Ngày đăng : 17/06/2015

Tháng 6 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19, Trần Nhật Vy, Nxb Trẻ, 6/2015, 272 trang, 75.000 VNĐ

Quyển sách là kết quả dày công nghiên cứu của tác giả về nền báo chí Nam bộ. Qua những bài báo xưa, ta sẽ có cái nhìn bao quát về xã hội Nam kỳ cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm chiếm nước ta, về sự đổi thay từng ngày của miền đất này, cách người dân loay hoay kiếm sống trong tình hình mới, nạn cờ bạc, đề đóm gây hại thế nào,… Hơn thế nữa, chúng ta cũng sẽ hiểu hơn những cuộc kháng chiến của nhân dân, về những người bị chính quyền thuộc địa coi là “giặc”, những cuộc nổi dậy có thể không lớn mạnh nhưng chưa bao giờ im tiếng.

Đằng sau những nụ cười, Khánh Ly, Phương Nam Book & Nxb Văn học, 5/2015, 337 trang, bìa cứng, 240.000 VNĐ

Không viết theo bất cứ một trình tự nào, các câu chuyện kể trong “Đằng sau những nụ cười” như những đường nét riêng biệt lúc có lúc không nhưng gắn kết trong những nhớ quên của bức tranh kí ức. Trong bức tranh ấy, hiện rõ tình yêu lớn của nữ ca sĩ với hai người.

Một Trịnh Công Sơn, từng đi cùng nhau trong những ngày rất trẻ, yêu thương nhau bằng một tình yêu rất đỗi lạ kỳ. Đến với nhau như một mối lương duyên hạnh ngộ. Và suy tư có lẽ sẽ còn kéo dài dai dẳng suốt phần còn lại của cuộc đời. “Ngày đó... ngày đó chúng tôi còn trẻ và rất gắn bó. Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng có một ngày nào đó lại phải thương nhớ nhau từng phút giây. Hồn xa rồi, người ta còn có thể sống được không? Trái tim ngưng đập rồi người ta có thể nào không chết? Chúng tôi đã đến với nhau một lần. Chỉ một lần nhưng xin đủ cho một đời...”

Một Nguyễn Hoàng Đoan ngỡ chỉ là một mảnh tình “chắp vá” nhưng đâu ngờ lại bên nhau đến trọn đời. Người mà Khánh Ly dẫu “biết chiều nay anh không về, nhưng em vẫn chờ và em sẽ khóc”. Và lời thủ thỉ muộn màng sau giọt nước mắt "Hình như chưa bao giờ mình nói yêu nhau. Nếu bây giờ em nói, có kịp không”

Hãy để những câu chuyện nhỏ trong “Đằng sau những nụ cười” đưa lối bạn, để thấy lòng an nhiên hơn, rộng mở hơn trong cuộc đời vô thường này.

Yersin: Dịch hạch & thổ tả, Patrick Deville, Đặng Thế Linh dịch, hiệu đính: Đoàn Cầm Thi, Hồ Thanh Vân, Nxb Trẻ, 2013; 278 trang, 120.000 VNĐ

Trong số những học trò và môn đệ của Louis Pasteur, bí ẩn nhất có lẽ là Alexandre Yersin, gốc Thụy Sỹ (sinh năm 1863 tại Morges) nhưng nhập quốc tịch Pháp vì nhu cầu nghiên cứu khoa học. Yersin vừa làm vừa học và sớm lên đường sang Đông Dương, nơi ông sống phần quan trọng nhất của đời mình, lánh chốn thị thành Paris ồn ã và xa khỏi chiến tranh. Ở Đông Dương, ông mở rộng nghiên cứu dịch tễ học, địa lý, thiên văn và khí tượng học. Quả là người trẻ luôn tò mò về mọi thứ, đặc biệt là Yersin. Vốn là một trong số các nhà nghiên cứu trẻ tuổi góp mặt ở Viện Pasteur thành lập năm 1887, Yersin có chí hướng phiêu lưu ngay từ khi ấy. “Đời mà không đi thì còn gì là đời nữa”, ông viết. Rất sớm, ông đã sang châu Á, trở thành thủy thủ, rồi nhà thám hiểm. Năm 1894, ông trở thành người phát hiện ra vi trùng dịch hạch; ông sống ở Nha Trang, Đông Dương, cách xa hẳn những cuộc chiến tranh, nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc trồng cây cao su và cây ký ninh. Ông qua đời vào năm 1943, khi Đông Dương nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.

Là bạn của chính trị gia Doumer, Yersin là người khai sinh ra thành phố Đà Lạt (Việt Nam), sau đó ông chuyển đến sống ở Nha Trang, say sưa thực hiện các hoạt động nghiên cứu đa dạng của mình. Nuôi bò, trồng cây cao su, phong lan, ký ninh: đáng ra ông có thể giàu to nhưng toàn bộ tiền của được rót cho nghiên cứu và viện Pasteur được thành lập vào thời gian đó. Toàn tâm toàn ý với khoa học, ông sẽ không lấy vợ sinh con. Thỉnh thoảng có quay lại châu Âu, nhưng ông thường biết thông tin về các cuộc xung đột quốc tế và sự tàn bạo của chúng từ xa qua đài báo. Trước khi qua đời vào năm 1943, Yersin ý thức được, mà không thực sự thấy cay đắng, rằng tên tuổi mình sẽ không có được niềm vinh quang sau khi mất như người thầy Pasteur, và sẽ chủ yếu được gắn với việc tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch ở Hồng Kông năm 1894.

Để kể lại cuộc phiêu lưu khoa học cũng như cuộc đời của con người tuyệt diệu này, Patrick Deville đã lần theo dấu chân của Yersin trên khắp thế giới, ông cũng tham khảo thư từ và tài liệu được lưu trữ tại các Viện Pasteur. Nổi bật vì chất thơ lãng đãng xen kẽ tính triết lý sâu sắc, cuốn sách có thể coi như một bức chân dung đầy lý thú về một con người kỳ lạ đã chọn cuộc sống gần nửa thế kỷ ở xứ xở xa xôi bên bờ biển Đông.