Ngày đăng : 12/06/2013

Sách giáo khoa phổ thông nước ngoài và một số kinh nghiệm cho Việt Nam


1. Cứ liệu

Bài viết này dựa trên kết quả phân tích một số bộ SGK nước ngoài bao gồm 5 bộ SGK Tiếng Pháp ở tiểu học và một số SGK Ngôn ngữ và Văn học ở trung học của CH Pháp; bộ SGK Tiếng Anh từ tiểu học đến hết trung học của bang Tamilnadu, CH Ấn Độ; một số SGK Tiếng Anh ở tiểu học và trung học của Vương quốc Anh và Bắc Ailen; một số SGK Tiếng Nga ở tiểu học và trung học của CHLB Nga; bộ SGK Ngôn ngữ ở tiểu học của Tổ chức Escuela Nueva (Ngôi trường Mới), Colombia và bài viết SGK Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam của Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng[[1]].

2. Sự đa dạng của SGK các nước

Cứ liệu khảo sát cho thấy tất cả các nước mà bài viết này đề cập đều có nhiều bộ SGK. Chẳng hạn, 5 bộ SGK Tiếng Pháp ở trường tiểu học Pháp mà chúng tôi có trong tay là do các nhóm tác giả khác nhau biên soạn và các nhà xuất bản (NXB) khác nhau công bố: bộ Il étail… une petite grenouille của NXB Clé International (Paris, 1986); bộ Le francais của NXB Hachette (Paris, 1987); bộ Methode de lecture của NXB Bordas (Paris, 1992); bộ Langue francaise của NXB Nathan (Paris, 1995); bộ La courte échelle của NXB Hatier (Paris, 1996).

Bộ sách của Ấn Độ mà chúng tôi có là bộ sách của bang Tamilnadu dành cho học sinh (HS) phổ thông hệ học bằng tiếng Anh (Chính quyền bang Tamilnadu xuất bản, 2010). Hệ học bằng tiếng Tamil ở bang này có bộ SGK riêng và mỗi bang ở Ấn Độ cũng có những bộ SGK riêng.

Ở Hàn Quốc, theo Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng, từ năm 1995, nước này bắt đầu xóa bỏ chính sách độc quyền về SGK. Theo đó, SGK gồm 2 loại:

- Loại thứ nhất là SGK quốc gia do Bộ Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (MOEHRD) tổ chức biên soạn, bao gồm tất cả SGK mầm non và tiểu học, sách Quốc ngữ (Tiếng Hàn), Quốc sử (Lịch sử Hàn Quốc), Đạo đức cho các lớp còn lại.

- Loại thứ hai là SGK do các NXB tư nhân tổ chức biên soạn, MOEHRD thẩm định, bao gồm SGK dùng cho các môn học khác ở trung học. Ở THCS có 32 bộ sách môn Toán, 9 bộ sách môn Khoa học và 10 bộ sách môn Xã hội. Ở THPT có 28 bộ sách môn Toán (trong đó có 16 bộ cho lớp 10 và 12 bộ cho lớp 11 và 12), 8 bộ sách môn Hóa, 9 bộ sách môn Vật lí, 6 bộ sách môn Lịch sử Hàn Quốc hiện đại, 8 bộ sách môn Sinh học, 8 bộ sách môn Địa lí Hàn Quốc, 8 bộ sách môn Xã hội, 11 bộ sách môn Khoa học, v.v…

Từ năm 2009, các NXB tư nhân được phép tổ chức biên soạn và phát hành SGK THCS và THPT kể cả các môn Quốc ngữ, Quốc sử và Đạo đức. Tất cả SGK tiểu học sẽ do MOEHRD tổ chức biên soạn, ngoại trừ SGK môn Thể dục, Âm nhạc, Nữ công gia chánh và Tiếng Anh dành cho các NXB tư nhân, MOEHRD chỉ kiểm tra và sửa đổi những chỗ cần thiết. Các trường học có thể lựa chọn một số sách không qua thẩm định của nhà nước, trừ SGK các môn Quốc ngữ, Đạo đức, Xã hội, Toán, Khoa học, Kĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Thậm chí MOEHRD khuyến khích các trường tự biên soạn SGK để càng ngày càng có thêm nhiều người tham gia vào việc biên soạn những cuốn sách có chất lượng cao cho học sinh.

