Ngày đăng : 20/12/2015

Về chốn thư hiên cất đi phiền muộn


Cuốn sách Về chốn thư hiên (*) của tác giả Trần Trọng Cát Tường được xem như một cuốn cẩm nang dành cho những người chơi sách, một tác phẩm thuộc loại hiếm hoi viết về thú chơi sách và được coi là “hậu duệ” của Thú chơi sách của cụ Vương Hồng Sển.


Về chốn thư hiên không chỉ “văn chương hóa” những thuật ngữ khoa học về sách một cách khéo léo, uyển chuyển, thi vị mà hơn thế, cuốn sách còn chỉ ra những tục lụy riêng chung liên quan đến việc làm sách, đọc sách, gìn giữ sách...

Cẩm nang dành cho giới chơi sách và người làm sách

Đánh giá Về chốn thư hiên là một cuốn cẩm nang về sách thật không hề quá, bởi tính học thuật và khoa học toát lên rõ rệt đằng sau những ngôn từ đậm chất văn chương. Tác giả phân tích, mổ xẻ từng “phụ kiện” để tạo nên một cuốn sách hoàn mỹ, từ sách xưa đến sách nay, từ sách quý hiếm đến sách thông thường.

Giấy in: Trong Về chốn thư hiên, tác giả Trần Trọng Cát Tường đã khảo cứu về các loại giấy cổ truyền của Việt Nam, từ loại thô như giấy moi, giấy phèn đến loại thường dùng như giấy bản, giấy lệnh. Từ loại quý như dó lụa, giấy sắc, giấy quỳ vàng đến cả loại chỉ còn cái tên trong sách vở như mật hương, trắc lý...

Kiểu in: Từ khắc thạch đến in mộc bản, in hoạt bản (in chữ rời), kỹ thuật in 
hoạt bản.

Kiểu bìa: Các kiểu bìa chủ yếu được sử dụng trên sách là bìa toàn phần, bìa tứ phần, bìa bán phần... Cho đến kỹ thuật trang trí bìa sách, cách đóng bìa sách bằng da như thế nào...

Các bộ phận của sách: Các bộ phận chủ yếu của một cuốn sách bao gồm: bìa sách, sau đó đến tờ trắng, tờ lược đề, tờ tiêu đề, trang đề tặng, lời giới thiệu, lời nói đầu, mục lục, nội dung, lời bạt, tài liệu tham khảo...

Có những cuốn sách còn có tờ đánh dấu trang (bookmark), hay với những cuốn sách bìa cứng thì có dải lụa kẹp sách... Đặc biệt còn có họa bản, phụ bản, ấn hiệu, ấn thư...

Các loại “bản”: Từ bản khai bản, đến bản rập thử, đến bản bông, sơ bản bình điểm, bản bình điểm... cho tới bản đặc biệt, bản tặng phẩm, bản tục bản...

Đặc biệt phần cuối sách, tác giả dành ra vài chục trang để tập hợp những ngữ điển giản lược, giải thích những từ hay gặp trong các tài liệu viết về thú chơi sách, những từ thông dụng nhưng được giới chơi sách dùng với nghĩa đặc biệt, qua đó làm toát lên những vấn đề rất “kỹ thuật” liên quan đến quyển sách.

Những tục lụy liên quan đến sách

Không như Thú chơi sách của Vương Hồng Sển khơi gợi thú săn tìm sách cổ quý của giới chơi sách, Về chốn thư hiên của Trần Trọng Cát Tường là một cuốn sách “kỹ thuật” thật sự về sách, và ẩn đằng sau cũng vẫn là đau đáu những nỗi niềm, suy tư về “tục lụy” liên quan đến sách.

Theo tác giả, những tục lụy đó có thể kể: thói háo danh, vụ lợi, vì quyền cao chức trọng, vì danh vọng, địa vị của bản thân mà bất chấp chuyện đạo văn, ăn cắp ý tưởng, trích dẫn mà không ghi nguồn gốc hay dịch tài liệu nước ngoài rồi xào xáo lại thành của mình...

Lần giở những trang sách chúng ta sẽ gặp khá nhiều cái tên dính líu đến những nghi án đạo văn chấn động: Trường hợp tiêu biểu là bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư với bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản Sarumaru (thế kỷ thứ 8), từng được nhắc đến trên tạp chí Tri Tân, rồi trong ký ức văn học Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ.

Hay bộ sách đồ sộ Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên dự định ra 10 tập, nhưng mới ra hai tập đã làm nhiều người trong giới nghiên cứu văn học ngỡ ngàng trước một vụ đạo văn quá trơ trẽn và táo bạo. Sách bị tố cáo sao chép Lược khảo về thần thoại Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.

