Ngày đăng : 25/05/2015

Tại sao tương lai của chúng ta phụ thuộc vào thư viện, việc đọc và mơ mộng?


Tác giả: Neil Gaiman Neil Gaiman tên thật là Neil Richard Gaiman, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1960 ở Porchester, Anh, là một tác giả đa tài, được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock” của văn học thiếu nhi thế giới. Một số tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ tiếng Việt: Câu chuyện nghĩa địa, Coraline, Còn sữa là còn hy vọng.

Việc người khác nói cho bạn biết lập trường quan điểm của họ và lý do tại sao rất quan trọng, cho dù họ có phần hơi thiên vị. Đó là một tuyên bố về mối quan tâm cá nhân.  Tôi sẽ nói với các bạn về việc đọc. Tôi sẽ nói với các bạn về tầm quan trọng của thư viện. Tôi sẽ gợi ý rằng đọc sách hư cấu, đọc vì sở thích là một trong những điều quan trọng nhất mà một người có thể làm. Tôi sẽ đưa ra một lời biện hộ đầy say mê để mọi người hiểu được thư viện và những người thủ thư và để bảo tồn tất cả những điều trên.

Tôi có chính kiến chắc chắn và rõ ràng: tôi là một tác giả, thường sáng tác các tác phẩm hư cấu. Tôi viết cho cả trẻ em và người lớn. Trong khoảng 30 năm tôi đã kiếm sống bằng những con chữ, chủ yếu là bịa chúng ra và viết lên giấy. Rất rõ ràng rằng niềm vui thích của tôi là khiến mọi người đọc và để họ đọc các tác phẩm hư cấu, để thư viện và những người thủ thư tồn tại – giúp nuôi dưỡng tình yêu với sách và những nơi có thể đọc được.

Vậy nên tôi thiên vị với tư cách là một nhà văn. Nhưng tôi còn thiên vị hơn rất rất nhiều với cương vị là một độc giả. Và tôi thiên vị gấp nhiều lần nữa với tư cách là một công dân Anh.

Có lần tôi đi nghe một cuộc nói chuyện về việc xây dựng nhà tù biệt giam ở New York – một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở Mỹ. Và ngành công nghiệp này đặt ra kế hoạch phát triển – sẽ cần bao nhiêu phòng giam? Sẽ có khoảng bao nhiêu tù nhân trong vòng 15 năm tới? Và họ phát hiện ra rằng họ có thể dự đoán được điều đó dễ dàng, sử dụng một thuật toán đơn giản, dựa trên số liệu về trẻ 10-11 tuổi không biết đọc. Và chắc chắn không thể đọc vì sở thích.

Nói vậy không có nghĩa là một xã hội biết đọc sẽ không có tội phạm. Nhưng có những sự liên quan thực tế ở đây.

Và tôi nghĩ một trong số đó, điều đơn giản nhất là những người biết đọc sẽ đọc các tác phẩm hư cấu.

Tác phẩm hư cấu có hai tác dụng. Trước hết, đó là cánh cổng mê hoặc dẫn tới việc đọc. Là động lực muốn biết việc gì xảy ra tiếp theo, ham muốn lật trang, thôi thúc tiếp tục đọc kể cả khi khó khăn, bởi vì ai đó đang gặp rắc rối và bạn cần phải biết cuối cùng tất cả sẽ kết thúc ra sao… đó là một động lực rất thật. Và nó thúc ép bạn học những từ mới, nghĩ những suy nghĩ mới, cứ tiếp tục như vậy. Để khám phá ra rằng đọc là một việc rất sung sướng. Một khi bạn đã biết được điều đó, bạn sẽ bắt đầu đọc mọi thứ. Và việc đọc chính là chìa khóa. Vài năm trước có nổi lên một vài ý kiến cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hậu biết chữ - nơi mà khả năng nhận diện con chữ đã dư thừa, nhưng những ngày đó đã qua rồi, ngôn ngữ ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết: chúng ta điều hướng thế giới bằng ngôn từ, và khi thế giới trượt trên mạng lưới, chúng ta cần bám theo để giao tiếp và hiểu những gì chúng ta đang đọc. Những người không thể hiểu nhau sẽ không thể trao đổi ý tưởng, không thể giao tiếp và mấy phần mềm dịch thuật cũng mới chỉ đi xa được tới vậy thôi. 