3. SGK Ngữ văn ở trường tiểu học các nước

3.1. Nhìn chung, môn học tương đương với môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học các nước mà chúng tôi khảo sát đều được đặt theo tên ngôn ngữ được dạy, ví dụ: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga. Hầu hết SGK được đặt theo tên môn học. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sách lấy những cái tên có tính nghệ thuật để hấp dẫn học sinh, như: La courte échelle (Nâng bước), Il étail… une petite grenouille (Con ếch nhỏ),… Bộ SGK của Hàn Quốc lấy tên là Quốc ngữ. Còn bộ SGK của Tổ chức Escuela Nueva (Ngôi trường Mới), Colombia lấy tên là Ngôn ngữ[[2]].

3.2. Các bộ sách có số lượng sách khác nhau. Có bộ dành cho mỗi lớp 1 quyển. Có bộ dành cho mỗi lớp vài ba quyển. Ví dụ, bộ Il étail… une petite grenouille cho lớp 1 của Pháp gồm 3 quyển: một quyển dạy đọc (lecture), một quyển dạy viết (écriture), một quyển dạy hoạt động (activités). Ở Hàn Quốc, từ lớp 1 đến lớp 3, mỗi học kì có 3 quyển: sách dạy đọc, sách dạy viết, sách dạy nói và nghe; còn từ lớp 4 đến lớp 6, mỗi học kì chỉ có 2 cuốn: sách dạy đọc, sách dạy viết - nói và nghe.

3.3. Về cấu trúc SGK, có thể thấy 3 loại hình chính như sau:

3.3.1. Cấu trúc theo trục kiến thức ngôn ngữ học

Tiêu biểu cho cấu trúc này là bộ sách Langue francaise của NXB Nathan. Mỗi quyển trong bộ sách dành cho một lớp, gồm một số phần (partie), mỗi phần gồm một số bài học (unit) và mỗi bài học gồm 4 mục Ngữ pháp, Từ vựng, Chính tảChia động từ; các phần và bài học đều không có tên chung. Ví dụ, sách lớp 3 có 3 phần. Phần 1 có 10 bài học. Bài học 1 gồm các mục sau:

- Ngữ pháp: Từ văn bản đến câu.

- Từ vựng: Sắp xếp các từ (theo trật tự abc).

- Chính tả: Từ khẩu ngữ đến bút ngữ. 

- Chia động từ: Quá khứ, hiện tại, tương lai.

Mỗi mục nói trên đều bắt đầu bằng việc phân tích một văn bản ngắn, từ đó rút ra kết luận, rồi làm bài tập thực hành. Chẳng hạn, để học kiến thức ngữ pháp (Từ văn bản đến câu), sách giới thiệu mẩu chuyện Chú chó con và nêu các yêu cầu như sau:

- Đọc văn bản.

- Văn bản trên gồm bao nhiêu đoạn?

- Mỗi đoạn cho ta biết điều gì?

- Văn bản trên gồm bao nhiêu câu?

- Mỗi câu cho ta biết điều gì?

Kết luận được đóng khung là:

 “- Một văn bản thường gồm nhiều đoạn. Khi viết, ta xuống dòng để đánh dấu mở đầu một đoạn.

- Một đoạn thường gồm nhiều câu. Mỗi câu là một chuỗi từ được tổ chức và có một ý nghĩa. Câu mở đầu bằng một chữ hoa và kết thúc bằng một dấu chấm.”   

Sau kết luận nói trên, sách cho 6 bài tập thực hành, trong đó có bài tập sắp xếp lại trật tự từ để tạo thành câu đúng, viết lại dấu chấm và chữ hoa bị bỏ sót, sắp xếp lại các câu đã cho thành một đoạn, đặt câu với những từ đã cho, viết một số câu để tả một con mèo nhỏ.

3.3.2. Cấu trúc theo trục chủ đề của bài đọc

3.3.2.1. Bộ SGK Le francais của Pháp

Mỗi quyển trong bộ sách Le francais của NXB Hachette dành cho một lớp, đều cấu tạo theo chủ đề của bài đọc; mỗi chủ đề học trong 2 tuần (12 ngày). Cách chọn, đặt tên và sắp xếp chủ đề không gò bó. Ví dụ, sách lớp 2 có những chủ đề sau: Chân dung, Chuột và mèo, Đáy biển, Ông bà, Những con gấu, Mùa đông, Trò chơi và đồ chơi, Món ăn, Giả trang, Muông thú, Mùa xuân, Chim muông, Máy móc và người máy, Phù thủy và tiên, Nước và cát.

Tâm điểm của mỗi chủ đề là hoạt động đọc với 5 văn bản, chia thành 2 cụm bài. Các hoạt động khác đều xoay quanh hoạt động này.