Là tình trạng các công ty, các nhà xuất bản tái bản sách của những học giả, nhà nghiên cứu đi trước đã tự ý cắt bỏ chữ này đoạn kia, tự ý chỉnh sửa nội dung mà không được sự đồng ý của tác giả, hay chẳng có chú thích cụ thể nào cả. Hành động đó chứng tỏ sự không tôn trọng bản gốc, không tôn trọng bản in lần đầu và không tôn trọng chính tác giả.

Có thể lấy đơn cử hai ví dụ như sau. Trong cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930 của Huỳnh Văn Tòng vốn là luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, Paris (1971) ấn hành lần đầu năm 1973, sau này có tái bản và bổ sung giai đoạn 1930-1945, thì trong bản tái bản tác giả đã bỏ qua “Đôi lời giới thiệu” của Nguyễn Văn Trung và phần mở đầu “Vài nhận xét về vấn đề nghiên cứu lịch sử báo chí”.

Hay năm 1962 khi công bố bản dịch Đại Nam thực lục - bộ chính sử quan trọng nhất của triều Nguyễn, Viện Sử học đã nhạo báng vua tôi nhà Nguyễn vô cùng chát chúa trong lời giới thiệu. Thế nhưng khi đến đầu thế kỷ 21, bầu không khí học thuật và văn hóa đã khác, thì viện trưởng Viện Sử học viết lời giới thiệu mới thay thế, và lời giới thiệu đó không còn tìm thấy trong bản tái bản nữa.

Hay cũng có những trường hợp do vô tình hay hữu ý, do nhu cầu xuất bản hay do mối lợi trước mắt mà các nhà xuất bản thường “tiền trảm hậu tấu”, chưa liên lạc với tác giả về vấn đề tác quyền, nhuận bút.

Đọc sách, người đọc có thể không còn lạ gì những lời cáo lỗi như: “Do điều kiện không liên hệ được với dịch giả, nhà xuất bản kính đề nghị dịch giả liên hệ với nhà xuất bản để lĩnh nhuận bút và sách biếu theo địa chỉ sau...” ở mặt sau trang tiêu đề bản in cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin in năm 2004 [bản in lần đầu là năm 1970, do nhà Khai Trí in] hay Nhà xuất bản Văn Học ngỏ lời:

“Do tác giả hiện đang ở xa, không thể trao đổi, bàn bạc trước khi in sách, chúng tôi hi vọng mấy lời Cùng bạn đọc trên đây phần nào cũng có thể thay thế cho lời xin phép tái bản sách của ông...” trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nguyễn Lang, NXB Văn Học in năm 1992.

Với cách viết độc đáo, tác giả khiến người đọc khó dứt mình ra khỏi cuốn sách, cứ say sưa tận hưởng, vui thú với từng con chữ. Mặc dù vậy, cuốn sách vẫn có một vài điểm chưa thật sự thuyết phục, đó là khi khảo cứu thông tin từ sách để đưa ra những nhận định, đánh giá thì tác giả lại không dựa vào bản in lần đầu, như cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân được tác giả sử dụng bản năm 1967 do Thiều Quang, Sài Gòn phát hành mà không phải là bản in lầu đầu năm 1942 do Nguyễn Đức Phiên in.

Hay việc thiếu sách dẫn (Index) cùng danh mục tài liệu tham khảo ở phần cuối sách khiến người đọc khó khăn trong việc tra cứu tên sách, cùng những thông tin mà tác giả trích dẫn.

(*): Về chốn thư hiên, Trần Trọng Cát Tường, NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM phát hành, 2015.

Tác giả Trần Trọng Cát Tường tên thật là Nguyễn Duy Long, sinh năm 1967 tại Quảng Ngãi. Là bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa Quảng Ngãi, nhưng ông được sinh trưởng trong một gia đình có ba là công chức cấp thấp dưới chính quyền Sài Gòn, mẹ chọn nghề bán sách (nhà sách Quảng Ngãi Nghĩa Thục, sau đổi thành Tinh Hoa) làm kế sinh nhai từ những năm 1970. Thời trẻ được tiếp xúc với những giá sách cao phủ kín dọc hai bức tường, giữa lối đi, giá sách cao tới tận trần nhà, cùng những tấm biển nhỏ nhắn và vuông vức gắn trên từng kệ: Học làm người, Tự lực văn đoàn, Từ điển... Đây là nguồn cảm hứng hay cũng là lý do ngầm để tác giả trở thành nhà sưu tập có hạng ở Quảng Ngãi (với khoảng 15.000 quyển sách) và viết nên cuốn biên khảo Về chốn thư hiên này.
Người chơi sách, mục đích đơn giản chỉ là để thấu đáo lẽ đời, để cuộc sống này bớt nhàm chán tẻ nhạt, để ung dung tự tại nhẹ nhõm đi giữa cuộc đời vốn nhiều ngang trái. Lần giở từng trang sách cũ để thấu hiểu hơn về quá khứ, để thấm thía hơn hiện tại và để cuộc sống này bớt đi ưu phiền.


Tùng Phong
Nguồn: Tuổi Trẻ