Ngày đăng : 15/07/2015

Tháng 7 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Trà hoa nữ, Alexander Dumas con, Lê Trọng sâm dịch, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 2015, 403 trang, 68.000 VND

Xã hội thượng lưu Paris thế kỷ XIX sẵn sàng tha thứ khi một người đàn ông duy trì một mối quan hệ dù xa hoa tốn kém bao nhiêu với một cô gái làng chơi miễn là bất kể thế nào, anh cũng không được thật lòng yêu cô ta. Vậy mà Armand Duval lại đem lòng yêu Marguerite Gautier vô cùng xinh đẹp và đỏng đảnh ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Dưới ngòi bút đại tài của Alexander Dumas con, mô típ tình yêu bất khả tưởng chừng như quen thuộc vẫn khiến biết bao thế hệ độc giả phải thổn thức. Trà hoa nữ giúp người ta hiểu được tại sao Maupasssant và Tolstoy lại coi Alexander Dumas con là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thời đại của mình.

3 năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước, Gabrielle M. Vassal, Nguyễn Nam Huân dịch, Nxb Hội Nhà văn, 2015, 99.000 VND

Được xuất bản lần đầu tiên năm 1910 bằng tiếng Anh với tựa đề Three years in Vietnam và năm 1912 bằng tiếng Pháp với tựa đề Mes Trois Ans d’Annam của bà Gabrielle M. Vassal – một phụ nữ người Anh lấy chồng là sỹ quan quân y người Pháp J.J. Vassal.

Khi ông được bổ nhiệm làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang, bà đã theo ông và có thời gian 3 năm ở đây. Trong khi ông bận rộn với công vụ và việc nghiên cứu những chứng bệnh nhiệt đới sau này sẽ làm ông nổi tiếng, bà đã thu vén công việc và để bớt nỗi nhớ nhà, bà đã bỏ công nghiên cứu cảnh vật quanh mình, thích thú tìm hiểu cảnh vật và con người.

Bà quan sát cảnh quan, phong tục người An Nam với cặp mắt tinh tường rồi thuật lại một cách rõ ràng sinh động. Không chỉ quan sát, bà còn lặn lội đến tận nơi những dân tộc thiểu số sinh sống mà từ trước đến giờ ít ai biết rõ. Những sinh hoạt hàng ngày, ngày Tết, tôn giáo và những tập tục mê tín dị đoan của người An Nam, vị trí của người đàn bà trong xã hội … được bà kể lại bằng giọng văn chân phương, dung dị với cả tấm lòng, bằng đôi mắt bao dung của một người phụ nữ Phương Tây.

Nha Trang là một địa danh rất xưa. Nhưng để thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng khắp bán đảo Đông Dương trong những năm 1930, Nha Trang đã bắt đầu một cách rất khiêm tốn. cái binh dị, khiêm tốn này nó như thế nào cách đây 100 năm? Và cuốn sách này có thể tới tay bạn đọc Việt Nam cũng là cả một câu chuyện ly kỳ.

Các hung thần lên cơn khát, Anatole France, Tao Đàn & Nxb Văn Học, 2015, 265 trang, 98.000 VND

Các hung thần lên cơn khát là một thiên hùng ca bi tráng về thời kỳ Công xã Paris. Nhân vật chính của câu chuyện là Évariste Gamelin, một họa sĩ trẻ tràn trề sức sống và lý tưởng, một người con hiếu thảo sống cùng mẹ già nghèo khó, một người bạn vô hại dễ thương, một công dân nhiệt tình yêu nước, một chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Cách mạng được bổ nhiệm làm hội thẩm của Tòa án Cách mạng Pháp. Tư tưởng cực đoan và sự sùng bái cá nhân của Gamelin đối với các nhà lãnh đạo công xã Robespierre, Marat,… và cơn ghen cuồng điên trong mối tình si chớm nở đã từng bước đưa anh từ một nghệ sĩ mộng mơ thành một tên giết người hàng loạt. Vì chế độ Cộng hòa, anh hy sinh không hối tiếc bao nhiêu sinh mạng, kể cả bạn bè, và nếu cần, cả em gái mình để làm lễ dâng lên bàn thờ Tổ quốc.

Điều gì sẽ đến khi lý tưởng trở thành ngọn hải đăng tỏa sáng dẫn đường, khi lý tưởng trở thành vị thần được tôn thờ mù quáng, khi lý tưởng được sùng bái một cách bất khả tư nghị? Và chuyện gì sẽ xảy ra khi con người trở thành nô lệ của dư luận, khi suy nghĩ bị dẫn dắt bởi đám đông. Đó là khi máy chém sẽ trở thành vị chủ tế, mạng sống và máu của con người được xem như vật hiến sinh, những buổi hành hình trở thành lễ hội náo nhiệt.

Khi sự phi lý trở nên bình thường, khi quyền lực trao tay những kẻ vô tri, con người trở thành điên rồ và khát máu.

Các hung thần lên cơn khát, một kiệt tác của A. France không chỉ là một tiểu thuyết lịch sử cách mạng. Dưới ngòi bút của một thiên tài, một xã hội thị dân Paris với đầy đủ các cung bậc cuộc sống, tình yêu, dục vọng, với ghen tuông được tái hiện. Các hung thần lên cơn khát còn là một bản trường ca về sự giao hòa giữa lý tưởng và tình người, về cách mạng và nhân văn, giữa duy tâm với duy vật, cả thánh thiện và tàn ác, về chiến thắng và chiến bại, về sự sống cùng cái chết, tất cả đã được Anatole France dệt thành một câu chuyện đa sắc sinh động.