Văn bản mở đầu cụm bài thứ nhất, cũng là văn bản khởi động chủ đề, là một câu chuyện, thường có dung lượng khá lớn. Ví dụ, văn bản mở đầu quyển lớp 2 dài tới 2 trang A4, đếm được 440 âm tiết, gấp 2 lần bài đọc 2 tiết ở sách Tiếng Việt lớp 2 hiện hành. Các bài đọc tiếp theo là một văn bản thông thường và một bài thơ. Cụm bài thứ hai gồm 2 bài đọc tăng cường nhằm hoàn thiện kĩ năng đọc cho HS.

Sau mỗi bài đọc đều có các câu hỏi tìm hiểu nội dung bài và sau mỗi cụm bài đọc đều có các mục Ngữ pháp, Chính tả, Chia động từ, Từ vựng, Đọc - viết (rèn kĩ năng đọc những âm dễ viết sai chính tả) và Làm văn.

Kết thúc mỗi bài học là mục Trò chơiÔn tập.

3.3.2.2. Bộ SGK Tiếng Anh của Ấn Độ

Cũng như bộ Le francais của Pháp, bộ SGK của Ấn Độ cấu tạo theo chủ đề của bài đọc; cách chọn, đặt tên và sắp xếp chủ đề không gò bó. 

SGK lớp 1 có những chủ đề sau: Hãy tự ngắm em; Nhà của Ponni; Chúng mình là bạn; Selvi và Raja trên cánh đồng; Trong vườn; Run, run, run; Trên đường; Những người giúp đỡ ta; Bên bờ biển. Từ lớp 2 đến lớp 5, sách không có tên chủ đề; các bài học (unit) được triển khai xoay quanh một bài văn xuôi và một bài thơ, chỉ có tên các văn bản ấy. Tuy nhiên, có thể luận ra chủ đề từ nội dung các văn bản đọc hoặc nắm được chủ đề qua Lời nói đầu trong sách. Ví dụ, Mục lục SGK lớp 5 ghi “Bài 1. Văn xuôi: Mẹ Trái Đất của chúng ta; Thơ: Mong muốn và trả lời”. Trong Lời nói đầu, tác giả sách cho biết chủ đề của bài học này là “Giữ lấy Trái Đất và môi trường của chúng ta”.

Một đặc điểm phân biệt bộ SGK Ấn Độ với bộ Le francais là sách có những ghi chú hướng dẫn việc làm của GV. Có thể hiểu đây là những quyển sách “hai trong một” - vừa là sách HS vừa là sách GV. Nhờ vậy mà ngay từ trang đầu quyển sách lớp 1 đã có những bài hát, những câu và đoạn văn khá dài, mặc dù HS chưa biết chữ.  

Bộ SGK của Ấn Độ được xuất bản vào các năm 2010, 2011 nên thể hiện phương pháp dạy học theo định hướng giao tiếp (phương pháp giao tiếp) khá rõ. Sách các lớp 1, 2, 3 dạy các hiện tượng ngữ pháp như số ít, số nhiều, danh từ, động từ, tính từ, giới từ,... thông qua các trò chơi và bài tập. Chỉ từ sách lớp 4 trở lên mới có định nghĩa các hiện tượng từ vựng, ngữ pháp như đồng âm, đồng hình, đại từ nhân xưng,…

Có thể lấy ví dụ về phương pháp giao tiếp của bộ sách qua quyển SGK lớp 1. Mở đầu sách có một bài khởi động để giúp HS làm quen với hoạt động tập thể và hoạt động học tập. Bài khởi động có những hoạt động sau:

- Em nghe, em hát: Giới thiệu văn bản Hello! Hello! Good morning. Hướng dẫn GV tổ chức cho HS đứng vòng tròn, chào nhau và hát.

- Em tô màu: HS tô màu lên bông hoa sen trên trang sách. Sau đó, GV tổ chức cho HS đứng vòng tròn, vỗ tay, phân biệt bên phải - bên trái. 

- Em đọc: HS làm bài tập đánh dấu vào những hình nhất định trên trang sách theo yêu cầu để làm quen với thao tác “đọc” và quan sát. 

Bài 1 có tên là Hãy tự ngắm em (Look at me) có những hoạt động sau:

- Nghe đọc thơ: Giới thiệu một bài thơ đơn giản với các hình minh họa để HS biết tên một số bộ phận cơ thể như mắt, mũi, miệng, răng, đầu, chân, ngón tay, ngón chân,… 

- Chúng em nghe, chúng em đọc: HS nghe GV đọc các từ chỉ bộ phận cơ thể đã biết kèm hình minh họa trong sách. Sau đó, GV tổ chức cho HS đứng vòng tròn, chơi trò hỏi tên nhau.

