Ngày đăng : 12/04/2015

Bộ não chuộng sách giấy hơn?


Đa phần các nghiên cứu được công bố từ đầu thập niên 1990 trở lại đây đều khẳng định một kết luận không mới: với tư cách là phương tiện đọc, giấy vẫn có những ưu điểm so với màn hình số.

Tạp chí chỉ là chiếc iPad hỏng (A Magazine Is an iPad That Does Not Work). Đó là một trong những video gây xôn xao nhất trên YouTube trong hai năm qua, với mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc: một bé gái một tuổi đang nghịch chiếc iPad, đôi tay nhỏ xíu chạm vào màn hình, và thế là những hình ảnh sinh động thay nhau xuất hiện trước mắt em. Ở cảnh sau, em cầm một tờ tạp chí giấy, nhưng lại loay hoay tìm cách điều khiển nó như thể nó cũng có màn hình cảm ứng vậy. Và người cha của bé gái cho rằng “đối với con gái tôi, tạp chí chỉ là chiếc iPad hỏng – và nó sẽ luôn nghĩ như thế”.

Nhưng, liệu có quá sớm khi khẳng định rằng thế hệ các công dân số (tức những người làm quen với các công nghệ số từ nhỏ) sẽ đoạn tuyệt với những trang giấy?

Từ thập niên 1980 tới nay đã có hơn 100 nghiên cứu ra đời nhằm tìm hiểu sự khác biệt giữa việc đọc trên giấy và đọc trên màn hình. Trước năm 1992, hầu hết các thí nghiệm đều đi đến một kết luận rằng khi đọc trên màn hình, thì tốc độ đọc chậm hơn và lượng thông tin ghi nhớ được ít hơn. Tuy nhiên, khi máy tính bảng và công nghệ đọc sách điện tử đang ngày một cải thiện cũng như việc đọc thông tin trên những văn bản số đang ngày một phổ dụng, thì các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những thay đổi trong cách nhìn nhận công nghệ đọc mới. Ở Mỹ, sách điện tử hiện chiếm hơn 20% tổng lượng sách bán ra.

Dầu vậy, đa phần các nghiên cứu được công bố từ đầu thập niên 1990 trở lại đây đều khẳng định một kết luận không mới: với tư cách là phương tiện đọc, giấy vẫn có những ưu điểm so với màn hình số.

Địa hình chữ nghĩa

Mặc dù chữ viết là biểu tượng đại diện cho âm thanh và ý nghĩ, nhưng não bộ cũng coi chúng là các vật thể. Con người bẩm sinh vốn không có não mạch chuyên trách việc đọc, bởi chữ viết chỉ mới được khai sinh gần đây trong lịch sử tiến hóa của loài người (khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước công nguyên). Do vậy, khi con người bước vào giai đoạn ấu thơ, bằng cách đan kết nhiều dải mô thần kinh khác nhau vốn được dùng cho những khả năng khác - như nói, điều hòa vận động và thị giác – não bộ đã tạo ra một mạch não mới đảm nhận việc nhận dạng vật thể: chẳng hạn, chúng giúp chúng ta, dựa vào những đặc điểm khác biệt của mỗi loại, phân biệt tức thời quả táo với quả cam trong khi vẫn xếp hai quả đó vào loại trái cây. Tương tự, khi học đọc, học viết, chúng ta nhận dạng mẫu tự qua các đường nét, đường cong, và khoảng rỗng của chúng – đây là một quá trình học bằng xúc giác cần sự phối hợp của cả mắt và tay. Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Karin James, trường Đại học Indiana trên trẻ năm tuổi cho thấy, não mạch chuyên trách việc đọc hoạt động khi trẻ tập viết bằng tay, nhưng lại không hoạt động khi trẻ gõ chữ trên bàn phím. Và khi đọc chữ viết hay các kí tự phức tạp, chẳng hạn chữ kanji của Nhật, thì não bộ vẫn mường tượng ra những động tác viết, mặc dù người ta không cầm bút trên tay.

