Ngày đăng : 30/11/2015

Kiến trúc sư, nhà sưu tập sách xưa Vũ Hà Tuệ: “Không gìn giữ, người sau không còn sách đọc...”


“Sách, nếu không bảo quản, người sau sẽ không có mà đọc. Bây giờ, nếu bạn có sách cách nay vài trăm năm, là nhờ người từ vài trăm năm trước bảo quản sách”. Đó là suy nghĩ rất căn cơ của Vũ Hà Tuệ, một nhà sưu tầm sách xưa của TP. Hồ Chí Minh.


Anh hiện có bao nhiêu cuốn sách xưa cả thảy?

- Tôi chưa bao giờ thống kê cụ thể. Sách được chia theo chủ đề là chính, theo tác giả, độ quý hiếm…

Tìm được một cuốn sách xưa, sau niềm vui có những cuốn sách hiếm, anh có tưởng tượng tới đời sống, hay có thể còn gọi là “nỗi đoạn trường” của cuốn sách ấy, trong đó có một chi tiết cơ bản: Sách đã được bảo quản thế nào để có thể lưu lại cho tới hôm nay? Có những cuốn xưa quý hiếm khi đọc, giở, người ta phải đeo cả găng tay. Ở ngoài Bắc, tôi biết, có những người giữ sách xưa (sách Hán Nôm) bằng cách để nơi cao nhất trong nhà, rắc tiêu bột lên sách. Trong điều kiện khí hậu TPHCM, anh bảo quản tài sản sách của mình thế nào?

- Miền Bắc có mùa nồm, thì đúng là bảo quản sách khó hơn trong Nam. Sách Hán Nôm, có người bảo quản bằng cách rắc tiêu bột là để chống mọt, nhậy; ngoài ra, như tôi tìm hiểu, có người còn bảo quản bằng cách rắc vôi bột. Thực ra, con mối mới là thứ nguy hại nhất, nó ăn sách rất nhanh, ăn vụn sách từ bên trong, mà vỏ vẫn còn nguyên…

Tôi nghĩ, muốn giữ sách tốt, trước tiên để sách trong nhiệt độ vừa phải, không ẩm - làm kệ sách có hậu đằng sau, tránh để bụi - có thể bằng cách bọc bao nylon có lỗ thoát hơi. Thi thoảng cũng phải đảo sách, xem, kiểm tra… Nhiệt độ cao làm sách nhanh hư, giấy nhanh giòn, gẫy, một số sách in ấn ở nước mình hơn 30 năm trước, giấy đen, dễ giòn, hay thế kỷ 19, có vài loại giấy cũng dễ giòn. Tuy nhiên, tôi có những cuốn in từ thế kỷ 17, giấy vẫn rất tốt.

Mua được cuốn sách cũ mà hư, thường tôi dán, sửa lại. Bây giờ kiếm được người đóng được cuốn sách đẹp, bọc da, gáy có gân… như ông Văn Thơ (góc đường Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng) đóng - rất hiếm! Đơn giản vì không có nhiều người có nhu cầu như ngày xưa, thợ đóng sách khéo nghề không làm nữa. Giờ người ta đóng luận văn là chính.

Trong khi đó ở nước ngoài, người ta vẫn còn giữ nghề đóng sách, tạm gọi là nghệ thuật và cổ truyền đi. Những cuốn sách đóng gáy gân bìa da thì giá trị sẽ khác. Một cuốn sách nguyên, có khi mua với giá một đồng, tiền đóng đẹp cũng hết một đồng. Ở nước ngoài, sách xưa, cổ, được đóng đẹp, vẫn được bán theo tinh thần này.

Xưa, như cụ Vương Hồng Sển, những quyển nào cụ thích, bao giờ cụ cũng đóng bìa cẩn thận. Còn gần đây giờ, phần nhiều người ta chơi theo cách sách chơi còn nguyên bìa nguyên gáy…

Cũng khá thú vị, chính từ dưới góc độ bảo quản sách này, khi đi mua sách, mình biết thẩm định, cân nhắc cuốn (cũ, xưa) nào nên, có thể mua, cuốn nào không… Nhờ thế mà đôi khi mua được những cuốn quý hiếm, tình trạng còn tương đối tốt, mà giá lại rẻ…

Anh tìm mua sách thế nào? Có khi nào ở một nơi heo hút lại bỗng tìm được một cuốn cực quý?