- Em nghe, em nói: GV hỏi, HS trả lời. Ví dụ: (Chỉ vào mũi) Đây có phải mũi không? Phải ạ. (Chỉ vào chân) Đây có phải mũi không? Không ạ

- Em vẽ: HS trả lời câu hỏi Em là gái hay trai? rồi tô màu vào hình bên dưới câu tương ứng.

Tiếp theo, HS học cách giới thiệu về mình và người trong gia đình mình, rồi học các chữ cái a, b, c, d (nghe, đọc, viết).

Cuối cùng, mục Em có thể (I can) giúp HS tổng kết lại những điều đã học được thông qua các hình thức hoạt động nghe, nói, đọc, viết. Văn bản tập đọc khép lại Bài học 1 là một câu chuyện vui với nhiều chữ HS chưa hề biết, được “đọc với sự giúp đỡ của GV”. 

Có thể nói bộ SGK của Ấn Độ đã tiếp cận với phương pháp tổ chức hoạt động nhưng các hoạt động về cơ bản vẫn được triển khai xoay xung quanh trục chủ đề của bài đọc.

3.3.3. Cấu trúc theo trục chủ đề của hoạt động

3.3.3.1. Bộ SGK của Hàn Quốc

Khác với loại sách cấu trúc theo chủ đề của bài đọc, các chủ đề trong bộ SGK Hàn Quốc được đặt tên theo hoạt động. Chẳng hạn, bài đầu tiên trong 3 cuốn SGK Quốc ngữ ở học kì 2 lớp 3 đều có tựa đề Tìm hiểu và nói cho người khác biết về sự giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Theo Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng, mỗi bài học đều có các phần Giới thiệu, Các đơn vị của bài học, Ôn luyện, Nâng cao, Giải trí. Chẳng hạn, sách dạy kĩ năng viết bắt đầu bài 1 bằng phần Giới thiệu với 2 bức tranh ở 2 trang khác nhau. Bức tranh thứ nhất vẽ hai người điều khiển 2 phương tiện giao thông khác nhau, một người lái xe máy và một người lái xe đạp. Phía dưới bức tranh là câu hỏi: Xe máy và xe đạp có những điểm nào giống nhau và khác nhau? Bức tranh thứ hai vẽ hai đứa trẻ đang sắp xếp và phân loại nhiều đồ vật khác nhau dựa vào những điểm giống nhau và khác nhau về chức năng, hình dáng và chất liệu. Phía trên bức tranh là lời yêu cầu: Hãy nhận xét những điểm giống nhau và khác nhau giữa các đồ vật và viết ngay phía dưới đây.

Tiếp theo là phần Phương pháp quan sát với 4 hoạt động học tập:

- Hoạt động 1: HS xem hình hai đứa trẻ với những câu đối thoại về những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và xe đạp.

- Hoạt động 2: HS tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và xe đạp, sau đó điền thông tin vào bảng tổng hợp.

- Hoạt động 3: HS viết một văn bản ngắn trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe máy và xe đạp.

- Hoạt động 4: HS trao đổi với nhau để rút ra phương pháp viết một văn bản trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Phần Tôi muốn biết là phần thực hành viết một văn bản trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật. Phần này có 5 hoạt động học tập: 1) Tìm hiểu xe buýt và xe lửa; 2) Viết ra những điều mà HS thu nhận được; 3) Điền thông tin vào bảng tổng hợp; 4) Viết một văn bản ngắn trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa xe buýt và xe lửa; 5) Trao đổi bài viết với bạn cùng lớp để thấy được các ưu điểm và hạn chế nhằm hoàn thiện bài viết của mình.

Phần Ôn luyện yêu cầu HS kiểm tra lại bài viết của mình; sau đó tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa quả bóng đá và quả bóng chuyền, điền nội dung vào bảng, viết văn bản về những điểm giống nhau và khác nhau đó và trao đổi bài viết với bạn cùng lớp.

Phần Nâng cao yêu cầu HS xem lại bài vừa viết; sau đó chọn một trong hai bài tập để viết một văn bản về những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật.

Phần Giải trí có tựa đề Ngôn ngữ của chúng ta rất giàu đẹp. Trong phần này có một bức tranh lớn vẽ một trò chơi dân gian của trẻ em. SGK đưa ra một số từ có liên quan đến trò chơi đó và đề nghị HS tìm những từ đồng nghĩa. Mục đích của phần này là khuyến khích HS chú ý đến vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc.

