Ngày đăng : 04/06/2013

Tháng 2 - Sách hay nên đọc (tuần 3)


Tại sao các quốc gia thất bại, Daron Acemoglu và James A. Robinson, Nguyễn Thị Kim Chi dịch cùng sự hợp tác của Hoàng Thạch Quân và Hoàng Ngọc Lan, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính, Nxb Trẻ, 5/2013

Sử dụng lịch sử Đông-Tây kim-cổ đã diễn ra trên tất cả các châu lục của trái đất này, hai tác giả lập luận rằng những quốc gia thất bại là những đất nước bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung, và những nhóm này đã tổ chức xã hội để phục vụ cho quyền lợi riêng của họ trong khi đại đa số quần chúng nhân dân phải trả giá. Thế lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ, được sử dụng để tạo ra tài sản khổng lồ cho những người nắm giữ quyền lực.

Trong khi đó, những nước trở nên giàu có là vì người dân nước đó lật đổ giới quyền thế, những người kiểm soát quyền lực, và tạo ra một xã hội trong đó các quyền chính trị được phân phối rộng rãi, trong đó chính phủ có trách nhiệm giải trình và phải đáp ứng trước công dân, và trong đó đại đa số quần chúng có thể tranh thủ các cơ hội kinh tế.

Tóm lại, điều cuốn sách muốn nhắm đến là thể chế nào có những điều chỉnh, cải cách để dung hợp được các lợi ích kinh tế-chính trị và tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống được tốt nhất sẽ thành công. Như sách đã chỉ ra, ngay như Trung Quốc, khi họ giải quyết được phần nào đó sự dung hợp này, họ đã có sự tăng trưởng thần kỳ. Và giờ đây họ vẫn tiếp tục giải quyết bài toán thể chế dung hợp của họ.

Zazie trong tàu điện ngầm, Raymond Queneau, Cẩm Thơ dịch, Nxb Trẻ, 11/2012

Zazie là một bé gái 12 tuổi, tò mò, ăn nói bỗ bã, thẳng tính và khá ngây thơ dù thường xuyên cố tỏ ra sỏi đời lắm, sống cùng mẹ là Lalochere tại một thành phố tỉnh lẻ của Pháp, Saint-Montron. Nhân một chuyến lên Paris “hú hí” cùng một anh bồ, Lalochere dẫn Zazie theo và gửi con bé cho cậu Gabriel. Zazie đã rất phấn khởi vì tưởng mình sẽ được đi tầu điện ngầm, nhưng không, vì rủi thay tất cả hệ thống giao thông công cộng của Paris lại đang đình công. Cô bé vô cùng tức giận.

Thế là, trong hai ngày ngắn ngủi ở Paris, Zazie quyết định sẽ tự mình khám phá thành phố này. Việc này đã gây ra biết bao nhiêu rắc rối cho Gabriel và những người bạn của anh. Sức sống và sự năng động của Zazie cũng như những nhân vật xoay quanh cô bé, do tự nguyện hay do bị cô bé lôi kéo theo, tương phản một cách hài hước với sự thụ động, vẻ ủ ê của “Paris và hệ thống tầu điện ngầm tuyệt vời của nó”. Cuối cùng, ngay trước khi được trả về cho Lalochere, Zazie cũng được đi tầu điện ngầm, nhưng hài ở chỗ, chính con bé, người mong mỏi điều ấy nhất, lại hoàn toàn không hề hay biết, do đã ngất xỉu trong một tình huống trước đó.

