Ngày đăng : 10/06/2015

Tháng 6 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Gia đình Buddenbrook, Thomas Mann, Nxb Trẻ, 2014, 804 trang, 185.000 VNĐ

Gia đình Buddenbrook, xuất bản lần đầu tại Đức năm 1901, khi Thomas Mann mới 26 tuổi, đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của văn học hiện đại. Câu chuyện kể về một gia đình bốn thế hệ thuộc tầng lớp đại tư sản ở thành phố Lübeck miền Bắc nước Đức. Với ngòi bút điêu luyện, Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.

Với hơn 400 nhân vật, câu chuyện giàu chi tiết và đầy tính nhân văn, Gia đình Buddenbrook vượt qua tất cả các cuốn biên niên sử gia đình khác và trở thành hình mẫu cho thể loại văn chương này. Đây cũng được coi là tác phẩm vĩ đại nhất của Thomas Mann.

Thẻ điểm cân bằng, Robert S. Kaplan & David P. Norton, Lê Đình Chi & Trịnh Thanh Thủy dịch, DT Books & Nxb Trẻ liên kết tái bản, 6/2015, 410 trang, 140.000 VNĐ

Với 12 chương và phụ lục hướng dẫn cách thức xây dựng một thẻ điểm cân bằng, tác phẩm trình bày một cách hệ thống quan điểm, mục đích, tầm quan trọng của việc sử dụng các thước đo để quản lý chiến lược kinh doanh cũng như cách thức xây dựng và ứng dụng thẻ điểm cân bằng trong việc đo lường hiệu quả và hoạch định chiến lược cho một doanh nghiệp. Tác phẩm cũng cho thấy từ những kết quả nghiên cứu những ngày đầu, mô hình Thẻ điểm cân bằng đã nhanh chóng phát triển rộng rãi và phổ biến như là một công cụ, phương pháp, hệ thống quản lý chiến lược ở nhiều tổ chức. Và những Tổng giám đốc có quan điểm cách tân thường sử dụng Thẻ điểm cân bằng không chỉ làm rõ và truyền đạt chiến lược mà còn để quản lý chiến lược. Thẻ điểm cân bằng đã phát triển từ một hệ thống đo lường được cải tiến thành một hệ thống quản lý cốt lõi, tạo nên những sức mạnh và giá trị vô hình làm nền tảng cho năng lực cạnh tranh cho các tổ chức và doanh nghiệp trong tương lai.

Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn liên kết tái bản, 6/2015, 155, 48.000 VNĐ

“Hoàng Ngọc Phách hoàn thành Tố Tâm trước tháng 8/1922, ban đầu nội dung được trích đăng trên kỷ yếu của Hội Cao đẳng Ái hữu. Sau khi bạn bè khuyên in thành sách, Hoàng Ngọc Phách đã cho xuất bản tiểu thuyết lần đầu năm 1925.

Tố Tâm kể về cuộc tình của đôi trai tài gái sắc Đạm Thủy và Tố Tâm. Tình yêu của họ thuần yêu đương trong sáng, không lồng ghép các vấn đề xã hội, không pha tính sắc dục. Câu chuyện lấy bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, khi thanh niên bắt đầu được tự do yêu đương, nhưng vẫn có ràng buộc của ý thức hệ phong kiến, với luân lý gia phong. Bởi thế, mối tình giữa Đạm Thủy và Tố Tâm đi tới bi kịch. Người con gái bạc mệnh chết vì hai chữ ái tình, người con trai ở lại ôm vết thương lòng, và chỉ sống với công danh, sự nghiệp. Khi viết tác phẩm, Hoàng Ngọc Phách thông qua nhân vật "ký giả" ghi chép lại câu chuyện, đưa ra ý khuyên răn thanh niên đừng dấn sâu vào đường tình ái.

Gần 100 năm qua, tác phẩm vượt lên mọi tranh luận của các nhà luân lý, giới phê bình, ở lại với người đọc. Việc phân tích tác phẩm chứng minh được tính mới mẻ, hiện đại, tiên phong của Tố Tâm với nền văn học nước nhà những năm 1920. Kết cấu tiểu thuyết khác biệt tác phẩm cùng thời, đan cài hiện tại và quá khứ, xen giữa lời kể của nhân vật chính với lời kể của người chép truyện. Tác phẩm có cách miêu tả tâm lý thuyết phục, ý nghĩa lịch sử và tác động tới người đọc khi đặt ra vấn đề quyền cá nhân trước quyền uy của luân lý phong kiến đè nặng.” >>> Xem tiếp.