Ngày đăng : 13/09/2017

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn và giấc mơ về những 'ông trùm xuất bản'


Tại buổi tọa đàm thu hút gần 200 người nghe, nhà phê bình Vương Trí Nhàn chỉ ra 4 vấn đề của nền xuất bản Việt Nam và kỳ vọng về những "ông trùm xuất bản".


Buổi trò chuyện về thực trạng nền xuất bản của nhà phê bình Vương Trí Nhàn được tổ chức nhằm khơi gợi niềm say mê của giới trẻ đối với việc đọc sách và hoạt động xuất bản.

 

Nổi tiếng với những bài viết về thói hư tật xấu của người Việt, nhà phê bình Vương Trí Nhàn vẫn giữ thói quen nói thẳng và trực diện vào những vấn đề mà ông nghĩ là tồn tại trong nền xuất bản nước nhà.

 

"Tôi mong người nghe có thể ngẫm nghĩ rằng các bạn làm được gì trong việc đưa sách đến với đông đảo mọi người, điều mà giới xuất bản đang gặp khó", ông mở đầu buổi nói chuyện.

 

Bốn vấn đề của nền xuất bản


Nhà phê bình nổi tiếng nêu ra 4 vấn đề chưa khắc phục được của nền xuất bản đã có từ lâu.

 

Đầu tiên là nền xuất bản của chúng ta đang còn lạc hậu. Ông nói: "Mỗi năm, chúng ta đều thống kê người Việt đọc bao nhiêu cuốn sách, vô số cuốn mới xuất bản, có những nơi mới mở như Đường sách, nhưng với những người có hiểu biết, sự thực chúng ta còn lạc hậu".

Nền xuất bản hiện nay đang lo đáp ứng những nhu cầu trước mắt thay vì hướng đến sự lâu bền.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn.

 

"Tôi có cảm giác sách vở hôm nay chỉ một, hai năm là 'cuốn theo chiều gió', không để lại dấu vết gì", nhà phê bình nói.

 

Thứ hai, khả năng giao lưu với thế giới của nền xuất bản còn yếu. Trước đây, dù cách kết nối còn yếu, thế hệ của Vương Trí Nhàn vẫn tìm cách giao lưu với hai nền xuất bản gần với Việt Nam là Nga (Xô Viết) và Trung Quốc, nhất là sách văn học.

 

Ông dẫn lời đạo diễn Nguyễn Đình Nghi (con trai nhà thơ Thế Lữ): "Sách luôn có khả năng vượt qua biên giới của nó để tạo ra ảnh hưởng ở những nền văn hóa khác". Theo Vương Trí Nhàn, suy nghĩ đó không hề viển vông. Trái lại, nếu không nghĩ vậy thì nền xuất bản sẽ không bao giờ trở nên tiên tiến.

 

"Nền xuất bản hiện nay đang lo đáp ứng những nhu cầu trước mắt thay vì hướng đến sự lâu bền" - ông nói.

 

Thứ ba, số lượng bản sách in trên đầu người đang thụt lùi so với trước đây. Ông Nhàn lấy ví dụ, cuốn Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng trước 1945 từng được in 14.000 bản, xét trên số dân khoảng 20-25 triệu người.

 

Ông cũng kể đến Tản Đà, nhà thơ lớn từng có mong muốn sách của ông được in mỏng và bán giá rẻ cho tất cả những ai có nhu cầu đọc. Trong khi đó, nhiều bạn bè của ông là người viết sách chỉ thích in sách thật dày, bìa cứng, giấy trắng tinh nhưng chính vì dày nên không ai dám đọc.

 

Nếu so sánh, hiện nay, dân số Việt Nam ngày nay đã lên đến hơn 90 triệu người nhưng số bản sách in vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí giảm đặc biệt với những dòng sách thuộc hàng kén độc giả.

 

Trừ những đầu sách bán chạy do chủ đề nóng, tác giả có tên tuổi có thể in đến hàng chục nghìn bản, còn lại, rất nhiều đầu sách có lượng in 1.000, 2.000 bản khiến người viết và người làm sách đều buốt lòng.

 

Thứ tư, ở Việt Nam, một vài nhóm sách cho đại chúng đang được làm cẩu thả. Vương Trí Nhàn kể kỷ niệm một lần ông đến thăm nhà bạn, cũng là một người làm sách. Người bạn đề nghị ông tham gia viết một đầu sách được tài trợ để in và gửi đến các vùng xa.

