Ngày đăng : 03/04/2013

TẾT ĐỌC SÁCH, TẠI SAO KHÔNG? - Cuộc vận động vì "Ngày đọc sách Việt Nam"


I. Ý NGHĨA

Gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi phong trào Duy Tân được khởi xướng, nhưng những tư tưởng “chấn dân khí, khai dân trí” của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi quốc gia chỉ có thể phát triển khi lấy dân trí của người dân làm gốc. Và sự nghiệp nâng cao dân trí của nước nhà chỉ có thể thành toàn thì được bắt nguồn từ sự học và sự đọc của mỗi người dân. Bởi “đọc là cách học tốt nhất”

Đọc sách, nói cho cùng bản chất của nó, chính là việc tự học. Những quyển sách chính là người thầy, người bạn học với những giá trị vượt không gian và thời gian dành cho mỗi người. Những quyển sách chứa đựng túi khôn của nhân loại, những tri thức nền tảng, những học thuyết lẫy lừng hay đơn giản chỉ là một áng văn hay, một câu chuyện đẹp, một công trình nghiên cứu… tất cả, tất cả đều là những viên gạch xây nên một con người, một gia đình, một doanh nghiệp, một cơ quan, và từ những tế bào nhỏ bé nhất này, hình thành nên một xã hội rộng lớn với những giá trị tốt đẹp nhất.

Tuy nhiên, trước sự phát triển rầm rộ, ồ ạt và cũng đầy sức hút của văn hóa nghe nhìn, thói quen đọc sách của người dân đang bị dần mai một. Khẳng định lại vai trò của sách, tìm đường đi cho văn hóa đọc là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách lúc này.

Nhìn quanh ta, rất nhiều quốc gia đã tồn tại một “ngày toàn dân đọc sách” hay có các sự kiện liên quan đến chuyện đọc sách như: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí, một quốc gia rất gần gũi là Thái Lan cũng có một chương trình quốc gia để mọi người quan tâm đến việc đọc sách. Tổ chức quốc tế mang tên “Hiệp hội đọc sách quốc tế” (IRA) đã ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước mà một trong những sứ mạng hàng đầu là cổ vũ thói quen đọc sách suốt đời của tất cả mọi người. 

Liên hiệp quốc, mà cụ thể là UNESCO, cũng đã quyết định và kêu gọi về một “ngày sách quốc tế”, ngày 23/04 hàng năm, nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách, thói quen đọc sách trên toàn thế giới. Quyết định và lời kêu gọi này của Liên hiệp quốc đã được rất nhiều quốc gia, vùng và lãnh thổ hưởng ứng nhiệt liệt.

Ngoài việc hưởng ứng Ngày thế giới đọc sách, nếu chúng ta có thêm một ngày đọc sách riêng của người Việt, một cái Tết đọc sách riêng của người Việt, thì điều đó lại càng tuyệt vời. Người Việt ta đã có những ngày Tết về vật chất, những ngày Tết về tinh thần và cả những ngày Tết về tâm linh, sao ta lại không thể có một một ngày Tết cho trí tuệ? Ngày Tết ấy, mỗi người dân Việt Nam sẽ được sống trong bầu không khí ngập tràn của tri thức. Mỗi năm chỉ một ngày, nhưng là ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc gìn giữ và cổ vũ văn hóa đọc.

Từ mong ước ấy, SachHay.org – một dự án giáo dục của xã hội và vì xã hội phát động một cuộc vận động về một ngày “Tết Đọc Sách” của người Việt – như một bước khởi đầu nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc và nền dân trí của nước nhà.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Chương trình “10.000 chữ ký vì Ngày đọc sách Việt Nam”

Mục tiêu của hoạt động này là tạo ra một “địa chỉ chung” để mỗi người đều có thể bày tỏ sự ủng hộ của mình cho Ngày đọc sách của người Việt.

Để bày tỏ sự ủng hộ của mình, mỗi bạn đọc mê sách có thể:

- Tham gia ký tên online ủng hộ tại website của cuộc vận động: TetDocSach.SachHay.org

- Tham gia ký tên ủng hộ trực tiếp tại Hội sách Tp.Hồ Chí Minh

2. Chương trình Hội thảo “TẾT ĐỌC SÁCH, TẠI SAO KHÔNG?”

Thời gian: 14h00 - 16h30, ngày 21/03/2010 (Chủ nhật)

Địa điểm: Hội sách TP Hồ Chí Minh (Công viên Lê Văn Tám)

Buổi Hội thảo “Tết đọc sách của người Việt, tại sao không?” do SachHay.com tổ chức tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh 2010 là tâm điểm trong chuỗi các hoạt động cổ súy cho văn hóa đọc, tôn vinh tầm quan trọng của sách, hướng tới việc vận động Chính phủ công nhận một ngày Tết đọc sách mang tính quốc gia.

Hội thảo sẽ là nơi chia sẻ tiếng nói của những người tâm huyết với văn hóa đọc và sự nghiệp dân trí của nước nhà, gồm có các học giả, trí thức uy tín, đại diện các đơn vị xuất bản, giới văn nghệ sĩ, giới trẻ… và những bạn đọc mê sách. Tất cả hòa chung niềm đam mê với sách, thắp sáng và lan tỏa niềm đam mê ấy đến rộng khắp người dân. Và chờ mong một ngày Tết dành cho tri thức của mỗi người dân Việt Nam.