Ngày đăng : 27/02/2015

Tháng 2 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Là người Nhật, A.N. Mesheriakov, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri Thức, 2014, 568 trang, 155.000 VND


Tác phẩm Là người Nhật - Lịch sử, Thi ca và Kịch bản học quá trình hình thành chế độ toàn trị của A. N. Mesheriakov, một nhà Nhật Bản học nổi tiếng, là phần tiếp theo của cuốn Hoàng đế Minh Trị và nước Nhật Bản của Ngài - một bestseller của ông. Tác phẩm mới này nói về giai đoạn đầy bi kịch trong lịch sử Nhật Bản nửa đầu thế kỉ XX, giai đoạn đất nước này đang rơi nhanh vào vực thẳm của chế độ toàn trị. Những cuộc chiến tranh do Nhật Bản tiến hành trong giai đoạn đó đã gây ra biết bao đau khổ cho chính nhân dân Nhật Bản cũng như nhân dân các nước khác.

Lần đầu tiên, tác giả cho ta thấy cơ chế quản lí và đặc biệt là cơ chế văn hóa đã tạo điều kiện cho nhà cầm quyền huy động quần chúng một cách thành công chưa từng có. Ông cố gắng tìm hiểu người Nhật giai đoạn đó, con đường mà đất nước lựa chọn hấp dẫn họ ở điểm nào.Ông tập trung vào những vấn đề hết sức lí thú như quan niệm của người Nhật đối với thể xác và tinh thần, đối với tuổi già và tuổi trẻ, đối với mình và với người.

Đây là tác phẩm không thể thay thế cho tất cả những người muốn đi sâu tìm hiểu lịch sử và văn hóa Nhật Bản.

Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo, Nguyễn Triệu Căn (sưu tầm), Nxb Tri Thức, 2014, 392 trang, 108.000 VND


Nguyễn Triệu Luật sinh năm 1903 mất năm 1946, ông là tác giả của các cuốn tiểu thuyết về lịch sử: Hòm đựng người, Bà chúa chè,...

Ông quan niệm mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, trước hết thể hiện ở ngôn ngữ. Do vậy, “Mỗi dân tộc có một cách vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng”, đó là “tinh túy riêng của một ngôn ngữ, một dân tộc”, là “Quốc hồn”. Ông mong muốn xây dựng một nền văn hóa riêng của Việt Nam, một nền Giáo dục Việt Nam để đào tạo những con người Việt Nam biết tự “kiêu ngạo”, biết tiếp thu cái hay cái đẹp của văn minh nhân loại mà vẫn đủ sức bảo vệ cốt cách dân tộc, giữ gìn tiếng nói, phát triển văn chương dân tộc, để có thể đàng hoàng “đứng trong trời đất” là một ý tưởng thật sâu sắc, cao cả. Một tầm suy nghĩ như thế, một tấm lòng tha thiết với đất nước dân tộc như thế quả thật rất xứng đáng để chúng ta cảm phục, trân trọng và đặc biệt là nghiên cứu, khai thác, vận dụng.

Cuốn sách là tập hợp các bài báo của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Triệu Luật viết được đăng trên tạp Tao Đàn, Nam Phong 1939. Đây là lần đầu tiên các bài báo của ông được tập hợp thành sách.

Hồ sơ về Lục Châu học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới, Nguyễn Văn Trung, Nxb Trẻ, 2015, 644 trang, 199.000 VND


Hồ sơ về Lục Châu học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới là một tập khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Văn Trung về Nam Bộ thông qua các tài liệu văn sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam giai đoạn từ khi Pháp xâm lược miền Nam 1865 đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930.

Bằng những tài liệu sách báo Quốc ngữ còn lưu trữ được tại Việt Nam, tác giả đã đưa người đọc khám phá chính vùng đất mình đang sống bằng những văn bản và sử liệu có thật được công bố trên báo chí và xuất bản ở miền Nam từ năm 1865 đến năm 1930.

Ở đó người đọc sẽ bất ngờ khám phá một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua bởi ở chính vùng đất nầy những tờ báo viết bằng Quốc ngữ đầu tiên xuất hiện, theo đà phát triển của xã hội, sau báo là sách, sách tuyên truyền cho chính sách mới, sách truyền đạo và sách giải trí.

Mở trang sách Huệ tím, người đọc như bước vào một khu vườn kỳ ảo, thấy đôi mắt mình trở nên trong veo, tò mò như đứa trẻ nhìn rất lâu vào "tận trong một đóa hoa". Nhìn sâu rồi trí tưởng tượng mở ra, từ ánh mắt thấy vẻ đẹp, trái tim bỗng được cảm nhận một tình cảm thiện lành ấm nóng bao dung với chính mình và mọi người.

Huệ tím, Hermann Hesse, Thái Kim Lan dịch, Nxb Kim Đồng, 2015


Huệ tím là một tập truyện nhỏ xinh, gồm 5 truyện cổ tích của tác giả người Đức Hermann Hesse (1877 - 1962). 

