Ngày đăng : 27/01/2016

Nghề thầy


Nước Việt đang hội nhập sâu với môi trường thế giới, nhưng cùng với những lỗ hổng văn hóa nội tại, quá trình này đã khiến cho tâm hồn Việt có nhiều "đổ vỡ", hoang mang. Vậy làm cách nào, trong môi trường đó, trẻ em Việt Nam có thể phát triển một cách bình thường, được vun bồi những giá trị nhân văn, được luyện tập thể lực cường tráng để có thể vừa tự tin, vừa khiêm nhường vững bước đường đời và tỏ được cái "tinh thần Việt" cho bạn bè khắp năm châu?

Chưa khi nào, những gia đình trẻ có con nhỏ, là bạn bè của chúng tôi, lại có nhiều băn khoăn và trăn trở cho việc giáo dục con cái như lúc này. Trẻ em Việt đang phải "vật lộn" để lớn lên trong một môi trường nhiều bạo lực, suy giảm đạo đức và thiếu sự trong lành. Với những gia đình có điều kiện, thì việc các em cháu trong gia đình tiếp cận được với các phương pháp và môi trường giáo dục của các nước tiên tiến khác thật dễ dàng. Song, số lượng đó thật ít ỏi so với mức sống hiện nay của người dân. Vậy, làm thế nào có thể giáo dục trẻ nhỏ phát triển toàn diện trong điều kiện xã hội hiện nay? Những câu hỏi được đặt ra liên tục và dường như chưa có lời đáp thỏa đáng. Thời may, chúng tôi bắt gặp quyển sách này, "NGHỀ THẦY" của cụ Hoàng Đạo Thúy, đã được xuất bản lần đầu cách đây hơn 70 năm.

Khi lần giở trên tay từng trang sách, chúng tôi đã ngạc nhiên, ngỡ ngàng và sau đó là xúc động. Bảy mươi năm trước, tác giả đã viết nên những câu chữ mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí, vẫn mang tính thời sự. Ngay từ đầu quyển sách, dù bàn về “NGHỀ THẦY”, đã bắt đầu bằng chương “Mấy lời thưa cùng bà mẹ”. Phải, việc giáo dục không phải do cô giáo, thầy giáo mở đầu mà chính do bà mẹ; ngay từ lúc đang ở trong bụng mẹ; đó là thời kì “thai giáo” mà kết quả sẽ ảnh hưởng, nhiều khi quyết định đến cả cuộc đời sau này của người con. "Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng...".

Quyển sách là sự nhìn nhận lại từ bên trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam, để nêu ra một phương pháp giáo dục đầy tính nhân bản. Ta sẽ bắt gặp những tinh anh của cha ông để lại kết hợp với lối giáo dục phối hợp Đông - Tây, Kim - Cổ. "Từ cái tính thiện, phép tu thân của Khổng Mạnh, đến việc bú sữa mẹ, dạy trẻ bằng lao động tay chân trong thiên nhiên rộng lớn của J. J Rousseau… khi đọc hết cuốn sách, chúng ta đều học được những kinh nghiệm của ông bà chúng mình, những thành tựu của dân tộc chúng mình trong sự nghiệp giáo dục, cái sự nghiệp đã đào tạo nên biết bao anh hùng, liệt nữ"(1). Việc giáo dục trẻ nhỏ cần phải có sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và người thầy. Và, mục đích của người thầy "là đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất". Bởi, "trong một độ khá lâu, người ta đã chỉ trọng có mỗi một việc học, nói rằng: "Đi nhà trường, để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng". Vì hiểu như vậy mà làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục. Thu hẹp việc giáo dục vào một chỗ học để kiếm tiền thôi, thì thiếu thốn quá. Đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản, thì nguy lắm".

Nói tiếp sẽ dông dài, chúng tôi muốn dành cho bạn đọc tự khám phá những điều thú vị, bổ ích bàng bạc trong từng trang quyển sách này. Sách xuất bản đã lâu với lối hành văn của mấy mươi năm trước, trong lần tái bản này, chúng tôi xin mạo muội chỉnh sửa một vài từ vựng cho hợp với chính tả thời nay, đồng thời thêm một vài chú giải để người đọc hiện đại dễ hiểu hơn ý của người xưa. Phần chú giải, chúng tôi dựa vào hai quyển từ điển: Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh (bản của Trường Thi, 1957, viết tắt là HVTĐ) và Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên, bản năm 1992, viết tắt là TĐTV). Việc chú giải tất nhiên không thể hoàn toàn mà vẫn còn đôi chỗ chúng tôi muốn dành cho bạn đọc tự khám phá, làm cho việc đọc thêm phần hứng thú. Cuối cùng, chúng tôi mong rằng quyển sách sẽ như lời gợi ý để bạn đọc trẻ có thêm kiến thức thai giáo, lý luận, phương pháp để hoàn thiện việc nuôi dạy con cháu trong gia đình.

Nguồn: Sách Khai Tâm