Ngày đăng : 15/06/2015

Nghĩ từ thư viện Trần Văn Khê


Năm 2001, GS.TS Trần Văn Khê quyết định sẽ rời Pháp về ở hẳn tại Việt Nam. 55 năm lập nghiệp ở xứ người, nhà nghiên cứu lừng danh về âm nhạc châu Á đã bước sang tuổi tám mươi ấy chỉ có một căn hộ khiêm tốn ở ngoại ô Paris – nơi chất đầy các cây đàn, các cuốn sổ ghi chép, các cuốn băng audio và video ghi kín tư liệu âm nhạc quý hiếm. Và nhiều nhất là sách báo: 6.420 cuốn sách với 3.920 nhan đề, 4.266 tạp chí với 763 nhan đề, 108 bản báo với 39 nhan đề.

Quyết định về sống hẳn ở Việt Nam, sao ông có thể để lại Pháp số tài sản quý giá mà từ lâu ông đã nung nấu mong muốn tặng tất cả cho quê nhà? Nhưng nếu đem về thì cá nhân ông làm sao kham nổi công sức và chi phí với mấy trăm kiện sách và hiện vật? Và, ở Việt Nam, nơi trú ngụ chắc chắn là rất khiêm nhường của ông làm sao đủ chỗ để lưu giữ, phát huy số lượng sách và hiện vật ấy?

Người về sách cũng theo về

Trong một lần tình cờ gặp gỡ ở Paris, bà Trương Ngọc Thuỷ, khi ấy là giám đốc sở Văn hoá thông tin TP.HCM, giáo sư Trần Văn Khê đã bộc bạch nỗi niềm mà không mấy tin sẽ được chia sẻ. Thật bất ngờ, câu trả lời mà ông nhận được từ bà Thuỷ lại thật chân thành và rõ ràng: “Nếu bác quyết định trở về sống ở quê nhà và đem theo tất cả tài sản tinh thần quý giá của bác để tặng cho đất nước, cháu xin hứa sẽ bằng mọi cách giúp bác thực hiện nguyện vọng. Chỉ có một điều kiện thôi nghen bác: nơi bác ở và tất cả số lượng sách và hiện vật bác đem về sẽ đặt tại TP.HCM”.

Câu chuyện hồi hương và ngôi nhà ở Việt Nam của giáo sư Khê bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ ấy hoá ra không đơn giản. Đã có nhiều cuộc trao đổi công việc ở cấp cao, thậm chí rất cao để tìm cách giải quyết ổn thoả mọi bề. Nếu chỉ là một cuộc hồi hương thuần tuý như bao kiều bào khác. Nếu chỉ là việc tìm một chỗ ở nào đó với giá chính sách dành cho một người Việt có đóng góp nhất định cho đất nước về mặt văn hoá. Nếu chỉ đơn giản là đem tất cả những hiện vật, sách vở của Trần Văn Khê để vào kho bảo tàng và kho thư viện để từ từ đưa vào trưng bày và khai thác nghiên cứu. Đằng này, những người làm việc ở ngành văn hoá đã xây dựng hẳn một đề án mang tên “Nhà Trần Văn Khê” với ý đồ thật rõ ràng: Nhà nước tìm và tạm cấp một ngôi nhà khang trang để giáo sư Trần Văn Khê sống và làm việc những năm cuối đời. Tất cả những hiện vật gắn bó với ông trong suốt sự nghiệp học tập, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc Việt Nam và trở thành một nhân vật văn hoá nổi tiếng ở nước ngoài sẽ được trưng bày, lưu giữ tại đây. Đây cũng là nơi sẽ tổ chức những sinh hoạt nghiên cứu, biểu diễn và giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho người trong nước và bè bạn quốc tế mà giáo sư Trần Văn Khê trực tiếp tham gia, chủ trì. Chính tại ngôi nhà này, khách có nhu cầu nghiên cứu sẽ được tiếp cận kho tư liệu quý dưới dạng sách, băng từ, hình ảnh, văn bản, sổ ghi chép liên quan đến sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê cùng các nhân vật văn hoá nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. 

