Ngày đăng : 12/12/2015

Vũ Dân Tân và những cuốn "sách của nghệ sỹ"


Những cuốn sách của nghệ sĩ được tạo ra bởi Vũ Dân Tân, khởi điểm từ năm 1994, là minh chứng cho thấy nghệ thuật đương đại Việt Nam giai đoạn sớm đã không bị cô lập khỏi các xu hướng nghệ thuật đương đại thế giới.

Trong một căn phòng rộng rãi, những cuốn sách được bày trên bàn, trên kệ quầy hàng, một số được treo xuống từ trần nhà. Trên tường có gắn các hình quảng cáo hay các trang báo in. Những hình ảnh kỹ thuật số tĩnh hoặc chuyển động tạo sự sinh động cho thế giới hầu như làm bằng giấy này. Trong không gian mà các ấn phẩm chiếm vai trò chủ đạo như vậy, người xem có thể có chút bối rối, nhưng họ sẽ nhanh chóng nhận ra đây không phải cửa hàng sách, cũng không phải thư viện, mà rõ ràng là một không gian nghệ thuật, nơi mọi vật được bày liên quan nhiều tới nghệ thuật thị giác hơn là văn chương.

Cuộc trưng bày khác thường ấy có tên gọi là Kệ, dành cho những cuốn sách của nghệ sỹ (artist’s book), diễn ra từ ngày 14 tới 30/11, tại địa điểm mới của nhóm Nhà Sàn, một không gian nghệ thuật nổi tiếng ở Hà Nội.

Có lẽ nhiều bạn đọc còn chưa hiểu sách của nghệ sỹ có nghĩa là gì. Không sao cả. Bản thân không ít nghệ sỹ, nhà sưu tập nghệ thuật ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới chưa từng nghe nói về xu hướng này của nghệ thuật đương đại. Cách đơn giản nhất để giải thích về những cuốn sách của các nghệ sỹ là phân biệt khái niệm này với một loạt những sự vật khác mà bạn dễ liên tưởng đến: chúng không phải là những cuốn catalogue chụp các tác phẩm của nghệ sỹ; cũng không phải là những cuốn bản thảo hay nhật ký của nghệ sỹ; không phải là những cuốn sách về nghệ thuật viết bởi các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật; và cũng không phải là những cuốn truyện ngắn hay tiểu thuyết do nghệ sỹ viết ra…

Vậy sách của nghệ sỹ là gì? Trước tiên, chúng là các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi các họa sỹ, hay những người làm minh họa, làm bản in, các nhà văn, nhà thơ, hay đơn giản là các nhóm sáng tạo. Lấy ý tưởng hay cảm hứng từ hình dạng và chức năng của những cuốn sách thông thường, sách của nghệ sỹ được các nghệ sỹ chế tác, không nhất thiết mang hình thù một cuốn sách, mà có thể là một cuộn hay chồng giấy. Chúng có thể trở thành một bức tượng, hay chỉ thuần túy là một đám đồ vật nhỏ trong hộp. Thường được chế bản bằng cách in, sao chụp, tạo thành một series giới hạn các phiên bản, hoặc cũng có thể hoàn toàn chế tác bằng tay thành một phiên bản duy nhất.

Mặc dù hoạt động sáng tạo ra sách của nghệ sỹ được thực hành từ nửa đầu thế kỷ 20 (bởi những nghệ sỹ tiên phong theo các trường phái Siêu thực, Dada, Vị lai, Kết cấu, hay Fluxus), nhưng phải tới thập kỷ 1960, 1970, nó mới trở thành một xu hướng nghệ thuật đặc biệt, nằm trong trường phái Ý niệm.   

Ngày nay nó là sự giao thoa giữa nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, thơ thể nghiệm, hay văn xuôi, kết hợp với một số kỹ thuật đa dạng, từ truyền thống tới thể nghiệm.

Vậy vì sao một số nghệ sỹ đam mê xu hướng sáng tạo này?

Bên cạnh sự hấp dẫn của việc kết hợp song hành giữa mỹ cảm thị giác với ngôn từ, xu hướng sáng tạo này còn có những ưu điểm như ít chiếm dụng không gian, ít khi cần nhiều chi phí để sản xuất, tính cơ động cao, giàu tương tác, và dễ tiếp cận tới công chúng.

