Ngày đăng : 13/02/2015

Tháng 2 - Sách hay nên đọc (tuần 2)


Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Hoàng Xuân Hãn, Công ty sách Khai Tâm & Nxb Khoa Học Xã Hội, 1/2015, 372 trang, 149.000 VND


Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý là một trong những trước tác quan trọng nhất của học giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996). Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc các phần nội dung: võ công của Lý Thường Kiệt trong công cuộc bình Chiêm, phá Tống cũng như công lao to lớn của ông đối với Phật giáo. Qua những khảo cứu văn bia, cổ sử (Việt Nam, Trung Quốc); qua 15 chương sách học giả Hoàng Xuân Hãn đã vẽ lại chân dung và công trạng của Lý Thường Kiệt khá rõ nét: gốc tích; vào cấm đình; thành hoạn quan; kinh phỏng vùng Thanh Hóa, Nghệ An để dẹp loạn và làm yên dân; đánh Chiêm Thành ở trận Nhật Lệ, trận Tu Mao mà ông là đại tướng quân tiên phong; cầm quyền bính (1072, Lý Thánh Tông mất); bang giao Lý – Tống; đánh vào sâu trong đất Tống rồi rút quân trở về phòng thủ ở Nam thùy; kháng cự cuộc tiến công của đại quân Tống, buộc Tống phải lui quân; điều đình với Tống đòi đất đã mất; ra coi đất Thanh Hóa, trị vì yên dân, có công với đạo Phật; về kinh; đi đánh Chiêm lần nữa; qua đời năm Ất Dậu (1105), thọ 86 tuổi (bia Nhữ Bá Sĩ chép 87).

Hơn 60 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên (1949, Nxb Sông Nhị, Hà Nội) cuốn sách đã và vẫn là công trình chuẩn mực trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và về Lý Thường Kiệt cũng như giai đoạn kháng chiến chống quân xâm lược Tống nói riêng.

Bảo tàng ngây thơ, Orhan Pamuk, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 12/2014, 481 trang, 120.000 VND


Tiểu thuyết nổi tiếng, được hoàn thành sau khi tác giả nhận giải Nobel. Tác phẩm "Bảo tàng ngây thơ" (The Museum of Innocence) lấy bối cảnh Istanbul mùa xuân năm 1975. Xã hội trưởng giả Âu hóa Istanbul háo hức với lễ đính hôn của Kemal và Sibel, cả hai người đều thuộc dòng dõi thế gia. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với Fusun - cô gái xinh đẹp, nghèo khó - đã khiến Kemal dứt lìa khỏi thế giới mà anh thuộc về. 

Bất chấp những rào cản ngăn cách giữa hai người như định kiến và tục lệ xã hội, Kemal theo đuổi Fusun trong 8 năm sau đó. Anh miệt mài sưu tập các đồ vật níu giữ thời gian, lập nên bảo tàng ngây thơ như một biên niên sử về Fusun - tình yêu sầu muộn của anh. Những đồ vật xung quanh cô từ chén uống trà tới cái cặp tóc đều được Kemal lưu giữ. Ở đó, anh được chìm đắm với tình yêu mãnh liệt và bản thể của mình, vượt lên mọi tội lỗi, lầm lạc như những định kiến đặt ra.

Bảo tàng ngây thơ là một khảo sát tỉ mỉ, xúc động về bản chất của người si tình, của sự lãng mạn. Trong tác phẩm, nhiều sự kiện được mô tả chính xác với thời gian, địa điểm cụ thể, dưới góc nhìn khác nhau của các nhân vật. Các hiện vật thấm đẫm u sầu ở bảo tàng Kemal dựng nên cũng là những vật chứng của một Istanbul đa bản sắc và biến động trong dòng lịch sử dần xuôi chảy đến phương Tây.

451 độ F, Ray Bradbury, Dick Trương, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 01/2015, 229 trang, 64.000 VND


Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…

Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng.

Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố 2, Phạm Công Luận, Phương Nam & Nxb Văn Hóa – Văn Nghệ, 1/2015, 262 trang, 255.000 VND


Sài Gòn, cũng như bất cứ thành phố nào trên thế gian, giấu trong lòng nó hàng ngàn ký ức. Có loại ký ức hiện hữu, chẳng hạn một bức tranh xưa, một tờ báo cũ, một món nữ trang; cũng có loại ký ức thuộc về tinh thần, chỉ có thể sống trong niềm thương nỗi nhớ của người hoài niệm. Mà dù là loại ký ức nào thì chúng cũng đang dần bị thất tán, lãng quên. Thật may, Sài Gòn còn có một người tình như Phạm Công Luận.

Mối tình của anh với Sài Gòn đã cho ra đời bộ sách quý, Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố tập 1 và 2. Khi tập 1 ra đời, nhiều người cầm cuốn sách trên tay đã rưng rưng, bởi những hình ảnh xưa cũ này, những câu chuyện đượm màu ký ức này, chúng như cỗ máy thời gian thần kỳ ngay lập tức đưa người ta quay về với một thời hoa mộng.

Có thể nói Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố là một tác phẩm khảo cứu công phu, nghiêm túc, với rất nhiều tư liệu quý hiếm mà thậm chí thư viện hay bảo tàng quốc gia cũng không có được. Bên cạnh đó cuốn sách cũng có thể coi như một áng văn chương mềm mại, tinh tế và thâm trầm. Văn Phạm Công Luận trong Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố dường như hòa làm một với rêu phong. Độc giả đã quen lối văn hùng biện, triết luận của anh trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, “Những lối về ấu thơ”… khó có thể nhận ra anh trong cuốn sách này, nhưng thật ra anh luôn có ở đó. Những câu văn anh giấu mình, khiêm nhượng trước sự mênh mông của đời phố và đời người.

Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố tập 2 có nhiều tư liệu hiếm và lạ hơn tập 1. Chẳng hạn những bức tranh quý giá trong bộ sưu tập của chị Loan de Fontbrune, một nhà sưu tầm Pháp tha thiết yêu nghệ thuật Việt; hình chụp Trịnh Công Sơn tuổi 23 già dặn và ưu phiền; hình chụp bản viết tay bức thư của cụ Vương Hồng Sển gửi Thủ tướng chánh phủ Việt Nam cộng hòa; hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang cùng người vợ mong manh, bạc phận… Và còn nhiều nhiều nữa. Hẳn Phạm Công Luận đã bỏ lại trong những ngõ ngách Sài Gòn cả một phần tuổi trẻ với bao nhiêu thời gian, công sức, đam mê mới có được những tư liệu độc đáo, quý hiếm này. Và hẳn người trao nó cho anh đã nhìn thấy trước mắt mình một tri âm tri kỷ, một tao nhân nặng nợ với Sài Gòn, một kẻ hành hương, một người thủ tín…