Ngày đăng : 27/03/2015

Sách: Từ bột gỗ tới thánh thần


Chúng ta không sống trong một thời kỳ mà mỗi cuốn sách là một biểu tượng của tri thức. Ngày nay, nếu bạn tôn sùng vô điều kiện hình hài của các cuốn sách, thờ phụng cái tập hợp bìa cứng, keo dán và giấy, bạn đã gạt nội dung của chúng sang một bên, cũng giống như bạn chắp tay khấn vái trước bất cứ một ngôi đền nào mà không biết nó được dựng nên để thờ ai.


Thác sách đổ xuống vỉa hè từ tầng 2 Bảo tàng Meermanno (Hà Lan) - Ảnh: EPA

Mùa xuân đến, ngoài việc lên đền lấy ấn, cúng sao giải hạn, tham gia các lễ hội để cướp lộc “có văn hóa”, người Việt còn tìm đến với sách. Từ đầu tháng 3 tới giờ, các hội sách xuân, các tọa đàm giới thiệu sách diễn ra nhộn nhịp. Ngày sách Việt Nam (21-4) chính thức được khai sinh năm ngoái trong một buổi lễ trang trọng dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ sẽ là điểm nhấn quan trọng cho chuỗi hoạt động này.

TỪ TRẦN TỤC ĐẾN LINH THIÊNG

Qua đó có thể thấy người Việt có quan hệ khá đặc biệt với sách. Tuy không là một quốc gia dành nhiều thời gian cho việc đọc - tỉ lệ sách được đọc trên đầu người khá thấp, và nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới khi dịch ra tiếng Việt cũng không bán được quá 500 cuốn - nhưng sách là một biểu tượng quan trọng trong đời sống của người Việt. Và giống như ấn đền Trần phải có cách dùng cho hiệu quả, người ta cũng yêu cầu một cách ứng xử “đúng chuẩn” với sách.

Vì thế, thỉnh thoảng ta lại thấy rộ lên những bất bình về ngôi sao này, ca sĩ kia vì những hành vi bị xem là “coi thường” sách. Dân mạng hết nổi đóa vì một diễn viên chụp ảnh giẫm lên sách, một ca sĩ bị gọi là kẻ “nông cạn” vì quay clip ca nhạc với các trang sách bay tơi tả xung quanh, lại đùng đùng nổi giận vì ghế của đạo diễn Lê Hoàng và người mẫu Triệu Thị Hà, trong một chương trình tivi chưa ra mắt, lại kê lên mấy cuốn sách cho vừa độ cao. “Vô văn hóa”, “phản cảm”, “ngồi lên tri thức” là đại đa số các bình luận trên mạng. Các báo dành nhiều diện tích cho những bình luận, phỏng vấn, đẩy cuộc chiến Israel - Palestine xảy ra cùng lúc đó và là tâm điểm của truyền thông toàn cầu, ra bên lề. Hàng tuần lễ tiếp theo, các nhà văn, nhà phê bình văn học vẫn còn lên tiếng: “Ngay cả khi anh ở một mình, anh đặt mông lên cuốn sách thì đã phải coi lại văn hóa của mình rồi...” và “ngồi lên sách cũng như hành động ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu”.

Những vụ việc và phản ứng kiểu đó nói với chúng ta điều gì về tâm lý người Việt? Sẽ không chính xác khi nói người Việt yêu quý sách. Sách đã trở thành một biểu tượng tín ngưỡng. Nó đã được chuyển hóa từ cái trần tục (profane) để trở thành cái thiêng liêng (sacred). Giống như một ngọn núi hay một loài chim ở các tín ngưỡng khác, sách - ở đây không cụ thể là một cuốn quý hiếm hay có nội dung quan trọng nào mà là sách nói chung, trong hình hài phổ quát hình chữ nhật của nó - được nạp vào một giá trị phi thường, vượt xa giá trị vật lý của nó. Người ta đến với sách một cách thành kính và tôn nghiêm, vừa gần gũi cá nhân, vừa nâng niu, long trọng. Không còn vô hồn, tầm thường và trần tục như mấy cuốn vở viết tay hay dăm trang giấy lẻ tẻ, khi giấy được đóng lại, có chữ in, có bìa, có tên tác giả và có giấy phép xuất bản, tức là được quyền uy thông qua, thì cái tập hợp mấy trăm tờ giấy kia đạt được một uy tín mới. Giống như cái răng cọp đeo cổ được coi là có tác dụng trừ tà ma, nhiều người tin rằng ở gần sách sẽ có tác dụng tương tự như vậy.

Dù bản thân là người thích đọc sách, tôi lấy làm tiếc phải cho rằng ở đây chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng rất gần với “mê tín dị đoan”.

Trước hết cần chỉ ra sự vô lý trong vai trò đặc biệt của sách khi so với các vật thể có cùng chức năng truyền tải văn hóa và nghệ thuật khác nhưng không được đưa vào điện thờ tinh thần của chúng ta. Tôi đoán là một ca sĩ có thể ngồi lên một cái sáo trúc cả ngày mà sẽ không có ai phẫn nộ cho rằng đó là phỉ báng âm nhạc. Người ta vẫn lấy những CD, DVD cũ, chứa trong mình các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh bất hủ của các thời đại và xâu lại một chuỗi thành cái rèm cửa mà không có cư dân mạng nào trên Internet bao la càu nhàu lấy một câu. Và có vô lý không khi tôi có thể lau giày bằng một cái tranh vải in hình Mona Lisa, nhưng lại không thể kê một nồi canh nóng lên sách “ngay cả khi đang một mình”?

“Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao” (Mọi nghề đều hèn hạ/Chỉ có đọc sách là cao siêu) - ở những thế kỷ trước, người ta vẫn dạy trẻ nhỏ như vậy. Tư duy ở đằng sau là: đàn sáo thì “phường chèo” nào cũng làm được, còn vẽ vời đục khắc thì dành cho các nghệ nhân làng, nhưng chỉ có vua quan và các bậc học giả mới có thể làm ra con chữ. Nhưng, như ông Trần Trọng Kim từng phàn nàn, nhiều người dễ đánh mất cái nội dung để bám vào cái nghi thức, vào cái vỏ bên ngoài, nên tới giờ câu đó đã trở thành: “Mọi thứ đều hèn hạ, chỉ có sách là cao siêu”. Tôi kính trọng sách nên tôi có giá trị, còn tôi có đọc chúng hay không thì không còn quan trọng nữa.

Chúng ta không sống trong một thời kỳ mà mỗi cuốn sách là một biểu tượng của tri thức. Ngày nay, nếu bạn tôn sùng vô điều kiện hình hài của các cuốn sách, thờ phụng cái tập hợp bìa cứng, keo dán và giấy, bạn đã gạt nội dung của chúng sang một bên, cũng giống như bạn chắp tay khấn vái trước bất cứ một ngôi đền nào mà không biết nó được dựng nên để thờ ai. Thái độ này cũng giống như sự kính cẩn với các loại học vị, bằng cấp giáo sư, tiến sĩ mà không cần biết là từ trường nào, ai cấp, thật giả lẫn lộn ra sao. Con chữ có thể tới từ thánh hiền mà cũng có thể tới từ ma quỷ.

Với tôi, mọi việc khá đơn giản. Nếu một cuốn sách có giá trị với tôi, vì nội dung của nó, hay vì nó là một kỷ niệm, tôi sẽ giữ nó. Nếu không, tôi sẽ nghĩ xem liệu nó có giúp ích hay đem lại niềm vui cho ai đó khác không. Nếu không nữa thì cuốn đó được bán giấy vụn, để lót nồi, hoặc được xé ra nhóm lửa trại.

Theo một thống kê ở Anh, trong khoảng 86.000 đầu sách được xuất bản hằng năm, có tới 60.000 đầu sách chỉ bán được trung bình 18 cuốn. Mỗi năm, các cửa hàng sách xé trang bìa rồi gửi trả lại các nhà xuất bản 77 triệu cuốn vì chúng không có người mua. Những cuốn này được biến thành bột giấy để sản xuất các cuốn sách mới. Điền từ khóa “recycle book” (tái sử dụng sách) vào Google, bạn sẽ nhận được vô số ý tưởng làm gì với những cuốn sách bạn không cần nữa: khoét hình vuông bên trong để biến chúng thành cái chậu trồng hoa con con, hay cái hộp để nhẫn và chìa khóa. Dính hàng trăm cuốn lại với nhau thành một cái ghế tựa, một cái thành giường hay một quầy tiếp tân. Ở Bảo tàng Meermanno tại Hague, Hà Lan, người ta dùng hàng ngàn cuốn dính vào nhau, tạo ra một cái thác bằng sách đổ từ cửa sổ tầng 2 của tòa nhà xuống vỉa hè.

NHỮNG VẤN ĐỀ THẬT SỰ


Đồ họa: Hữu Nhất

“Bất cứ ai đọc quá nhiều và sử dụng bộ óc của mình quá ít sẽ có thói quen lười nhác trong suy nghĩ”. Câu này là của Einstein và nó đặc biệt đúng khi người ta đọc những thứ linh tinh. Ở Việt Nam, bán chạy nhất từ nhiều năm nay vẫn luôn là sách bói toán, tử vi và truyện ngôn tình. Hơn thế nữa, sách “nhảm”, từ điển “rác” tràn lan. Những cuốn này không những không xứng đáng với giá trị của các tờ giấy dùng để làm ra chúng, mà chúng còn là một thảm họa.

Chứng kiến làn sóng bức xúc cuồn cuộn trên truyền thông và trên mạng xã hội, tôi thầm nghĩ giá một phần của năng lượng này được hướng tới để giải quyết những vấn đề thật sự liên quan tới sách. Giá mà người ta cũng căm phẫn tương tự với nạn sách giả, sách lậu đang hoành hành trên thị trường sách và cương quyết khước từ chúng. Giá mà người ta bàn nhau xem làm thế nào để vạch mặt và tẩy chay các sách nhảm và sách rác. Giá mà xã hội sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách với giá cao hơn để các dịch giả được đãi ngộ xứng đáng với công sức và đóng góp của họ vào đời sống tinh thần của xã hội. 20 triệu đồng tiền nhuận bút cho 10 tháng lao động nghiêm túc để dịch một cuốn sách khó, thấp hơn catsê một đêm của một hoa hậu bậc trung - nếu muốn truyền tải tương quan này qua một biểu tượng thị giác, có gì hợp hơn là hình ảnh người mẫu ngồi lên sách?

Mục đích cuối cùng của giáo dục và văn hóa là tạo ra sự bao dung. Chúng ta có thể âu yếm lướt tay vuốt các trang sách, nhắm mắt hít vào mùi thơm và lắng nghe tiếng sột soạt quen thuộc của chúng, nhưng việc đó không chứng tỏ chúng ta ưu tú, hay đẳng cấp, hay có văn hóa hơn những người không làm vậy. Chúng ta có thể học tập vị thiền sư nọ vào thời nhà Đường, người đã quẳng bức tượng Phật vào lửa để lấy hơi ấm, vì “tinh thần của Phật không nằm ở đó”, nó chỉ là gỗ. Sách cũng vậy, chúng chỉ là bột gỗ.

Đặng Hoàng Giang
Nguồn: Tuổi Trẻ