Ngày đăng : 03/06/2008

Viết cho Em - Bài dự thi đạt giải KK cuộc thi "Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi"


“Con rửa chén đi – nhiệm vụ chưa hoàn thành kìa!”. Tiếng Má nhắc nhở khi tôi đang lui hui bên đống chén bát đồ chơi khi chơi trò bán hàng. Tui phụng phịu và đi làm việc nhà một cách ép uổng. Giật mình khi cái chén vô tình rơi vỡ! Bữa cơm Má vẫn không nói gì mà cũng nói chuyện với Ba như bình thường, cả nhà thi nhau kể chuyện, chuyện Ba đi làm, chuyện hai chị ở trường và chuyện Má đi chợ. Tất cả đều vui vẻ và rôm rả như mọi ngày. Chỉ có tôi ôm một cái lỗi và một bí mật với Má. Tối, Má nhỏ nhẹ bước bên tôi và nói “Rửa chén cũng như khi con chơi đồ hàng đấy thôi, tìm vui trong công việc thì con sẽ thích làm”. Và Má đã đặt vào tay tôi cuốn sách ấy “Viết cho Em”. Giờ thì Má cũng không còn bên cạnh để chỉ bảo cho tôi từng việc nữa nhưng cuốn sách đó đã cùng tôi lớn lên và hoàn thiện chính mình để sống đẹp. 

“Viết cho em” là cuốn sách lưu hành trong giáo hội của tôn giáo Thiên chúa chính vì thế mà ít người ngoại đạo biết mà tìm đọc. Được viết bởi một linh mục - một người thầy tâm lý và hóm hỉnh, linh mục PIO Ngô Phúc Hậu mà tôi xin phép được gọi là Cha trong bài viết này. Thế nhưng, chính lối viết giản dị, mộc mạc ấy đã hoán đổi tâm tính của không ít người. Và tôi – Một người được đọc đã luôn tìm cách tặng nó cho những người mà tôi yêu thương và quyết định giới thiệu cuốn sách này cho mọi người cùng thưởng thức. 

Cách thể hiện chân thành bằng lối xưng hô xuyên suốt là đại từ nhân xưng “Em” dường như cho người đọc cái cảm giác gọi tên chính mình. Đúng như cái tên của cuốn sách “Viết cho Em”, tôi thấy mình, gia đình, bạn bè và cuộc sống này hiện rõ trong từng câu chữ, trong từng mẫu chuyện. 

Tôi nhìn thấy tôi một cô bé mười sáu tuổi muốn chưng diện, muốn hơn thua với bạn bè mỗi lần có dịp lễ tết trong câu chuyện “Quần áo mời gọi”. Lời văn kể chuyện nhẹ nhàng bắt đầu từ lời than của Mẹ 

- “Trời lạnh như cắt da mà nó không chịu mặc áo ấm. Nói gì thì nói, sáng nào cũng cái áo mỏng tanh đạp xe đi học. Đau ốm thì Mẹ lại lo.” 

Và Cha hỏi:

- Cái áo ấm của nó đẹp không?”

- “Con cho nó cái áo của con, còn mới nguyên à…” 

Đọc tới đây thì tôi bật cười như Cha

- “Hèn chi!” 

Hèn chi của tôi là nhớ đến chuyện chị Hai tôi cũng như thế. Nhất định không mặc chiếc áo dài của Má giữ từ cái thời chạy loạn để mặc mãi một bộ áo dài bị vá ở mông do ngồi  đạp xe quá nhiều. Còn cái “hèn chi” của Cha được giải thích như sau “Mẹ yêu con, mẹ Em yêu Em, đó là vấn đề muôn thuở, loài người không bao giờ quên. Nhưng dường như mẹ nào cũng quên thời niên thiếu của mình. Mẹ Em ngày xưa cũng se sua, cũng lì lợm. Bà ngoại của Em lúc ấy cũng lo âu, cũng sợ hãi. Bây giờ đến lượt mẹ Em cũng sợ. Sau này Em có con gái, con gái Em lại se sua, lại lầm lì như em bây giờ. Và Em lại sợ. Rốt cuộc thì ngoại Em, mẹ Em, Em và con gái đều se sua, đều lầm lì, nhưng chẳng ai hư cả.” 

Bạn đoán xem Cha ủng hộ cho ai nào. Cô bé hay Mẹ??? 

Từ việc đi từ cái đẹp, nhu cầu làm đẹp của con người, đặc biệt là con gái đến những bức xúc thái quá của việc thể hiện bởi những trang phục “thời trang”. Cha đã kết câu chuyện bằng lời tâm sự “Chỉ sợ thua người ta mà Em quên thương cha mẹ, quên giá trị của những giọt mồ hôi của Cha Em…Ấy là chưa kể bộ đồ ấy đã biến sắc đẹp của Em thành tiếng kêu ệch ệch của con ếch cái vào những trận mưa đầu mùa…”. 

Má tôi cũng đã từng nói khi tôi cứ thích diện những bộ cánh đẹp rồi đi qua đi lại hỏi mãi một câu “Má chấm con bao nhiêu điểm?”. Má chỉ cười “Con đẹp nhất lúc con không biết là mình đẹp”. Vậy đấy. Cuộc sống con người cứ trôi cứ đi. Bất chợt nhớ những gì đã qua ta thấy trân trọng biết bao. 