3.3.3.2. Bộ SGK của Colombia

Đây là bộ SGK theo mô hình Ngôi trường Mới (Escuela Nueva) đang thực hiện có kết quả ở Colombia. Theo đánh giá của UNESCO, Ngôi trường Mới là mô hình giáo dục có chất lượng tốt nhất ở nông thôn Châu Mỹ Latin. Báo cáo Phát triển con người năm 2010 của Liên hợp quốc chọn Ngôi trường Mới là một trong ba thành tựu chính của Colombia. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho Ngôi trường Mới là một trong ba cải cách đáng chú ý nhất ở các nước đang phát triển[[3]].

Đặc điểm của mô hình Ngôi trường Mới là kiến tạo môi trường học tập thân thiện, năng động, gắn với cộng đồng, mà ở đó thông qua các hoạt động gần gũi với trẻ nhỏ, HS tự học và chia sẻ kinh nghiệm với nhau để trưởng thành. Mục tiêu này được nêu rõ trong Lời nói đầu của tài liệu Ngôn ngữ lớp 3, rất gần gũi với mục tiêu xây dựng “nhà trường thân thiện, HS tích cực” hiện nay ở nước ta:

“Các em HS thân mến,

Học cách chia sẻ chính là học cách sống. Chính vì lẽ đó, tại Ngôi trường Mới - trường học năng động, môi trường, không gian, các hoạt động thường ngày và những gợi ý từ các hướng dẫn trong quyển sách này sẽ cho phép các em chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng, cảm nghĩ, ý kiến và cả những ước mơ, không chỉ dưới hình thức phát biểu mà còn qua các bài viết.

Các em có thể tổ chức một phòng học thân mật và dễ chịu giữa các thành viên trong lớp, nơi việc học tập sẽ đồng nghĩa với giải trí, thông qua ban quản lý HS, việc làm tại các ban khác nhau, các tổ chức của thư viện và trung tâm nguồn lực, lập ra hòm thư hướng dẫn và các bức thư thân thiện, tham gia vào báo tường của trường và sự phát triển phù hợp tất cả các hoạt động được đưa ra trong các hướng dẫn. Bằng cách này, các em sẽ trở nên năng động trong quá trình học tập và có thể nhận thấy rằng lắng nghe, phát biểu, viết và đọc sẽ phát triển trong các em tư duy phê bình và chủ động đích thực nhằm đạt được những chuyển biến mà xã hội thế kỉ XXI yêu cầu.”[[4]]

Nói riêng về tài liệu hướng dẫn học tập của Ngôi trường Mới thì điểm khác biệt cơ bản giữa tài liệu học tập này với SGK truyền thống là tài liệu học tập của Ngôi trường Mới lồng ghép quy trình học và nội dung học với nhau. Mỗi tài liệu gồm nhiều mô-đun; mỗi mô-đun do một số bài học cấu thành; và mỗi bài học được chia thành các phần với những mục tiêu khác nhau. Cấu trúc mỗi phần gồm:

- Các hoạt động chính. Những hoạt động này bắt đầu bằng những kiến thức, kinh nghiệm HS đã biết; khuyến khích các em chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đó với bạn bè; đưa ra những tình huống mới để giúp HS thu nhận kiến thức mới; củng cố những điều mới học được bằng một câu chuyện hoặc trò chơi. 

- Các hoạt động thực hành. Những hoạt động này giúp trẻ củng cố kiến thức và phát triển kĩ năng mới học được.  

- Các hoạt động ứng dụng. Đây là các hoạt động ứng dụng những điều đã học được vào việc giải quyết các tình huống nảy sinh trong đời sống hằng ngày ở nhà và ở cộng đồng.

Sau mỗi phần, HS được đánh giá để ghi nhận sự tiến bộ của mình.

4. SGK Ngữ văn ở trường trung học các nước

Trong phần này, chúng tôi giới thiệu bộ SGK Langue et litérature (Ngôn ngữ và văn học) của trường THPT Pháp (lycée) và dẫn lại phần giới thiệu SGK trung học Hàn Quốc trong bài viết của Cho Jea Hyun và Bùi Mạnh Hùng để giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát.

4.1. Bộ SGK Pháp

Bộ sách Langue et litérature của NXB Nathan (Paris, 1992) gồm 3 quyển dành cho toàn bộ bậc THPT. Quyển 1 dạy về ngôn ngữ, các phương pháp và hình thức giao tiếp, các loại hình và phong cách văn học. Quyển 2 dạy văn học trung đại. Quyển 3 dạy văn học hiện đại.

