Ngày đăng : 20/12/2015

… Của một người chưa được gặp…


Thời gian gần đây nhiều văn nghệ sĩ nối bước nhau ra đi. Có mấy vị lớn tuổi đã đành. Có mấy bạn trang lứa cũng vội vàng, làm như cõi âm vui lắm mà chật lắm, tranh nhau kẻo hết chỗ! 


Nhà văn Trang Thế Hy - Lam Điền

Cứ coi như câu thiếu chủ từ, hiểu ngầm là “cảm nghĩ” cũng được. Một người, là tôi, chưa hân hạnh gặp Trang Thế Hy. Đáng lẽ với phạm vi giao tiếp không quá hẹp, nếu có duyên tôi đã một lần diện kiến ông và... (bỏ qua cái “hàm” nhà văn, nhà thơ) theo tuổi tác, phong cách, tôi được gọi ông một cách trân trọng là hiền huynh, hoặc thân tình là anh Tư, anh Năm... chẳng hạn.

Ngược lại, ông sẽ gọi tôi là chú Tám... Tôi thường nghĩ mọi sự trên đời phải đủ căn và duyên, ông và tôi ắt cùng một căn (ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu - Chu Mạnh Trinh) nhưng mà thiếu duyên, có thể do tôi... vô duyên.

Truyện đầu tiên tôi đọc của Trang tiên sinh trên tạp chí Bách Khoa (160, Phan Đình Phùng, Sài Gòn - Huỳnh Văn Lang và Lê Ngộ Châu chủ trương) số xuân + kỷ niệm chu niên (không nhớ đệ mấy chu niên).

Số báo đặc biệt hằng năm này ra vào ngày 15-1, dày gấp ba, bốn số thường, bài vở thật phong phú từ chính luận đến văn thơ, thời sự, phỏng vấn, giới thiệu và phê bình sách. Phần sáng tác có truyện Dưới tấm bao lơn của Khổng Nghi, họa sĩ Phạm Tăng minh họa. Hình ảnh hai người nô lệ bắp thịt cuồn cuộn quỳ gối gồng mình nâng giữ tấm bao lơn gây cho tôi một cảm tưởng nặng nề.

Và liền đó hay cách mấy trang là truyện ngắn Trong trắng của Trang Thế Hy, đã giải tỏa cho tôi sự ấm ức phải vô tình chịu đựng. Tên hai truyện ngắn này chẳng biết có chính xác, nhưng giờ này tôi không lật lại chồng báo cũ, cứ để cho cái cảm tưởng lãng đãng một chút sương mù ngày xưa vương vấn.

Trang Thế Hy tả cảnh một xóm quê miền Tây Nam bộ sông nước bình lặng, ruộng đồng xanh tươi, con đường làng cũng mộc mạc, hiền lành. Ngày cuối năm mỗi gia đình sai con mang đến biếu nhau những thức cây nhà lá vườn để cùng vui dịp tết. Mỗi bà mẹ biết nhu cầu của từng nhà, sắp sẵn từng phần, dặn dò đứa con đem cho ai, cho ai...

Lạ lùng và thích thú với sự chu đáo ấy, cũng như khi biết mớ rau quả kia được gọi là “hàng bông”. Ở làng quê tôi, thời đó rau quả không nhiều, sẵn sàng cho nhau nhưng không tiên liệu dì Ba thiếu thứ này, thím Bảy thiếu thứ kia, không sai con đem biếu từng nhà.

Tôi cũng đã sống qua thời tuổi nhỏ như những nhân vật của Trang tiên sinh, nhưng không có được những tình cảm nam nữ một cách hồn nhiên vụng dại như cậu bé và cô bé trong truyện. Đó là những lý do khiến tôi nhớ mãi những tình tiết trong truyện. Nhớ mãi mà nhớ một cách dàn trải, mơ hồ. Dàn trải, mơ hồ mà không thể nào quên.

Tôi đọc tác phẩm của Trang Thế Hy không nhiều. Nắng đẹp miền quê ngoại, bút danh tác giả là Văn Phụng Mỹ, đọc qua bài điểm trên nguyệt san Tin Sách. Mỹ Thơ Giả đò yêu không nhớ đọc ở đâu. Nhớ truyện Mỹ Thơ kỹ hơn lại liên tưởng đến Bùi Giáng, những Mỹ Tho Mỹ Thỏ, Sóc Trăng Sóc Trằng và Bình Nguyên Lộc với Xe lửa Mỹ bung vành.

Ruộng đồng sông nước cả Nam kỳ lục tỉnh trải suốt miền Đông đến miền Tây, tôi thường gọi là phương Nam, thật đáng mến thương. Và một trong những người tạo cho tôi niềm mến thương đó là Trang Thế Hy.

Bẵng đi một thời gian không thấy bài của Trang tiên sinh, rồi biết ông đã vào bưng. Sau năm 1975, tình cờ biết bút danh Phạm Võ là của ông, tôi mới đọc Vui nhỏ trên đường dây - trước đó không để ý. Niềm vui này không phải của tôi nhưng tôi vẫn có được chỗ cảm thông, không thấy xa lạ.

Tất nhiên là tôi vẫn rất muốn gặp Trang Thế Hy. Hôm in cuốn Góp nhặt lời quê, có phần sưu tầm chú thích Túy Kiều phú, tôi gửi tặng Trang tiên sinh một cuốn, rất tiếc không được hồi âm. Không khỏi buồn.

Thế rồi xem hình ông chụp với người này, người khác, vóc dáng gầy gầy, khuôn mặt như một “lão nông tri điền”, tôi hiểu là một trí thức trải đời ẩn cư nơi làng quê chứ không phải một ông già làm ruộng, đọc bài Đỗ Hồng Ngọc kể chuyện đến thăm ông, chuyện trò tâm đắc, tôi ngộ ra: đúng là mình vô duyên!

Thời gian gần đây nhiều văn nghệ sĩ nối bước nhau ra đi. Có mấy vị lớn tuổi đã đành. Có mấy bạn trang lứa cũng vội vàng, làm như cõi âm vui lắm mà chật lắm, tranh nhau kẻo hết chỗ! Không khéo những người còn lại, như tôi, sẽ là thiểu số già nua lạc lõng trong cái thế giới trẻ trung, bút lực sung mãn!

Nhà văn Trang Thế Hy (tên thật Võ Trọng Cảnh), qua đời ở tuổi 91 tại Bến Tre vì kiệt sức do tuổi già. Tham gia hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, ông từng viết văn, làm báo tại Sài Gòn và miền Nam.

Tác phẩm chính của ông gồm tập truyện ngắn Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Mưa ấm (1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ 13 (1989), Tiếng khóc và tiếng hát (1993, được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994). Trước đó, ông từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn Anh Thơm râu rồng.

Tháng 7-2014, nhà văn Trang Thế Hy chuyển nhượng toàn bộ bản quyền tác phẩm của ông cho Nhà xuất bản Trẻ và dịp sinh nhật 90 tuổi (tháng 10-2014), Nhà xuất bản Trẻ đã in ba tập truyện ngắn Mưa ấm, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt cùng tập thơ song ngữ Đắng và ngọt gồm 13 bài thơ của Trang Thế Hy được hai dịch giả Nguyễn Bá Chung và Martha Collins dịch sang tiếng Anh, còn 11 bài thơ của Rabindranath Tagore được Trang Thế Hy chuyển ngữ sang tiếng Việt.


Trần Huiền Ân
Nguồn: Tuổi Trẻ