Ngày đăng : 07/02/2015

Tháng 2 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Những đứa con của nửa đêm, Salman Rushdie, Nham Hoa dịch, Nhã Nam & Nxb Văn Học, 2014, 608 trang, 145.000 VND

 Như mọi tác phẩm khác của “thầy phù thủy” Salman Rushdie, Những đứa con của nửa đêm không phải được viết ra để đọc thật nhanh. Đồ sộ như chính nó, huyền hoặc như chính nó, với một người dẫn chuyện lơ đãng có chủ đích, một lượng từ vựng khổng lồ và vô vàn tham chiếu đến lịch sử cũng như thần thoại của một đất nước thịnh vượng bậc nhất về mặt văn hóa, Những đứa con của nửa đêm làm choáng ngợp ngay cả những người đọc dạn dày. Nhưng ngay cả chưa cần tường tận đến từng chi tiết tinh xảo, cuốn sách này vẫn là một trải nghiệm đọc kỳ thú, về tình yêu và mất mát, về những số phận trôi dạt giữa lịch sử đầy bão giông, những năng lực diệu kỳ và phép thuật như cổ tích, thật như đời và ảo như mơ.

Những đứa con của nửa đêm đoạt giải Booker lần đầu tiên năm 1981. Năm 1993, nó lại được chính ủy ban bầu chọn của giải thưởng danh giá này trao giải Cuốn sách đoạt giải Booker hay nhất (The Best of the Booker). Thành tích phi thường đó một lần nữa được lặp lại vào năm 2008, đưa Những đứa con của nửa đêm trở thành một hiện tượng vô tiền khoáng hậu của văn chương thế giới.

Tháp kền kền, Hoàng Long, TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & Nxb Văn Học, 2014, 174 trang, 46.000 VND

Tất cả 72 truyện cực ngắn trong sách này đều được viết trên đất nước Nhật Bản (nơi tác giả đang theo đuổi một chương trình nghiên cứu học thuật), đặc điểm đó cộng với cái hình thức nhỏ gọn súc tích thường thấy trong văn học Nhật Bản khiến độc giả (và nhất là độc giả không phải người Việt Nam) có thể nghĩ ngay đây là một tác phẩm của một nhà văn xứ Phù Tang. Mà như thế cũng chẳng phải là lầm lẫn gì ghê gớm, nếu không muốn nói đó là một cảm nhận đúng. Vì khi rời bỏ hai cánh cửa hình thức đó để tiếp tục đi sâu vào bên trong ta thực sự dần dần chìm đắm vào khí hậu văn chương Nhật Bản với nhiều mùi vị Zen, Phật giáo, Thần đạo, tư tưởng Lão Trang thoát tục, sự tôn sùng cái Đẹp của cảnh trí thiên nhiên, cái Đẹp của các thú tiêu dao… – tất cả được hòa tan thành một công trình văn xuôi nhờ sự đưa đẩy trôi chảy của một bút pháp trang nhã. Bao trùm tất cả là “thế giới mộng huyễn” xét như là hiện thực tràn ngập trong sách. Như một nhân vật trong truyện đã thốt lên: “Nhưng thế giới mộng huyễn của ta nhiều khi lại thực hơn cả một con người, đáng để ta bỏ cả đời mà đi tìm kiếm”. (Truyện Cõi nhớ vô hình). Một trong những cõi miền của thế giới mộng huyễn đó là cõi miền của bản ngã, tự ngã, sự tìm kiếm thân tâm với đủ sắc màu từ cặn bã và tội lỗi, đến đớn hèn và ti tiện, cùng nhiều trạng huống tự thương, tự đày đọa kinh khủng khác. Rồi từ trong chốn hôn ám đó, ta sẽ được dẫn dắt đến “đại lộ” mở toang này: “Tất cả phải được gột rửa. Thân hình tôi nhẹ dần và trong suốt hơn như mặt nước đã được lắng bụi trần”. – MAI SƠN

Từ Beirut đến Jerusalem, Thomas Friedman, Đặng Ly dịch, Alphabooks & Nxb Thế Giới, 2014, 855 trang, 229.000 VND