Với truyện Huệ tím, người đọc như cùng được lớn lên với Anselm. Từ tuổi thơ ngắm hoa, đuổi bướm, trò chuyện cùng chim sáo và cỏ cây, năm tháng trôi qua Anselm không còn là chú bé con, cảm xúc thơ ngây tan đi: "Những viên sỏi sặc sỡ ở bồn hoa trở nên buồn nản, những đóa hoa như đã thành câm và những con bọ rày bị cậu lấy kim xâu bỏ vào hộp...". Anselm trở thành một chàng trai lăn xả vào cuộc đời, từ bỏ quê hương đi học hành nơi xa. Khi đã trở thành một người có học vị, nghề nghiệp chàng đã gặp một tình yêu và lạ thay cô gái đẹp đó gợi lại cho chàng cảm xúc của những bông hoa trong vườn nhà tuổi thơ xưa... Từ tuổi trưởng thành khắc khổ với những đam mê vật chất, họ trở về với những xúc động thơ ngây chốn quê nhà, đó là điểm tận cùng hạnh phúc - là thông điệp ý nghĩa mà tác phẩm gửi tới độc giả.

Chuyện chàng Augustus kể về từng bước thăng trầm cuộc đời. Khi cậu được sinh ra đã mất cha, người mẹ nghèo khổ gặp người hàng xóm kỳ lạ giúp đỡ. Mẹ Ausgustus có một điều ước khi sinh con: "Mong tất cả mọi người đều phải yêu thương con". Tưởng điều ước đó sẽ đem lại cuộc sống hạnh phúc cho đứa con yêu quý của mình, nhưng bà mẹ hiền hậu đã phải chứng kiến sự tàn nhẫn độc ác và ích kỷ của đứa con khi luôn nhận được tình thương yêu vô bờ bến của mọi người…

Nhà lãnh đạo trong tôi, Stephen R. Covey, Đặng Lê Anh & Nguyễn Hồng Thanh dịch, DT Books & Nxb Khoa Học Xã Hội, 2/2015, 364 trang, 125.000 VND


Nhà lãnh đạo trong tôi chính là câu chuyện về những nhà giáo tâm huyết đã xây dựng nên chương trình kỹ năng lãnh đạo cho học sinh từ mẫu giáo tới trung học. Trong cuốn sách này, chính tác giả của 7 thói quen để thành đạt, nhà giáo dục và đồng thời là chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực lãnh đạo - tiến sĩ Stephen R. Covey sẽ kể cho bạn nghe về xuất phát điểm của chương trình và lí do tại sao nó trở thành làn sóng lan tỏa trên toàn cầu.

-         Tại Raleigh, North Carolina, trường tiểu học A.B. Combs được biết tới như là trường chuyên số một tại Mỹ sau khi tiến hành những cải thiện đáng kể và duy trì thành tích học tập được nâng cao của học sinh.

-         Tại Alberta, Canada, báo cáo từ trường tiểu học Joseph Welsh cho thấy rằng sự hài lòng của các bậc phụ huynh với những gì mà con họ đang được học đã tăng vọt từ 67% lên 98%.

-         Tại Decatur, Alabama, một giám đốc điều hành tại địa phương đã quyết định tài trợ cho trường tiểu học Chestnut Grove để giảng dạy chương trình kỹ năng lãnh đạo.

-         Tại Nhật Bản, các ông bố bà mẹ đang chi trả rất nhiều tiền cho hơn 15.000 thiếu niên tham gia vào những chương trình ngoại khóa, nơi các em được dạy về các nguyên tắc lãnh đạo cơ bản.

-         Tại Adams County, Illinois, United Way đã ghi nhận thành công trong việc cải cách giảng dạy tại trường tiểu học Dewey và đã tài trợ để đảm bảo đem tới cho hơn 10.000 học sinh tại học khu cơ hội học tập tương tự.

-         Tại thành phố Chicago, Illinois, hệ thống trường tư thục Noble đã và đang phát triển nhanh chóng với việc có đến 7 trường trung học và hiện đang có điểm ACT trung bình (American College Testing – Kiểm tra đầu vào đại học) cao hơn bất kỳ trường công lập nào ở Chicago.

-         Tại Guatemala, chính phủ có một tầm nhìn xa trong việc truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên tại các trường trung học, thông qua việc giảng dạy những nguyên tắc sẽ giúp các em thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo cũng như mở ra hi vọng mới cho đất nước trong tương lai.

Đó là một số những điển hình trong cuốn sách này. Mỗi trường đang kết chặt chẽ 7 thói quen để thành đạt và những kỹ năng lãnh đạo cơ bản khác vào chương trình giảng dạy chính ở trường theo cách rất độc đáo và sáng tạo. Kết quả thu được đều rất nổi bật. Hầu hết đều ghi nhận sự cải thiện về điểm học tập. Tất cả đang nhận thấy các vấn đề về kỷ luật được giảm nhẹ, phụ huynh hài lòng hơn, tăng sự tự tin cho học sinh, cải thiện văn hóa học đường, giúp giáo viên cảm thấy tự hào hơn và chuyên  chú vào dạy các kỹ năng của thế kỷ 21.

Cuốn sách có những lời khuyên, chỉ dẫn dành cho các nhà giáo, những nhà lãnh đạo giáo dục mong muốn áp dụng kỹ năng lãnh đạo cho học sinh của họ. Trong sách cũng có một phần hướng dẫn cho việc triển khai chương trình lãnh đạo bản thân tại mỗi gia đình, điều này có thể giúp các phụ huynh dạy con mình các kỹ năng lãnh đạo tại nhà trong trường hợp trẻ không có điều kiện tiếp cận chương trình tại trường.