Ngoài việc coi mẫu tự là vật thể, não bộ còn tri giác văn bản theo một khối toàn thể, giống như phong cảnh của tấm bản đồ địa hình vậy. Và khi đọc sách giấy  những chi tiết địa hình được thể hiện rõ hơn văn bản số.

Mở một cuốn sách giấy ra, độc giả có thể thấy hai địa hạt được phân định rõ ràng – trang giấy bên trái và trang giấy bên phải – và tám góc định hướng. Ta có thể đọc ở một trang trong khi vẫn nhận thức đầy đủ về toàn bộ văn bản. Bằng tay, ta thậm chí còn có thể cảm nhận được độ dày mỏng của những trang sách mình đã đọc xong và chưa đọc tới. Việc lật giở từng trang sách giấy cũng giống như việc ta để lại dấu chân trên con đường mòn vậy – có nhịp điệu, và có bằng chứng hiển hiện về quãng đường mà ta đã đi. Tất cả những đặc điểm này không chỉ giúp ta dễ dàng định hướng mà còn giúp ta nhanh chóng hình dung ra một tấm bản đồ gắn liền với văn bản trong đó.

Ngược lại, đa phần các thiết bị số lại can thiệp vào quá trình định vị văn bản bằng trực giác này, khiến độc giả không tạo được tấm bản đồ về hành trình của họ. Với văn bản số, ta có thể dùng trỏ chuột di chuyển lên xuống trong một dòng chảy vô tận của con chữ, khi hết trang thì nhấn chuột để sang trang mới. Ta có thể sử dụng tính năng tìm kiếm để nhanh chóng định vị được cụm từ nào đó – nhưng thật khó mà thấy được một đoạn văn trong bối cảnh bao quát của toàn bộ văn bản. Thanh cuộn định vị trên màn hình đem lại cảm giác về vị trí mơ hồ hơn hẳn so với việc cảm nhận sức nặng của những trang giấy đã đọc xong. Và mặc dù máy đọc sách mô phỏng việc phân trang, nhưng những trang sách đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, bởi chúng biến mất sau khi ta đọc xong. Tức là, thay vì tự mình bước đi và để lại dấu chân trên con đường mòn, ta chỉ thụ động quan sát phong cảnh thay đổi trước mắt, mà không có lấy một dấu vết nào của những gì đã diễn ra, và cũng khó mà đoán được điều gì sẽ tới.

Đọc hiểu nội dung

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng màn hình số đôi khi cản trở việc đọc hiểu bởi chúng làm sai lệch cảm giác định vị của người đọc trong văn bản. Tiến sĩ Anne Mangen, trường Đại học Stavanger, cho biết, “Nếu bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là phần đầu hay phần cuối văn bản, và luôn luôn ý thức được tiến độ đọc của mình, thì việc đọc có thể sẽ phần nào khiến não bộ bớt mệt mỏi hơn, và não bạn cũng có thêm năng lực hấp thụ thông tin.”

Các nhà nghiên cứu khác thì cho rằng việc đọc trên màn hình có thể làm chúng ta khó lĩnh hội thông tin hơn bởi vì nó khiến trí não – và thậm chí là cả cơ thể - mệt mỏi hơn. Mực điện tử phản chiếu ánh sáng môi trường tương tự như mực giấy in, nhưng màn hình máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng lại chiếu ánh sáng trực tiếp vào mắt người dùng. Ngày nay, màn hình tinh thể lỏng đã đem lại cảm giác êm dịu hơn cho mắt so với thế hệ tiền thân là màn hình huỳnh quang; tuy nhiên, việc đọc lâu trên các màn hình bóng loáng tự phát sáng vẫn có thể gây mỏi mắt, nhức đầu, thị lực giảm. Trong một thí nghiệm của Tiến sĩ Erik Wästlund, khi đó thuộc trường Đại học Karlstad ở Thụy Điển, những người làm bài kiểm tra đọc hiểu trên máy tính đạt điểm thấp hơn và có mức độ căng thẳng và mệt mỏi cao hơn những người làm trên giấy.

