Ngày đăng : 08/07/2015

Tháng 7 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


 

10 cuốn sách du ký dành cho mùa hè

 

“Con đường mây trắng”, “Phương đông lướt ngoài cửa sổ” hay “Con đường hồi giáo” là những tác phẩm thích hợp đem theo trong những chuyến đi.

1. Hải trình Kon-Tiki

Tác giả: Thor Heyerdahl
Dịch giả: Lê Chu Cầu

Sách kể về chuyến thám hiểm vượt Thái Bình Dương của nhà dân tộc học người Nauy - Thor Heyerdahl - cùng năm người bạn trên một chiếc bè. Họ đã vượt gần 7.000 km trên biển. Chuyến đi liều lĩnh của họ để chứng minh người da đỏ ở Peru 1.500 năm trước đã vượt biển và chinh phục những hòn đảo Nam Thái Bình dương như thế nào. Đây cũng là hành trình tìm về bản năng và sức sống của con người trước mọi thử thách.

Sau khi ra đời, cuốn sách luôn được xem là niềm cảm hứng cho những ai thích mạo hiểm và say mê những ngọn sóng.

2. Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ

Tác giả: John Steinbeck
Dịch giả: Tuấn Việt

Ở tuổi 58, sau khi chinh phục lĩnh vực văn chương bằng những tác phẩm nổi tiếng, John quyết định thực hiện giấc mơ thời 20 tuổi của mình là rong ruổi khắp đất nước. Ngay trong lòng nước Mỹ, John khởi hành trên chiếc xe cùng con chó Charley, từ bờ Đông rồi dọc theo bờ Tây đến vùng núi Montana. Ông từ chối những trục đường chính mà chọn những cung đường vòng, đi qua làng mạc, thị trấn, đồi núi hiểm trở để nhìn thấy trọn vẹn bộ mặt của đất nước cờ hoa. Sau đó, ông viết lại thành sách.

Chân thật, sống động và gần gũi, cuốn sách của John Steinbeck tiếp cận được với toàn bộ độc giả trên thế giới bằng giọng kể chuyện giản dị và cuốn hút.

3. Con đường mây trắng

Tác giả : Anagarika Gonvida
Dịch giả: Nguyễn Tường Bách

Tác phẩm là ký sự của Anagarika Govinda về vùng đất của tâm linh mà sau mọi mưu toan chính trị lẫn tham vọng của con người vẫn chưa bao giờ mất đi vẻ thuần khiết - Tây Tạng.

Cuốn sách không mô tả một chuyến du lịch mà kể một chuyến hành hương - chuyến đi khước từ mọi hoạch định để đi theo tiếng gọi của trái tim. Tác giả đi sâu vào trong lòng Tây Tạng cũng như đi vào trong chính niềm xác tín của tâm hồn để tìm thấy trong vẻ thường ngày của cuộc sống một sự bình an nhẹ nhõm.

4. Phương Đông lướt ngoài cửa sổ

Tác giả: Paul Theroux
Dịch giả: Trần Xuân Thủy

Tàu hỏa là phương tiện số một dành cho du lịch thưởng ngoạn bởi tính êm ái, chậm chạp của nó. Khung cảnh bên ngoài cửa sổ cũng luôn mở ra cái nhìn tổng quát và hầu như đầy đủ về đời sống văn hóa của các miền đất đi qua. Hành trình của Paul là một hành trình đáng thèm muốn, trên 30 chuyến tàu lửa, khởi hành từ London đi đến Paris rồi lên tàu tốc hành đến Istanbul - cửa ngõ của phương Đông và phương Tây. Từ đó, phương Đông dần lướt qua ngoài cửa sổ.

Sách vẽ nên một chuyến du hành đầy hương vị với cuộc sống bên ngoài cửa sổ diệu kỳ và những phiên chợ nhộn nhịp ngay trên đoàn tàu tác giả đang ngồi.

5. Vào trong hoang dã

Tác giả: John Krakauer
Dịch giả: Lê Hồng Vân

Đây là một cuộc dấn thân hay cũng có thể gọi là một cuộc từ bỏ. Nhân vật trong sách bỏ thế giới vật chất văn minh để dấn thân vào thiên nhiên thuần khiết. Vào trong hoang dã còn là hành trình của Christopher McCandless tìm về bản năng con người, về với niềm vui tinh khiết và giản dị để rũ bỏ những giả tạo mà nền văn minh đã khoác lên tâm hồn. Đây cũng là cuộc đối mặt và chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ.