Ngôi nhà do Nhà nước tạm cấp cho giáo sư Trần Văn Khê để ở, không phải là tài sản có giá trị chuyển dịch của cá nhân ông. Đổi lại, giá trị mà cá nhân giáo sư mang đến cho ngôi nhà chính là linh hồn chứ không chỉ là sự vô hồn khô khan của hiện vật và sách vở. Ông đã thực sự ở đây, đã tiếp tục làm việc trong tư cách một nghệ sĩ, một nhà khoa học, đã tiếp đón rất nhiều vị khách quý trong và ngoài nước, đã thực sự là chỗ dựa tinh thần những buổi sinh hoạt học thuật và trình diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc, đã trực tiếp hướng dẫn cho khách đến tra cứu nguồn tư liệu quý mà ông cắc củm lượm lặt cả đời ở xứ người để mang về phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Đến khi ông trăm tuổi, toàn bộ ngôi nhà mang dấu ấn kỷ niệm về ông sẽ trở thành một địa chỉ văn hoá thuộc về tất cả mọi người với tên gọi giản dị “Nhà Trần Văn Khê”. Vì ý nghĩa đó, nhất thiết phải bố trí một căn nhà đẹp về kiến trúc, đủ rộng về diện tích sử dụng bên trong và không gian bên ngoài. Nhất thiết phải bố trí người có nghiệp vụ bảo tàng, nghiệp vụ thư viện đến giúp giáo sư xử lý, bảo quản hiện vật, sách. Lý lẽ ấy của những người làm đề án “Nhà Trần Văn Khê” ở sở Văn hoá – thể thao và du lịch tuy có mất không ít thời gian thuyết phục những người, những đơn vị có liên quan nhưng niềm vui lớn nhất là cuối cùng thì thành phố và quận Bình Thạnh cũng đã phối hợp để tìm được một ngôi nhà xứng đáng với ý nghĩa của nó. 465 kiện sách và hiện vật cũng đã từ Pháp về đến Việt Nam an toàn mà không bị bất cứ phiền phức nào trong xét duyệt, lại còn được miễn toàn bộ phí hải quan xuất nhập cảng.

Nhà của một người, sách của mọi người

Ngôi biệt thự ở số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh) được sửa chữa khang trang, đẹp đẽ “trước cau, sau chuối” như bao ngôi nhà Việt truyền thống để ngày 6.1.2006 chìa khoá của nó được những người có trách nhiệm trao tận tay giáo sư Trần Văn Khê. Năm 2006, vị giáo sư từng được nhiều giải thưởng danh giá của các tổ chức quốc tế, là thành viên danh dự suốt đời của hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, lần đầu tiên ăn tết cổ truyền tại “nhà của mình” ở trên chính nước mình sau 55 năm tha hương.

Đã có quá nhiều người tôn vinh giáo sư Trần Văn Khê là người hoạt động và quảng bá hiệu quả nhất cho âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nước ngoài trong hơn nửa thế kỷ. Nhà nước Việt Nam cũng đã tặng ông huân chương Lao động hạng nhất vì những đóng góp quan trọng của ông cho việc sưu tầm và vinh danh ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên lên hàng di sản thế giới.

Còn ông, vị giáo sư năm nay đã 92 tuổi, chắt ngoại của Nguyễn Tri Phương thì chỉ luôn thành tâm cảm ơn, không sót một ai, tất cả những người đã giúp ông có được hàng chục buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ tại ngôi nhà mà đến nay nhiều người đã quen gọi là “nhà của giáo sư Trần Văn Khê”, có được tại nhà một thư viện chuyên nghiệp mang tên “Thư viện Trần Văn Khê” kể từ ngày 31.7.2012. Có được niềm vui ngoài sự tưởng tượng của chính mình khi bắt đầu chuẩn bị hồi hương nhưng ông nghĩ, ông còn món nợ lớn với âm nhạc dân tộc. Đó là, chương trình giảng dạy âm nhạc dân tộc ở bậc tiểu học chưa được chính thức nhân ra ở tất cả các trường sau giai đoạn thể nghiệm ở trường tiểu học Trần Hưng Đạo TP.HCM từ năm 2004 mà chính ông trực tiếp thực hiện.

“Nhà Trần Văn Khê, Thư viện Trần Văn Khê” – những địa chỉ văn hoá ấy, nghĩ cho cùng, đâu phải là điều quá khó để tiếp tục thực hiện. Đất nước mình còn biết bao những con người mà tài năng và sự nghiệp quý giá của họ thực sự là tài sản tinh thần vô hình và vô giá đang lặng lẽ làm nên niềm tự hào cho đất nước. Chậm nghĩ, chậm thực hiện các địa chỉ văn hoá ấy khi năm tháng cứ vùn vụt trôi qua là chúng ta đang tự mình đánh mất những cơ hội có được các giá trị tinh thần cần lưu giữ cho các thế hệ kế tiếp. Thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu người không phải là nguyên nhân chính lý giải cho sự chậm trễ. Gạt bỏ những định kiến trong tư duy về trật tự “trên – dưới; trước – sau, trong – ngoài” để làm văn hoá, để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá mới chính là thách thức mà những người có trách nhiệm điều hành xã hội hôm nay cần vượt qua.

Nguyễn Thế Thanh
(Bài viết đã đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị 29.8.2012)