nhiên là sách bán được thì cả tác giả và đơn vị làm sách đều có lợi. Còn về phía độc giả, theo ông, liệu đây có phải xuất phát từ nhu cầu của độc giả? độc giả có lợi gì không?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Như ta vừa trao đổi ở trên, nhu cầu của độc giả là yếu tố quyết định “hiện tượng xuất bản” này. Đấy thực sự là một “cơ chế thị trường.” Nếu người đọc quay lưng bỏ đi, tức họ không thấy cái lợi gì hợp với điều họ muốn, thì sẽ chẳng có “hiện tượng” nào xảy đến được.

PV: Nếu là nhu cầu, thì nhu cầu này nói lên điều gì, có nên duy trì để phát triển không, có lợi cho văn chương không hay phải có những “điều chỉnh”?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Nhu cầu của đa số người đọc và bản thân những khối đa số ấy là các hiện tượng văn hóa. Nói đến hiện tượng là nói đến biến chuyển, đổi thay. Các nhu cầu ấy, các đám đông ấy có thể biến đổi khôn lường như thời tiết. Đối với văn chương thật sự thì không thể tìm kiếm cái lợi hại từ nhu cầu đang thịnh hành để mà điều chỉnh. Đó là việc của những người làm xuất bản. Và là một việc khó khăn phức tạp. Còn về các nhu cầu như đang nói đến ở đây, muốn điều chỉnh là một mong muốn không thực tế.

PV: Có ý kiến cho rằng khi đọc tác phẩm của những tác giả thuộc “hiện tượng xuất bản” trên thì thấy có điểm chung là viết về tình yêu với nỗi buồn, sự tiếc nuối, hoài niệm đã qua, tuy nhiên vẫn hi vọng, tự vỗ về bản thân để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn… khác với thứ văn chương sến, lãng mạn… chúng ta từng được biết, nhưng lại đang được cả bên “cung” - tác giả viết ra và bên “cầu” độc giả đón nhận nồng nhiệt. Vậy đây có phải là dấu hiệu “manh nha” cho một dòng văn chương mới không?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Theo tôi thì không, đây không phải dấu hiệu về một dòng văn chương mới nào cả. Những điểm nổi bật về đặc tính chủ đề, nội dung hay văn phong mà bạn vừa nêu ra đó đều không cho thấy cái gì mới mẻ, cho nên trước hết đó không thể là một văn chương mới. Cảnh độc giả đón nhận nồng nhiệt một tác giả hay một cuốn sách thì trước hết là một cảnh tượng. Các cảnh tượng luôn thay đổi dễ dàng. Độc giả, dù có đông đúc hay không, không phải là nguồn tạo ra bất cứ một dòng văn chương mới nào.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông để có một dòng văn học mới xuất hiện cần có những điều kiện gì?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Điều kiện duy nhất để cho một dòng văn học mới xuất hiện là phải thúc đẩy phát triển hết mức cái đời sống văn học đương có.

PV: Tạm gọi đó là sự manh nha của “văn chương cảm xúc”. Nếu được đặt tên cho tạng tác phẩm kiểu này, ông sẽ gọi là gì?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Tôi chẳng biết nên gọi tên gì cho dạng sáng tác này, chỉ thấy đó là văn thơ thành thật, đúng như các tác giả văn thơ đó đã chia sẻ với công chúng của họ. Thành thật cũng là một cảm xúc. Nhưng khác với chân thực, bởi văn chương mà chân thực được thì đã phải khám phá những thứ chưa ai biết tới hay nghĩ tới.

PV: Theo ông tại sao một “hiện tượng xuất bản” xuất hiện lại rất ít các nhà lý luận phê bình “lên tiếng” cắt nghĩa và dường như cũng không phải là tâm điểm chú ý của các giải thưởng văn học?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Như chúng ta đã trao đổi ở trên, các “hiện tượng xuất bản” này, ngoài cơ duyên của các tác giả với độc giả của họ, còn thì chủ yếu là nỗ lực và công lao của những người làm xuất bản. Theo tôi thấy thì các nhà phê bình không có trách nhiệm làm vui lòng độc giả của văn chương, và nếu không cần thiết thì cũng không phải làm hỏng dịp vui của một đa số độc giả. Còn các giải thưởng văn học, nhiệm vụ của họ là cân nhắc các “hiện tượng văn học” chứ không phải chạy theo chúng.

PV: Phải chăng, giờ đây chúng ta sẽ chấp nhận thứ văn chương “bán được” và “khó bán được” như câu nói mà đời sống thường ngày hay nhắc đến là “được miếng mà không được tiếng” hoặc “được tiếng mà không được miếng”?

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan: Chúng ta đều biết cái thực tế văn chương của ta đang theo toàn xã hội thực hiện “cơ chế thị trường” mới được vài chục năm nay. Theo đó, một thị trường đặc thù của văn học vẫn còn đang trên bước hình thành, chẳng hạn cái được gọi là “thị trường sách bán chạy.” Đã gọi là thị trường thì nó sẽ không đợi ta chấp nhận nó hay không. Quyết định tham gia vào thị trường, ở đây là thị trường sách văn học, hay không, là dạng quyết định cá nhân, của mỗi người viết. Cũng vậy, quan niệm về “tiếng” hay “miếng” không còn vai trò chi phối hoạt động văn học nói chung. Điều này không liên quan, hay liên quan rất thứ yếu đối với việc sáng tác. Vì một thực tế không thay đổi: chuyện văn chương là chuyện về tài năng văn học, chưa phải chuyện về một thị trường sách văn học.

* Xin cảm ơn những trao đổi thẳng thắn của ông!

Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Văn Học Quê Nhà