Màn hình số cũng ảnh hưởng tới khả năng tập trung và trí nhớ ngắn hạn của người đọc. Vì vừa đọc vừa phải điều khiển thanh cuộn lên xuống, nên họ phải tập trung vào cả văn bản đang đọc cũng như cách dịch chuyển nó – và điều này khiến não phải làm việc nhiều hơn so với việc lật trang sách, vốn là động tác đơn giản và mang tính tự động hơn. Càng để tư tưởng bị phân tán vào việc di chuyển trên văn bản, thì càng khó tập trung đọc hiểu được.

Không chỉ có thế, người ta còn tiếp cận văn bản số với một tâm trí hời hợt. Họ chọn những con đường tắt – họ đọc lướt, đọc hiểu qua từ khóa nhiều hơn so với người đọc trên giấy – và họ có xu hướng chỉ đọc văn bản một lần rồi thôi. Quá trình mà các nhà tâm lý học gọi là sự điều tiết quá trình học siêu nhận thức – tức thiết lập những mục tiêu cụ thể, đọc lại những phần khó và vừa đọc vừa tự kiểm tra xem mình đã hiểu được bao nhiêu – cũng thường không xuất hiện ở những người đọc trên màn hình.

Mà dẫu không có sự khác biệt trong việc lĩnh hội thông tin khi đọc trên màn hình và trên giấy đi chăng nữa, thì những độc giả số cũng khó có thể ghi nhớ lâu dài những gì họ đã hấp thụ được. Theo các nhà tâm lí học, có sự khác nhau giữa việc nhớ và biết thứ gì đó: nhớ là một hình thức trí nhớ tương đối yếu ớt, theo đó người ta hồi tưởng lại một thông tin, cùng với những chi tiết về bối cảnh, chẳng hạn như địa điểm và thời điểm họ biết được thông tin đó là gì; còn biết là một hình thức trí nhớ mạnh mẽ hơn, giúp người ta xác định chắc chắn về điều gì đó. Trong một nghiên cứu thực hiện năm 2003, Tiến sĩ Kate Garland, khi đó thuộc trường Đại học Leicester, đã yêu cầu 50 sinh viên đọc một tài liệu về kinh tế trên sách giấy hoặc trên phiên bản sách điện tử. Sau 20 phút, bà kiểm tra họ; trong bài kiểm tra, các sinh viên phải đánh dấu vào cả ô trả lời và ô hỏi họ “biết” hay “nhớ” câu trả lời đó. Kết quả cho thấy, những sinh viên đọc trên màn hình dựa vào việc nhớ hơn là việc biết; trong khi các sinh viên đọc trên sách giấy lại sử dụng đồng đều cả hai hình thức trí nhớ trên.

Đọc – không chỉ là con chữ

Cũng phải thừa nhận rằng văn bản số cũng có nhiều lợi thế rõ rệt. Khi bạn phải làm việc gấp rút để kịp thời hạn, thì cái tiện lợi của việc dùng từ khóa để tìm kiếm tức thời hàng trăm tài liệu tham khảo trực tuyến sẽ bỏ xa những lợi ích của việc cặm cụi đọc hiểu và ghi nhớ từng cuốn sách giấy trong thư viện. Còn với người có thị lực kém, thì font chữ dễ tùy chỉnh cũng như màn hình LCD có độ tương phản cao quả là của hiếm trời cho. Nhưng, như những nghiên cứu trên các độc giả nhỏ tuổi đã chỉ ra, một điểm mạnh của sách giấy – có thể nói là điểm mạnh nhất của nó với tư cách phương tiện đọc – nằm ở chính sự khiêm nhường của nó. Khác màn hình số, nó không thu hút sự chú ý vào mình, hay khiến độc giả phân tán tư tưởng. Nhờ đức tính giản dị của mình, sách giấy “vẫn là một điểm lặng, một chiếc mỏ neo cho nhận thức” – theo cách viết của Williams Powers trong bài viết năm 2006 của ông, “Chiếc Blackberry của Hoàng tử Hamlet: Tại sao sách giấy là vĩnh cửu.”