Cuộc dấn thân hay từ bỏ ấy có một kết thúc buồn nhưng đã để lại cảm hứng rất lớn cho giới trẻ. Vào trong hoang dã đã được chuyển thể thành phim vào năm 2007.

6. Du hành cùng Herodotus

Tác giả: Ryszard Kapuscinski
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh

Tác giả Kapuscinki đã thực hiện chuyến viễn du của mình cùng một quyển sách - Sử ký của Herodotus. Vì thế, người đọc được chứng kiến hai cuộc hành trình. Một của Kapuscinki, đi từ Ba Lan đến Ấn Độ sau khi quá cảnh ở Italy rồi từ đó đi Trung Quốc, Ai Cập, qua những đất nước với nền văn hóa đã rực rỡ từ thuở bình minh. Chuyến thứ hai là cuộc trở về cũng những miền đất ấy nhưng ở thời cổ đại thông qua những trang sách của sử gia Herodotus. Hai hành trình song hành nhưng luôn gặp gỡ nhau ở một mối đồng cảm lớn lao - niềm khao khát được cảm nhận và miêu tả thế giới.

7. Gỗ mun

Tác giả: Ryszard Kapuscinski 
Dịch giả Nguyễn Thái Linh

Trong Gỗ mun, Kapuscinski không viết về những hành trình trên các miền đất châu Phi mà ông viết về tâm hồn của lục địa đen. Ông không còn là một lữ khách lang thang ngắm nhìn châu lục thấm đẫm ánh mặt trời lẫn máu của các cuộc bạo động. Ông là một phần của châu Phi, là một người da trắng sống trong lòng xứ sở da đen, cùng họ trải qua những biến cố, những đớn đau và niềm vui giản dị.

Hành trình của Kapuscinski là một hành trình tìm kiếm đến tận cùng những màu sắc văn hóa, để chìa một cánh tay thấu hiểu vào châu lục bị ruồng rẫy nhất trong lịch sử nhưng chưa bao giờ đánh mất vẻ đẹp riêng.

8. Phạm Quỳnh - tuyển tập du ký

Biên soạn: Nguyễn Hữu Sơn

Phạm Quỳnh là một nhà văn, nhà báo, học giả và là đại thần dưới triều Nguyễn với rất nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu đồ sộ. Quyển sách là tập hợp những bài viết của ông đăng trên tạp chí Nam Phong trong suốt 17 năm từ 1917 đến 1934, về những nơi mà ông đã đi qua: Huế, Nam Kỳ, Pháp, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào…

Không chỉ về du lịch, đây còn là quyển sách dành cho những ai muốn tìm về Việt Nam một thuở.

9. Trên dấu chim di thê

Tác giả: Văn Cầm Hải

Bút ký châu Âu của Văn Cầm Hải - người đã đến châu Âu không phải để tìm và ngắm những vẻ đẹp của nó - kể lại hành trình đi tìm những thân phận con người. Không có nhiều phong cảnh, sách chỉ có những câu chuyện và những cuộc đời đến từ khắp nơi trên thế giới. Tất cả gặp nhau giữa châu Âu cổ kính và thanh bình với những sóng gió trong tâm hồn. Nơi ấy - tuy khắc nghiệt và nhiều kỳ thị - vẫn đầy bao dung với những mảnh đời ly hương trôi dạt. Để qua đó, độc giả hiểu hơn vì sao châu Âu vẫn là một giấc mơ, miền đất hứa của rất nhiều người.

10. Con đường Hồi giáo

Tác giả: Nguyễn Phương Mai

Vùng đất Trung Đông khói lửa và đầy định kiến trong suy nghĩ của nhiều người đã được Nguyễn Phương Mai viết lại bằng những ghi chép của cô trên chuyến hành trình dài chín tháng. Tác giả theo lộ trình lan tỏa của Hồi giáo, bắt đầu từ Saudi - nơi khởi phát của tôn giáo này đến các vùng đất khách của Trung Đông và sang cả châu Phi lẫn châu Á.

Một con đường đầy xung đột tôn giáo, chính trị nhưng không chỉ có máu và tiếng súng, mà còn cả những giây phút bình yên và thiêng liêng. Chuyến đi có cả những buổi bình minh thấm đẫm ánh ban mai huyền diệu của một nền văn hóa rực rỡ hàng nghìn năm.

Kha Cát
Nguồn: VnExpress