Vì không có quyển 1 của NXB Nathan nên chúng tôi sẽ thay bằng quyển Vers la maitrise du texte - 2e (Hướng tới làm chủ văn bản, lớp đệ nhị) của NB Hachette (Paris, 1991) với nội dung tương tự. Quyển sách gồm 4 phần: 1) Tóm tắt (văn bản); 2) Tranh luận; 3) Bình chú; 4) Tạo lập (văn bản) tiếng Pháp. Mỗi phần đều trình bày những kiến thức và bài tập về văn bản và ngữ pháp phục vụ cho việc tiếp nhận và tạo lập văn bản tiếng Pháp. Ví dụ, phần Bình chú gồm 7 chương như sau: Những trọng tâm chú ý của văn bản văn học; Phân tích các yếu tố của ngôn bản; Văn bản văn xuôi; Văn bản thơ; Văn bản kịch; Soạn thảo đề cương; Soạn thảo bình chú. 

Mỗi chương nói trên đều có 3 mục: Bài học, Hướng dẫn làm việcBài tập. Chẳng hạn, Chương Những trọng tâm chú ý của văn bản văn học có những nội dung cụ thể như sau:

- Bài học: Dẫn nhập về bình chú - Thực hành bình chú. Nhạc điệu của câu. Nhịp điệu và độ vang. Cú pháp - Trật tự các thành tố trong câu. Chính tả - Những chữ câm. Từ vựng - Sự chuyển nghĩa của từ.

- Hướng dẫn làm việc: Phân tích nghĩa biểu vật và nghĩa chuyển. Xác định giọng điệu chính của văn bản. Biết đọc hình tượng. Nghiên cứu nhạc điệu, nhịp điệu và độ vang.

- Bài tập.

Quyển 3 trong bộ sách Langue et litérature của NXB Nathan giới thiệu những tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học hiện đại Pháp, từ thế kỷ XIX với Chateaubriand, Lamartine, Musset, Vigny, Victor Hugo, Alexandre Dumas, Stendhal, Balzac, Baudelaire, Flaubet, Rimbeau, Verlaine, Mallarmé,... đến thế kỷ XX với Guillaume Apollinaire, Paul Valery, Marcel Proust, Paul Claudel, Paul Eluard, Louis Aragon, Céline, Andre Gide, Albert Camus, Jean-Paul Sartre,... và những nhà văn còn đang sáng tác như Michel Tournier, Patrick Modiano, J-M. G. Le Clézio, Yves Bonnefoy, Jean-Philippe Tousaint,... Quyển sách dày ngót 550 trang, cùng với quyển 2 tạo thành một tuyển tập tác phẩm dày đến 1000 trang. GV sẽ chọn lựa từ 2 quyển sách những tác phẩm thích hợp để dạy cho HS của mình.

Toàn bộ quyển sách có 24 chương, mỗi chương dành cho một trường phái hoặc một nhóm tác giả có liên quan (ví dụ, các thi sĩ lãng mạn thế kỷ XIX như Lamartine, Musset, Vigny, Victor Hugo; các kịch tác gia lãng mạn thế kỷ XIX như Vigny, Victor Hugo; các tiểu thuyết gia lãng mạn thế kỷ XIX như Musset, George Sand, Mérimée, Victor Hugo, Alexandre Dumas,...).

Mở đầu mỗi chương có phần dẫn luận về lịch sử và văn học; tiểu sử và niên biểu của nhà văn. Với mỗi tác phẩm được trích, có phần giới thiệu về lịch sử và văn học; tóm tắt tác phẩm; giới thiệu trích đoạn; chú giải từ khó, những tri thức lịch sử và bách khoa; những nét chủ yếu cần ghi nhận ở tác phẩm. Cuối mỗi chương bảng tổng kết, các quan điểm phê bình, chú giải từ khóa, những trích dẫn có ích, danh mục vắn tắt các tài liệu tham khảo.   

Tuy nhiên, như các tác giả viết trong Lời nói đầu, sách không chỉ tập hợp các tác phẩm văn học và thông tin mà còn là một công cụ để học sinh làm việc theo các hình thức cá nhân và nhóm. Kèm theo mỗi văn bản được trích là bài luyện tập về phương pháp đọc, bình chú, xác định tư tưởng tác phẩm, tóm tắt tác phẩm, phối hợp với các bài tập về ngôn ngữ ở quyển 1 nâng cao năng lực đọc và diễn đạt cho HS.

4.2. Bộ SGK Hàn Quốc

Ở THCS, mỗi lớp có 2 cuốn SGK cho mỗi học kì, một cuốn Quốc ngữ và một cuốn Quốc ngữ trong sinh hoạt.