- Tôi thường mua ở những tiệm sách cũ. TPHCM vẫn là nơi có nhiều sách và dễ mua nhất, còn nhiều sách từ trước 1975. Hà Nội thì nhiều sách từ thời những năm 1950 - 1960 thế kỷ trước. Mua, trao đổi qua mạng, cũng tiện.

Mua được một cuốn quý hiếm nhiều khi tình cờ, lại rất đơn giản, nhưng phải có kiến văn thì mới gặp duyên. Xung quanh mỗi cuốn sách, đúng là cũng có những chuyện vui. Ví dụ một trong những cuốn tôi rất thích, tiếng Pháp, rất hiếm - “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ” in 1864, tình cờ tôi mua được ở TPHCM - điều quan trọng là mua tại Việt Nam, và rẻ bằng nửa giá mua ở Pháp. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt. Người dịch cuốn này mua được cuốn sách bằng tiếng Pháp, ở Pháp với giá rẻ, nhưng không đầy đủ bản đồ, danh mục như cuốn sách tôi mua được. Hay cuốn này, về cây cỏ Nam kỳ, bản in lần 2, năm 1793, do một linh mục Bồ Đào Nha biên soạn, tiếng Latinh, nhưng tên cây cỏ biên bằng tiếng Việt. Tuy không có tranh hình minh họa, nhưng bản này quý hiếm hơn bản in lần 1 vào năm 1790 vì có phần hiệu đính của một nhà thực vật học, giáo sư nổi tiếng người Đức, nên chuẩn hơn, bản in 1793 cũng không nhiều, ít thấy.

Hay cuốn sách giấy in hoa vân (gọi là giấy Mapble), in năm 1941, 200 bản, kỳ công, kỷ niệm 350 năm ngày sinh Alexander de Rhodes có hình tấm bia (tới nay đã bị đập bỏ) - Nhà bia Alaexander de Rhodes khánh thành vào ngày 29.5.1941 (người khởi xướng và đứng ra dựng bia là nhân sĩ Nguyễn Văn Tố).

Hay bản “Vỡ đê” của Vũ Trọng Phụng in 1936 này là những tay báo được đóng lại… mua được từ tủ sách của ông nhà thơ, nghiên cứu Phan Văn Dật (Huế) với những ghi chú của ông Dật…

Cuốn sách đầu tiên anh tự sưu tầm là cuốn gì? Nó ảnh hưởng ra sao tới việc sưu tầm sách của anh?

- Bố tôi có một số sách từ xưa để lại. Tôi tiếp cận tủ sách của bố từ nhỏ, đã đọc, ví dụ, những cuốn về lịch sử Trung Quốc in năm 1944, bằng giấy bản. Lớn hơn, hay đọc những cuốn phiêu lưu mạo hiểm, như sách của nhà văn Pháp - Jules Verne, cố mua cho đủ bộ. Dần dần, việc chuyển từ mua sách thành chơi sách là một chuyển biến rất tự nhiên trong tôi.

v Mỗi ngày, anh dành cho sách được bao nhiêu thời gian, mỗi lần đảo, xem, ngắm nghía, đọc sách, có nghe dâng lên sự biết ơn những cuốn sách có được, nghĩ rằng, nhờ chúng, mình thành ra một Vũ Hà Tuệ như hôm nay?

- Mỗi ngày chừng hai ba tiếng tôi dành cho sách. Đọc, chơi sách, trước hết là vì thích, là cho chính mình. Có nhiều người, tôi biết, đọc sách nhiều, nhưng họ coi sách như một công cụ tìm kiến thức. Họ không bảo quản sách, có khi đọc xong thì cuốn sách của họ hư hao. Tôi thì nghĩ khác, với tôi bảo quản sách rất quan trọng, bởi nếu không bảo quản, người sau sẽ không được đọc. Bây giờ, mình có sách cách nay vài trăm năm để đọc, nghiên cứu nhiều vấn đề, là nhờ người từ vài trăm năm trước họ bảo quản sách.

Anh đã nghĩ tới việc số hóa những cuốn sách quý, đưa miễn phí tới độc giả?

