Ngày đăng : 06/10/2014

Sách của ai?


Câu hỏi này trước hết sẽ làm bạn bật cười bởi ai cũng có thể tự trả lời: sách đương nhiên là của người đọc chứ còn của ai nữa. Nhưng rồi chính bạn cũng sẽ lúng túng với điều ấy. Ban đầu là loay hoay rồi đến mất bình tĩnh để tìm ra một câu trả lời. Bởi, có sự khác biệt giữa sở hữu tập giấy in chữ và tri thức; giữa vật chất sách và tinh thần sách. Khi sách được viết ra không hẳn là dành cho người đọc, phụng sự người đọc mà đôi khi, nó là một.

Còn nhớ trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội - Thành phố vì hòa bình , nhà văn Nicolas Ancion đã nói: “Tôi nghĩ rằng văn chương như một hòn đảo nho nhỏ, xuất hiện nổi trên đại dương mênh mông mà nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bị chết chìm trong đại dương đó”. Câu nói hoa mĩ ấy khiến những ai để tâm suy cảm sẽ phải giật mình: Hóa ra sách (ở đây nói riêng với tác phẩm văn chương) đâu chỉ là thành quả của sự phản ánh mà còn là một bí ẩn. Như thế, không có nghĩa là cầm trên tay một bản in, anh đã có sách và anh thuộc về sách.

Suýt nữa phụ một tấm lòng… sách

Nhớ câu chuyện xảy ra vào năm 1937, nhà thơ Nguyễn Vỹ (tác giả bài thơ Sương rơi) khi cầm cuốn Lục Xì (phóng sự) của Vũ Trọng Phụng do Nhà xuất bản Minh Phượng vừa ấn hành, ông đọc đến trang thứ 7 đã đá văng nó vào góc tường vì bức xúc trước thứ văn “bẩn thỉu”. Nhưng rồi, khi được đối thoại với chính cha đẻ của những trang văn đó, lại thấy “ông vua phóng sự đất Bắc” tâm đắc với cái giá của phản ứng dữ dội với sức tả chân trong sáng tác của mình: “Bảo như Nguyễn Vỹ, là văn chương Lục Xì bẩn, thế mới là biết thưởng thức Lục Xì” (Theo Văn thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ, Nxb Văn học 2007). Câu chuyện vui đó có thể chỉ nói lên khẩu khí của nhà văn, nhưng đằng sau chút hóm hỉnh ấy là cả một thử thách với người đọc. Tầm cỡ như nhà văn đọc sáng tác của nhau mà đôi khi còn khó vượt thoát khỏi những định kiến. Hay nói khác đi, trước những hiện tượng sách mới, cách nhìn, cách cảm của chúng ta đôi khi đưa đến hướng tiếp cận sai lầm. Tuy không thể gò ép một độc giả trùng khít với một cuốn sách, người đọc và sách có quyền kén nhau, tìm đến đối tác của mình, nhưng đó vẫn là sự đáng tiếc khi mất đi những cơ hội đọc thật sự. Và biết đâu, trong đời sống đọc sách, ta từng có lúc trách lầm, hay phụ một tấm lòng sách trong thiên hạ như vậy lắm.

Sách của những cơ hội đọc

Những cuốn sách thật sự có giá trị, dẫu có bị lãng quên trên giá phủ bụi thời gian hay tiêu tan hình xác trên dàn lửa bạo tàn thì vẫn là một báu vật. Vì thế, cơ hội đọc sách luôn được mở ra với bất cứ ai nhưng lại luôn đóng với những ai cố chấp với những thành kiến và tự mình bỏ lỡ những cơ hội đọc. Còn nhớ khi đọc các sáng tác của khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Đã có một thời kì chúng ta mặc định gắn người nông dân với cơm áo bằng việc tả chân những nỗi về vật chất khi “một cổ hai tròng”. Nhưng dần dà, quan niệm khiên cưỡng đó được thay thế bằng cái nhìn đúng hướng: văn chương phản ánh con người ở bình diện tâm hồn. Dẫu văn chương phải luôn là sự phản ánh chân thực nhưng không thể chỉ có chân thực, dừng ở mức độ chân thực để lãng quên sứ mệnh phản ánh thế giới nội tâm. Bởi thế, quang cảnh điêu tàn của những làng Đông Xá dần nhường lại vị thế cho phố huyện Cẩm Giàng; những suy nghĩ giản đơn như đánh lại cai lệ, lí trưởng, bán con, bán chó dần nhường lại vị thế cho những day dứt tâm trạng của khát vọng lương thiện (với Chí Phèo), khát vọng hạnh phúc (với anh Cu Tràng)… Nhưng đã có một thời gian dài, và với không ít người đọc, nó là thứ văn nhạt vì không có cốt truyện, không đạt tới tầm trong cách khắc họa nhân vật. Hay đơn giản là những lời thóa mạ nông dân bằng những cái tên như Đĩ Chuột, Trạch Văn Đoành, Mõ… của Nam Cao. Hay một trường hợp khác, người yêu thơ khó lòng đọc những câu chữ phá vỡ quy phạm chuẩn tắc tiếng Việt của Trần Dần, Lê Đạt như một thứ kí hiệu chỉ định. Phải chăng, sau rất nhiều cách tân trong thơ như khi xuất hiện những thể nghiệm quyết liệt trong biểu tượng mới, cách diễn đạt mới của Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Việt… người ta mới thấy tiếc nuối khi bỏ lại sau lưng những đặc sắc ấy.

Đến với sách cũng là khi ta gặp những cơ hội và thách thức. Không có một định lượng cụ thể cho giá trị của sách mà chỉ có sự cảm nhận tinh tế của mỗi chúng ta sẽ giúp ích cho điều đó mà thôi. Phải chăng, sách sẽ chỉ thuộc về những ai biết tìm thấy con đường khai thác những giá trị tri thức trường tồn, biết dẹp bỏ đi những cảm quan nhất thời mà vươn tới những giá trị lâu bền và nhân văn thì mới có thể làm cho sách thuộc về mình và không tự đánh mất những tấm lòng sách trong thiên hạ.

Việt Phương
Nguồn: Văn Học Quê Nhà