Ngày đăng : 08/07/2015

​Sách chép tay


Tôi học cấp II thời Việt Minh. Lúc ấy sách giáo khoa rất hiếm. 


Môn địa lý thế giới quý thầy dựa theo sách Pháp văn cho nên còn theo các bản đồ cũ, vẽ nước Ba Lan giống như chiếc áo may-ô, có phần Đông Phổ nằm chính giữa, nước Đức giống như con sói há miệng. Đến năm 1951 mới có bản đồ cập nhật ranh giới sau Thế chiến thứ hai.

Môn văn, năm 1952 mới có sách của Đặng Thái Mai (hồi ấy chữ lót tên ông có dấu sắc) viết về Chinh phụ ngâm, Hoài Thanh với Quyền sống của con người trong Truyện Kiều, và bộ Việt Nam văn học sử của Lê Trí Viễn. Gần 150 học sinh cuối cấp được phân phối mỗi loại ba, bốn quyển, phải bốc thăm để mua. Số tôi xui không bốc thăm được bộ Việt Nam văn học sử. Đành mượn của bạn chép tay vậy!

Tôi có một ít vở 100 trang, giấy trắng, nhờ mua qua đường “ngoại thương” từ “vùng bị chiếm” (Nha Trang). Bút thì dúng gốc tre già vót nhọn, viết rất tốt, không mau cùn ngòi. Mực là loại mực viên, màu tím đậm, cũng khá tốt. Chữ tôi nhỏ, mỗi ô chép hai dòng, tức mỗi dòng hai ô li.

Tôi ngồi chăm chú chép sách. Chỉ chép ban ngày, ngoài giờ đến lớp và học bài, vì ban đêm không có dầu dẫu là dầu dừa sản xuất tại địa phương. Nhờ vậy tôi đọc được nhiều cổ văn, kể cả những sách không có trong chương trình học lúc ấy và sau năm 1954 ở miền Nam, như Sơ kính tân trang. Tôi quý ông Phạm Thái, quý mối tình của ông với bà Trương Quỳnh Như, thích mấy chữ nghẹn má hồng trong bài Khóc Trương Quỳnh Như, hình ảnh ấy vượt hẳn lên trên cả những hồi thu cổ, tiếng thiền chung...

Thời gian 1954-1960 ở miền Nam cũng hiếm sách xuất bản trước năm 1945. Muốn trích dẫn, dẫn chứng không có tư liệu. Chép theo trí nhớ thì chính mình cũng đâu dám tin là chính xác trăm phần trăm. Có mấy thầy dạy văn trường trung học tư thục Tân Phương ở Gia Định sưu tầm được sách văn thơ tiền chiến cho những người quen thân mượn. Nhờ quen với thầy Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu Í), tôi mượn được những sách cần. Và một lần nữa... ngồi chép tay.

Những quyển Ngày xưa (Nguyễn Nhược Pháp), Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Lửa thiêng (Huy Cận), Lỡ bước sang ngang (Nguyễn Bính), Quê ngoại (Hồ DZếnh), Thơ thơ, Gửi hương cho gió (Xuân Diệu), tôi chép trên giấy fort khổ 21x27, ngắn hơn tờ A4 hiện nay, dùng giấy croquis đóng bìa (bìa do tôi “trình bày”). Riêng quyển Thi nhân Việt Nam dùng vở ô li 200 trang. Bấy giờ tôi có quyền hãnh diện với nhiều bạn bè về kho tư liệu của mình, cả nội dung lẫn hình thức.

Sau năm 1960, Nhà xuất bản Hoa Tiên (Sài Gòn) in một loạt tập thơ trên. Thế là tôi mất cái “độc quyền”. Nhưng tôi vẫn mua những cuốn sách in này. Lỡ ai không có, cần thì tôi cho mượn, còn sách chép tay thuộc loại bản quý để dành trong tủ. Riêng quyển Thi nhân Việt Nam lúc đó chưa in lại nên “độc bản” của tôi phải sử dụng nhiều quá, long chỉ, rách bìa, trông thật phong trần! Bây giờ tôi có đến ba quyển Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học 1994, 2013 và NXB Kim Đồng 2006. Quyển chép tay của tôi mới có quyền yên tĩnh nghỉ ngơi.

Hồi đó chúng tôi có nhiều thì giờ thư từ cho nhau. Thư có khi đến mươi trang, bàn luận nhiều chuyện. Một bạn trích từng câu rải rác trong Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng, ráp lại thành một bài tùy bút trọn nghĩa. Rồi chép gởi cho nhau những bài thơ tiền chiến và kháng chiến cùng ưa thích như Trường tình (TchyA), Tây tiến (Quang Dũng), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Nhà tôi (Uyên Thao), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)... cả thơ hiện đại nữa, trong đó có thơ Tạ Ký.

Thơ xưa thì chép bằng bút lông, màu nước. Bài Hoàng Hạc lâu kèm các bản dịch từ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San đến Bùi Khánh Đản, Nhất Anh... Chưa gọi là thư pháp thư mỹ gì cả, thấy trên các báo xuân ông Đông Hồ viết như vậy đẹp, bắt chước...

Bây giờ cái tuổi “đôi mươi” và “hơn đôi mươi” đã trôi xa về dĩ vãng. Thỉnh thoảng nhớ lại, xem lại, đúng là thương bạn, thương mình, thương xứ sở... Một số bằng hữu không còn. Tôi, tuy đã đi vào một thời để chết, nhưng vẫn chưa hết một thời để yêu. Gia đình, con cháu, bạn bè, xóm làng, quê kiểng... sống là sống giỡn chơi, nhưng yêu luôn luôn là yêu chân thực...

Trần Huiền Ân
Nguồn: Tuổi Trẻ