Nó còn cho phép người nghệ sỹ thoát ra ngoài các khuôn khổ sáng tạo kiểu kinh viện hay thương mại, là sự phản ứng lại trước các lề thói nghệ thuật này. Cũng nên lưu ý rằng ngày nay, đã có những cuốn sách của nghệ sỹ được thừa nhận bởi các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, giới phê bình, các nhà sưu tập nghệ thuật, và được trưng bày cả trong các bảo tàng hay các bộ sưu tập của thư viện.

Những cuốn sách của Vũ Dân Tân


Một trang từ cuốn sách vẽ tay “Các bố cục trên hình oval” của nghệ sĩ Vũ Dân Tân
gồm 29 hình ảnh trừu tượng hoặc tượng trưng, 1994. Ảnh do tác giả bài viết cung cấp.

Trong triển lãm lần này tại Việt Nam, một điều ngạc nhiên không chỉ cho người xem mà cho cả các nghệ sỹ tham gia, là sự xuất hiện những cuốn sách được tạo ra bởi Vũ Dân Tân, khởi điểm từ năm 1994. Đây là minh chứng cho thấy nghệ thuật đương đại Việt Nam giai đoạn sớm đã không bị cô lập khỏi các xu hướng nghệ thuật đương đại thế giới, và ngay từ đầu thập kỷ 1990 tuy chưa có những nhóm nghệ sỹ cùng nhau thực hiện các dự án cách tân trong nghệ thuật thị giác, nhưng đã bắt đầu xuất hiện những thể nghiệm tiên phong của cá nhân.

Cách tiếp cận của Vũ Dân Tân thường kết hợp cả ý niệm và cảm xúc.  Ông thường sáng tạo theo series gắn với chủ đề, thời gian mỗi series khác nhau, có khi vài tuần, cũng có thể tới vài năm. Đa số những cuốn sách của ông được sáng tác trong giai đoạn 1999-2002.

Niềm đam mê làm sách có lẽ xuất hiện trong Vũ Dân Tân từ nhỏ. Cha ông, Vũ Đình Long, là một nhà viết kịch có tiếng, cũng là người sáng lập và là chủ của nhà xuất bản Tân Dân ở 93 Hàng Bông. Cũng tại nơi đây, gia đình ông sinh sống ngay trên tầng 2. Vì vậy, từ khi còn là một cậu bé, Tân đã được chứng kiến tất cả mọi thao tác thủ công của việc làm sách. Có thể đó là lý do khi làm sách của nghệ sỹ, ông thích kết  hợp đồng thời tính chất chế bản hàng loạt trong phương thức làm sách, với tính nguyên gốc và độc bản. Ông ưa thích chế tác bằng tay. Ngay cả những trang chế bản khắc gỗ cũng được ông vẽ tay thêm vào, biến thành độc bản. Việc đóng sách của ông cũng mang tính nghệ thuật, khi đa phần dùng những sợi giấy vặn xoắn chứ không đóng bằng chỉ.

Trong triển lãm Kệ lần này, sự có mặt của khoảng hơn hai chục tác phẩm của Vũ Dân Tân (trong số xấp xỉ 100 cuốn sách ông từng tạo ra) bên cạnh các tác phẩm thể nghiệm của những tài năng trẻ tuổi mang lại những trải nghiệm độc đáo và sinh động cho người xem về sách của nghệ sỹ, một thể loại nghệ thuật mà Việt Nam đã có từ hơn hai thập kỷ trước nhưng còn rất mới mẻ với số đông công chúng. 

Natalia Kraevskaia*
Thanh Xuân
dịch
Nguồn: Tia Sáng

---------------------------------
*Natalia Kraevskaia (Natasha) là tác giả cuốn Từ hoài niệm tới khám phá: Những tiểu luận về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bà là vợ của cố nghệ sỹ Vũ Dân Tân, cùng ông thành lập không gian nghệ thuật Salon Natasha ở Hà Nội. Bà từng giám tuyển nhiều triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam, Úc, Canada, Đức, Phần Lan, Ma Cao và Nga.