Zazie trong tàu điện ngầm là một tác phẩm thổi một làn gió mới vào trong văn học Pháp nói chung và văn học đương đại Pháp nói riêng, với một lối viết đậm nét Queneau. Tác giả là người đi đầu phong trào phá vỡ lối viết kinh viện truyền thống, đưa văn học trở nên gần gũi với đời sống và ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày hơn. Zazie là tác phẩm tiêu biểu của ông trong tinh thần ấy. Đọc Zazie trong tàu điện ngầm, có cảm giác vừa được xem một thước phim hài đúng kiểu Pháp, được quay ngay tại Paris giữa những năm 50, khi châu Âu vừa trải qua cuộc Chiến tranh Thế giới lần II. Nó đem lại cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ, ngộ nghĩnh ẩn chút châm biếm về thành phố quá đỗi quen thuộc này.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Laura Ingalls Wilder, Lưu Diệu Vân và Hoàng Chính dịch, Nxb Kim Đồng, 6/2013

Ấn bản tiếng Việt của bộ sách “Ngôi nhà trên thảo nguyên” (Little House on the Prairie) của nữ nhà văn người Mỹ, Laura Ingalls Wilder đã chính thức ra mắt độc giả Việt Nam trong dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6. 

Trong đó, NXB Kim Đồng sẽ xuất bản 3 tập đầu tiên trong bộ sách gồm 9 tập mang tên: “Giữa đại ngàn”, “Cậu bé nhà nông” và “Trên thảo nguyên”. Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên kể về cuộc sống của gia đình Ingalls trong quá trình khai hoang những miền đất mới ở Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những tình tiết cảm động về gia đình, tình làng xóm, bạn bè, tác phẩm còn đề cập đến những vấn đề nóng hổi của nước Mỹ thời bấy giờ như: nội chiến Nam-Bắc, nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị giàu nghèo, tự do tín ngưỡng, sự phát triển của các công ty tư bản đã chèn ép người lao động… Series phim truyền hình “Ngôi nhà trên thảo nguyên” gồm hơn 200 tập được phát sóng trên kênh VTV3 những năm 1996-1997 cũng được nhiều khán giả Việt Nam mến mộ. 

Trà đạo, Okakura kakuzo, Bảo Sơn dịch, Nxb Văn hóa văn nghệ, 6/2013

Đọc Trà đạo, có lúc ta sẽ tự hỏi: Tại sao ở Nhật, uống trà được nhận lên thành "Đạo"? Tác giả Okakura Kakuzo lý giải: "Cái thế cô lập từ ngàn xưa của nước Nhật đối với toàn thể thế giới, cái thế thúc đẩy người ta đến chỗ "nội tỉnh" tự xét mình, đã giúp cho trà đạo phát triển mạnh vô cùng. Nhà cửa, tập quán của chúng tôi, cách phục sức, cách nấu ăn, đồ sơn, đồ sứ, đồ vẽ - ngay chính nền văn học của chúng tôi - tất cả đã chịu ảnh hưởng của Trà đạo. Người đã nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản, không ai là không biết đến Trà đạo. Nó đã thấm nhuần vào vẻ thanh nhã của những khuê phòng cao quý, cũng như nó đã thâm nhập vào những nơi nhà tranh vách đất nghèo nàn. Nó đã dạy cho nông dân nước chúng tôi biết cách trưng bày hoa, nó đã dạy cho công nhân thấp kém nhất nước Nhật biết coi trọng những hòn đá, khe nước. Trong lời nói thông thường ta vẫn gọi những người hờ hững đối với những tấn kịch nửa trang nghiêm, nửa hài hước của chính mình, là những kẻ "thiếu hơi trà". Và ta lại chê trách những nhà thẩm mỹ thô lỗ, bất chấp những thảm kịch của thế gian, để mặc cho mình chuồi theo nguồn cảm xúc không kiềm chế, không chừng mực, là những kẻ "quá dư hơi trà"

Qua tập Trà đạo, ta thêm hiểu rằng những tập quán phong tục, những lề lối sinh hoạt hàng ngày - từ cách ăn cách ở, cách trang điểm phục sức, cách nấu bếp, làm việc v.v... đều có tương quan mật thiết đến văn hóa và Okakura Kakuzo nhấn mạnh rằng: "Nhân loại gặp nhau trong một chén trà".

Sách Hay tổng hợp