Ngày đăng : 13/05/2013

Tháng 2 - Sách hay nên đọc (tuần 1)


Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức, Nhã Nam & Nxb Thế giới, 2013

Ngàn năm áo mũ là một nghiên cứu công phu và đầy tham vọng của Trần Quang Đức: dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945).

Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v… Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.

Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.

Việt Nam quốc hiệu và cương vực & Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Đình Đầu, Nxb Trẻ, 2013

Phần 1 "Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại" gồm bốn chương, ghi chép súc tích sử liệu kèm nhiều sơ đồ và bản đồ qua bốn thời kỳ lịch sử đất nước. Thời kỳ dựng nước, tác giả tóm tắt cương vực thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang; Thục Vương chiếm Văn Lang đổi tên nước là Âu Lạc. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập, từ nước Nam Việt năm 207 trước Công nguyên đến thời Lý Bôn xưng Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân với cương vực và các cuộc tranh đấu dưới các đời vua nhà Tùy, nhà Đường năm 603-907. Thời kỳ độc lập tự chủ, từ khi họ Khúc dấy nghiệp và họ Ngô dựng nghiệp năm 907-959 đến cương vực Đại Việt thời Tây Sơn (1771-1802). Sau cùng là Thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam, ghi chép cương vực và quốc hiệu nước ta từ triều Nguyễn (1802-1945) đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Kết thúc phần 1, sách thống kê một bảng tóm lược quốc hiệu, thủ đô và dân số nước ta từ thời Giao Chỉ (năm 6000 trước Công nguyên) đến năm 2011.

Tác giả đặt biệt dành phần 2 "Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa" dài hơn 100 trang để biên soạn 6 chương, khẳng định "lịch sử Nam tiến và Biển Đông" và "chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các bản đồ cổ và tư liệu lịch sử".

Tiền không mọc trên cây, Neale S. Godfrey, Đỗ Minh Quân dịch, DT Books & Nxb Thời đại, 2013

Là một chuyên gia về tài chính cho gia đình và trẻ em hơn 30 năm kinh nghiệp, và trên hết, là một người mẹ, Neale S. Godfrey khẳng định kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với trẻ không kém bất kỳ kỹ năng sống nào. Bà viết rằng: “Tiền bạc là một thước đo giá trị – giá trị sức lao động, giá trị thời gian, giá trị mọi thứ. Và hiểu về giá trị là một bước đầu quan trọng để hiểu về các giá trị.” Do đó, chúng ta cần truyền dạy trẻ những bài học về tiền bạc ngay từ khi trẻ lên ba. Cuốn sách này đưa ra những chỉ dẫn rất rõ ràng, dễ hiểu về việc dạy con trẻ các kiến thức quản lý đồng tiền theo từng độ tuổi, như giúp trẻ tính tiền, tiết kiệm, lập ngân sách chi tiêu, cho đến những khái niệm tài chính phức tạp như “ghi nợ” hay “thế chấp” đến cả những thế giới hoàn toàn mới như dùng thẻ tín dụng, mua cổ phiếu, hay giao dịch ngân hàng trên mạng. Với những ví dụ sinh động, những bài học trực quan thú vị mà các bậc phụ huynh có thể đem áp dụng cho con mình như những trò chơi đầy hào hứng.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả sẽ đưa bạn và con bạn đi qua lần lượt tất cả những khía cạnh của thế giới tài chính mà trẻ có thể sẽ bắt gặp từ ngày bé cho tới khi đã là những chàng trai, cô gái tuổi trưởng thành. Bạn sẽ được cung cấp những định nghĩa đơn giản mà vẫn đủ chuẩn xác để trả lời cho những thắc mắc của con mình, những cách thức để đưa bé vào thế giới tiền tệ mà trước đây ta nghĩ rằng chỉ dành cho người lớn, những kế hoạch mà nhóc nhà bạn cần phải được trang bị… để trở thành một người trưởng thành độc lập về tài chính, sống có trách nhiệm.

Những đứa trẻ chết già, Nguyễn Bình Phương, Nxb Trẻ, 2013

Tiểu thuyết nổi tiếng Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương đã được Nxb Trẻ tái bản 4/2013, cuốn sách khắc họa cuộc đời của những con người có cảnh sống éo le, đồng thời đặt ra câu hỏi dường như không bao giờ cũ về sự tồn tại, cái hữu hạn của đời người trong thời gian vô hạn.

Văn phong đậm chất Việt, nhưng không thiếu những phẩm chất chung của các tác phẩm văn chương thế giới, kết hợp tài tình giữa cái huyền ảo hoang đường và hiện thực trần trụi, Những đứa trẻ chết già thực sự là một tác phẩm xuất sắc trong dòng tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Nếu bạn từng thích Garcia Marquez hay thấy gần gũi với những nhân vật của Nam Cao, hẳn là bạn sẽ thích Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương.

Sách Hay tổng hợp