Ngày đăng : 18/06/2013

Người bán sách không đọc sách


Michael Savitz là nhà văn ở Chicago, Mỹ. Bài viết dưới đây của ông được trang web tiếng Pháp slate.fr đăng tải với nhan đề Le vendeur de livres qui ne lisait pas (Người bán sách không đọc sách). Xin lược trích giới thiệu cùng bạn đọc.

BÁN SÁCH NHƯNG KHÔNG ĐỌC SÁCH

… Tôi kiếm sống bằng cách mua rồi bán những cuốn sách đã qua sử dụng (gọi chung là sách cũ). Khi tới các tiệm sách hay các phiên chợ “thanh lý” của các thư viện, ở đâu tôi cũng mang theo chiếc máy scanner-laser đọc mã vạch sách bên mình. Chỉ cần bấm nút, một tia sáng laser đỏ nháy lên, “giá thị trường” của cuốn sách đã hiển thị ngay trên màn hình máy. Hầu như “thương vụ” nào tôi cũng thành công, vì tôi biết trước nên mua hay không nên mua loại sách nào.

Phần mềm tin học trong chiếc máy mà tôi sử dụng cho phép tôi biết được giá bán thực tế trên thị trường Amazon Marketplace của cuốn sách vừa được đọc mã vạch cũng như “thứ hạng” của nó, tức mức độ nhu cầu về cuốn sách. Sau khi phân tích dữ liệu, sách sẽ ra “chỉ thị” mua hay không mua. Mỗi tuần, tôi “lùng sục” sách hàng giờ như thế nhưng tôi không lấy làm tự hào về điểu đó…

Bởi vì người bán sách, trong suy nghĩ chung của cộng đồng, là người yêu văn chương và làm công việc ấy vì những người cũng yêu văn chương. Ông ta không cần tới chiếc máy đọc mã vạch. Kiến thức của ông uyên thâm hơn của chiếc máy rất nhiều. Còn tôi thì bán sách một cách ngẫu nhiên. Tôi không “sâu” nhưng “rộng”, khách hàng của tôi là tất cả những ai cần mua cuốn sách mà tôi có, những ai có thể mang lại cho tôi lợi nhuận. Tôi không đọc cuốn sách đó, thậm chí lướt qua cũng không, trừ khi để xem sách có bị đánh dấu hay lấm bẩn gì không. Tôi cũng không tự “chuyên môn hóa” mình theo một “dòng” sách riêng biệt nào, vì khi đó “thu nhập” của tôi sẽ chỉ còn bằng một phần nhỏ so với thu nhập hiện tại nhờ chiếc máy “cái-gì-cũng-biết” này…

80 GIỜ MỘT TUẦN

Thuở khởi nghiệp, mỗi sáng tôi thức dậy với những ngón tay cứng đờ sau một ngày lục sách và giở sách để đọc mã vạch. Ở những nơi bán sách đã qua sử dụng, người ta thường đổ lẫn lộn đủ mọi loại sách trong những thùng các tông. Tôi lục tìm trong đó. Trung bình, cứ 30 cuốn sách thì chỉ một cuốn là có “giá trị bán lại”. Khi tìm được một cuốn sách thực sự thú vị, tôi có cảm giác mãnh liệt như mình vừa thực hiện được một “chiến công”. Tôi giấu cuốn sách ngay lập tức. Nếu thấy bên cạnh có một gã khác cũng đang bấm máy, tức một “đối thủ cạnh tranh” (hầu hết là nam giới), tôi lại càng phải nhanh tay hơn.

Những cuốn sách tôi tìm được lúc đầu điền đầy một giá sách, sau đầy hai giá, rồi lại đầy thêm hai giá sách nữa. Bây giờ tôi đã có gần 1.000 cuốn sách để bán lại trên “chợ sách” Amazon. Khi tôi có cảm giác là có ai đó vẫn cứ đang mua cái gì đó, thì nghĩa là “áp phe” đang chạy tốt. Thời gian qua, trung bình tôi bán được 30 cuốn sách mỗi ngày. Buổi sáng, tôi lấy sách trên giá xuống, đóng gói, dán tem, mang ra bưu điện gửi. Sau đó tôi đi tìm mua sách. Tối đến, tôi đưa “hàng mới” lên mạng, miêu tả “tình trạng” cuốn sách, rồi “ra giá”. Mỗi tuần, tôi làm việc 80 giờ như vậy…