Nội dung cuốn SGK Quốc ngữ gồm các phần Văn học và Thực hành kĩ năng đọc. Nội dung cuốn SGK Quốc ngữ trong sinh hoạt gồm các phần thực hành kĩ năng nói, viết, nghe và kiến thức về tiếng Hàn.

Trong SGK Quốc ngữ, phần Văn học có những chủ đề chính như: Niềm hứng thú đối với văn học; Văn học và hoạt động giao tiếp; Văn học và xã hội; Vẻ đẹp của văn học; Thế giới thi ca; Văn học và độc giả; Vẻ đẹp của truyền thống; Văn học và cuộc sống; Người nói trong tác phẩm văn học; Nhà văn và tác phẩm văn học; Cấu trúc của truyện; Hình thức thể hiện của văn học; Niềm hứng thú đối với hoạt động sáng tác văn học; Hình thức thể hiện của thơ ca; Tìm hiểu văn học hiện đại Hàn Quốc; Cá tính của tác giả; Thưởng thức văn học truyền thống; Văn học và các những cách thức thể hiện,... Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như thơ, đồng dao, truyện ngắn, tiểu thuyết, tự truyện, kịch,... được sử dụng trong SGK để phục vụ cho mỗi chủ đề của bài học.

Phần rèn luyện kĩ năng đọc có những chủ đề chính như: Đọc và viết; Ghi chép khi đọc; Thế giới ngôn ngữ; Đọc tích cực; Suy đoán trong khi đọc; Cấu trúc của một bài luận; Thưởng thức việc đọc sách; Đọc như thế nào; Niềm vui đọc sách và tìm kiếm trong từ điển; Học SGK như thế nào; Tìm ra nội dung chính khi đọc; Đọc và tranh luận, đọc bài phê bình,...

SGK Quốc ngữ trong sinh hoạt có mục tiêu đa dạng hơn. Ví dụ, bài 5 trong SGK lớp 8 dạy HS cách nghe, nói và viết về chủ đề: cho lời khuyên và tự giới thiệu về mình. Trong phần thứ nhất, HS học cách đưa ra lời khuyên và tiếp nhận lời khuyên. Phần này có 4 hoạt động:

- Hoạt động 1: HS đọc một văn bản giả định là do một HS viết và kể về những tình huống mà các em cần một lời khuyên.

- Hoạt động 2: HS suy nghĩ về thái độ của các em khi đưa ra lời khuyên và tiếp nhận lời khuyên. Chia vai và thực hành cho lời khuyên.

- Hoạt động 3: HS đọc một câu chuyện, từ đó đưa ra một lời khuyên thích hợp (cho người bạn hay bị trêu chọc, cho người bạn xem TV quá nhiều, cho người bạn hay soi gương trong giờ học, v.v...)

- Hoạt động 4: HS thử lắng nghe lời khuyên của bạn bè về một vấn đề nào đó của mình, cho biết những lời khuyên đó giúp ích gì cho bản thân.

Phần thứ 2 của bài học cũng có những hoạt động tương tự. Sau đó là phần Nâng cao nhằm ôn tập và đào sâu những vấn đề cơ bản đã học, gồm các hoạt động như: Tự kiểm điểm lại kết quả đã học (Đã biết nghĩ đến quan điểm của người nghe và cho lời khuyên hay chưa?; Đã biết nghe lời khuyên bằng một thái độ nghiêm túc hay chưa?; Đã biết tổng hợp các nội dung cần đưa vào bài tự giới thiệu hay chưa?; Đã biết tự giới thiệu đúng với mục đích sử dụng hay chưa?); Quan sát hình vẽ và đưa ra lời khuyên phù hợp với tình huống; Đọc một đoạn văn giới thiệu về một người bạn và tổng hợp các đặc điểm của người được giới thiệu; Đọc một bài thơ nói về một nhân vật rơi vào hoàn cảnh cần có lời khuyên và cho lời khuyên thích hợp; Viết tự truyện đúng với tình huống đã cho (độ dài 205 từ).

Ở lớp 10 SGK Quốc ngữ có những chủ đề sau: Niềm vui và sự bổ ích của việc đọc sách; Lời nói có tổ chức; Các hình thức thể hiện đa dạng và cách hiểu, từ đúng lời hay (chữa lỗi dùng từ, đặt câu và viết văn bản); Giao tiếp sinh động; Vẻ đẹp của thi ca; Sức mạnh của tư duy, ngôn ngữ và thế giới; Sự phát triển của Quốc ngữ; Tổ chức và sử dụng thông tin (hoạt động ngôn ngữ trong thời đại đa phương tiện); Đời sống ngôn ngữ; Di sản văn hóa dân tộc và truyền thống; Ngôn ngữ gây cảm động; Thái độ và sự phê bình; Truyền thống và sự sáng tạo; Kiến trúc Phương Đông và đặc trưng.

