Ngày đăng : 27/11/2015

"Về chốn thư hiên" và thú chơi sách trong Nam ngoài Bắc


Có thể nói, sau quyển Thú chơi sách của Vương Hồng Sển trở thành sách “gối đầu giường” của nhiều người chơi sách, quyển Về chốn thư hiên tiếp tục là một tập sách về thú chơi này, nhưng dày dặn hơn với nhiều vấn đề được tiếp cận kỹ lưỡng hơn.


Một buổi giao lưu về đề tài chơi sách sẽ được tổ chức vào 8g30 thứ bảy 28-11 tại Trung tâm sách đại học (10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) với diễn giả là Trần Trọng Cát Tường và nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Chương trình nằm trong khuôn khổ sinh hoạt “Cà phê học thuật nhân văn” do Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực - Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, phối hợp với Trung tâm sách đại học tổ chức.

Cà phê học thuật lần này có nội dung xoay quanh tập sách Về chốn thư hiên - tác phẩm đầu tay của Trần Trọng Cát Tường, cũng là dịp anh trải lòng với người mê sách và giới sưu tập sách lâu nay. Cát Tường là nhà sưu tập quen thuộc của giới chơi sách trong Nam ngoài Bắc, và là thành viên của mạng sachxua.net từ sớm.

Về chốn thư hiên vừa như tập hợp các bài khảo cứu về sách quý hiếm, tư liệu từ sách, về các quan niệm chơi sách và giá trị của những pho sách được truyền tụng trong giới sưu tập...; vừa như một thiên ký sự của người trong cuộc đã dành phần lớn thời gian của mình cho sách.

Có thể nói, sau quyển Thú chơi sách của Vương Hồng Sển trở thành sách “gối đầu giường” của nhiều người chơi sách, quyển Về chốn thư hiên tiếp tục là một tập sách về thú chơi này, nhưng dày dặn hơn với nhiều vấn đề được tiếp cận kỹ lưỡng hơn.

Trần Trọng Cát Tường không chọn giọng văn tự sự cổ kính như cụ Vương. Anh có lối nói nhẹ nhàng bay bổng. Bạn đọc trong và ngoài giới chơi sách tìm đến Về chốn thư hiên có thể sẽ không đọc nhanh chóng một mạch hết sách, nhưng rồi biết đâu, hoặc là câu chuyện nhà thơ Vũ Đình Liên thăm Quách Tấn ở Nha Trang, hoặc là quan niệm về thú sưu tập các bản sách in lần đầu tiên (first edition), hoặc nghiên cứu về chứng cuồng thư bắt nguồn từ thế kỷ 18-19 ở phương Tây như thế nào... sẽ giúp cho bạn đọc “sáng” ra một chút, đồng điệu một chút trên hành trình tìm kiếm niềm vui ở chốn sách vở bút mực...

Lam Điền
Nguồn: Tuổi Trẻ