Ngày đăng : 26/08/2015

Sách cũ kể rằng


Kể rằng, thời mà viên kẹo hay que kem còn là nỗi thèm thuồng trong từng giờ từng khắc, nỗi thèm ngọt ngào này len cả vào cả giấc ngủ trẻ thơ, nhưng khi có đủ tiền lại chỉ chạy đi mua một quyển sách. Tại sao chúng tôi chọn sách mà không chọn kẹo?

Hóa ra sách chính là nỗi khát khao thật sự của những đứa trẻ hồi xưa như chúng tôi. Ở sách, chúng tôi thấy một thế giới khác nơi chúng tôi đang sống (hoặc sách diễn tả chính nơi chúng tôi đang sống, nhưng xanh mướt mơ màng với những câu chuyện khác câu chuyện chúng tôi chứng kiến hằng ngày), từ sách, chúng tôi có những người bạn nào đó thật “vĩ đại” khác với những đứa cùng lứa với mình, sách làm chúng tôi thấy mình trở nên biết rất nhiều điều vi diệu.

Kể rằng, có những quyển sách làm nên khát khao, ao ước, khơi dậy trong chúng tôi sự tưởng tượng đến là bay bổng. Cái hồi xưa nào đó, sau khi đọc sách, chúng tôi từng mơ có thể đi chu du thiên hạ, hát nghêu ngao những bài ca của dân du mục, là những kỵ sĩ phi ngựa như bay với áo choàng phấp phới, hoặc chúng tôi đủ tài giỏi như những nhân vật có tài đánh đông dẹp bắc, tay súng tay gươm, hay chí ít cũng là hoàng tử đẹp trai để cuối cùng vẫn lấy được công chúa xinh nhất trần đời...

Kể rằng, có những quyển sách làm nên ước mơ về một nghề nghiệp nào đó cho tương lai chúng tôi, khi túm tụm bên nhau chúng tôi kể lớn lên mình sẽ làm bác sĩ, làm chủ nông trại, làm anh hùng chuyên cứu giúp người hiền lương. Có đôi khi chúng tôi còn thử làm giống chàng Hoàng tử bé, bắt chiếc ghế ngồi trên mô đất cao giả đó là một hành tinh, để đếm xem mỗi ngày mặt trời mọc lặn có đủ 40 lần.

Sách cũ còn kể để ngốn ngấu quyển sách đó không tốn tiền, chúng tôi phải làm đủ các trò ở chỗ quầy vừa bán sách báo vừa bán kẹo bánh đồ chơi của người bán hàng ở cổng trường thời của chúng tôi xưa. Đứa nào đọc nhanh sẽ tóm lấy quyển sách để đọc, nhân lúc mấy đứa khác “giả bộ” lựa bi ve, lựa nhãn dán vở, lựa giấy bao tập, hỏi giá tiền kẹo... Đứa đọc nhanh nhất sau đó sẽ kể lại cho chúng bạn nghe mình đã đọc được câu chuyện gì.

Sách cũ kể bằng kỷ niệm, kể mãi vẫn còn rưng rưng. Với những quyển sách ít ỏi dành dụm để mua được, chúng tôi chuyền tay nhau đọc, hết đợt này tới đợt khác, đứa đã đọc qua vẫn cứ muốn mượn lại để... đọc cho thuộc khi cuốn sách đó mình thật sự thích thú. Và vì vậy, chúng tôi quý những cuốn sách đó lắm, lật giở từng trang nhẹ nhàng, hồi đó ai có nhiều sách mới là đứa “giàu” thật sự trong suy nghĩ chúng tôi.

Những câu chuyện về sách cũ, chúng tôi sẽ kể với con cái, để một ngày nào đó khi nhìn thấy quyển sách, chúng không chỉ chọn để đọc mà còn để thấy yêu mến, trân quý, rồi kể lại với ai đó nữa rằng: hồi xửa hồi xưa, hồi thời mà sách đem lại nỗi háo hức hơn bất cứ thứ gì...

Minh Phúc
Nguồn: Tuổi trẻ