Cách đơn giản nhất để chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ biết chữ là dạy chúng đọc, và chỉ cho chúng thấy đọc là một hoạt động thú vị. Đơn giản là tìm những cuốn sách chúng yêu thích, để chúng có cơ hội tiếp xúc và đọc những cuốn sách đó.

Tôi không nghĩ có cái gì gọi là sách tồi cho trẻ. Cứ thi thoảng lại có mốt trong giới “người lớn” tuyên bố trong mấy cuốn sách thiếu nhi, một thể loại hoặc một tác giả là xấu, rằng trẻ con không nên đọc mấy thứ này. Chuyện này cứ diễn ra suốt, Enid Blyton từng bị cho là một tác giả tồi, cả R.L.Stine và cả tá các tác giả khác. Truyện tranh đã luôn bị chỉ trích là một thứ cản trở khả năng đọc.

Đó là những lời bậy bạ. Thật cao ngạo và ngu ngốc. Không có tác giả nào là không tốt cho trẻ, mỗi đứa trẻ thích và muốn đọc sẽ tự tìm kiếm bởi chúng khác nhau. Chúng có thể tìm được những câu chuyện chúng cần và tự mình đến với những câu chuyện ấy. Một ý tưởng tầm thường và cũ kỹ với chúng. Đó là lần đầu tiên đứa trẻ bắt gặp nó. Đừng ngăn cản trẻ con đọc chỉ bởi bạn cảm thấy đọc mấy thứ đó là sai lầm. Các tác phẩm hư cấu bạn không thích là một con đường dẫn tới những cuốn sách khác mà có thể bạn thích hơn. Và không phải mọi người đều có sở thích giống bạn.

Những người lớn có thể dễ dàng phá hỏng sở thích đọc của một đứa trẻ: cấm chúng đọc những gì chúng thích, hoặc ném cho chúng những cuốn sách đầy giá trị và chán chết mà bạn thích,  những công cụ của thế kỷ 21 để “phát triển” khả năng văn học. Bạn sẽ khiến một thế hệ tin rằng đọc chẳng vui gì, và tệ hơn nữa là rất khó chịu.

Chúng ta cần những đứa trẻ leo lên cái thang của việc đọc: mọi thứ làm chúng thích thú đọc sẽ thúc đẩy chúng, từng bậc một, tiến tới việc biết chữ. (Thêm nữa, đừng làm như tôi, lúc đứa con gái 11 tuổi thích R.L.Stine thì lại đi mua một cuốn Carrie của Stephen King, rồi nói rằng nếu con thích mấy thứ này con sẽ thích cuốn này. Holly chẳng đọc cái gì ngoài những câu chuyện an toàn về những người sống trên thảo nguyên suốt những năm tháng thiếu niên của mình và vẫn còn lườm tôi mỗi lần nhắc tới tên Stephen King).

Tác dụng thứ hai của các tác phẩm hư cấu là tạo dựng sự đồng cảm. Khi bạn xem TV hoặc xem một bộ phim, bạn nhìn những thứ xảy ra với những người khác. Văn viết là điều gì đó mà bạn tạo nên từ 26 chữ cái và một nắm các dấu câu, và bạn, chỉ mình bạn, sử dụng khả năng tưởng tượng của mình tạo ra một thế giới và những con người rồi nhìn mọi thứ qua một đôi mắt khác. Bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều, thăm thú nơi này nơi kia và những thế giới bạn chẳng bao giờ biết tới. Bạn thấy rằng mọi người ngoài kia cũng là mình. Bạn là một ai đó khác, và khi bạn trở lại thế giới của mình thì bạn đã thay đổi một chút chút rồi.

Đồng cảm là một sợi dây để liên kết mọi người thành một khối, để chúng ta hoạt động hiệu quả hơn một cá nhân.

