Ngày đăng : 12/05/2014

Hãy biến việc đọc sách thành văn hóa


Việc xây dựng một nền tảng văn hóa hay một đời sống văn hóa là theo nguyên lý leo dốc. Nhưng việc phá vỡ một nền tảng hay một đời sống văn hóa lại theo nguyên lý lao xuống dốc. Vận tốc tăng dẫn đều và cuối cùng là vỡ nát. 


Nếu ví quyết định có Ngày sách cho đất nước là một hạt giống quý thì chúng ta phải nghĩ tới làm sao cho hạt giống ấy nẩy mầm. Ảnh TL

Hãy biến việc đọc sách thành văn hóa

Ngày 21 tháng 4 năm nay đã trở thành Ngày sách Việt Nam đầu tiên. Nếu có một vạn người đến với Ngày sách Việt Nam thì ít nhất cũng có mười vạn người cho dù không đến được Ngày sách nhưng lòng thấy rất vui mừng.

Đó là một việc khởi đầu tốt lành. Nếu ví quyết định có Ngày sách cho đất nước là một hạt giống quý thì chúng ta phải nghĩ tới làm sao cho hạt giống ấy nẩy mầm và lớn lên thành một cái cây khỏe mạnh, xum xuê cho những mùa quả trĩu cành. Nghĩa là chúng ta phải biến việc đọc sách thành văn hóa.

Chúng ta phải nhớ rằng đó không phải là một phong trào và không được phép biến nó thành một trong những phong trào của chúng ta. Nếu chúng ta biến nó thành một phong trào thì nghĩa là nó sẽ chết một cách nhanh chóng. Chỉ khi nó trở thành một phần văn hóa của chúng ta thì nó mới có khả năng bền vững và lan tỏa.

Tôi không biết, sau quyết định có Ngày sách Việt Nam thì các cơ quan chức năng sẽ làm những gì cho việc đọc sách của người Việt Nam có thể trở thành văn hóa. Ngày sách Việt Nam không thể chỉ là một quyết định được đưa vào chương trình nghị sự mỗi năm một lần của một bộ, nghành nào đó, để gần đến ngày đó thì triển khai. Và rồi qua ngày đó thì quyết định kia lại được cất đi chờ đến ngày đó, tháng đó năm sau lại họp triển khai và cứ thế, cứ thế.

Để làm được điều đó, nó cần chúng ta phải thấu hiểu thực sự rằng: việc đọc sách không phải là một hành động giải trí và tra cứu một thông tin gì đó mà là tạo dựng lên một đời sống văn hóa và văn minh. Nó làm cho con người hiểu biết chính họ và vũ trụ. Nó làm cho con người nhận biết được những vẻ đẹp, biết tự vấn lương tâm, biết hướng tới những điều tốt đẹp và tự hoàn thiện mình.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn phải cám ơn những người Hà Nội sơ tán về làng tôi cách đây 50 năm. Họ xuất hiện ở làng tôi và mang theo một thứ kỳ lạ. Đó là những cuốn sách. Ngày đó, ở nông thôn không thể tìm đâu ra những cuốn sách. Những người Hà Nội sơ tán ở nhà tôi. Và đêm đêm, sau khi họ đi ngủ, tôi rón rén đến chiếc bàn họ để những cuốn sách. Ngọn đèn dầu được thắp lên và những trang sách mở ra. Một thế giới diệu kỳ tưởng không có gì hơn thế mở ra đón tôi vào.

Những năm tháng đó, tôi thường nói dối mẹ là xuống chiếc hầm tránh bom ở ngoài vườn để học bài. Mẹ tôi rất vui khi thấy tôi chăm học và chịu ngủ hầm vì máy bay Mỹ thường xuyên ném bom đêm ở những vùng lân cận. Trong căn hầm ẩm thấp và âm i tiếng côn trùng, bên cạnh ngọn đèn dầu vặn nhỏ, tôi đã chìm vào thế giới của những cuốn sách. Trước khi đi ngủ, tôi lại rón rén mang những cuốn sách trả lại những người Hà Nội sơ tán.