- Tôi cũng có chia sẻ sách cho một số người nghiên cứu; nhưng không hết, theo kiểu rộng rãi, công cộng, vì còn liên quan tới nhiều thứ, như việc bản quyền, như cuốn của nhà thơ Lưu Trọng Lư in năm 1939…; lại còn có những thứ thuộc về tư liệu độc quyền, phải cân nhắc, chưa nói tới một số tư liệu vẫn còn thuộc diện “nhạy cảm” vì một vài lý do…

Có thể, trong số sách báo xưa anh hiện có, có những món nào khiến anh thay đổi thậm chí hoàn toàn suy nghĩ, quan điểm về một con người, sự kiện, theo chiều hướng tích cực và cả… tiêu cực?

- Cũng có, nhưng chưa đến mức ghê gớm. Ngoài việc sưu tầm sách, tôi còn sưu tầm thủ bút, bản thảo, thư từ… của các nhà văn, nhà thơ. Những tư liệu này cũng phần nào cho tôi biết thêm chi tiết, thông tin trong đời sống văn nghệ, cũng khiến mình nhìn nhận khác đi…

Anh hiện có bao nhiêu thủ bút của nhiều tác giả. Ý định cùng những người đồng sở thích ra một tập sách với thủ bút cách tác gia Việt Nam tới lúc này thế nào?

- Về thủ bút, tôi mới tính được, chừng 500 - 600. Một số bản đã đưa lên mạng.

Sách xưa có thủ bút với những lời đề tặng trân trọng, có dẫn anh tới suy nghĩ, đấy, các cụ ngày xưa lịch sự, quý nhau, quý sách thế; chứ bây giờ thì…

- Bây giờ, có những cuốn sách được tặng, thời gian sau đã thấy nó “ở ngoài xã hội”. Xưa hay nay, với người Việt hay người nước ngoài, cũng có những cuốn sách có chữ ký của tác giả, nhưng hoàn toàn chưa rọc… như tôi mới tìm được cuốn ông Phạm Quỳnh tặng một người bạn Pháp, cuốn đó hoàn toàn chưa rọc…

Khi đọc báo, sách xưa, với các bài viết ví dụ của các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Tố… dù không muốn, anh vẫn buộc phải nghĩ, đấy, ngày xưa, các cây bút có kiến văn rộng như thế, chứ các tay viết bây giờ thì…

- Báo chí Việt có những cây bút, với tôi, quá hoành tráng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi… Điều tôi lưu ý nhiều hơn là thái độ tranh luận của các các cây bút ngày xưa, khác với bây giờ: Họ bút chiến, cũng có “chửi xéo” nhau, nhưng thái độ vẫn giữ được sự tôn trọng nhau, đặc biệt trong thái độ đối với người đọc… Họ bất đồng quan điểm, nói nhau qua những bài báo rất gay gắt, nhưng cái gay gắt không phải mạt sát nhau… Ví dụ cuộc bút chiến giữa ông Ngô Tất Tố với ông Nguyễn Văn Tố, của ông Phan Khôi với ông Trần Trọng Kim. Như ông Trần Trọng Kim khi in tập 1 cuốn "Nho giáo" bản đầu 1930, sau đó có tranh luận với Phan Khôi. Sau đó, ông Trần Trọng Kim chấp nhận là ông Phan Khôi nói đúng, ông sửa lại tập 1, in một bản in khác năm 1932…

 Sách điện tử đang được ưa chuộng. Anh có nghĩ tới việc sưu tầm loại sách này?

- Tôi chưa nghĩ tới. Thi thoảng tìm được di bút xưa, không có bản gốc, đành phải nhờ mạng. Hay những bộ báo đã được số hóa, tôi vẫn lưu đủ. Nhưng tôi nhìn như tư liệu tham khảo, chứ chưa phải là món để sưu tầm.

Sưu tầm, chơi sách báo xưa - về tinh thần cả về vật chất, anh có thấy mình là một người giàu có?

- Cũng kha khá.

Một câu hỏi rất phổ thông và “thời sự”: Anh nghĩ gì về “cái chết đã được báo trước” của báo giấy và sách giấy?

- Với người hay đọc và đọc nhiều, đọc sách báo giấy vẫn thú vị lắm chứ! Quan trọng là ở cái cảm giác thân thuộc, “ruột thịt” khi cầm tờ báo, cuốn sách giấy trong tay, và đọc…

Xin cảm ơn anh!

Lâm Tuyền thực hiện
Nguồn: Lao Động