Ngày đăng : 21/04/2015

Đọc thế nào?


Đọc sách có thể khiến một kẻ trắng tay thành triệu phú, một cậu bé nghèo trở thành chính khách. Đọc sách khiến tư duy thay đổi, xã hội được cải biến. Đọc sách đã hình thành một tầng lớp gọi là “trí thức”, được trọng vọng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Đọc sách đã thay đổi cả một nước Nhật, khiến lịch sử châu Á và cả thế giới có một bộ mặt như hôm nay.

Thật đáng vui mừng khi hằng năm, chúng ta có tuần lễ sách hay ở hai thành phố lớn nhất nước. Dẫu chưa trở thành một phong trào rộng lớn nhưng việc đọc sách ngày càng được chú ý bởi những người trẻ rõ ràng là một tín hiệu tích cực. Tuy vậy, trước mỗi hiện tượng xã hội, sự suy xét tỉnh táo luôn rất cần thiết. Đọc sách hẳn nhiên là rất đáng khuyến khích nhưng phải có phương pháp phù hợp. (Người ta đã từng luận bàn về việc từ “phương pháp” xuất hiện muộn trong tiếng Việt).

Nhìn qua danh mục sách bán chạy ở các hội sách hay ở các nhà sách (được cập nhật thường xuyên) không khó để nhận ra thể loại mà giới trẻ ưu tiên đầu bảng. Sách tình cảm thuần túy, có cả sách ngôn tình Trung Quốc. Mark Twain bảo “Một người không đọc sách chẳng khác gì kẻ không biết cách đọc”. Thật khó để chỉ ra những lợi ích khác ngoài chức năng giải trí của nhóm sách này. Khi chúng ta còn là một nước nghèo, ưu tiên hàng đầu của người trẻ phải là hành động để gia đình và xã hội thịnh vượng hơn. Đọc sách để áp dụng tri thức vào việc cải biến hiện thực.

Nhưng chọn sách để đọc cũng không đơn giản. Chuyển từ chuyện ngôn tình qua đọc sách dạy làm giàu, dạy làm người, dạy kinh doanh, dạy ứng xử trong văn phòng, dạy mở rộng các mối quan hệ, dạy khởi nghiệp… hẳn là một bước chuyển quan trọng. Nhưng giữa cơ man là sách “dạy khôn”, mua và đọc hết tất cả là không thực tế. Càng ảo tưởng hơn khi rập khuôn những sách kiểu như: công thức để làm giàu, những bước để đến đỉnh cao hay quy tắc làm lãnh đạo. Cách Steve Jobs trở thành hiện tượng toàn cầu khác hẳn so với David Beckham. Chẳng có “quy tắc” hay “công thức” nào cả. Người xưa nói “đọc sách mà tin cả sách thì chẳng bằng không có sách”. Hình như Kim Dung có viết trong truyện kiếm hiệp của ông rằng “chân kinh chỉ là vật chết, võ công mới là thứ sống động”. Cái mà người trẻ cần là tinh thần “gạn đục khơi trong”, lấy cái phù hợp với mình, tư duy phê phán, sẵn sàng đương đầu với Chúa trong học thuật nhưng cũng biết cách để ứng dụng được lý thuyết vào cuộc sống. Kiến thức và hành động phải là cặp bài trùng ăn ý nếu chúng ta muốn đi đến thành công.

Đọc sách còn có niềm vui của sự lan tỏa tri thức, chia sẻ điều hữu ích. Ít nhiều trong tàn dư tư duy, chúng ta bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ “giấu bài”, “thâm nho”, “giữ miếng” hay “thủ thế” từ đâu đó. Đọc được bí quyết hay trong ứng xử không nên giữ cho riêng mình. Chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp là con đường tốt nhất để kiến thức được lưu giữ và phát triển. Cộng đồng xung quanh tốt lên thì bản thân cũng tốt lên. Đó chính là hướng tư duy mà giới trẻ phương Tây đã và đang hướng đến. Họ đi khắp nơi, từ rừng già ở Nam Mỹ, khu ổ chuột ở Ấn Độ, đến những khu vực bệnh dịch hoành hành ở châu Phi hay các xóm nghèo vùng Đông Nam Á. Họ làm đủ việc, từ dạy tiếng Anh, giúp đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm sống hay làm việc thiện nguyện. Chia sẻ và chia sẻ là phương châm sống của họ.

Rõ ràng, ham đọc sách nhưng cũng phải biết cách đọc sách.

Vũ Đức Nguyên
Nguồn: Tia Sáng