Nếu không có họ, không biết bao giờ tôi mới được đọc những cuốn sách như thế và không biết con người tôi sẽ lớn lên ra sao khi không có những cuốn sách ấy. Họ vô tình trở thành những Thiên sứ mang những món quà chứa đầy phép thiêng đến cho những cô bé, cậu bé như tôi.

Nhưng cho đến bây giờ, những người Hà Nội càng ngày càng trở thành những người lười đọc sách. Tôi nói vậy không phải để chê họ. Tôi nói vậy để sự báo động của tôi ở một cấp độ nguy hiểm. Bởi hơn ai hết, họ là những người có điều kiện, có nền tảng và truyền thống cho việc đọc sách nhất. Và một khi họ đang từng ngày giã từ những cuốn sách thì những vùng dân cư khác sẽ còn nguy hiểm đến mức nào.

Gã khổng lồ xuất hiện và cái chết của một nền văn hóa

Tuần trước, người bạn tôi làm nghề xuất bản sách đã thông báo cho tôi một tin xấu. Anh ấy nghe được rằng: gã khổng lồ ăn nhanh Mcdonald đã thôn tính xong một trong những địa chỉ văn hóa có tiếng ở Hà Nội. Đó là trung tâm sách ở phố Nguyễn Xí. Nếu sự thật đúng như vậy thì đây là một tin quá xấu.

Phố Tràng Tiền và những phố lân cận lâu nay như là một trong những địa chỉ văn hóa của Hà Nội. Dẫu biết đứng về mặt đồng tiền thì những cửa hàng sách hay gallery ở khu phố đó quả là hơi lãng phí về tính sử dụng. Nhưng sự lãng phí văn hóa hay có thể gọi là cái chết của văn hóa mới là sự lãng phí kinh hoàng.

Khi chúng ta cả gan hủy diệt một trung tâm sách để thay thế vào đó một trung tâm ăn nhanh thì chúng ta đã vượt qua giới hạn mất rồi. Hôm nay chúng ta dễ dàng hủy diệt một địa chỉ văn hóa này thì ngày mai chúng ta càng dễ dàng hủy diệt một địa chỉ văn hóa khác. Một con người dễ dàng vứt bỏ nguyên tắc sống này thì sẽ dẫn đến vứt bỏ một nguyên tắc sống khác.

Trên đất nước của chúng ta có hàng ngàn địa chỉ văn hóa. Có lẽ khi vứt bỏ hay xóa sổ một địa chỉ văn hóa người ta sẽ rất dễ dàng ngụy biện là có đáng gì. Việc xây dựng một nền tảng văn hóa hay một đời sống văn hóa là theo nguyên lý leo dốc. Bước sau phải cố gắng hơn bước trước. Nhưng việc phá vỡ một nền tảng hay một đời sống văn hóa lại theo nguyên lý lao xuống dốc. Vận tốc tăng dẫn đều và cuối cùng là vỡ nát.

Đứng về mặt sức khỏe của thế hệ trẻ, có không ít những quốc gia có chế tài rất nghiêm khắc đối với các đồ ăn nhanh nhập cảng của phương tây. Với Mcdonald chẳng hạn, một số quốc gia chỉ cho phép Mcdonald hoạt động trong một phạm vi rất hạn chế cho dù các quốc gia đó biết rằng họ sẽ thu được lợi nhuận từ thuế của tập đoàn ăn nhanh khổng lồ này.

Nhưng chưa có một quốc gia nào lại xóa đi một địa chỉ, một không gian văn hóa để kinh doanh với mục đích lợi nhuận vật chất. Tôi tin và mong rằng cái tin quá xấu kia chỉ là tin mà thôi. Nó không phải là sự thật. Và nếu nó là sự thật thì sự kiện vô cùng quan trọng chúng ta vừa tiến hành là Ngày sách Việt Nam sẽ chẳng còn bao ý nghĩa. Và nó rất dễ có nguy cơ tàn lụi ở phía tinh thần của nó. 

Nguyễn Quang Thiều
Nguồn: Một Thế Giới