Ngoài những suy xét thực dụng, thì cảm nhận của chúng ta về một quyển sách giấy hoặc một chiếc máy đọc sách – và cái cảm giác khi cầm nó trên tay – cũng quyết định việc liệu chúng ta sẽ mua sách giấy hay sách điện tử. Những khía cạnh nhận cảm khi đọc sách giấy có ý nghĩa với chúng ta hơn chúng ta vẫn tưởng: nào mặt giấy, nào mùi mực, lại cả cái thú của việc ta có quyền dùng tay mà là phẳng hay gấp lại một trang giấy, và cả cái âm thanh không lẫn đâu được khi ta lật giở từng trang. Cho đến nay những văn bản số vẫn chưa thể tái dựng được đầy đủ những cảm giác đó.

Sách giấy còn có kích cỡ, hình dáng và trọng lượng có thể nhận biết tức thời. Ngược lại, một cuốn sách điện tử - mặc dầu có thể lấy thanh cuộn mà tượng trưng cho độ dài của nó - lại chẳng có hình dáng hay độ dày mỏng nào rõ ràng cả. Chiếc máy đọc sách vẫn giữ nguyên trọng lượng đó, dù là khi bạn đọc một trường thiên tiểu thuyết hay một đoản văn vài dòng. Một số nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những khác nhau này tạo ra cái gọi là sự bất hài hòa về xúc giác (haptic dissonance) khiến cho một số người không muốn dùng máy đọc sách.

Công nghệ đọc hướng tới một giai đoạn khác

Để khắc phục sự không tương thích về mặt giác quan này, nhiều nhà thiết kế đã nỗ lực đưa những trải nghiệm đọc số tiệm cận với những trải nghiệm đọc trên giấy. Mực điện tử giống với loại mực hóa học bình thường, và thiết kế giản đơn của màn hình Kindle trông giống trang sách giấy đến kinh ngạc. Tương tự, ứng dụng iBook của Apple cũng cố gắng mô phỏng cách lật trang giống như thật. Tuy nhiên, cho tới nay, những động thái như vậy thiên về thẩm mĩ hơn là thực dụng. E-book vẫn không giúp chúng ta đọc lướt lên phần trước hay giở nhanh tới chương sau khi chợt nhớ ra điều vừa mới đọc.

Trong khi đó, một số nhà cải cách trong lĩnh vực công nghệ số lại không muốn tự giới hạn mình ở việc mô phỏng sách giấy. Thay vào đó, họ đang đưa công nghệ đọc tiến hóa lên một giai đoạn hoàn toàn khác. Thanh cuộn có thể không phải là thiết bị định vị lý tưởng đối với một cuốn tiểu thuyết dài và đậm đặc chi tiết, nhưng những tờ tạp chí như New York Times, Washington Post, ESPN và những trang truyền thông khác đã và đang đem đến cho độc giả những bài viết đẹp đẽ, sinh động vốn không thể có ở bản in, bởi chúng kết hợp văn bản với những đoạn phim và các clip âm thanh – và tất cả đều nhờ con trỏ chuột để có thể tạo ra những hiệu ứng điện ảnh. Nhà văn Robin Sloan là người tiên phong ở mảng “truyện đọc bằng tay” – đây là hình thức đọc truyện dựa vào tương tác vật lý để xác định nhịp văn và giọng văn; các từ mới, câu mới và hình ảnh mới chỉ xuất hiện khi có người chạm tay vào màn hình số. Một số nhà văn khác thì đang hợp tác với các lập trình viên máy tính để tạo ra những cuốn tiểu thuyết có độ tương tác phức tạp hơn, theo đó người đọc có thể quyết định mình sẽ đọc, nghe, hay nhìn cái gì tiếp theo.

Rõ ràng, với những văn bản dài, dày đặc chữ nghĩa, thì giấy vẫn là sự lựa chọn lý tưởng.

Ferris Jabr
Đoàn Khương Duy
lược dịch
Theo
: Ferris Jabr; “Why the Brain Prefers Paper;” Scientific American, số tháng 11/2013: tr. 49-53.
http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=the-reading-brain-in-the-digital-age-why-paper-still-beats-screens

Nguồn: Tia sáng