Ngày đăng : 22/07/2015

Tháng 7 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Lan Trì Kiến Văn Lục, Vũ Trinh, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Hồng Bàng

Tác phẩm quan trọng nhất của Vũ Trinh (1759 - 1828) là Lan Trì Kiến Văn Lục có 45 truyện gồm nhiều đề tài khác nhau: Chuyện tình yêu nam nữ, chuyện giáo dục thi cử, chuyên báo ứng luân hồi, chuyện kỳ quái khó tin...

Ở đó, con người thường bị đặt trong những tình huống căng thẳng, đầy bi kịch và chính từ trong cuộc vật lộn cay đắng ấy, họ đã có dịp bộc lộ những phẩm chất cao quý, những tình cảm rất “người”.

Đặc biệt, trong số những con người được tác giả dành trọn niềm yêu mến thì phụ nữ chiếm phần rất lớn.

Truyện của Vũ Trinh thường vắn tắt, mỗi chi tiết được kể đều đóng một vị trí không thay thế được trong kết cấu nghệ thuật của cả câu chuyện. Đó là bí quyết của một cây bút truyện ngắn có tài.

Pyotr Đại Đế: Người con vĩ đại của nước Nga, Robert K. Massie, Diệp Minh Tâm dịch

Quyển sách này trình bày cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử ngoại hạng: Pyotr I Đại đế (1672-1725), là Pyotr của nước Nga cũ và sau đấy là Hoàng đế của Đế quốc Nga. Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và gần đây được nhân dân Nga bình chọn là người Nga được yêu mến nhất mọi thời đại, ông đã đạt thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ông. Ông đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một cường quốc khiến cho những nước Châu Âu còn lại phải nể vì.

“Lịch sử đã dành cho Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi trước tiên là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy hầu như thiếu vắng trong khắp nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, trong khi bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông; chỉ riêng Pyotr Đại đế nhận ra đấy là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính Pyotr Đại đế đã nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi mà còn có thể đi ngược lại chiều gió – điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế.”

Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà, Nxb Trẻ tái bản

Cơ hội của Chúa là một tác phẩm đầy ắp các không gian trong một hình thức đa diện nhất: truyện trong truyện, chuyện tình yêu, tình bạn, quan hệ tay ba, chuyện tôn giáo và thế tục, chuyện cuộc đời của các thế hệ sống ở một Hà Nội buổi giao thời khi bước vào giai đoạn kinh tế mở cửa những năm cuối thập niên 1980. Những nhân vật chính của tiểu thuyết tiêu biểu cho một thế hệ trẻ Hà Nội đã yêu và sống đầy khắc khoải nhưng cũng yếm thế buông xuôi. Nguyễn Việt Hà đã nói được trạng thái tâm lý của một thế hệ “mất mát”, cái trạng thái điển hình gặp ở nhiều nền văn học, nhưng trong Cơ hội của Chúa, nó mang cảm xúc của những góc phố Hà Nội đang biến đổi, cái biến đổi một đi không trở lại.

Cách ta nghĩ, John Dewey, Vũ Đức Anh dịch, Nxb Tri thức

Các nhà trường của chúng ta đang rối bời với vô số môn học, mỗi môn lại có cơ man các tài liệu và quy tắc. Gánh nặng càng dồn lên vai những người làm nghề dạy khi họ phải ứng xử với từng cá nhân học sinh chứ không phải trước một số đông. Trừ phi những bước đi tiên phong này rốt cuộc chỉ để tiêu khiển đầu óc, mục đích của chúng ta là tìm ra được điểm mấu chốt hay nguyên tắc nào đó hướng tới một sự giản lược hóa. Cuốn sách này thể hiện niềm tin vững chắc rằng, việc nỗ lực đưa thái độ tâm trí, đưa thói quen tư duy - những cái mà chúng ta gọi là có tính khoa học ấy - trở thành cứu cánh sẽ đồng thời làm phát lộ nhân tố có tác dụng củng cố và hướng đến niềm tin ấy. Dễ mường tượng được là thái độ khoa học này khó lòng dung hợp ngay với việc dạy dỗ thanh thiếu niên. Nhưng cuốn sách này cũng thể hiện niềm tin rằng đó không phải là điều muốn hướng tới; rằng thái độ cố hữu và còn vô nhiễm của tuổi thơ, nổi bật với trí tò mò, óc tưởng tượng đầy hứng khởi cùng với lòng yêu thích tra xét thử nghiệm là những thứ gần gũi, rất gần gũi với thái độ của một đầu óc khoa học. Nếu những trang viết này giúp ích chút nào cho việc ngộ ra được mối liên hệ mật thiết này cũng như giúp cho việc nghiêm túc suy xét rằng làm thế nào mà khi điều này đi vào thực tiễn giáo dục sẽ đem đến hạnh phúc cá nhân và giảm bớt lãng phí xã hội, hẳn khi ấy tác dụng của cuốn sách đã vượt quá sự mong đợi.

Sách Hay tổng hợp