SÁCH CÀNG KHÓ BÁN CÀNG HỨA HẸN MANG LẠI KHOẢN LỢI NHUẬN QUAN TRỌNG

Bạn sẽ học được cách “trông mặt mà bắt hình dong” sách. Sách có mới không, “sáng sủa” không? Kiểu chữ in thế nào, có hiện đại không? Sách có đẹp không, có làm thỏa mãn người sành sách, tức có giá trị cao, không? Nói chung, bạn hầu như có thể đánh giá cuốn sách thông qua tấm bìa của nó. Giá trị sách nói chung còn “tỷ lệ” cả với khổ sách nữa. Những cuốn to nhất thường là những phát hiện thú vị nhất! Một cuốn sách giáo khoa bản phát hành mới nhất có thể bán được tới 100USD dù “thể trạng” khá tồi tàn. Những cuốn dù mới nhưng “mất giá’ nhanh chóng thì bạn có thể bỏ qua. Ngược lại, có những cuốn ít được biết đến lại có thể làm “nên chuyện”, như những cuốn sách viết về tuổi trẻ hay đơn giản một cuốn sách nói về ích lợi của đậu nành…

Tương tự như vậy, bạn không nhất thiết phải mất nhiều thì giờ quá vì một cuốn sách xưa cũ hay một cuốn sách không mã vạch (“dấu hiệu” chung cho thấy đấy là sách cũ), bởi công việc tìm hiểu sẽ rất dày công mà sự “tưởng thưởng” lại không tương xứng. Chắc chắn tôi đã từng bỏ qua những cuốn sách cũ thực sự có giá trị. Nhưng nếu quả thực có nhiều người muốn đọc lại một tác phẩm để đời thì người ta sẽ tái bản cuốn sách…

CẢM GIÁC HỔ THẸN

Trong ngành “công nghiệp sách cũ” cũng có sự cạnh tranh vì người ta có thể sống được nhờ vào cái nghề mà tôi đang làm. Làm nghề này, quan trọng nhất là phải là người đầu tiên được tiếp cận với lô sách cũ. Người lùng sách cũ cũng có thể tạo dựng vùng “lãnh thổ” của mình: Có những tiệm bán sách ngày nào tôi cũng đến; nếu người (mua bán sách cũ) khác ít tìm được gì ở đó thì anh ta sẽ ít đến, và như thế tôi sẽ càng tìm được nhiều sách hơn. Người làm việc một mình có thể thu nhập 1.000USD mỗi tuần. Nếu được vợ con giúp đỡ, thu nhập còn cao hơn, nhất là khi đã có “kho hàng” ổn định.

Nếu việc mua bán sách cũ trên mạng này có thể giúp nuôi sống người ta thì tại sao người ta lại luôn có cảm giác xấu hổ như thế? Tôi không phải là người duy nhất có cảm giác này. Tôi có thể nhận thấy tâm trạng chung này ở các “đồng nghiệp” khác khi họ sử dụng “máy đọc mã vạch” trong tiệm sách bên cạnh những độc giả “bình thường”. Một số thư viện, trên áp phích quảng cáo phiên bán sách còn ghi rõ “cấm các thiết bị điện tử”, dù việc này có lẽ không hoàn toàn có lợi cho chính thư viện về mặt kinh tế. Một số cửa hàng bán sách đôi khi còn “mời ra ngoài” những người đang sử dụng máy scanner-laser, chuyện này chưa xảy đến với tôi.

Chỉ một lần tôi phải đối diện với người phản kháng khi đang “làm việc” trong gian bán sách của một thư viện ngoại ô. Tôi nghe thấy anh ta phàn nàn với bạn là họ bị vây quanh bởi những người gây phiền toái. Tôi trả lời yếu ớt “đấy cũng là một công việc”. Người đàn ông đáp lại: “Đây là thư viện, các anh không được làm thế ở thư viện!”. Anh ta nói với tôi rằng anh ta có 10.000 cuốn sách ở nhà và anh ta đã đọc tất cả số sách đó…

Một người mua bán sách mà yêu sách, cũng như tất cả những người mua bán các loại hàng hóa đã qua sử dụng khác, sẽ không bao giờ bị cư xử như vậy. Những người thích thú đĩa nhựa hẳn nhiên cũng là những người rất say mê âm nhạc. Những người mua bán đồ dùng cũ trong nhà, khi xem xét một món đồ họ có thể thán phục tay nghề của nghệ nhân cũng như vẻ đẹp của đồ vật với cùng một con mắt như khi họ ước định giá trị của nó. Nhưng giá trị mỹ học của một cuốn sách – chất lượng văn học của nó – lại không có gì chung với “thể trạng vật lý” của cuốn sách. Các thư viện được lập nên là để cho người đọc sách chứ không phải cho những kẻ tìm kiếm lợi nhuận trên các giá sách.

Khi tôi làm việc với chiếc máy của tôi bên cạnh một người nào đó mua sách vì lòng ham muốn đọc sách, tôi cảm thấy ghen tị với họ. Ai đó đang lần giở những trang sách với sự tò mò lan tỏa, thư thái, đầu óc mở ra cùng sách. Bạn đọc thân mến, một ngày nào đó tôi sẽ trở lại là người giống như các bạn…

Ninh-Hà Nguyễn Quốc dịch
Nguồn: Hồn Việt