Ngày đăng : 29/06/2015

Tháng 6 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Sợi tơ nhện, Cao Huy Thuần, Nxb Trẻ, 6/2015, 312 trang, 89.000 VND

Vẫn thủ thỉ giọng Chuyện Trò đặc sản, vẫn thủy chung với thiên chức nhà giáo-nhà văn, tác giả Cao Huy Thuần lại trải lòng cùng độc giả, rút tâm tình se thành Sợi Tơ Nhện.

Con chữ đa sắc thái cứ tung tẩy nhảy nhót nhiều biến điệu, thoắt trang nghiêm, thoắt dí dỏm, thoắt huyền bí, thoắt ly kỳ, dẫn tâm trí người đọc qua ngoằn ngoèo các nẻo chuyện. Thực và ảo đan xen mang hình hài chuyện cổ tích thời nay, chuyện ngụ ngôn đương đại.

Đung đưa đủ các thứ chuyện, chuyện triết cao siêu, chuyện đời bình thường, chuyện trộm cướp, chuyện tình yêu, chuyện bướm, chuyện hoa, chuyện ma, chuyện Phật, chuyện sống, chuyện chết…, tất cả kết tinh thành câu chuyện làm người. Sợi Tơ Nhện mong manh nhờ thế mà trở nên bền chắc. (giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Duy)

Vào trong hoang dã, Jon Krakauer, Lê Hồng Vân dịch, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 6/2015, 386 trang, 79.000 VND

Hơn hai mươi tuổi đời, gia đình giàu có, học vấn cao và một tương lại rộng mở phía trước, vậy mà Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp như anh tự gọi mình) đã từ bỏ tất cả để dấn thân vào hành trình đơn độc xuyên qua hết thảy các vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Dưới ngòi bút sống động của Jon Krakauer, Vào trong hoang dã, cuốn sách mô tả những trải nghiệm phi thường đó của Christopher McCandless, đã trở thành một cuốn tự truyện nổi tiếng, một tác phẩm khó quên về thiên nhiên và phiêu lưu, ngợi ca một cuộc sống tận hiến và cảm động. Câu chuyện được dựng thành phim vào năm 2007 ở Mỹ.

"Một câu chuyện có sức lôi cuốn mãnh liệt. Bất cứ ai từng muốn bỏ đi lang thang để đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt đều nên đọc nó." - Washington Post 

Thiền đạo, Alan Watts, Hà Phi Nhi, Nhã Nam & Nxb Thế giới, 6/2015, 320 trang, 82.000 VND

"Đạo lớn vốn không có cửa, đến đó có nghìn con đường khác nhau. Thông suốt được chỗ này, thì có thể một mình thênh thang trong vũ trụ."

- VÔ  MÔN QUAN

Trong cuộc khủng hoảng tinh thần của thế giới hiện đại, Thiền được đưa thành công vào một số lĩnh vực khoa học như y học, tâm lý học...để trị liệu hiệu quả nhiều loại bệnh liên quan đến tinh thần, phụng sự rộng rãi hơn cho loài người. Như thế, Thiền có đơn thuần chỉ là môt phương pháp trị liệu? Không, với tư cách là một trong những báu vật quý giá nhất châu Á trao tặng cho thế giới, Thiền rộng lớn và sâu sắc hơn rất nhiều.

Vậy Thiền là gì? Đạo là gì ? Vì sao cả ngàn năm qua, nó dường như vẫn vô cùng huyền hoặc, thậm chí với không ít người Á đông? Đó là câu hỏi không chỉ Alan Watts đặt ra. Nhưng ông đã dành phần lớn cuộc đời mình đi vào thế giới Đông phương minh triết kiếm tìm câu trả lời toàn vẹn nhất trong khả năng của mình. Đơm hoa kết trái trên hành trình đó là khoảng 20 cuốn sách có giá trị đã công bố. Đặc biệt phải kể đến Thiền Đạo (1956) - chứa đựng những tri thức uyên áo sâu sắc về Thiền và Đạo. như một kinh điển phi thời gian hé mở cho bao thế hệ độc giả Đông Tây cánh cửa của chân lý và giác ngộ, nơi cội nguồn phục lạc và những tiềm năng lớn lao vốn thuộc về con người mà ta chưa chạm đến.

Hiểu nghèo thoát nghèo, Abbhijit Banerjee & Esther Duflo, Nxb Trẻ, 2015, 440 trang, 145.000 VND

Abbhijit Banerjee và Esther Duflo là những người tiên phong trong việc sử dụng phương pháp thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên vào kinh tế học phát triển. Thông thường, phương pháp này được dùng trong ý học để đo tác dụng của thuốc. Những thử nghiệm của họ đã đem đến những câu trả lời, đôi khi bất ngờ, cho những câu hỏi cụ thể, ví dụ như: tài chính vi mô có thực sự là liều thuốc thần kỳ giúp người nghèo thoát nghèo hay không; Người nghèo ở châu phi không dùng màn để tẩm thuốc chống côn trùng có phải vì màn được phát miễn phí hay không? Năng suất lao động  của người nghèo bị hạn chế có phải vì họ đói hay không? Thay vì dựa vào hệ thống lý luận của kinh tế vĩ mô, Banerjee và Duflo cho rằng rất cần đo đạc tính hiệu quả cảu các chính sách cụ thể thông qua thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.

Nhưng quan sát, thử nghiệm, nghiên cứu của Banerjee và Duflo đang làm thay đổi sâu sắc quan niệm trong chính sách giúp người nghèo thoát nghèo của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ. Những phát hiện của họ có ảnh hưởng lên chính sách hỗ trợ phát triển cảu chính phủ Mỹ, và của những quỹ từ thiện lớn trong đó có Bill an Melinda Gates Foundation

Cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo mô tả lại một số nghiên cứu và thử nghiệm của Banerjee và Duflo. Phần đầu của cuốn sách thuật lại câu chuyện về những co người cụ thể trong những tình huống cụ thể. Người nghèo thực sự nghĩ như thế nào và lựa chọn của họ ảnh hưởng như thế nào đến thành công, thất bại của chính sách xóa đói giảm nghèo. Phần cuối cuốn sách, các tác giả đưa ra một số đề xuất cụ thể mà theo họ có ảnh hưởng tích cực nhất.

Để giúp một tỷ người đói trên thế giới và hàng tỷ người sống dưới mức nghèo khổ, một trái tim nhân từ, một quyết tâm chính trị sắt đá có lẽ không đủ, cần hơn một tư duy khoa học dựa trên kiểm chứng thực nghiệm. Chỉ với những chính sách đã được kiểm chứng, xã hội mới có thể sử dụng tài nguyên kinh tế ít ỏi của mình để giúp người nghèo thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. (giới thiệu của Gs. Ngô Bảo Châu)