Ngày đăng : 17/04/2015

Tháng 4 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Bố già, Mario Puzo, Ngọc Thứ Lang dịch, Đông A & Nxb Văn Học tái bản, 2015, bìa cứng, 150.000 VND


Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc. Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử, vì thế mà có ý kiến cho rằng “Bố già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố già là đáp án cho mọi câu hỏi”.

Với cấu tứ hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo. Và như một cơ duyên đặc biệt, ngay từ năm 1971-1972, Bố già đã đến với bạn đọc trong nước qua phong cách chuyển ngữ hào sảng, đậm chất giang hồ của dịch giả Ngọc Thứ Lang.

Lịch sử tự nhiên, Nhiều tác giả, TS. Vũ Văn Liên & Nguyễn Xuân Tâm dịch, Đông A & Nxb Dân Trí, 2015, 690.000 VND


Với hơn 5.000 hình minh họa và dữ liệu bổ ích về khoáng vật, đá, hóa thạch và sinh giới trên Trái đất – bao gồm vi sinh vật, nấm và động, thực vật – Lịch sử tự nhiên mở ra cánh cửa khám phá thế giới tự nhiên chứa đựng vô vàn những điều kì thú trên hành tinh của chúng ta. Đây là công trình biên soạn của tập thể các chuyên gia về thiên nhiên hoang dã, với sự cố vấn của Viện Smithsonian danh tiếng.

Cuốn sách này là cánh cửa nhìn vào sự đa dạng đáng kinh ngạc và lịch sử tự nhiên của thế giới quanh ta. Ngược dòng thời gian về 4,6 tỉ năm trước, khi Trái đất hình thành, là một chặng đường dài. Đến nay đã có hơn 1,9 triệu loài sinh vật được mô tả, và hơn 20.000 loài mới được phát hiện và mô tả hằng năm. Nghiên cứu các loài này, tác động qua lại giữa chúng với nhau và với môi trường xung quanh cũng là nghiên cứu lịch sử tự nhiên của chính con người chúng ta. Lịch sử tự nhiên bắt đầu bằng một phần giới thiệu tổng quan về sự sống trên Trái đất: nền tảng địa chất của sự sống, sự tiến hóa của các dạng sống và cách thức phân loại các sinh vật. Năm chương tiếp theo là hệ thống các mẫu vật – từ khoáng vật tới các loài thú – vừa bao quát vừa dễ hiểu kèm theo lời giới thiệu cung cấp thông tin về từng nhóm và mô tả chi tiết đặc điểm từng mẫu vật.

Với khối lượng kiến thức đồ sộ và cập nhật, Lịch sử tự nhiên là một trong những cuốn bách khoa thư về  sinh  học  và  tự  nhiên  có  uy  tín  hàng  đầu  trên thế giới. Cuốn sách được biên soạn trong thời gian dài, bổ sung, cập nhật liên tục bởi gần 20 chuyên gia, tiến sĩ về tự nhiên. Nhóm cố vấn là Viện Smithsonian – hệ thống bảo tàng và trung tâm nghiên cứu lớn nhất trên thế giới, bao gồm 19 bảo tàng và nhà triển lãm cùng Vườn Bách thú quốc gia Hoa Kỳ.

Để đảm bảo tính chính xác và khoa học khi đến với bạn đọc Việt Nam, bản dịch này được thực hiện qua quá trình làm việc nghiêm cẩn và kĩ lưỡng, với sự tham gia của các dịch giả và những người hiệu đính tận tâm, có kinh nghiệm lâu năm trong môi trường nghiên cứu và dịch thuật.

Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà Văn tái bản, 2015, 420 trang, 86.000 VND


Bốn mươi năm nói láo, một thiên tự truyện và hồi kể nổi tiếng của Vũ Bằng về một giai thoại đáng nhớ của lịch sử văn học và báo chí nước nhà được in lần đầu ở Sài Gòn năm 1969. Với lối diễn tả giản dị, thân mật, chứa chan tính cách trào lộng, Vũ Bằng đã phác lại thật độc đáo, thật linh động những khuôn mặt của mấy thế hệ làm báo, những nhân vật nổi danh một thời, đã làm lịch sử, và đi vào lịch sử, hoặc chết đi rồi, hoặc còn sống. Những nhân vật này lần lượt xuất hiện, mỗi người hiến cho độc giả một vài mẩu chuyện vui có, buồn có, nhưng thật mới lạ. Đọc Bốn mươi năm nói láo chẳng khác nào đọc lịch sử báo chí trong vòng già nửa thế kỷ XX.

Con đường mây trắng, Alexandra David Neel & Anagarika Govinda, Nguyễn Tường Bách dịch, Phương Nam & Nxb Thời Đại tái bản, 2015, 150.000 VND


Con đường mây trắng (Anagarika Govinda) là cuốn sách nổi tiếng nhất trong số hơn mười cuốn của bà Alexandra David Neel và ông Anagarika Govinda, hai người Tây phương đã sống nhiều năm ở Tây Tạng, tu tập thiền định và đi khắp nơi trong xứ sở huyền bí này hơn bất cứ người nước ngoài nào khác. Có thể nói, họ hiểu Tây Tạng với tất cả những khía cạnh tâm linh, tâm lý, địa lý nhiều hơn cả phần đông người Tây Tạng.

Vì sao Tây Tạng được cả thế giới quan tâm sâu sắc đến thế? Nơi đây chỉ có một câu trả lời duy nhất: Tây Tạng đã thành biểu tượng cho tất cả những gì mà nhân lại đã mất và đang có nguy cơ vĩnh viễn bị huỷ diệt.

Với tập sách này, sẽ có nhiều lúc ta cảm nhận được Pháp đang hiện diện nơi đây, dưới hình thức của cái đẹp bí ẩn, tinh tế và hài hoà của những từ và ngữ. Govinda đã mang bầu không khí linh thiêng, kỳ lạ nơi Tây Tạng, xứ sở của thánh thần, đến với chúng ta. Để nhiều năm nữa có trôi qua, những thánh tích hoang phế có bị chôn vùi, thì kẻ hành hương thiếu may mắn có thể từ tập sách này mà hiểu được rằng: thứ bị huỷ diệt chỉ là dạng hình vật chất, còn tinh thần ẩn sau những phiến đá đổ nát là thường hằng. Pháp Phật mãi mãi còn đó và sẽ thông qua những dạng hình khác, như một bức tranh, một cuốn sách… mà tới với thế gian.