Bạn cũng sẽ tìm thấy điều gì đó khi bạn đọc để tìm đường ra với thế giới. Và đó là:

Thế giới không phải lúc nào cũng thế này. Mọi thứ có thể khác đi.

Tôi đã ở Trung Quốc vào năm 2007, khi chính quyền lần đầu thông qua hiệp ước về khoa học viễn tưởng và fantasy. Tôi thắc mắc rằng tại sao khoa học viễn tưởng đã bị cấm một thời gian lâu như vậy, điều gì đã thay đổi?

Người ta nói với tôi rằng, rất đơn giản, người Trung Quốc rất giỏi làm việc nếu người khác đem kế hoạch tới cho họ. Nhưng họ không cải tiến hay sáng chế. Họ không tưởng tượng. Vậy nên họ gửi một phái đoàn tới Mỹ, tới Apple, tới Microsoft, Google và hỏi những người ở đó xem ai là người tạo ra tương lai cho chính họ. Và họ phát hiện ra rằng tất cả mọi người đều đọc khoa học viễn tưởng từ khi còn là những đứa trẻ.

Tác phẩm hư cấu có thể đem tới cho bạn một thế giới khác. Chúng có thể đưa bạn tới những nơi bạn chưa từng đến. Một khi bạn đã thăm thú những thế giới ấy rồi, giống như những người đã ăn trái thần tiên, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn hài lòng với thế giới bạn đã lớn lên. Không hài lòng là một điều tốt, những con người không hài lòng có thể cải biến và phát triển thế giới của họ, để tốt lên, để khác đi.

[…]

Một cách khác để phá hoại niềm vui đọc sách của một đứa trẻ là không để một cuốn sách thuộc bất kỳ thể loại nào xung quanh. Và không cho chúng một không gian để đọc. Tôi đã rất may mắn. Tôi có một thư viện địa phương tuyệt vời để lớn lên. Tôi có ông bố, bà bẹ có thể thuyết phục được để thả tôi ở thư viện trên đường đi làm vào kỳ nghỉ hè, có người thủ thư không thấy phiền lòng với một cậu bé nhỏ xíu đi một mình tới thư viện hàng sáng và lục trong danh mục những cuốn sách có ma hoặc phép thuật hoặc rocket, tìm ma cà rồng hoặc thám tử hoặc phù thủy hoặc những điều kỳ diệu. Và khi tôi đọc hết đống sách thiếu nhi, tôi bắt đầu đọc sách người lớn.

Họ là những người thủ thư tốt. Họ thích sách và họ muốn sách được đọc. Họ dạy tôi cách mượn sách từ những thư viện khác. Họ không phán xét những gì tôi đọc. Họ dường như chỉ thích thú với một chú bé mắt mở to, thích đọc và nói chuyện với họ về những cuốn sách chú đang đọc. Họ sẽ giúp tôi tìm những cuốn khác cùng trong bộ, họ đối xử với tôi – một cậu bé 8 tuổi như với những người đọc khác, với sự tôn trọng.

Nhưng thư viện còn là nơi dành cho sự tự do. Tự do đọc, tự do về ý tưởng, tự do giao tiếp. Thư viện là nơi giáo dục (không phải một quá trình kết thúc vào ngày chúng ta tốt nghiệp), giải trí và tạo ra những không gian an toàn để tiếp cận thông tin.

Tôi lo sợ rằng những con người của thế kỷ 21 hiểu nhầm về thư viện và mục đích của chúng. Nếu bạn nhận thức thư viện là một cái giá sách thì có vẻ đã hơi lỗi thời trong một thế giới mà phần lớn, không phải tất cả sách đều ở dạng số. Đó là nhầm lẫn một cách cơ bản.

