Ngày đăng : 30/05/2015

Tháng 5 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Khi ta mơ quá lâu, Goh Poh Seng, Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam & Nxb Lao Động, 2015, 206 trang, 56.000 VNĐ

Từ hàng chục năm nay, Khi ta mơ quá lâu là tác phẩm kinh điển của văn chương Singapore, vì một lẽ đơn giản: chứa đựng trong đó là những gì chỉ tiểu thuyết mới nói được. Cuộc đời của Kwang Meng được Goh Poh Seng miêu tả hết sức đơn gản, bình lặng, nhưng đó là sự giản dị đáng sợ mà ta thường cảm thấy khi ở gần sự thật.

Đất nước Singapore, hơn bao giờ hết, đang đứng ở một bước ngoặt quan trọng, và càng ngày người ta càng thấy cần phải nhìn nhận "hiện tượng Singapore" một cách thấu đáo hơn. Khi ta mơ quá lâu giúp ích hữu hiệu cho một cái nhìn sâu sắc vào cuộc sống ở Singapore, qua lăng kính tiểu thuyết.

33 chiến lược chiến tranh, Robert Greene, Nguyễn Thành Nhân dịch, Nxb Trẻ tái bản, 2015, 588 trang, 185.000 VNĐ

 Bao quát nhiều nền văn minh thế giới, tóm lược lịch sử hàng ngàn năm xung đột, tập hợp những nguyên tắc quân sự hiệu quả và thiên tài bậc nhất, 33 chiến lược chiến tranh là bản hướng dẫn đầy đủ, chi tiết giúp bạn sống sót trong cuộc chiến xã hội diễn ra hằng ngày. Các chiến lược tấn công giúp bạn luôn dẫn thế thượng phong và thương lượng từ điểm mạnh của mình, chiến lược phòng thủ giúp bạn phản ứng với các tình huống nguy hiểm và tránh những cuộc chiến không thể chiến thắng. Dù ở chiến trường hay trong văn phòng, những chiến binh vĩ đại đều là những người khôn khéo, thức thời, biết cách giữ cân bằng, điềm tĩnh và am hiểu lý lẽ. Là một cuốn sách không thể thiếu, 33 Chiến lược chiến tranh trang bị cho bạn tất cả những gì bạn cần để vượt qua thất bại và chiến thắng. Đây thực sự là cuốn Binh pháp hiện đại. 

Cái Tôi và cái Nó, Sigmund Freud, Thân Thị Mận dịch, Nxb Tri Thức, 2015, 128 trang, 32.000 VNĐ

Cái Tôi và cái Nó là một tác phẩm đặc biệt, ở đây Freud đã trình bày một bản tổng hợp các giả thuyết được ông đề xuất vào những năm 1920 – đặc biệt là trong cuốn “Au delà du principe du plaisir”. Ông bắt đầu bằng việc chứng minh rằng mô hình phân chia bộ máy tâm trí thành vô thức, tiền ý thức và ý thức – được biết đến với tên gọi “định khu thứ nhất” (chia định khu bộ máy tâm trí) – không đủ để hiểu sự vận hành của bộ máy tâm trí, và cần phải mở rộng hơn. Xuất phát từ sự kháng cự rằng cái “tôi” của chủ thể đối kháng với khả năng đưa các ký ức bị dồn nén trở lại với ý thức, Freud đưa ra cách phân chia bộ máy tâm trí mới thành cái tôi, cái đó và cái siêu tôi, mô hình được biết đến với tên gọi là “định khu thứ hai”. Hai mô hình này không loại trừ nhau, ngược lại, chúng bổ sung cho nhau bởi chúng mô tả các hiện tượng tâm trí dưới nhiều góc độ khác nhau.

Lê triều Lý thị, Phạm Minh Kiên, Alphabooks & Nxb Hồng Đức, 2015, 455 trang, 109.000 VNĐ

Lê triều Lý thị là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hư cấu viết theo lối chương hồi. Cốt truyện dựa vào ít trang viết về Lý Công Uẩn trong các sách Đại Việt sử Ký, Đại Nam thực lục tiền biên, Việt nam sử lược và sách tiểu truyện danh nhân như Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính. Nhờ tính hư cấu mà tác phẩm đã diễn tả một cách sinh động hình tượng vị anh quân, minh quân Lý Công Uẩn trải bao sóng gió, lập nhiều công trạng, lên ngôi chí tôn, mở ra một thời kỳ thái bình thịnh trị kéo dài, đặt nền móng vững chắc xây dựng một đất nước văn hiến hùng mạnh ở cõi trời Nam.