 

"Sách đã có tài trợ nên viết thế nào cũng được. Cậu có bài nào thì "rót" vào đây đi?" - ông nhớ lời người bạn nói với mình. Nhà phê bình rất không đồng tình với lối làm sách này. Ông nói: "Ý nghĩ rằng đại chúng là nhóm độc giả hạng bét nên làm sách cho họ cẩu thả thế nào cũng được là vô cùng sai lầm".

 

"Ở các nước, viết được sách cho đại chúng đọc là một tài năng riêng, rất được coi trọng, đòi hỏi nhiều kiến thức sâu sắc của nhiều mảng", ông Nhàn nói.

 

Theo ông, đó là những vấn đề của một nền xuất bản còn nhiều sặc sỡ, màu mè ở bề ngoài mà thiếu sự chắc chắn bên trong để có thể đạt đến trình độ cao.

 

Giấc mơ về những "ông trùm xuất bản" quyền lực

 

Có nhiều lý do dẫn đến những thực trạng trên của nền xuất bản. Là người tìm hiểu kỹ về nền xuất bản Trung Quốc, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đưa ra nhiều so sánh và bài học từ nền xuất bản này. Trong đó, ông rất tâm đắc việc ở Trung Quốc có nhiều "ông trùm xuất bản" hùng mạnh.

 

Đó là những vị đại gia vừa mạnh về kinh tế, vừa hiểu biết về văn hóa. "Ở các nước, bao giờ cũng có những đại gia có văn hóa trong xuất bản, hay còn gọi là các ông trùm xuất bản". Ông lấy ví dụ, ở các nước, có những nhà xuất bản tồn tại cả trăm năm và cho ra đời rất nhiều đầu sách quan trọng, đã trở thành di sản văn hóa và tinh thần của dân tộc đó.

Ở các nước, bao giờ cũng có những đại gia có văn hóa trong xuất bản, hay còn gọi là các ông trùm xuất bản.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn

 

Mặc dù vậy, ý kiến này của nhà phê bình được TS Quách Thu Nguyệt, thành viên ban điều hành Đường Sách TP.HCM, phản biện. Bà Nguyệt nêu nhận định: "Tôi may mắn hoạt động lâu năm trong giới xuất bản miền Nam nên có cái nhìn lạc quan hơn. Nói về những 'ông trùm', thì giới xuất bản miền Nam hiện nay cũng có những 'ông trùm sách' lớn".

 

Theo bà Nguyệt tại Việt Nam hiện nay có 60 nhà xuất bản nhưng có đến hàng trăm công ty sách và xuất bản lớn nhỏ. Nhiều đơn vị cũng có đội ngũ và phông văn hóa mạnh không kém gì ông Khai Trí ngày xưa. Quen thuộc thì chúng ta có các thương hiệu sách uy tín như Nhã Nam, AlphaBooks, Phương Nam Book, DTBooks... Và còn rất nhiều 'ông trùm' giấu mặt. Họ làm sách rất lâu năm và uy tín nhưng không để quảng bá tên tuổi..

 

"Tôi tin nền xuất bản của chúng ta sẽ ngày càng phát triển nếu có sự nỗ lực của nhà nước và cộng đồng" - bà Nguyệt dự báo.

 

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn chia sẻ với góc nhìn bà Nguyệt để cùng hướng đến một nền xuất bản ngày càng phát triển.

 

Triển lãm "Về chốn thư hiên"

Buổi nói chuyện của nhà phê bình Vương Trí Nhàn nằm trong khuôn khổ sự kiện trưng bày sách quý trước 1945 mang tên "Về chốn thư hiên", từ bộ sưu tập của Quán Sách Mùa Thu và những người bạn.

Trong các ấn bản sách được trưng bày, nổi bật có: Vang bóng một thời của nhà văn Nguyễn Tuân, bản in lần đầu của nhà in Tân Dân (Hà Nội) năm 1940, có chữ ký tác giả kèm thủ bút, cùng 5 phụ bản tranh khắc gỗ đẹp mắt của họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung.

Bên cạnh đó là bộ ấn phẩm Kim Vân Kiều Tân Truyện, được xuất bản vào những năm 1884 tại Paris, Pháp. Bộ sách gồm ba cuốn của nhà Đông phương học người Pháp Albel Des Michels, đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam.

 

Hạ Huyền

Nguồn: Zing.vn