Ở lớp 11 và 12, liên quan đến Tiếng Hàn và Văn học, có 6 môn tự chọn: Văn học, Quốc ngữ trong sinh hoạt, Đọc, Viết luận, Nói, Ngữ pháp. Mỗi môn tự chọn như vậy có rất nhiều bộ SGK khác nhau, cụ thể như sau: Văn học: 18, Quốc ngữ trong sinh hoạt: 11, Đọc: 9, Viết luận: 13, Nói: 4. Riêng Ngữ pháp chỉ có một bộ SGK duy nhất vì HS ít chọn môn học này. Cũng do ít HS chọn học nên không một nhà xuất bản tư nhân nào chịu tổ chức biên soạn SGK Ngữ pháp, tuy tất cả SGK phần tự chọn thuộc vào loại SGK thứ hai. Vì vậy, nhà nước phải tổ chức biên soạn cuốn này.

5. Một số kinh nghiệm cho việc biên soạn SGK Việt Nam

5.1. Trước hết, cần mở rộng sự tham gia của giới chuyên môn và xã hội nói chung vào việc biên soạn SGK theo tinh thần một chương trình nhiều bộ sách và phù hợp với điều kiện nước ta. Đối với một số môn học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức như Ngữ văn, Lịch sử, Đạo đức / Giáo dục công dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn 2 bộ SGK, một dành cho các vùng phát triển, một dành cho những vùng và đối tượng có khó khăn. SGK các môn còn lại, các NXB khác được quyền tổ chức biên soạn, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt, chọn 2 bộ sách làm SGK (một dành cho các vùng phát triển, một dành cho những vùng và đối tượng có khó khăn) và một số bộ khác làm sách tham khảo được phép sử dụng trong nhà trường. Sách tham khảo do thư viện nhà trường mua bằng nguồn kinh phí cơ sở vật chất của nhà trường, đủ trang bị cho mỗi HS một bộ sử dụng tại lớp, luân chuyển từ khóa này sang khóa khác.   

5.2. Bộ SGK Ngữ văn cấp tiểu học và THCS lấy tên là SGK Tiếng Việt, ở cấp THPT là sách Tiếng Việt và văn học.

5.3. Nội dung cụ thể của bộ SGK phụ thuộc vào chương trình nhưng tinh thần chung là ở tiểu học và THCS tập trung vào việc phát triển các kĩ năng giao tiếp tiếng Việt cho HS và bước đầu giúp HS làm quen với việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Qua các tác phẩm văn học và văn bản khác được giới thiệu trong SGK, HS được bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tiếp thu các giá trị tinh thần của dân tộc, các kiến thức cần thiết cho đời sống. Ở cấp THPT, SGK có mục tiêu nâng cao kĩ năng giao tiếp tiếng Việt, trang bị một cách có hệ thống kiến thức văn học và kĩ năng tiếp nhận tác phẩm văn học.  

5.4. SGK cần thể hiện các phương pháp dạy học tiên tiến phát huy tính tích cực của HS.

5.5. Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, cần thay đổi quan niệm về sử dụng SGK, trao quyền chủ động nhiều hơn cho nhà trường và GV để lựa chọn nội dung dạy học, lựa chọn tác phẩm văn học thích hợp, đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kĩ năng và nhân cách cho học sinh. SGK cũng cần thể hiện quan điểm sắp xếp hợp lí thời gian học trên lớp với thời gian tự học, thực hành, dã ngoại, tăng tính linh hoạt của chương trình giáo dục mới./.

Hà Nội, 03/2012

GS. Nguyễn Minh Thuyết

* Tham luận cho Hội thảo "Sách và chấn hưng giáo dục" do Sách Hay tổ chức ngày 06/5/2012



[1]  Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng. SGK Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam.- Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống số 2 (158) / 2008, tr. 20 - 26.
[2]
Bogota, Colombia, 2009.
[3]
Bộ GD&ĐT. Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình “Trường học kiểu mới” của Colombia. Hà Nội, 2010, tr. 13.
[4]
Tổ chức “Escuela Nueva, chúng tôi trở lại với các bạn”. Ngôn ngữ lớp 3, tập 1., Bogota SA, Colombia, 2009.