Ngày đăng : 14/02/2015

Nghe lần nữa “câu chuyện dòng sông”


Đọc lại một cuốn sách cũ, lại là sách hay, vừa được in mới lại, cảm giác bao giờ cũng lạ. Như một người bạn cũ, lên đường đi rất xa, anh về gặp ta trong một hình dạng mới, làm ta say sưa những điều ta chưa biết hay gợi ta lại điều ta đã bỏ quên.

Người bạn này là Tất Đạt, là Thiện Hữu hay chính là dòng sông luôn chảy hướng của mình, bất chấp biến dịch, bể dâu trên mỗi phận người hay trên toàn bộ thế gian nhỏ bé.

Trong dòng miên viễn của đời sống, của khát khao hiểu biết mình, trong nỗ lực chống lại tính hữu hạn và tiều tụy dần của kiếp sống thì Tất Đạt là ai, người bạn hữu thân thiện hiền lành Thiện Hữu là ai nếu không phải là mỗi người trong chúng ta và phần thiện lương trong tâm hồn, đang đi trong hành trình tìm kiếm sự an lạc của riêng mình.

Trong hành trình ấy, người thanh niên Tất Đạt từ giã nhung lụa của gia đình quý tộc Bà La Môn, dấn thân vào gió sương Sa Môn, khổ hạnh ở rừng già, rồi quay lưng trước các phép thôi miên để đến rừng Lộc Uyển đối thoại với đức Cồ Đàm. Nhưng anh khước từ con đường vạch sẵn và lần nữa tìm kiếm trí huệ nơi dục vọng của kỹ nữ Kiều Lan; nơi khát khao địa vị, tiền bạc, gia sản của doanh gia Vạn Mỹ. Để cuối quãng đường, khi đã bước qua đời sống thế tục, Tất Đạt tìm kiếm sự bình an bên bài hát vĩnh cửu của dòng sông mát lành cùng Vệ Sử. Khi dòng sông bị vấy đục bởi đứa con lần đầu tiên thấy mặt, Tất Đạt chứng ngộ tình yêu thương, nở nụ cười viên mãn....

Hành trình của Tất Đạt  (hay chính chúng ta) cũng là một vòng tròn đời người, chia nhỏ ra cho mỗi chu kỳ sống: những khát khao hiểu biết đầu đời; lúc tìm kiếm và rời xa thần tượng; những nhu cầu sở hữu, dục vọng nảy sinh khi tráng kiện; lúc tìm an ủi lúc xế chiều nơi con cái… Và rồi tất cả chỉ để học lấy một nụ cười nhẹ nhàng, một tình yêu trong sạch không toan tính, không phân biệt.

Bạn có thể là bất kỳ ai trong những chu kỳ ấy, chỉ xin nhớ rằng không bao giờ muộn để học lấy một nụ cười bình an và yêu thương. Đó là điều dòng - sông - cuộc - đời muốn giữ lại cho tâm hồn người tìm kiếm khi đã cuốn trôi tất cả lỗi lầm, buồn khổ.

87 năm khi tác phẩm Câu chuyện dòng sông hoàn thành, dòng sông và câu chuyện của mình vẫn luôn thế khi thì thầm vào mỗi con người. Mỗi người nhận từ dòng sông những tiếng chỉ dẫn khác nhau nhưng luôn đi về chung sự bình an, tính thường trụ và lòng yêu thương. “Tất cả đều hỗ trợ nhau, yêu, ghét, hủy diệt nhau và trở lại sơ sinh”, Hermann Hesse nói thế nhưng cũng luôn nhắc “đừng lệ thuộc vào những danh từ”. Đọc, để thấy lại mình bình an, tươi mới, sơ sinh trong mỗi thời khắc sống.

Vương Thuấn
Nguồn: Tuổi Trẻ

-----------------------------------

"Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn tháng 9-2009