Thomas Friedman viết tác phẩm đầu tay “Từ Beirut đến Jerusalem” trong những năm 80 của thế kỷ trước và đã đoạt giải Nation Book Award cho hạng mục phi hư cấu, khi ông còn là phóng viên thường trú khu vực Trung Đông của tờ New York Times. Từ Beirut đến Jerusalem là một cuốn sách phi-hư cấu bán chạy bất ngờ ở Mỹ. Cho đến nay nó vẫn tiếp tục được tìm đọc, đặc biệt là được các độc giả là anti-fan của Thomas Friedman tìm đọc. Trái với các cuốn sách kiểu Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây Olive bị rất nhiều độc giả khó tính coi là ba hoa khoác lác, rỗng tuếch và thông thái rởm, cuốn sách đầu tay này của Friedman được đánh giá cao: viết rất tốt, đọc hấp dẫn, đặc biệt là câu chuyện không bị cài cắm như các cuốn sách khác của tác giả này, thay vào đó là các câu chuyện thực, đắng lòng và chua xót của Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ Israel và Palestine. Thomas Friedman, lúc đó còn trẻ và chưa cố tỏ ra thông thái, bộc bạch ngay trong những chương đầu của cuốn sách: “Cuốn sách chính là con đường từ Beirut tới Jerusalem mà tôi đã rong ruổi, bằng cách này hay cách khác, suốt thời trưởng thành của mình. Đó là một con đường khác thường, hài hước, thi thoảng có bạo lực và thường là không thể lường trước được”.

Thực vậy, mỗi chương, mỗi trang của cuốn sách ghi lại những khoảnh khắc sống động và các trải nghiệm mang tính sống còn giữa ranh giới của sự sống và cái chết mà tác giả đã từng trải qua. Chứng kiến những biến động lịch sử và cách hành xử của con người trong cuộc chiến, Từ Beirut đến Jerusalem còn chứa đựng các quan điểm của tác giả trong những cuộc chiến triền miên không hồi kết ở Trung Đông, đôi khi nó là sự hài hước, nhưng có lúc là sự châm biếm, đả kích và cả những trăn trở không thôi về niềm tin của con người và sự thật trong chiến tranh.

Đến muộn nhưng rất may mắn, cuốn sách này đến Việt Nam muộn hai mươi năm, nhưng lại đúng lúc độc giả Việt Nam bắt đầu quan tâm nhiều đến Trung Đông, tới Israel, Liban, Syria. Họ không chỉ quan tâm đến sự phát triển thần kỳ của Israel, hay các xung đột chính trị ngoại giao ở Liban, Syria, hay quyền lực của các nhà nước Arab giàu có, hay lịch sử lâu đời và đẫm màu sắc tôn giáo của vùng đất này, hay vai trò của Mỹ, Châu Âu với Trung Đông… Các độc giả Việt Nam quan tâm đến tất cả. Và cuốn sách rất dày này của Thomas Friedman đề cập đến hầu như tất cả.

Con đường da cam, David Zierler, Bùi Phương Thảo dịch, Nxb Trẻ, 2012, 325 trang, 95.000 VND

Chất độc da cam là cụm từ không xa lạ với người dân Việt Nam dù chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Không như nhiều tư liệu khác tập trung vào hậu quả các nạn nhân phải gánh chịu, cuốn Con đường da cam tiếp cận vấn đề này từ góc nhìn khoa học lẫn chính trị, phản ánh nguồn gốc, cơ chế hủy diệt thực vật của loại thuốc này, quá trình sản xuất và đưa vào sử dụng thuốc, phong trào phản đối sử dụng chất độc da cam của các nhà khoa học Mỹ cũng như ảnh hưởng của nó trong bối cảnh chiến tranh lạnh và phong trào bảo vệ môi trường ngày càng tăng.

Do tác giả - nhà nghiên cứu David Zierler lấy tư liệu từ các cuộc phỏng vấn sâu, các bộ sưu tập dữ liệu hiếm và tài liệu an ninh quốc gia mới nhất, nên Con đường da cam tuy mang màu sắc học thuật nhưng không khô khan mà ngược lại vô cùng sống động với ảnh minh họa cùng nhiều chi tiết rất thực và mới lạ, kịch tính về “hậu trường chính trị” và phong trào phản chiến đương đại: Hành động rải thuốc diệt cỏ tại Việt Nam đã làm sản sinh ra một thuật ngữ mới ngành môi trường, đó là gì? Vai trò của tổng thống Kennedy, Johnson và ông Ngô Đình Diệm trong chiến dịch rải thuốc diệt cỏ? Những chuyến khảo sát thực địa của đoàn khoa học Mỹ tới vùng rải thuốc đã nhìn thấy gì? Chính trường quốc tế tận dụng “con bài chiến tranh Việt Nam” này ra sao?

Con đường da cam không phải một cuốn sách giải trí nhẹ nhàng, nhưng các độc giả coi “sách là cánh cửa mở ra chân trời mới” chắc chắn tìm thấy ở tác phẩm này một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đậm đặc thông tin và trên hết, cực kỳ lôi cuốn.

Sách Hay tổng hợp từ Nhã Nam, Nxb Trẻ, Alphabooks và Đông Tây