Tôi nghĩ vấn đề là bản chất tự nhiên của thông tin. Thông tin có giá trị, và thông tin đúng có giá trị cực kỳ lớn. Trong toàn bộ lịch sử loài người, chúng ta sống trong một giai đoạn khan hiếm thông tin, có được thông tin cần thiết luôn quan trọng, luôn xứng đáng:  khi nào thì gieo trồng, tìm cái gì ở đâu, bản đồ và lịch sử và những câu chuyện – chúng luôn tốt cho một bữa ăn và cho một người đồng hành. Thông tin là một thứ đáng giá và những ai có được chúng hoặc thành thạo chúng có thể kiếm tiền từ dịch vụ đó.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta chuyển từ một nền kinh tế khát thông tin sang dạng bị điều khiển bởi sự thừa thãi thông tin. Theo Eric Schmidt của Google, hiện nay cứ hai ngày loài người tạo ra một lượng thông tin nhiều bằng tất cả những gì chúng ta làm được từ thuở sơ khai tới tận 2003. Đó là vào khoảng 5 exobyte thông tin một ngày. Thách thức không phải là tìm được một cái cây hiếm hoi giữa sa mạc mà là tìm đúng cái cây giữa khu rừng rậm. Chúng ta cần định hướng để tìm được thông tin về thứ mà chúng ta thực sự cần.

Thư viện là người ta tới để tìm kiếm thông tin. Sách chỉ là mỏm của tảng băng thông tin: chúng ở đó, và thư viện có thể cung cấp cho bạn một cách tự do và hợp pháp. Ngày càng có nhiều trẻ em mượn sách từ thư viện – sách đủ thể loại: sách giấy, sách điện tử và sách tiếng. Nhưng thư viện cũng là nơi, ví dụ với những người không có máy tính, không có mạng internet có thể lên mạng miễn phí: vô cùng quan trọng khi tìm việc, ứng tuyển trực tuyến tăng mạnh. Những người thủ thư có thể giúp những con người ấy định hướng với thế giới.

Tôi không tin rằng tất cả những cuốn sách sẽ hoặc nên được số hóa. Như Douglas Adams từng chỉ ra cho tôi, hơn 20 năm trước khi Kindle xuất hiện, một cuốn sách giấy như một con cá mập. Cá mập đã tồn tại từ rất lâu: có cá mập ở đại dương trước cả khủng long. Và lý do mà cá mập vẫn còn tồn tại là vì cá mập là cá mập tốt hơn mọi thứ khác. Sách giấy chắc chắn, khó phá hủy, đọc được trong lúc tắm, hoạt động dưới ánh mặt trời, cầm trên tay rất thích: chúng rất giỏi trong vai trò của mình, và sẽ luôn có chỗ cho chúng. Chúng thuộc về thư viện, cũng như những thư viện đã trở thành nơi bạn có thể tới để đọc ebook, nghe sách tiếng, xem DVD và các trang mạng.

Thư viện là kho lưu trữ thông tin và cho phép mọi công dân có quyền bình đẳng sử dụng. Bao gồm cả thông tin sức khỏe. Và thông tin sức khỏe tinh thần. Đó là một không gian công cộng, một nơi an toàn để trú ẩn. Đó là nơi có những người thủ thư. Thư viện của tương lai như thế nào là thứ mà chúng ta nên tưởng tượng ngay từ bây giờ.

Việc biết chữ giờ quan trọng hơn bao giờ hết, trong một thế giới của tin nhắn và email, một thế giới của những thông tin được hiển thị bằng từ ngữ. Chúng ta cần đọc và viết, chúng ta cần những công dân toàn cầu có thể đọc thoải mái, hiểu những gì chúng ta đang đọc, hiểu được các tầng lớp nghĩa ẩn dụ.

Thư viện thực sự là cánh cổng tới tương lai. Nhưng thật không may là có nhiều chính quyền địa phương lựa chọn giải pháp đóng cửa các thư viện để tiết kiệm tiền mà không nhận ra rằng họ đang ăn cắp từ tương lai để trả cho hiện tại. Họ đóng những cánh cửa đáng nhẽ nên được mở.

Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Anh Quốc là đất nước duy nhất có nhóm dân số già nhất có khả năng biết chữ và số học cao hơn nhóm dân số trẻ nhất, xếp sau các yếu tố khác như giới tính, phông nền kinh tế-xã hội và loại công việc.

