Ngày đăng : 28/06/2015

'Cuộc chiến tưởng tượng' giữa sách in và sách số


Theo một nghiên cứu mới, “cuộc chiến” giữa sách in và sách số được vẽ ra trên truyền thông thực chất chỉ là trò chơi bập bênh không có kẻ thắng người thua.

Tờ Guardian cho biết tuần trước một nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của hai loại sách nói trên đã được tiến hành tại nước Anh. Nghiên cứu này được thực hiện trên cùng một tác phẩm, đối với cùng một người đọc.

Trong nghiên cứu, 50 người được cho đọc một truyện ngắn của nhà văn Elizabeth George, cả dưới dạng sách số và sách in. Kết quả là người đọc ghi nhớ tốt hơn với bản sách in nhưng đọc nhanh hơn với bản sách số.

Trò chơi bập bênh dần tiến đến cân bằng

Thí nghiệm đọc sách nói trên đã chứng tỏ một thực tế mà nhiều người suy đoán từ trước, rằng sách điện tử sẽ luôn dưới tầm sách in về khía cạnh giúp người đọc có những cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, nhưng sách in lại không theo kịp sách số về tốc độ. Cả 2 dạng sách đều có ưu điểm, nhược điểm, và do đó điều công chúng cần làm là xác định xem mình muốn gì khi đọc sách.


Người đọc khôn ngoan sẽ biết chọn sách số hay sách in cho mỗi tác phẩm cụ thể

Điều này cũng cho thấy, dù “cuộc chiến” như người ta vẫn gọi giữa sách in và sách số đã khiến vài “nạn nhân” (một số hiệu sách lớn nhỏ trên thế giới) thiệt mạng,  nhưng thực chất sách số không chiếm ưu thế đến mức như người ta nói. Trên đà trỗi dậy, sách số có thể lấn át sách in trong vài năm tới, nhưng sau khoảng thời gian đó, tình hình sẽ cân bằng hơn.

Hồi tháng 5, nhà báo Jim Milliot của tạp chí Publishers Weekly xem xét con số doanh thu của mỗi bên và chỉ ra rằng cả độ tăng lên của sách số và độ giảm xuống của sách in đều đã chậm lại. Thực sự, người yêu sách in có thể yên tâm thưởng thức những cuốn sách gối đầu giường, mặc dù sách số sẽ rất phổ biến, nhưng không có nghĩa là lan tràn.

Cũng theo hướng phủ nhận cuộc đấu giữa sách số và sách in, giám đốc biên tập Josh Catone của trang Mashable nhận định: “Sách số không đơn giản là một định dạng ưu việt hơn để thay thế định dạng sách kiểu cũ, nó còn cung cấp một trải nghiệm đọc hoàn toàn khác”.

Sách số ngày nay không nhất thiết phải giống hệt sách in mà còn có thêm nhiều tính năng khác, khiến công chúng của sách số và sách in khá tách biệt chứ không trộn lẫn.

Theo một nghiên cứu của tổ chức Pew Internet hồi năm 2012, khách hàng chọn mua sách số qua mạng vì họ có nhiều lựa chọn hơn, hình thức mua  tiện lợi hơn và dễ đọc khi đi du lịch. Điều này đồng thời xác nhận sách số thích hợp hơn để đọc khi di chuyển. Khi người ta ngày càng di chuyển nhiều hơn vì công việc hoặc sở thích, việc họ thích đọc sách số cũng là điều dễ hiểu.

Thú vị hơn, trong kết luận nghiên cứu của Pew có một chi tiết: 87% người đọc sách số có đọc ít nhât 1 cuốn sách in trong năm, và 35% người đọc sách in có đọc ít nhât 1 bản sách số trong năm. Điều này cho thấy sách in và sách số không thực sự đối đầu và tranh giành thị phần của nhau.

Người đọc thông minh biết mình muốn gì

Về cơ bản những người mê sách vẫn thích đọc mọi ấn phẩm, dù đó là sách số hay sách in. Cả 2 dạng sách đều có đóng góp cho văn hóa đọc. Người đọc khôn ngoan sẽ nhận ra đâu là dạng sách họ cần, đối với từng tác phẩm cụ thể.

Năm 2014, độc giả quốc tế mua sách in hầu như vì sự hiện diện vật chất của nó. Giống như khi họ mua DVD phim thay vì xem trực tuyến qua mạng, sự có mặt của cuốn sách in hay bản DVD thể hiện sở thích đọc của các chủ nhân của các tác phẩm này cũng như các giá trị của nó.   

Elizabeth George cũng nói với Guardian: “Sẽ có sự khác nhau giữa các cuốn sách được đọc nhẹ nhàng, vùn vụt lật từ trang này sang trang khác và không cần chú ý đến từng từ ngữ, so với những tiểu thuyết 500 trang phức tạp như Ulysses, vốn thách thức người đọc hơn và đòi hỏi tập trung cao độ hơn”. Với sự khác nhau đó, phân khúc dành cho sách số và sách giấy coi như khá rõ ràng.

Sẽ là ổn nhất nếu những thể loại văn chương như 50 sắc thái được số hóa và phát hành các tác phẩm có giá trị hơn dưới dạng sách in. Sách số phần nào giống với các dịch vụ truyền thông số như Netflix: nhanh, rẻ và có thể tiếp cận ở bất cứ đâu. Nhưng nếu thực sự yêu một cuốn sách đến mức say mê, người ta sẽ hiểu rằng chỉ lưu giữ bản số thôi là không đủ.

Hạ Huyền
Nguồn: Thể thao & Văn hóa