Ngày đăng : 27/01/2016

Đường sách: nơi sống của văn hóa đọc


Giáp Tết Bính Thân, tình cờ được làm “tua-gai” cho các bác văn nhân Lại Nguyên Ân, Thanh Thảo từ xa về Sài Gòn. 


Bạn trẻ say sưa đọc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình chiều 26-1. Ảnh: Quang Định.

Ngỏ ý mời các bác đi Đường sách Nguyễn Văn Bình, may thay tất cả đều vui vẻ hưởng ứng vì ai cũng có nghe tiếng nhưng chưa có dịp đáo qua.

Bắt đầu từ cửa phía đường Hai Bà Trưng, khách văn thả bộ, lượn qua gần đủ 19 gian hàng sách rồi sà khá lâu vào các quầy sách cũ dựng tạm ở giữa lòng đường rộng 8m.

Quan sát tạm đủ cho một cái nhìn đầu tiên về đường sách, cả nhóm kéo nhau ghé Cà phê Phương Nam - một trong hai quán cà phê sách trong không gian văn hóa đọc này.

Ngồi với nhau để ngắm hai hàng cây tán xanh giao nhau che mát con đường nhỏ có độ dài chỉ 144m; để vui khi bắt gặp từng nhóm bạn trẻ tay cầm sách đi dung dăng dung dẻ giữa đường; để bày tỏ sự thú vị về cách tạo dựng không gian triển lãm và cà phê sách thoáng đãng, về cách thiết kế 19 gian hàng sách (4,5m x 4,5m/gian) vừa đẹp mắt và vừa đủ cho bày biện, xem, mua. Không hề có cảm giác lùi xùi, tạm bợ khi soi mắt vào bên trong và bên ngoài mỗi gian hàng.

Ngồi với nhau để chia sẻ hài lòng vì đường sách này đã thỏa mãn cùng lúc cả nhu cầu sách mới và sách cũ của khách hàng và khách tham quan; để khoan khoái kết luận khi so sánh với các đường sách, chốn sách ở các xứ giàu có mà thành viên trong nhóm từng ghé qua: Paris, Frankfurt, San Francisco, Sydney...: chẳng thua kém gì!

Một con đường dành riêng cho sách - mơ ước ấy trong lòng bao người Sài Gòn quan tâm đến văn hóa đọc phải đi qua hàng chục năm mới thành hiện thực.

Lâu, nhưng cũng không còn là mơ nữa. Lại có người xuýt xoa: giá mà đường sách lớn hơn thay vì nhỏ như thế này (dài 144m, lòng đường 8m và lề đường 6m). Ừ thì nhỏ, nhưng không quá nhỏ, lại nằm ở giữa “trung tâm của trung tâm” Sài Gòn xưa và nay.

Vị trí Đường sách Nguyễn Văn Bình hôm nay nằm lọt hẳn vào trung tâm địa phận Sài Gòn được ấn định từ 155 năm, trước khi xây nhà thờ Đức Bà (1877) và Bưu điện trung tâm Sài Gòn (1886-1891).

Dành một vị trí bên cạnh các di sản vật thể và di sản cảnh quan quý giá như vậy, nơi thu hút đông nhất du khách bốn phương, cũng là đắc địa, là xứng đáng với một địa chỉ văn hóa như đường sách.

Ngồi với nhau ở đường sách, những người yêu sách và mong mỏi sự sống dài lâu của sách không quan tâm đến không gian vật thể lớn hay nhỏ của địa điểm văn hóa đáng quý này nữa.

Bởi ai cũng hiểu, được giao cho một không gian rất lớn mà cái tâm không sáng, cái tầm không cao thì rồi tài sản của cộng đồng lại bị hoang phí bởi kiểu vẽ vời những sản phẩm thiếu cả hiệu quả kinh tế lẫn văn hóa.

Vấn đề cần quan tâm nhất bây giờ đối với đường sách đầu tiên của Sài Gòn là làm sao tiếp tục chăm chút giá trị văn hóa cho nó từ nội dung, chủng loại sách đến cách bán và cách mua sản phẩm đặc biệt này; là làm sao để những người biết hao tốn tâm trí và tài lực cho sách có thể sống được (chứ chưa mong sống thảnh thơi) từ sách ở chính con đường đắc địa cả về văn hóa và kinh tế này, thay vì phải trông chờ vào sự bao cấp.

Nguyễn Thế Thanh
Nguồn: Tuổi Trẻ