Nói cách khác, trẻ em và người già biết chữ và số kém hơn chúng ta. Họ ít khả năng định hướng với thế giới hơn, để hiểu và giải quyết các vấn đề. Họ dễ bị lừa dối và dắt mũi hơn, ít khả năng thay đổi thế giới của chính mình và ít được thuê làm việc hơn. Với tất cả những thực tế đó, Anh Quốc sẽ tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác vì thiếu lực lượng lao động chất lượng.


Neil Gaiman

Sách là cách chúng ta giao tiếp với quá khứ. Là cách chúng ta học những bài học từ những người đã khuất, rằng nhân loại đã tự xây dựng, phát triển, gia tăng kiến thức chứ không phải một thứ học đi học lại. Có những truyền thuyết còn cổ xưa hơn cả nhiều quốc gia, những câu chuyện tồn tại lâu hơn cả những nền văn hóa, những công trình nơi mà chúng được kể lần đầu.

Tôi nghĩ chúng ta có trách nhiệm với tương lai. Trách nhiệm và nghĩa vụ với trẻ em, với những con người mà những đứa trẻ ấy sẽ trở thành, với thế giới mà chúng sinh sống. Tất cả chúng ta – những độc giả, những nhà văn, những công dân – đều có nghĩa vụ. Tôi sẽ cố chỉ ra một vài nghĩa vụ ấy ở đây.

Tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ đọc vì sở thích, ở những nơi riêng tư và nơi công cộng. Nếu chúng ta đọc vì sở thích, để những người khác nhìn thấy chúng ta đọc, thì chúng ta không chỉ học được cách luyện tập trí tưởng tượng của mình mà còn cho những người khác thấy rằng đọc là một điều tốt.

Chúng ta có nghĩa vụ ủng hộ thư viện. Để sử dụng thư viện, khuyến khích những người khác sử dụng thư viện, chống lại việc đóng cửa thư viện. Nếu bạn không coi trọng thư viện thì bạn cũng không coi trọng thông tin hoặc văn hóa và sự hiểu biết. Bạn đang bịt những giọng nói từ quá khứ và hủy hoại tương lai.

Chúng ta có nghĩa vụ đọc thành tiếng cho trẻ con nghe. Đọc cho chúng nghe những thứ chúng thích. Kể chúng nghe những câu chuyện chúng ta đã chán rồi. Đóng giả các nhân vật để khiến câu chuyện thú vị hơn, đừng ngừng đọc cho chúng chỉ vì chúng đã biết tự đọc. Hãy coi đây như một cách để gắn bó với nhau hơn khi mà không có chiếc điện thoại nào cần kiểm tra, đẩy mọi sự sao nhãng sang bên.

Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng ngôn ngữ. Để thúc đẩy bản thân mình: để tìm hiểu ý nghĩa của ngôn từ và cách triển khai chúng, để giao tiếp một cách mạch lạc, để nói đúng ý mình. Chúng ta không được đóng băng ngôn ngữ, hoặc giả vờ rằng chúng là một thứ đã chết cần được hồi sinh, chúng ta nên sử dụng chúng như một thứ đang sống, những dòng chảy ấy, những từ ngữ ấy tạo ra ý nghĩa và phát âm thay đổi với thời gian.

Chúng ta – những nhà văn, đặc biệt là những nhà văn viết cho thiếu nhi, có nghĩa vụ với độc giả của mình: nghĩa vụ phải viết những điều trung thực, đặc biệt quan trọng khi chúng ta tạo ra những câu chuyện về những người sống ở những nơi chưa từng tồn tại – để hiểu sự thật không phải nằm ở những gì đã xảy ra mà ở việc điều đó nói cho chúng ta biết chúng ta là ai. Các tác phẩm hư cấu là lời nói dối để nói ra sự thật. Chúng ta có nghĩa vụ không được làm độc giả của mình thấy chán, mà khiến họ phải lật trang tiếp theo. Cách chữa tốt nhất cho một độc giả miễn cưỡng là một câu chuyện khiến họ không thể ngừng đọc. Và trong khi đó chúng ta phải kể cho độc giả của mình những điều chân thực và trao cho họ vũ khí cũng như áo giáp, truyền cho họ hiểu biết mà chúng ta đã gom góp được trong khoảng thời gian ngắn ngủi chúng ta sống trong thế giới màu xanh này, chúng ta có nghĩa vụ không thuyết giáo, không rao giảng, không nhồi nhét đạo đức và thông điệp vào họng độc giả như chim mẹ bón con; và chúng ta có nghĩa vụ không bao giờ, trong mọi hoàn cảnh, viết cho trẻ con những thứ thậm chí bản thân mình cũng không muốn đọc.

