Ngày đăng : 23/04/2013

Tháng 1 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Tên của đóa hồng, Umberto Eco, Lê Chu Cầu dịch, Nxb Văn học & Nhã Nam, 04/2013

Có lẽ, Umberto Eco muốn trao cho độc giả một cuốn sách để họ có thể thốt lên sau khi đọc xong: “Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở một góc phòng với một quyển sách mà thôi.”

Tên của đóa hồng xứng đáng là một món quà như thế. Cuốn sách là một ký ức lớn, đưa thời-không lùi về khoảnh khắc mà lịch sử ngàn năm của thời Trung Cổ cô đọng lại chỉ còn 7 ngày, chân thực và huyền ảo, trong một tu viện dòng Benedict cổ xưa trên triền dãy Apennin nước Ý. 

Lồng trong một cốt truyện trinh thám hấp dẫn về những tội ác khủng khiếp đầy ám ảnh diễn ra trong bóng tối nhà thờ, được dẫn dắt bằng tài kể chuyện siêu việt, trên nền cuốn tiểu thuyết lịch sử uyên bác, đồ sộ và đầy tính biểu tượng, chứa đựng những kiến thức văn hóa, triết học, nghệ thuật và tôn giáo sâu rộng, Tên của đóa hồng mở ra một mê cung vừa tráng lệ huy hoàng vừa uy nghiêm tăm tối của thời Trung Cổ xa xăm, nơi các tu sĩ học thức sống theo thời gian nghiêm ngặt của giáo luật nhà thờ, trong nhịp điệu của những chầu kinh trên nền âm nhạc Thánh ca, theo đuổi những đam mê cao quý, thánh thiện, đồng thời bị cuốn vào những mưu đồ quỷ dữ trong một thế giới đầy mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, công lý và lạm quyền, sự thật và lầm lạc.

Ngay từ khi xuất bản lần đầu vào năm 1980, tiểu thuyết đầu tay của triết gia mỹ học hàn lâm, nhà bác học, nhà lý luận lừng danh thế giới Umberto Eco đã lập tức thành công vang dội, trở thành “cú sốc của tiểu thuyết đương đại”, một “siêu tiểu thuyết” được cả độc giả của văn chương bình dân lẫn bác học đón nhận nồng nhiệt khắp năm châu.

Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam, Mario Sica, Nxb Thế giới & Nhã Nam, 03/2013

Nếu chỉ xét theo số lượng trang thì một tuyển tập bài viết của các lữ khách Ý tại Việt Nam từ thời Marco Polo đến năm 1950 không kỳ vọng đóng góp được thêm nhiều nữa vào những gì mà những lữ khách người Pháp, Bồ Đào Nha, Anh hay Mĩ đã viết, nhưng nó hẳn sẽ cung cấp những cái nhìn độc đáo đầy thú vị. Hơn nữa, nhờ tính chất địa lý và lịch sử tương đồng, một đất nước như Ý quả là rất hợp để hiểu và cảm nhận được tâm hồn và văn hóa Việt Nam.

Chúng ta sẽ thấy lướt qua mắt mình chuyện kể của những nhà truyền giáo (Cha Borri, một trong những cha đẻ của chữ quốc ngữ - hệ chữ viết tiếng Việt xây dựng theo bảng chữ cái La tinh), các nhà tự nhiên học, địa lý, các sĩ quan hải quân, và cả những nhà văn lớn như Mario Appelius. Một lăng kính vạn hoa quy tụ quan điểm của những nhân vật có học vấn và quan điểm rất khác nhau, nhưng đều đã nắm bắt được cái hồn trong thế giới Việt.

Một mình trên đường, Lệ Tân Sitek, Nxb Trẻ, 04/2013

Câu chuyện kể về quãng đời ấu thơ (từ 4 tuổi đến 15 tuổi) của An trong giai đoạn từ 1944 đến 1955.

An là cô bé sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng (cả bố và mẹ là thành viên Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội hoạt động ở nước ngoài). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, An theo mẹ về Hà Nội, lúc vừa tròn 6 tuổi. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, An được đưa về quê Nghệ An sống với bà nội. Cuộc sống của cô bé phải sống xa mẹ, xa em, suốt gần 9 năm sống với bà nội trong vùng tự do Nghệ An đã để lại trong An nhiều kỷ niệm khó quên. Bằng nghị lực của một cô bé mồ côi cha, sống xa mẹ, An đã từng bước học tập và trưởng thành trong vòng tay của bà nội và bà con nội ngoại gần xa ở quê. Hòa bình lập lại (1954), cô vừa học xong năm đầu cấp ba trong vùng kháng chiến thì được ra Hà Nội đoàn tụ cùng gia đình, cùng với người bố dượng là bạn chiến đấu của ba An.

Cuộc sống ở vùng tự do trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được An kể lại khá sinh động và cũng đầy đau thương. Những khó khăn, những mất mát và cả những đau thương, oan trái trong Cải cách ruộng đất, niềm vui của ngày đoàn tụ với mẹ và các chú từ miền Nam tập kết ra làm cho An thấy mình lớn lên, trưởng thành hơn.

Dù một mình trên đường nhưng An không cô đơn bởi quanh mình vẫn còn những người thân khác thương yêu cô.

Ngã ba đường, Lệ Tân Sitek, Nxb Trẻ, 04/2013

Ngã ba đường là tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết tự truyện về cuộc đời của tác giả sau quyển Một mình trên đường.

Ngã ba đường gồm có 2 phần: phần 1 là Ngã ba đường và phần 2 là Trên vịnh lặng, là câu chuyện kể về cô An, nay đã thành thiếu nữ, và được đi du học trong lớp sinh viên đầu tiên của miền Bắc trong năm 1955. 16 tuổi, có lẽ An là cô gái nhỏ tuổi nhất trong đoàn du học sinh đến các nước Đông Âu.

Những cảm xúc mới lạ của một cô gái lần đầu tiên ra nước ngoài càng thôi thúc siêng năng trong học tập và rèn luyện. Sau hai năm học ngoại ngữ, cô được chọn đi học ngành đóng tàu ở Gdansk, Ba Lan. Tại đây cô ham mê ngành kiến trúc và chuyển sang bí mật học ngành nầy dù cơ quan quản lý không cho phép. Hệ lụy của những bất ổn trong cuộc đời du học sinh của An có lẽ cũng từ đây mà ra.

Trong thời gian theo học tại Gdansk, An yêu một chàng trai Ba Lan. Bị sứ quán phát hiện, An bị áp tải về nước. Trên đường áp tải, An bỏ trốn. Được sự giúp đỡ chí tình của người dân vùng biên giới và của cả những viên chức chính quyền Ba Lan, An trở thành công dân không quốc tịch và kết hôn với người mình yêu – chàng trai Ba Lan.

Chính vì trở thành công dân không quốc tịch mà mãi 15 năm sau, sau những cố gắng liên hệ và đóng góp không mệt mỏi, An mới được trở về Tổ quốc sum họp cùng gia đình trong năm 1979.

Thông qua Ngã ba đường, người đọc càng hiểu hơn về quá trình trở thành trí thức xã hội chủ nghĩa của lứa du học sinh đầu tiên miền Bắc, và thông qua đó càng hiểu hơn những đặc điểm lịch sử ẩn chứa trong lòng các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu. Hơn tất cả là nghị lực của cô gái đã vượt lên những khắc nghiệt để được sống, được yêu và được làm người.

Sách Hay tổng hợp