Ngày đăng : 21/11/2013

Tháng 7 - Sách hay nên đọc (tuần 4)


Bốn học thuyết truyền thông, Fred S. Siebert - Theodore Peterson & Wilbur Schramm, Lê Ngọc Sơn dịch, Nxb Tri thức, 2013, 55.000 VND

Bốn học thuyết truyền thông đã xác định các loại hình mà báo chí thế giới phương Tây có: Thuyết Độc đoán hình thành từ các thế kỉ mà chế độ độc tài về chính trị cầm quyền từ thời Plato đến Machiavelli; Thuyết Tự do hình thành từ thời Milton, Locke, Mill và thời kì Phục hưng; Thuyết Trách nhiệm Xã hội hình thành từ thời kì cải cách truyền thông và trong những nghi ngờ của triết lí thời kì Phục hưng; và Thuyết Toàn trị Xô viết hình thành trong thời kì Marx, Lenin, Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô.

Mỗi chương trong bốn chương sẽ giới thiệu về tác phẩm, phong cách và ý kiến của các tác giả. Nhóm tác giả không áp đặt bất kì một quan điểm nào lên các vấn đề được bàn luận trong những chương tiếp theo, dù có đề cập tới những kết luận của mình.

Bên phía nhà Swann, Marcel Proust, nhóm dịch giả, Nhã Nam & Nxb Văn học, 2013, 118.000 VND

“Rồi đột nhiên ký ức đó hiện ra. Mùi vị ấy chính là mùi vị mẩu bánh madeleine mà mỗi sáng chủ nhật ở Combray (vì ngày hôm ấy tôi không ra khỏi nhà trước giờ lễ mi xa), cô Léonie lại cho tôi sau khi đã chấm vào trà hoặc nước lá bồ đề, mỗi lần tôi đến chào cô trong phòng cô ở. Trước đây, khi chưa nếm vị của nó, tôi chẳng nhớ gì mỗi lần nhìn thấy cái bánh madeleine nhỏ[…] Nhưng khi, của một thời quá vãng đã chẳng còn lại một chút gì, khi người đã chết, sự vật đã bị hủy diệt, thì duy nhất vẫn còn lại đó, mỏng manh nhưng dai dẳng, không hình hài nhưng bền vững thủy chung, hương và vị vẫn còn ở đó rất lâu, như những linh hồn, để tưởng nhớ, chờ đợi và hy vọng, giữa cái hoang tàn của tất cả, và không hề nao núng, để mang trên cái giọt mong manh của chúng, cả dinh thự mênh mông của hoài niệm.” 

Bên phía nhà Swann là tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của một trong những văn hào lớn nhất của nước Pháp và của thế giới, Marcel Proust. Cách đây một trăm năm, trong lần xuất bản đầu tiên, nó từng là chủ đề tranh luận của mọi diễn đàn văn học. Một trăm năm sau, người ta vẫn không ngừng viết, nói, tranh luận về nó. Đi tìm thời gian đã mất thực sự là một khởi thuỷ cho nền tiểu thuyết hiện đại, với bút pháp mới lạ, với những chủ đề được bàn luận sâu rộng và đầy chất thơ về nghệ thuật và triết học, về hồi ức và thời gian… Tác phẩm từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp, là một cuốn Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia cũng như người đọc văn học.

Khế ước xã hội, Jean-Jacques Rousseau, Dương Văn Hóa dịch, Alphabooks & Nxb Thế giới, 2013, 79.000 VND

Jean-Jacques Rousseau ra đời trong thời kỳ Khai sáng của Âu châu. Tư tưởng và học thuật thời kỳ này chú trọng về lý tính và thực nghiệm. Rousseau đã tạo cho mình một tư thế riêng khi đưa ra những lập luận bác bỏ toàn bộ những tư duy thời thượng bấy giờ.

Khi đặt bút viết Khế ước xã hội, Rousseau minh định đâu là nguyên lý chính đáng thiết lập nên nhà nước và chính quyền dân sự. Nhà nước được lập nên bởi một khế ước do tất cả mọi người dân đồng thuận, trao quyền lực chính trị cho chính quyền là những công bộc của dân để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí tập thể. Quyền lực chính trị ấy sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào, nếu chính quyền không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó. Khế ước xã hội, do đó, được coi là bản hoạ đồ xây dựng một thể chế dân chủ – cộng hoà hiểu theo nghĩa ngày nay.

Cách sống, Inamori Kazuo, Phạm Hữu Lợi dịch, Thaihabooks và Nxb Thời đại, 2012, 75.000 VND

Một cuốn sách cuốn hút là để cho độc giả thấy hình ảnh chính mình trong đó. Inamuri Kazuo không chỉ để người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng, suy nghĩ, trở trăn của riêng họ mà còn nói lên được vấn đề chung nhất của xã hội, của thời đại, với tính toàn cầu mà hẳn rằng cá thể nào, đất nước nào cũng có thể nhận thấy.

Sách gồm 5 chương, chia thành từng chủ đề: Biến suy nghĩ thành hiện thực, Suy nghĩ từ nguyên lý và nguyên tắc, Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn, Sống với lòng vị tha, Hòa hợp với dòng chảy của vũ trụ. Mỗi chương được chia thành nhiều chủ đề nhỏ, như một kim chỉ nam cho cách sống.

Có thể thấy tiềm ẩn trong tựa đề của từng phần đã là những thông điệp quý giá cho những ai muốn tìm thấy ý nghĩa tích cực của những điều răn dạy không hề giáo điều: “Không bỏ cuộc, làm đến cùng sẽ thành công, Ôm ấp hoài bão lớn, cuộc đời sẽ trở nên phi thường, Làm đến cùng mới có ý nghĩa, chỉ hiểu biết không thôi là chưa đủ, Sống hết mình cho khoảnh khắc hiện tại, Gọt giũa tâm hồn bằng trí tuệ và lương tâm…”.

Sách Hay tổng hợp