Chúng ta có nghĩa vụ hiểu và thừa nhận rằng khi viết cho trẻ con là chúng ta đang làm một công việc quan trọng, bởi vì nếu chúng ta làm hỏng và viết những cuốn sách nhàm chán, trẻ con sẽ quay lưng với việc đọc, với sách, và chúng ta hạn chế tương lai của cả chính mình và lũ trẻ.

Tất cả chúng ta – cả người lớn và trẻ nhỏ, nhà văn và độc giả - có nghĩa vụ phải mơ mộng. Chúng ta có nghĩa vụ tưởng tượng. Rất dễ để giả vờ rằng không ai có thể thay đổi được bất cứ điều gì, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới quá rộng lớn và một cá nhân nhỏ bé chẳng là gì, một phân tử trên tường, một hạt gạo trên cánh đồng. Nhưng sự thật là, từng cá nhân thay đổi thế giới của họ, từng cá nhân tạo nên tương lai, và họ làm điều đó bằng cách tưởng tượng rằng mọi thứ có thể khác đi.

Nhìn xung quanh bạn xem. Dừng lại một chút và nhìn xung quanh căn phòng này. Tôi sẽ chỉ ra cho bạn thấy vài thứ rõ ràng đến nỗi dễ bị lãng quên. Chính là đây, mọi thứ bạn nhìn thấy, kể cả những bức tường, ở một thời điểm nào đó từng là sự tưởng tượng. Ai đó đã quyết định rằng ngồi trên ghế sẽ dễ chịu hơn ngồi trên đất và tưởng tượng ra một cái ghế. Ai đó đã tưởng tượng ra cách tôi có thể nói chuyện với bạn ngay bây giờ ở London mà không bị ướt. Căn phòng này và những thứ ở bên trong nó, tất cả mọi thứ trong tòa nhà này, thành phố này tồn tại bởi, xin nhắc đi nhắc lại rằng, ai đó đã tưởng tượng ra chúng.

Chúng ta có nghĩa vụ làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Không để cho thế giới này xấu xí hơn nữa, không làm cạn kiệt những dại dương, không để các vấn đề của chúng ta lại cho thế hệ sau. Chúng ta có trách nhiệm tự dọn dẹp, và không để lại cho con cháu một thế giới chúng ta đã làm rối tinh lên với tầm nhìn hạn hẹp của mình.

Chúng ta có nghĩa vụ nói với các chính trị gia điều chúng ta muốn, bỏ phiếu chống những cá nhân thuộc bất kỳ đảng phái nào không hiểu được giá trị của việc đọc trong quá trình hình thành những công dân đáng giá, những kẻ không muốn bảo tồn và bảo vệ kiến thức cũng như thúc đẩy việc biết đọc. Đây không phải vấn đề chính trị, đây là vấn đề chung của nhân loại.

Có lần người ta đã hỏi Albert Einstein làm thế nào để giúp trẻ con thông minh hơn. Câu trả lời của ông vừa đơn giản vừa sáng suốt. “Nếu muốn con quý vị thông minh hơn,” ông nói “hãy đọc cho chúng nghe những câu chuyện thần tiên. Nếu quý vị muốn chúng thông minh hơn nữa, hãy đọc thêm nhiều truyện thần tiên nữa.” Ông hiểu được giá trị của việc đọc và tưởng tượng. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ trao cho con cháu mình một thế giới mà chúng sẽ đọc, được đọc cho nghe và tưởng tượng, thấu hiểu.

(đây là bản ghi chép lại bài phát biểu của Neil Gaiman cho Reading Agency vào ngày 14 tháng Mười ở Barbican, London).

Thùy Cốm dịch
Nguồn: Nhã Nam