Cuốn sách này đồng hành cùng tôi trong từng câu chuyện của cuộc sống mình và những gì đang vận hành của xã hội. Câu chuyện “Lấy chồng Đài Loan” là một minh chứng cho hiện tượng dâu Việt Nam lang bang xứ người. Và Cha kết thúc là một lời chia sẻ “Em, Tôi có nhiều điều muốn nói với Em, nhưng…Đành phải im  lặng, vì Em đang chắp tay, cúi đầu lắng nghe tiếng nói ngọt ngào của một ngàn đô la thần thánh đã cứu cả gia đình Em. Tôi lặng lẽ trao cho Em  một địa chỉ, để nếu không gặp may mắn, thì nơi đó dành cho Em tia hy vọng cuối cùng.” Lời văn không mang chất triết lý dạy đời như những cuốn sách dạy làm người khác mà nó đi vào lòng người bằng những mảnh chuyện như một lời gởi gắm chân thành. Để tự đó! Người đọc tự dạy chính mình, tự thấy điều hay điều dở của chính mình qua một cái gương khác. Vì cái dằm trong mắt mình thì khó thấy mà dễ thấy cái gai trong mắt người khác còn gì. Đó chính là nét mộc của cuốn sách. Người đọc có thể cảm nhận được những bài học quý giá cho mình, hay đơn giản là những câu chuyện đọc cho vui đều đo bằng chính đôi mắt và cái tâm của người đọc sách. 

Những câu chuỵên giữa đạo và đời, yêu và dục, từ lứa tuổi nhi đồng đến người lớn…Qua cách kể của Cha cứ diễn biến như cuộc đời của một con người. Cách giáo dục nhân văn hết sức dễ chịu làm người đọc cảm nhận nét dịu dàng và dễ thở trong nhiều tình huống tréo ngoe của cuộc sống. Bạn nghĩ gì về Sex??? Bao nhiêu tuổi con người nhận thức sex…Câu chuyện tưởng như khô ngắt với mớ kiến thức khoa học của môn sinh học những bài giảng mang tính đạo đức lấp lửng của văn hoá Phương đông được Cha thể hiện thật dí dỏm trong sáng qua câu chuyện “Sex”. Từ nhỏ ai không chơi trò chơi vợ chồng, ai không chơi trò cô dâu chú rể? Và câu chuyện của Cha bắt đầu từ lớp mẫu giáo, từ cái mền lùng bùng của hai thiên thần bé nhỏ. Và nhân vật Em bây giờ là cô giáo của hai thiên thần ấy. Bạn làm gì khi lật cái mền ấy lên! Bất ngờ, không còn là hai thiên thần mà là hai con heo. Cách gọi  của Cha sao mà phô quá thôi! “Hai thiên thần hoá thân thành hai con heo, một con đực, một con cái…!”. Tôi cũng như cô giáo mầm non sững sờ trước hình ảnh ấy. Tự hỏi “xử lý như thế nào?”.  Và Cha đáp ngay, nhanh chóng như sợ sự việc đi theo hướng khác “Đừng vội làm lớn cái chuyện chẳng lớn tẹo nào. Em nên gặp mẹ của các em, ghé sát lỗ tai, kể lại câu chuyện ấy rồi khẽ nhéo một cái. Thế thôi. Đừng trịnh trọng. Đừng nghiêm nghị. Đừng dạy đời. Còn đối với các bé hãy dặn làm như thế là không ngoan, là không dễ thương. Giản dị vậy  thôi!” 

Cái nhìn cuộc sống của tôi khác đi nhiều khi biết về sex, có lẽ là bị khủng hoảng một thời gian khi biết về tình dục. Đó là cái nhìn của một cô bé ưa mơ mộng và thích xứ sở thần tiên hơn là cuộc sống trần tục này. Và đương nhiên là có những phản ứng, tôi ghét bọn con trai, sợ luôn cả Ba và xây dựng cho mình một hướng đi mới tránh hoàn toàn với cái trần tục  ghê rợn ấy - đi tu. Thế nhưng chính cuốn sách này đã dẫn tôi ra khỏi chính tâm tưởng của mình. Tôi làm quen được với cách nhìn về sex và tu. Cuốn sách nói về sex “Tình dục chỉ là tốt khi người ta hưởng thụ nó đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách. Đúng lúc là trong hôn nhân. Đúng chỗ là với người hôn phối. Đúng cách là yêu thương, kính trọng nhau.” (trích “Sex”). Và “Tu là tập tánh tốt, tu là rèn luyện ý chí. Tu là vào đời để làm cho đời nên đẹp”. (trích “Biết thế thì…”) và chuyện được giải thích rõ ràng ở mẫu chuyện trong cuốn sách  “Yêu muộn”…Điều này làm tôi bất chợt ngẫm nghĩ và hẳn nhiên thoát ra khỏi ý nghĩa kì cục đó như tư tưởng của nhân vật “Em”. 

Như lời dạy nhỏ nhẹ của Má tôi, cuốn sách bên tôi dường như mọi lúc. Bất kỳ khi nào tôi cần một lời khuyên, một lời an ủi hay chia sẻ dịu dàng tôi đều đến với cuốn sách này. Và tôi mong rằng cuốn sách sẽ đến tay nhiều người bởi chất nhân văn tuyệt vời của nó. Đó là món quà quý giá nhất mà tôi được tặng và sẽ tặng lại cho những người mà tôi yêu thương. 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 04 năm 2008 

Nguyễn Phúc Thiên Linh