Ngày đăng : 22/10/2015

Tháng 10 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Thuyền buồm Đông Dương, J. B. Piétri, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Trẻ, 10/2015, 212 trang, 85.000 VND

Những ai thích thú tới việc đóng thuyền gỗ, thuyền buồm và công nghệ đóng thuyền gỗ cổ truyền sẽ thấy cuốn sách này là một kho báu bởi Piétri quan tâm tới từng chi tiết. Ông có khả năng quan sát và mô tả vô số các chi tiết của thuyền bè Đông Dương, buồm và dây nhợ, cách đóng thuyền và các trang bị phụ trợ. Đây là một tài liệu quý giá cho thấy tài khéo léo và óc sáng tạo của người Việt, cùng phần minh họa rất xuất sắc của chính tác giả.

Với phạm vi địa lý bao phủ từ Campuchia phía Nam, ven suốt toàn bộ bờ biển Việt Nam ngày nay, tới cả một phần nhỏ phía Nam ven bờ Trung Quốc và đảo Hải Nam, Piétri đã mất rất nhiều năm để hoàn thành công trình này. Là Chánh Nha Ngư nghiệp của nhà nước Đông Dương thuộc Pháp, ông phải có mặt tại những nơi đó. Nhưng chính niềm đam mê với thuyền bè đã giúp ông thai nghén ra cuốn sách này.

Voiliers d’Indochine là một cuốn sách kỹ thuật. Một mặt, cuốn sách cung cấp cho ta một số bài viết và minh họa rất trung thực, sáng tỏ giúp cho các độc giả phổ thông có thể hiểu được về các loại thuyền cổ xưa của đất nước có bờ biển dài, đa dạng và ấn tượng này. Mặt khác, cuốn sách còn mô tả vô cùng chi tiết về cách treo buồm và các trang thiết bị trên thuyền ngoài mong đợi và sự hiểu biết của một số độc giả bình thường.

Thế giới của Sophie, Jostein Gaarder, Huỳnh Phan Anh dịch, Nhã Nam & Nxb Thế Giới, 9/2015, 516 trang, 124.000 VND

Sophie Amundsen sắp tròn mười lăm tuổi khi được một người lạ mặt đội mũ nồi xanh tiết lộ cô đang sống trên mình một con thỏ trắng lấy ra từ chiếc mũ chóp cao. Và thế là khởi đầu một hành trình sửng sốt ngược dòng lịch sử, thỉnh vấn những "triết gia hàng hiên", "triết gia hoa viên", "triết gia thùng gỗ"... hòng giải đáp một nỗi băn khoăn đã ba ngàn năm tuổi song cũng nhanh chóng quyejen vào điều bí ẩn về chính sự tồn tại của cô.

Chẳng ai ngờ cuốn sách triết nhập môn cho thiếu niên của một thầy giáo Nauy lại trở thành "Cuốn sách bán chạy nhất hành tinh" năm 1995, giành được vô số giải thưởng danh giá trên toàn cầu, rồi được công nhận là một trước tác kinh điển. Thế giới của Sophie đến nay vẫn tiêp tục chinh phục những người đọc trẻ cũng như không còn trẻ nữa. Hàng chục triệu độc giả đã sững sờ thú vị khi thấy mình lại có thể bị hớp hồn vì một thứ nghe khô khan và khó nhằn như "triết học"! Bởi có ai lại không bị mê hoặc khi nhận ra mình cũng dự phần nào vào câu đố ba ngàn năm?

Kẻ Lãng Du, Alain – Fournier, Bông Giấy dịch, Tao Đàn & Nxb Văn Học, 9/2015, 252 trang, 86.000 VND

Kẻ Lãng Du là câu chuyện kể mang đầy tính chất ngậm ngùi hoài niệm, qua đó vẽ hình Augustin Meaulnes - kẻ vừa mang hình dáng của một chàng Peter Pan tỉnh lẻ nước Pháp chối từ sự trở thành người lớn và của một Parsifal chạy đuổi theo tình yêu đến cùng cuộc đời.oạt đầu khi mới đến Sainte-Agathe, Meaulnes đã làm mê mẩn tất cả các bạn đồng học của mình bởi cái vẻ bề ngoài mạnh mẽ, can cường và hào hiệp. Nhưng kể từ khi tham dự vào một lễ hội lạ lùng tại lãnh địa bí mật có cô gái xinh đẹp hiện diện thì chàng thay đổi hoàn toàn từ đây.

Đứng ở vị thế thăng bằng giữa lòng hâm mộ thuở thiếu thời với tâm trạng khước từ của lúc đã chín muồi cuộc đời, François Seurel, người kể chuyện đã đưa dắt độc giả vào một mê lộ cuốn hút suốt qua bức chân dung không phai nhòa của một tình bạn đã bị chia lìa và một tuổi thanh xuân đã vĩnh viễn trôi qua.

Alain - Fournier là bút hiệu của Henri - Alban Fournier. Ngay từ khi xuất hiện vào năm 1913, tác phẩm Le Grand Meaulnes đã làm dân Pháp mê mẩn bởi mối tình si lãng mạn. Theo thời gian, cuốn truyện trở thành sách phải đọc trong các trường học ở Pháp. Năm 1999 báo Pháp Le Monde đã đưa Le Grand Meaulnes vào danh sách 100 cuốn sách giá trị nhất của thế kỷ.

Le Grand Meaulnes đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chỉ riêng tiếng Anh đã có hàng chục bản dịch. Tên của các bản dịch được các dịch giả đặt lại rất khác nhau. Không những thế, người ta còn viết truyện, soạn nhạc và làm phim từ tác phẩm này. Nhiều tác giả nổi tiếng của Hoa Kỳ cũng hâm mộ Alain - Fournier và mối tình của Le Grand Meaulnes. Jack Kerouac cho nhân vật Sal Paradise của ông cầm cuốn truyện Pháp rong chơi khắp xứ. Nhà văn F. Scott Fitzgerald thì mượn ngay tên truyện thành “The Great Gatsby” và cũng dùng kỹ thuật kể chuyện của một vai phụ trong tác phẩm.